Với truyền thống yêu nước nồng nàn, "giặc đến nhà đàn bà cũng đánh", phụ nữ Việt Nam đã có những đóng góp vô cùng to lớn trong chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử.
Phụ nữ cũng có mặt ở tiền tuyến
Phụ nữ Việt Nam thời nào cũng vậy, lòng yêu nước đã trở thành đạo đức, tình cảm thiêng liêng và họ đã biến nó thành hành động chính nghĩa, dành độc lập cho dân tộc mình.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, trước khi bước vào chiến dịch Ðiện Biên Phủ, cùng với toàn dân, phụ nữ đã tham gia mọi công việc của kháng chiến, đặc biệt là phục vụ hàng chục chiến dịch lớn. Ðây là lần đầu tiên phụ nữ tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu trong các chiến dịch có lực lượng địch tập trung lớn, vũ khí hiện đại.
Phụ nữ các dân tộc tham gia dân công cùng bộ đội công binh làm đường từ Tuần Giáo vào Điện Biên Phủ
Toàn chiến dịch Ðiện Biên Phủ, phụ nữ đã đóng góp trên 2,3 triệu ngày công, chiếm 50% số ngày công phục vụ.
Điện Biên Phủ ở xa hậu phương, địa hình hiểm trở, thời gian chiến dịch kéo dài, thời tiết bất lợi. Địch lại tập trung lực lượng lớn không quân đánh phá các tuyến đường giao thông; ném bom phá, bom nổ chậm, bom napan, bom bướm… chặn đường tiếp tế của ta.
Bất chấp gian khổ, hiểm nguy, hàng chục ngàn phụ nữ đã hăng hái tham gia vào các đội thanh niên xung phong, làm đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, đạn dược, thuốc men ra chiến trường; tải thương, nuôi dưỡng thương binh…
Nhờ có sự đóng góp to lớn của phụ nữ mà trong suốt thời gian dài chiến dịch vấn đề cung cấp đã được giải quyết tốt, bộ đội được ăn đủ tiêu chuẩn 0,8 kg gạo một ngày. Thương binh được đưa kịp thời về hậu tuyến và được chăm sóc chu đáo.
Với khẩu hiệu "bảo vệ giao thông tuyệt đối", chị em dũng cảm làm việc ngay cạnh những quả bom nổ chậm, chống lầy, phá bom, đắp đường sạt lở, bắc cầu… Nhiều chị xông pha giữa bom đạn để cứu hàng, ngụy trang hàng.
Trên tuyến vận tải thủy Lai Châu-Điện Biên Phủ, phải vượt qua hàng trăm thác ghềnh nguy hiểm, phụ nữ vẫn là người đảm nhiệm chủ yếu. Trong khi "rét rừng thấu đến xương tủy; mặc hết cả áo, đắp hết cả chăn mà đầu gối vẫn buốt", chị em chỉ có áo mỏng vẫn chở thuyền vượt qua các dòng thác. Có chị đã thức suốt 30 đêm, tay cầm đèn nến, chạy lên, chạy xuống một đoạn đường có 9 cái thác để hướng dẫn các đoàn thuyền đi-đến một cách an toàn.
Tại hỏa tuyến, phụ nữ trèo đèo, lội suối vác đạn pháo 105 ly vào các trận địa. Có chị bị bom napan làm cháy cả mái tóc vẫn lao mình vào cứu các hòm đạn. Hết lòng vì thương binh, nhiều chị quỵ ngã trên đá tai mèo, đầu gối tóe máu nhưng thương binh vẫn được nằm an toàn trong cáng. Gặp trời mưa phùn, giá rét, các chị nhường áo mưa, áo bông cho thương binh.
Không chỉ phụ nữ người Kinh mà phụ nữ các dân tộc Tày, Nùng, Thái, Mèo, Dao, Hoa, Puộc, Xá… cũng hăng hái tiếp tế lương thực, thực phẩm, đạn dược, tải thương, làm hầm, dựng lán cho thương binh, đào hào chống xe tăng địch, phá cầu, chữa đường…
Cũng lần đầu tiên phụ nữ Mông, Khơ Mú xuống núi "tay xách, nách mang" nào lợn, gà, dê, ngô, khoai; phụ nữ Thái cũng rời xa bếp củi mang thóc gạo, muối, cá... ủng hộ bội đội đánh giặc. Trải qua nhiều năm bị áp bức bóc lột, chịu sự kìm kẹp của chế độ thực dân, họ hiểu rằng chỉ có con đường đứng lên chiến đấu, theo con đường cách mạng mà Đảng và Bác Hồ dẫn dắt mới thoát khỏi cảnh "nước mất nhà tan", mới có cuộc sống hòa bình, ấm no.
Có mẹ già người Thái ở Mường Thanh, nhà chỉ còn một ống muối vẫn kiên quyết tặng cho bộ đội. Có rất nhiều gương sáng tận tụy, giàu lòng hy sinh của phụ nữ cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Nhiều chị đã ngã xuống khi tuổi đời còn rất trẻ.
Đến với Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, câu chuyện về nữ dân công Hà Thị Miên, hi sinh anh dũng trên con đường tải đạn từ Nà Nhạn vào Mường Phăng luôn được kể với giọng xúc động nhất. Kỷ vật còn lại của chị là đôi dép cao su chị mang hằng ngày, được trưng bày trang trọng cũng với nhiều hiện vật, tài liệu quý khác của chiến dịch Điện Biên Phủ.
Nhật ký của cố giáo sư Tôn Thất Tùng ghi ở mặt trận Điện Biên Phủ ngày 7/4/1954 đã viết: “Một chị dân công bị đại bác bắn vào chân. Bảo anh Quang chữa và cho thuốc men làm sao cố cứu chị. Mai sẽ đi gắn huy hiệu Hồ Chủ tịch cho chị. Chị đã lấy thân mình che chở cho thương binh lúc máy bay oanh tạc. Dũng cảm quá!”
Phụ nữ khắp các địa phương hăng say lao động để gửi gạo vào chiến trường
Góp phần quan trọng củng cố và ổn định hậu phương
Trong chiến dịch Ðiện Biên Phủ vấn đề hậu phương là một trong những vấn đề quan trọng nhất. Hậu phương có ổn định thì mới bảo đảm việc cung cấp mọi nhu cầu cho mặt trận, ổn định tinh thần chiến sĩ ngoài mặt trận. Trong khi hầu hết nam giới đã được động viên ra tiền tuyến, thì mọi công việc khác ở hậu phương phần lớn do phụ nữ gánh vác.
Chia lửa với chiến trường, phụ nữ ở hậu phương tích cực lao động sản xuất làm ra nhiều lúa gạo tiếp tế cho tiền tuyến; thi đua "giết giặc lập công", tham gia dân quân du kích, đấu tranh chống giặc bắt lính, làm công tác địch vận, biểu tình, bãi công, bãi khóa, bãi thị, tuyên truyền vạch trần mọi âm mưu thâm độc của kẻ địch, đấu tranh trên các mặt trận kinh tế, chính trị, văn hóa… gây cho địch nhiều tổn thất nặng nề. Một số nữ du kích đã lập công xuất sắc, được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân như chị Nguyễn Thị Chiên, Mạc Thị Bưởi.
Ở các địa phương, chị em phụ nữ cũng tích cực vận động mọi người đóng góp của cải, vật chất cho chiến dịch, tặng quần áo ấm cho người đi dân công. Ðồng bào Mông khắc phục tập quán để xuống núi. Ðồng bào Thái cố học cách gồng gánh của người Kinh để tăng năng suất phục vụ. Anh chị em dân công xe thồ chuẩn bị xe đạp, cố gắng mua sắm phụ tùng tốt.
Phụ nữ nông dân đã hưởng ứng nhiệt liệt chính sách của Ðảng và Nhà nước bất chấp khó khăn về thiên tai, sự phá hoại và đàn áp của giặc bám làng bám ruộng để sản xuất tăng sản lượng thóc và nộp nhanh, nộp đủ thuế. Nông dân vùng tạm bị chiếm chuyển thóc ra vùng tự do để đóng thuế cho Chính phủ. Có nơi nhân dân cất giấu thóc ngay tại địa phương để cung cấp cho bộ đội và du kích hoạt động ở vùng địch hậu.
Chị em phụ nữ vùng Tây Bắc cùng với gia đình họ đã đóng góp nhiều nhất cho chiến dịch. Ðồng bào đã đóng góp xe đạp, thuyền bè, voi thồ, ngựa thồ. Cả vùng Tây Bắc và vùng Trung Bộ đã huy động được hàng trăm voi để chuyên chở phục vụ kháng chiến. Phụ nữ Tây Bắc hăng hái xay thóc để cung cấp gạo cho bộ đội. Vào thời điểm đó, Ðảng ủy mặt trận Ðiện Biên Phủ nhận định: Vấn đề cung cấp sẽ không được giải quyết nếu không vận động được toàn thể đồng bào Tây Bắc đứng lên cùng bộ đội đánh giặc. Ðồng bào Mông xưa nay chưa bao giờ xuống núi, phụ nữ Mông đã vận động chồng con đi dân công phục vụ chiến dịch và tòng quân.
Ở vùng tự do, vùng tạm chiếm, miền xuôi, miền ngược, đâu đâu chị em cũng sẵn sàng hy sinh những tình cảm thiêng liêng nhất của mình, vận động chồng con, người thân tòng quân giết giặc. Hàng nghìn gia đình có từ 3-4 quân nhân trở lên. Nhiều gia đình có đến ba con gái, con dâu cùng nhập ngũ.
Để làm ấm lòng các chiến sĩ đang chiến đấu ở Điện Biên Phủ, Hội mẹ chiến sĩ với trên 500.000 hội viên đã gây dựng phong trào chăm sóc thương binh, gửi quà, thư cho bộ đội. Phong trào phụ nữ lên Điện Biên đón thương binh về chăm sóc được hưởng ứng sôi nổi.
Ngoài ra, phụ nữ hậu phương còn có nhiều hoạt động khác làm suy yếu kẻ địch trên các mặt trận kinh tế, văn hóa ở khắp các vùng đô thị, nông thôn, vùng tự do, vùng tạm bị chiếm. Các cuộc biểu tình, bãi công, bãi khóa liên tiếp nổ ra. Các cơ sở kinh tế của địch luôn luôn bị phá hoại. Những chiến dịch tuyên truyền, cổ động nhằm vạch trần âm mưu của địch, khuyếch trương thanh thế của ta, thường xuyên được tổ chức.
Có thể nói, phụ nữ đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng vào chiến thắng Điện Biên Phủ. Chính thực dân Pháp cũng phải thừa nhận: "Các ông đã thắng vì các ông có dân, không những nam giới mà cả phụ nữ cũng có mặt ở tiền tuyến".
70 năm đã trôi qua, nhiều phụ nữ tham gia chiến dịch Ðiện Biên Phủ đã không còn nữa nhưng lịch sử dân tộc luôn ghi nhận những đóng góp phi thường của các chị.
Và với lịch sử dân tộc, họ chính là những người góp phần không nhỏ cho mốc son chói lọi: Chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu.
Phương Liên
Xem thêm:
1. Tranh cổ động tuyên truyền kỷ niệm 70 năm Ngày Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5/1954-7/5/2024)
2. Hướng về Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: chinhphu.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn