Biến đổi khí hậu có thể khiến các hiện tượng thiên tai như lũ lụt, bão, nắng nóng, hạn hán… trở nên trầm trọng và kéo dài lâu hơn trên khắp thế giới, làm gián đoạn hoạt động sản xuất, phá hủy cơ sở hạ tầng, gây tổn hại lớn đến kinh tế các quốc gia.
Những trận mưa xối xả kéo theo lũ lớn đã tàn phá nghiêm trọng một số quốc gia châu Âu như Itally, Đức, Pháp và Thụy Sĩ.
Đầu tháng 6, tại miền Nam nước Đức, hơn 1.000 người phải sơ tán do mưa lũ. Mưa xối xả trút xuống trong nhiều ngày đã khiến mực nước ở một số con sông, trong đó có sông Donau, Neckar và Guenz, dâng cao, gây ngập lụt trên diện rộng ở các thành phố và thị trấn ven biển. Ở nhiều khu vực, mực nước sông đã dâng lên mức cao nhất trong một thế kỷ.
Hai bang miền Nam nước Đức là Bavaria (Bayern) và Baden-Wuerttemberg chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Sáng 2/6, bang Bavaria đã ban bố tình trạng khẩn cấp tại 10 khu vực. Riêng tại khu vực Neuburg-Schrobenhausen, hơn 670 cư dân đã được sơ tán. Tại thành phố Meckenbeuren của Baden-Wuerttemberg, khoảng 1.300 người cũng được yêu cầu đi lánh nạn do nguy cơ lũ lụt.
Tại Thụy Sĩ, ít nhất 4 người đã thiệt mạng và 1 người khác mất tích do lũ lụt tấn công miền Nam nước này vào cuối tháng 6. Theo cảnh sát địa phương và đài truyền hình nhà nước Thụy Sĩ (SR), 3 người đã thiệt mạng trong vụ lở đất ở Thung lũng Maggia. Một người khác thì tử vong trong một khách sạn ở Saas-Grund do bị bất ngờ trước mực nước dâng nhanh.
Cảnh sát Thụy Sĩ cho biết lũ lụt là kết quả của mực nước dâng cao nhanh chóng ở một số con sông, bao gồm cả sông Rhône, do bão và tuyết tan. Mực nước dâng cao đã tàn phá các con đường ở bang Valais, giáp biên giới với Italy, khiến giao thông tê liệt. Hàng trăm người dân ở đã được sơ tán khẩn cấp. Trong một tuyên bố với giới truyền thông, Ngoại trưởng Thụy Sĩ Ignazio Cassis chia sẻ: “"Những tấn bi kịch liên tiếp xảy ra đã tác động đáng kể đến chúng tôi".
Không dừng lại ở châu Âu, tình trạng mưa lũ nghiêm trọng còn tấn công sang châu Á và châu Mỹ.
Những hình ảnh trong các đợt lũ do các cơn mưa lịch sử gây ra tại Đức, Brazil, Hàn Quốc, Trung Quốc. Ảnh: TTXVN
Tối 4/7, lũ lụt và lở đất do mưa lớn trong thời gian gần đây tại tỉnh Giang Tây (miền Đông Trung Quốc) ảnh hưởng đến hơn 1,56 triệu người. Theo Cơ quan Kiểm soát lũ lụt và cứu trợ hạn hán tỉnh Giang Tây, 43 hộ gia đình mất nhà ở và gần 161.000 ha đất nông nghiệp bị ngập úng. Thiệt hại kinh tế trực tiếp ước tính 1,86 tỷ nhân dân tệ.
Giới chức địa phương đã triển khai công tác ứng phó khẩn cấp cấp 4 đối với lũ lụt tại tỉnh Giang Tây. Trước đó, vào ngày 29/6, Trung Quốc đã ban hành cảnh báo đỏ về mưa lớn - mức nghiêm trọng nhất trong hệ thống cảnh báo thời tiết 4 cấp của nước này.
Tại tỉnh Hồ Nam, sau khi hứng chịu những cơn mưa lớn nhất trong năm nay, khoảng 10km đê hồ Động Đình - hồ nước ngọt lớn thứ hai của Trung Quốc - đã bị vỡ vào chiều 5/7. Khoảng 2.000 nhân viên cứu hộ đang chạy đua với thời gian để gia cố bờ kè tại hồ này. 5.000 cư dân trong khu vực bị ảnh hưởng đã được di dời an toàn. Hiện chưa có thông tin về người mắc kẹt hoặc thương vong.
Trong ngày 10/4, Hàn Quốc cũng chứng kiến trận mưa lớn kỷ lục trong 200 năm. Mưa lớn như trút nước đã đổ xuống các tỉnh Bắc Jeolla và Nam Chungcheong của Hàn Quốc, khiến ít nhất 4 người thiệt mạng, 3.000 người phải sơ tán, gần 4.000 người mất nhà cửa. Lượng mưa đo được lên tới 255 mm chỉ trong vài giờ, gây ra ngập lụt trên diện rộng.
Tại châu Mỹ, Brazil và Mỹ là hai nạn nhân mới nhất trong các bi kịch do thảm họa thiên nhiên gây ra. Đợt lũ lụt lịch sử kéo dài một tháng qua ở Brazil, được các chuyên gia cho là do biến đổi khí hậu trầm trọng hơn bởi El Nino, đã khiến 169 người thiệt mạng và hơn 580.000 người phải di dời. Lũ lụt đã tàn phá trên diện rộng, chủ yếu ở các khu vực miền Nam Brazil. Nhiều cây cầu bị sập, đường sá hư hại nghiêm trọng khiến việc vận chuyển hàng hóa vô cùng khó khăn, hoạt động sản xuất cũng ngưng trệ vì 90% các nhà máy bị tê liệt. Trong khi đó, tại Mỹ, giới khí tượng cũng đang cực kỳ hoang mang trước cường độ cực lớn của những cơn bão mùa Hè.
Cuối tháng 5, bão Harvey đã gây ra lũ lụt chưa từng thấy và thảm khốc ở vùng Đông Nam Texas. Cơn bão gây ra lượng mưa kỷ lục, nước lũ ngập tới 1m. Đây cũng là cơn bão có lượng mưa lớn kỷ lục nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Hiện bang này cũng đang thấp thỏm chờ cơn bão Beryl. Các cảng dầu lớn, các trường học phải đóng cửa; hơn 1.300 chuyến bay bị hủy; hơn 300.000 hộ gia đình và doanh nghiệp tại Texas bị mất điện.
Năm nay là năm nóng nhất được ghi nhận và nhiều vùng rộng lớn trên thế giới đã phải hứng chịu nhiệt độ cao trước khi bắt đầu mùa hè ở Bắc Bán cầu.
Khắp châu Á, châu Mỹ, Trung Đông, hiện tượng nắng nóng cực đoan đã khiến hàng trăm người tử vong. Các nhà khoa học về khí hậu cảnh báo nắng nóng khắc nghiệt dẫn đến chết người có thể xảy ra thường xuyên và nghiêm trọng hơn do cuộc khủng hoảng khí hậu ngày càng tồi tệ.
Các tín đồ Hồi giáo cầu nguyện tại Đền thờ Lớn ở thánh địa Mecca, Saudi Arabia, trong lễ hành hương Hajj. Ảnh: IRNA/TTXVN
Tại Saudi Arabia, trên 1.300 người hành hương đã tử vong khi tham gia lễ hành hương Hajj năm nay, chủ yếu do nắng nóng khắc nghiệt với nhiệt độ ở Mecca lên tới 51,8 độ C. Lễ hành hương Hajj kéo dài nhiều ngày, với các hoạt động chủ yếu diễn ra ngoài trời. Thời tiết nóng nực không thuận lợi đối với những người hành hương tuổi cao và ốm yếu. Những người hành hương không có giấy phép chính thức dễ bị tổn thương hơn trước điều thời tiết khắc nghiệt. Do không có giấy phép, họ không thể tiếp cận những nơi có điều hòa nhiệt độ sau nhiều giờ đi bộ và cầu nguyện ngoài trời.
Tại Ấn Độ, chuyên gia thời tiết hàng đầu của chính phủ cho biết nước này đang trải qua đợt nắng nóng kéo dài nhất từ trước đến nay, đồng thời cảnh báo thời tiết sẽ ngày càng ngột ngạt trong thời gian tới. Trong đợt nắng nóng mới nhất, nhiệt độ ở thủ đô New Delhi ngang với mức cao kỷ lục trước đó ở thành phố này là 49,2 độ C ghi nhận năm 2022. Chính phủ đã buộc phải ban hành cảnh báo đỏ - cấp cao nhất – đối với hiện tượng cực đoan này.
Người dân Ấn Độ chật vật vì thiếu nước trong nắng nóng. Ảnh: TTXVN
Mặc dù theo thống kê chính thức, đợt nắng nóng mới nhất tại Ấn Độ khiến gần 100 người tử vong song các chuyên gia y tế công cộng chỉ ra con số có thể lên tới hàng nghìn người. Các chuyên gia cho rằng nguyên nhân dẫn tới số liệu thống kê không đầy đủ là do nắng nóng không thường xuyên được liệt kê là một nguyên nhân trong hồ sơ chứng tử. Giới chuyên gia lo ngại điều này đồng nghĩa với việc vấn đề sóng nhiệt không được ưu tiên giải quyết và xử lý như vốn dĩ phải vậy và các quan chức thì đang thiếu các phương án chuẩn bị cho công dân trước thời tiết như thiêu như đốt.
Cá chết do hạn hán tại đầm phá Bustillos, bang Chihuahua, Mexico ngày 5/6/2024. Ảnh: AFP/TTXVN
Tại châu Âu, các cơ quan y tế và tổ chức khí tượng đồng loạt cảnh báo “stress nhiệt” sẽ gia tăng ở khu vực. Theo một báo cáo công bố hồi tháng 4 của Cơ quan theo dõi biến đổi khí hậu Copernicus của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO), châu Âu đang nóng lên nhanh gấp đôi mức trung bình toàn cầu, đồng thời dự báo trong tương lai, các đợt nắng nóng sẽ kéo dài với cường độ mạnh hơn. Chính vì vậy, châu Âu cũng đang chứng kiến xu hướng tình trạng "stress nhiệt" gia tăng.
Theo định nghĩa của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), "stress nhiệt", hay căng thẳng do nhiệt gây ra đối với cơ thể, là nền nhiệt độ cao hơn mức cơ thể có thể chịu đựng được mà không ảnh hưởng xấu đến sinh lý. Hiện tượng này thường xảy ra ở nhiệt độ trên 35°C và trong môi trường có độ ẩm cao. Stress nhiệt có thể gây ra những rủi ro đối với sức khỏe con người nếu chịu đựng trong một thời gian dài, đặc biệt đối với những người lao động ngoài trời như công nhân, người cao tuổi và những người có bệnh nền như tim mạch và tiểu đường.
Tại Mỹ, vào giữa tháng 6, hơn 77 triệu người, từ tiểu bang Iowa đến Maine, đã được đặt trong tình trạng cảnh báo sau khi Cơ quan Khí tượng Quốc gia gọi đây là một đợt nắng nóng “nguy hiểm và kéo dài”.
Hàng trăm kỷ lục về nhiệt độ cao ở các nơi bị phá vỡ trong tuần, với nhiệt độ tăng cao hơn tới gần 3,9 độ C so với mức trung bình. Vào ban đêm, nhiệt đột cũng không giảm nhiều; duy trì trên 21 độ C.
Nắng nóng là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong liên quan đến thời tiết ở nước này. Theo một báo cáo được công bố hôm 18/6, chỉ riêng ở New York, có khoảng 350 người tử vong vào mỗi mùa hè do nắng nóng. Hầu hết trong số đó là những trường hợp tử vong do nhiệt độ cao, có nghĩa là nhiệt độ cao làm trầm trọng thêm căn bệnh tiềm ẩn.
Năm 2023 là một năm đáng buồn với vô số kỷ lục về khí hậu toàn cầu đã bị phá vỡ. Theo báo cáo thường niên Tình trạng Khí hậu Toàn cầu của Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) công bố hồi tháng 3, nhiệt độ trung bình của Trái Đất đã lên tới mức cao nhất trong 174 năm, cao hơn 1,45 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp. Báo cáo cũng chỉ ra rằng nhiệt độ đại dương cũng ở mức ấm nhất trong 65 năm, gây hại cho nhiều hệ sinh thái biển.
Các nhà khoa học cảnh báo năm 2024 có thể còn tồi tệ hơn. Rõ ràng hiện tượng El Nino làm tăng nhiệt độ trong những tháng đầu tiên của năm nay, cùng với đó là hiện tượng La Nina mới chớm hình thành nhưng đã kéo theo vô vàn thay đổi nhanh, bất thường và khó lường đã chứng minh những mối lo ngại đó không còn dừng lại ở cảnh báo.
"Biến đổi khí hậu đã làm trầm trọng thêm tần suất và mức độ nghiêm trọng của những sự kiện thời tiết cực đoan, ảnh hưởng sâu sắc đến xã hội, nền kinh tế và quan trọng nhất là cuộc sống của con người", Tổng thư ký WMO Celeste Saulo phát biểu tại một hội nghị hồi tháng 4.
Các chuyên gia nhấn mạnh cần có hệ thống cảnh báo sớm về thời tiết khắc nghiệt để giảm thiểu rủi ro thiên tai nhiều hơn, cũng như giảm tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra trong tương lai. Theo WMO, thiệt hại do thảm họa gây ra có thể giảm 30% nếu cảnh báo sớm được đưa ra trong vòng 24 giờ.
"Những phát hiện của báo cáo được cho là tỉnh táo. Chúng ta đang ở thời điểm quan trọng, nơi tác động của biến đổi khí hậu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống của con người", bà Celeste Saulo nói thêm.
Ngoài việc mỗi nước phải tự trang bị hệ thống cảnh báo sớm để đề phòng trước điều kiện thời tiết cực đoan, đã đến lúc các nhà lãnh đạo thế giới phải cùng nhau đi đến hợp tác trên một nền tảng chung ứng phó với hiện tượng biến đổi khí hậu khắc nghiệt trong thời gian tới. Có như vậy mới giúp chúng ta nắm được cơ hội để sống sót sau những thách thức lâu dài của biến đổi khí hậu.
Bảo Hà - Hồng Hạnh
Tác giả: Lê Tình
Nguồn tin: vnanet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn