Di tích Khu Lưu niệm Hoàng Lê Kha (Châu Thành - Tây Ninh)

Thứ sáu - 06/12/2024 07:46

Khu Lưu niệm Hoàng Lê Kha là nơi ghi dấu sự kiện đồng chí Hoàng Lê Kha đã anh dũng hy sinh bằng máy chém của Luật 10/59. Tọa lạc tại ấp Tam Hạp nay là ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh, Khu Lưu niệm Hoàng Lê Kha đã được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh tại quyết định số 59/QĐ – UBND, ngày 23/02/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Di tích Khu Lưu niệm Hoàng Lê Kha (Châu Thành - Tây Ninh)

Là người con ưu tú của vùng đất Tây Ninh, đồng chí Hoàng Lê Kha tên thật là Hoàng Lê Cẩn, sinh ngày 17/02/1917 tại làng Chang Tác, tổng Ngọ Xá, huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa.

Xuất thân trong một gia đình nhà nho nghèo hiếu học, cùng với sự giáo huấn của cha, ông ngày càng trưởng thành và sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1931: Ông tham gia cách mạng và được phân công ra học ở Hà Nội để vận động phong trào của học sinh.

Năm 1936: Ông tốt nghiệp trường Kỹ Nghệ Hà Đông và vinh dự gia nhập vào Đảng Cộng Sản Đông Dương.

Năm 1940: Ông được Đảng điều vào hoạt động ở Nam Kì.

Ảnh Anh hùng, Liệt sĩ Hoàng Lê Kha tại Khu tưởng niệm ông ở tỉnh Tây Ninh. Ảnh: Tư liệu

Năm 1945: Với tư cách là Ủy viên mặt trận Việt Minh tỉnh Gia Định, Ông đã thể hiện được khả năng sâu sắc về chiến lược quân sự.

Năm 1947: Ông được giao nhiệm vụ làm Tỉnh đội trưởng Dân quân.

Năm 1948: Ông được bầu làm trưởng Ty Thông tin tỉnh Gia Định, sau đó làm trưởng Ty Kinh tế Canh Nông.

Năm 1951: Ông làm Bí thư Huyện ủy Châu Thành.

Từ năm 1952 – 1954: Ông làm bí thư Huyện ủy Dương Minh Châu. 

Từ năm 1955 – 1959: Ông làm Thường vụ Tỉnh ủy – Trưởng phân ban chỉ đạo 2 huyện Châu Thành – thị xã Tây Ninh.

Sắc cốt của đồng chí Hoàng Lê Kha dùng trong thời kỳ hoạt động cách mạng tại tỉnh Tây Ninh và Gia Định từ năm 1952-1954

Ngày 16/08/1959, theo sự chỉ đạo của cấp trên, đồng chí Hoàng Lê Kha đến dự Hội nghị Thị xã ủy tại nhà ông Nguyễn Văn Thương (Hai Thương). Trong cuộc họp ông đã phân tích tình hình, đồng thời chỉ đạo kế hoạch chống âm mưu đẩy mạnh “Tố cộng diệt cộng” nhằm tiêu diệt phong trào cách mạng miền Nam của Mỹ - Diệm. Tại đây, ông  bị bọn mật vụ phát hiện và bắt giam ở khám lớn Chí Hòa.

Khánh thành công trình di tích lịch sử địa điểm lưu niệm Trường nội trú Hoàng Lê Kha

 

Địa điểm lưu niệm Trường nội trú Hoàng Lê Kha

Dùng mọi biện pháp tra tấn dã man nhưng vẫn không khuất phục được người cộng sản Hoàng Lê Kha, cuối cùng đến tháng 10/1959, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa tòa án lưu động từ Sài Gòn lên Thị xã Tây Ninh mở phiên tòa xét xử đồng chí Hoàng Lê Kha. Bằng những luân điệu chống cộng, chúng đưa ra bản cáo trạng kết tội ông và tuyên án tử hình.

Để trả thù cho những thất bại liên tiếp ở Tây Ninh, vào lúc 5 giờ sáng ngày 12/03/1960, chính quyền Ngô Đình Diệm đưa đồng chí Hoàng Lê Kha ra xử chém bằng máy chém của Luật 10/59 tại ấp Suối Muồn, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh.

Nơi đây năm 1995, UBND tỉnh Tây Ninh cho xây dựng một khu bia và tượng đồng chí Hoàng Lê Kha trong khuôn viên rộng 661,5­ m2 để khắc ghi công ơn và tấm gương hy sinh anh dũng của ông.

Việc sát hại đồng chí Hoàng Lê Kha đã phơi bày rõ nét âm mưu và tội ác của kẻ thù, đánh dấu cho sự thất bại hoàn toàn mưu đồ làm lung lay ý chí, tinh thần của đồng bào ta.

Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa thăm nhà lưu niệm Trường nội trú Hoàng Lê Kha (giai đoạn 1962 – 1975) và chia sẻ về thư Bác Hồ và Bác Tôn gửi thiếu nhi Trường Hoàng Lê Kha năm 1965

Gương hy sinh của đồng chí Hoàng Lê Kha đã thổi bùng lên ngọn đuốc của phong trào Đồng khởi, nung nấu lòng sôi sục căm thù địch, thúc đẩy phong trào đấu tranh cách mạng của đồng bào ta. Hình ảnh người cộng sản kiên trung, người chiến sĩ yêu nước người con ưu tú của quê hương sẽ sống mãi với non sông hôm nay và mai sau.

Theo Bảo tàng Tây Ninh

Tác giả: NVĐ

Nguồn tin: baotang.tayninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 270 trong 54 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 54 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây