Thời gian qua, các thế lực thù địch không ngừng xuyên tạc, cho rằng chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được Đại hội XIII của Đảng thông qua là “duy tâm, siêu hình”, là “chủ quan, nóng vội, duy ý chí”, chỉ là “ảo vọng viển vông, hão huyền”... Trước tình hình đó, yêu cầu, nhiệm vụ cấp thiết đặt ra hiện nay là cần nhận diện rõ và kiên quyết đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, thù địch, nhằm góp phần tăng cường sự thống nhất trong Đảng, sự đồng thuận trong xã hội về con đường, mục tiêu, động lực phát triển đất nước.
Nhận diện các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng Cộng sản Việt Nam
Chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” được Đại hội XIII của Đảng đề ra thể hiện tầm nhìn chiến lược và quyết tâm chính trị rất cao của Đảng ta, với mục tiêu đến năm 2045 đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, thu nhập cao(1). Tuy nhiên, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị ra sức xuyên tạc, bóp méo, hòng phủ nhận chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng ta. Chúng rêu rao thiếu căn cứ rằng, đó là một “khẩu hiệu trống rỗng”, “nặng tính duy tâm, siêu hình”, rằng “khát vọng” là yếu tố tinh thần; do vậy, khi Đảng Cộng sản Việt Nam nhiều lần đề cập và nhấn mạnh đến thành tố “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” trong Văn kiện Đại hội XIII (từ chủ đề Đại hội, quan điểm chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược) thì có nghĩa là đã tuyệt đối hóa yếu tố tinh thần cho sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, nên đây là một quan điểm “duy tâm, siêu hình, đi ngược lại lý luận của chủ nghĩa duy vật lịch sử”. Chúng suy diễn rằng, chủ trương của Đảng ta là “phi thực tế, phản khoa học”; là biểu hiện “chủ quan, nóng vội, duy ý chí”; là “ảo vọng viển vông, hão huyền”, “không có tính khả thi”; rêu rao rằng, Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ “đánh trống bỏ dùi”, không có kế hoạch và biện pháp triển khai cụ thể, hữu hiệu....
Trong khi đó, từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, tình hình thế giới biến động rất nhanh, phức tạp, khó đoán định. Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; cuộc xung đột giữa Nga và U-crai-na tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát thế giới tăng cao, xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt chính sách tiền tệ, tài khóa và hậu quả của đại dịch COVID-19 dẫn đến suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu; rủi ro tài chính, tiền tệ, mất an ninh năng lượng, lương thực... đang hiện hữu. Ở trong nước, áp lực lạm phát tăng cao; nhiều vấn đề tồn đọng kéo dài cần được giải quyết; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân. Lợi dụng tình hình đó, các thế lực thù địch, phản động, các phần tử cơ hội chính trị kích động tâm lý bi quan, mơ hồ, chán chường, giảm niềm tin, thiếu quyết tâm của một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân trong hiện thực hóa chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng. Chúng thường dùng thủ đoạn thông qua “gửi thư”, “trao đổi”, “góp ý” kiến nghị vào dịp Đại hội Đảng, Hội nghị Trung ương, kỳ họp Quốc hội, phiên họp Chính phủ..., nhằm thổi phồng những yếu kém về kinh tế - xã hội, hạ thấp thành quả công cuộc đổi mới, khoét sâu vào tình trạng tham nhũng, tiêu cực của một bộ phận cán bộ, đảng viên. Chúng triệt để lợi dụng internet, mạng xã hội, các báo, đài phản động nước ngoài, các hình thức truyền thông mới, nhằm tuyên truyền chống phá trong một “thế trận” có “kịch bản” theo kiểu “mưa dầm thấm lâu”, “góp gió thành bão”; tung thông tin xấu, độc dưới dạng “thật như giả”, “giả như thật”; dựng lên các video clip, phóng sự có giao diện giống một số báo, đài chính thống để đưa tin, giật tít, “câu view”, nhằm đánh trúng tâm lý tò mò của nhiều người. Chúng sử dụng một số phát biểu hằn học, thiếu thiện chí của một số chính trị gia, học giả “diều hâu” phương Tây; những luận điệu sặc mùi phản động của các phần tử cơ hội, bất mãn chính trị và các nhân vật ở trong nước đã bị xử lý kỷ luật vì suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”... để tuyên truyền chống phá, xuyên tạc chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Luận cứ phản bác các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng Cộng sản Việt Nam
Trước các luận điệu xuyên tạc, phủ nhận chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng ta, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác cao và nhận thức rõ những âm mưu, thủ đoạn nham hiểm, thâm độc của các thế lực thù địch. Chúng ta có đủ luận cứ để khẳng định rằng, chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” của Đảng ta là đúng đắn, khoa học trên cơ sở nhận thức biện chứng tầm quan trọng của khát vọng phát triển đất nước; đánh giá khách quan cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước. Chủ trương đó đã được thảo luận rộng rãi, với sự thống nhất cao trong Đảng, sự đồng thuận của toàn dân; có tính khả thi cao với những mục tiêu, tầm nhìn, kế hoạch và biện pháp thực hiện cụ thể. Những kết quả đạt được qua hơn hai năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng là minh chứng, hiện thực sống động, chứng minh chủ trương đó đang đi vào cuộc sống một cách vững chắc, đầy thuyết phục; cụ thể là:
Thứ nhất, khát vọng phát triển đất nước có vị trí, vai trò, tầm quan trọng đặc biệt.
Thực tiễn lịch sử xã hội loài người chứng minh, sự hình thành, phát triển của mỗi quốc gia - dân tộc phụ thuộc trước hết vào khát vọng sinh tồn và vươn lên của cộng đồng dân tộc đó. Trong lúc thuận lợi, đặc biệt là khi gặp khó khăn, thách thức thì sức mạnh của tinh thần, của ý chí giữ vai trò hết sức quan trọng. Khát vọng phát triển của một dân tộc là nguồn năng lượng nội sinh to lớn và sức mạnh vô địch; là một trong những động lực trọng tâm của một quốc gia - dân tộc trên con đường đi tới tương lai.
Đối với Việt Nam, khát vọng phát triển đất nước thật sự là sức mạnh nội sinh phi thường, cội nguồn tạo nên những kỳ tích trong suốt hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Thời trung đại, Việt Nam đánh thắng các cuộc chiến tranh xâm lược của phong kiến phương Bắc, giữ vững nền độc lập dân tộc, bắt nguồn từ khát vọng về độc lập, chủ quyền quốc gia. Trong thời đại Hồ Chí Minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, nhân dân ta đã đập tan ách áp bức, bóc lột của đế quốc, phong kiến; đánh thắng các thế lực xâm lược hùng mạnh, bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội. Những chiến công oanh liệt đó khởi nguồn từ khát vọng mãnh liệt của dân tộc được Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát thành chân lý: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”(2). Hiện nay, khát vọng phát triển đất nước giàu mạnh, hùng cường là một động lực quan trọng thúc đẩy dân tộc ta vươn lên, quyết tâm khắc phục đói nghèo, lạc hậu, vượt qua bẫy thu nhập trung bình, nguy cơ tụt hậu về kinh tế... để phát triển trong giai đoạn mới.
Rõ ràng, Đảng ta không tuyệt đối hóa vai trò động lực của khát vọng phát triển đất nước, mà xác định đây là một trong những động lực cho tiến trình đổi mới, phát triển; là động lực thúc đẩy chứ không thể thay thế vai trò cơ sở, nền tảng quyết định của yếu tố kinh tế, vật chất, kỹ thuật.
Thứ hai, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước trên cơ sở đánh giá đúng cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước.
Khát vọng phát triển đất nước bắt nguồn từ niềm tin vững chắc vào cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước ta sau hơn 35 năm đổi mới. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay. Đây là niềm tự hào, là động lực, nguồn lực quan trọng, là niềm tin để toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiếp tục vững bước trên con đường đổi mới toàn diện, đồng bộ; phát triển nhanh và bền vững đất nước”(3).
Trong nhiệm kỳ Đại hội XII, đất nước tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, chất lượng tăng trưởng được nâng lên, các cân đối lớn của nền kinh tế được cải thiện. Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt khoảng 6%/năm. Quy mô nền kinh tế và thu nhập bình quân đầu người tăng lên (năm 2020, GDP đạt 271,2 tỷ USD và thu nhập bình quân đầu người đạt 2.779 USD). Năng suất lao động tăng từ 4,3%/năm giai đoạn 2011 - 2015 lên khoảng 6%/năm giai đoạn 2016 - 2020(4). Lĩnh vực văn hóa, xã hội của đất nước đạt kết quả tích cực, an sinh xã hội cơ bản được bảo đảm, đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện. Đến năm 2020, Việt Nam đã đứng thứ 49 về phát triển bền vững trên thế giới trong khi thu nhập bình quân đầu người còn ở hạng ngoài 100(5).
Một trong những dấu ấn nổi bật nhất là việc Việt Nam thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” trong giai đoạn đại dịch COVID-19 bùng phát dữ dội (từ cuối năm 2019): Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam được truyền thông quốc tế ca ngợi là “mảnh đất tiềm năng” (theo Forbes), “bình minh đang lên” (theo báo Nga), “ngôi sao sáng” (theo Asia Times), “phép màu châu Á” (theo New York Times),...
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng cũng là một thành công nổi bật trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, cấp ủy các cấp đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, hướng vào những khâu trọng yếu, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng. Công tác phòng, chống tham nhũng được tiến hành quyết liệt, đạt được những kết quả quan trọng. Theo kết quả điều tra dư luận xã hội do Ban Tuyên giáo Trung ương tiến hành, tuyệt đại đa số người dân được hỏi ý kiến (93%) bày tỏ tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng(6).
Thứ ba, chủ trương “khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng” với “lòng Dân”.
Trong quá trình chuẩn bị các văn kiện trình Đại hội XIII, các tiểu ban đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ở Trung ương và địa phương tổ chức gần 60 hội nghị, hội thảo, tọa đàm; thành lập 50 đoàn đi khảo sát thực tế; tổ chức tọa đàm với một số tổ chức quốc tế, 2 đoàn đi khảo sát, nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài. Các tiểu ban đã tiến hành 20 phiên họp để thảo luận, thông qua Đề cương và các dự thảo văn kiện. Bộ Chính trị đã họp nhiều lần để cho ý kiến hoàn thiện Đề cương và các dự thảo văn kiện trình xin ý kiến Ban Chấp hành Trung ương tại các Hội nghị Trung ương 10, 11, 14 và 15 khóa XII. Các dự thảo báo cáo đã được chỉnh lý, sửa chữa nhiều lần và gửi xin ý kiến rộng rãi của các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, nhiều tổ chức, cơ quan, đoàn thể... Bộ Chính trị đã quyết định công bố công khai toàn văn các dự thảo Báo cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng để lắng nghe ý kiến rộng rãi của nhân dân; đã có hàng triệu lượt ý kiến đóng góp vào dự thảo các văn kiện; các ý kiến đóng góp được tổng hợp trong tài liệu dài 1.410 trang.
Văn kiện được đánh giá là có quá trình chuẩn bị “rất công phu, chu đáo, bài bản, qua nhiều lần, nhiều vòng, từng bước hoàn thiện, có nhiều đổi mới quan trọng về nội dung và phương pháp. Quán triệt sâu sắc nguyên tắc kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý luận và thực tiễn, giữa kiên định và đổi mới, giữa kế thừa và phát triển, trên cơ sở phát huy dân chủ rộng rãi, dự thảo các văn kiện đã thực sự là sản phẩm kết tinh trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện rõ sự thống nhất giữa “ý Đảng, lòng Dân”, hòa quyện cùng quyết tâm và ý chí phát triển của dân tộc”(7). Các ý kiến, đề xuất tâm huyết, trách nhiệm, kết tinh trí tuệ, ý chí và sức sáng tạo của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta, thể hiện mong muốn đất nước ta ngày càng phát triển phồn vinh; nhân dân ta ngày càng ấm no, hạnh phúc; dân tộc ta ngày càng cường thịnh, trường tồn. Tất cả điều đó chứng minh rõ tính khoa học, khách quan, dân chủ của các đánh giá, mục tiêu, nhiệm vụ trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng.
Thứ tư, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước được thể chế hóa thành mục tiêu, tầm nhìn và kế hoạch, chương trình cụ thể.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Nói Đại hội XIII không phải chỉ cho đến năm 2026 (giai đoạn 2021 - 2026) mà phải có tầm nhìn chiến lược dài hơn, nhìn lại cả quá khứ và hướng tới tương lai”(8). Khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc đã được Đảng, Nhà nước cụ thể hóa, thể chế hóa thành mục tiêu, chỉ tiêu, chương trình, kế hoạch cụ thể, với lộ trình và bước đi phù hợp với điều kiện thực tế.
Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã xác định “những dấu mốc phát triển quan trọng của đất nước ta trong những thập niên sắp tới: - Đến năm 2025: Là nước đang phát triển, có công nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp. - Đến năm 2030: Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao. - Đến năm 2045: Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”(9).
Giai đoạn hiện nay, Việt Nam xác định chỉ tiêu: tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 7%/năm; GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đến năm 2030 đạt khoảng 7.500 USD; chỉ số phát triển con người (HDI) duy trì trên 0,74; tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 35% - 40%(10).
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh các nhiệm vụ đột phá sau: 1- Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; 2- Phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; 3- Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại.
Đưa đất nước phát triển phồn vinh, hạnh phúc là cả một quá trình cải biến toàn diện và sâu sắc, diễn ra trên tất cả lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội; vì vậy, để hoàn thành thắng lợi sự nghiệp vĩ đại này, cần huy động sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại bằng những kế hoạch, biện pháp cụ thể của Đảng, Nhà nước, của các cấp, các ngành trong từng giai đoạn.
Thứ năm, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước bước đầu được minh chứng với kết quả sinh động của đất nước từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay.
Hơn hai năm đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình trong nước và thế giới có những diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó lường, nhất là phải chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch COVID-19, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đã nỗ lực phấn đấu, hoàn thành ở mức cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện.
Việt Nam đã nỗ lực duy trì, phục hồi và thúc đẩy phát triển kinh tế với nhiều điểm sáng tích cực. Năm 2021, tăng trưởng kinh tế đạt 2,58%; thu ngân sách nhà nước tăng 16,4%; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt mức kỷ lục 668,5 tỷ USD (đưa Việt Nam trở thành 1 trong 20 nước có nền kinh tế đứng đầu thế giới về thương mại). Nông nghiệp tiếp tục giữ được vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông sản đạt 48,6 tỷ USD(11).
Năm 2022, tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm. Thu ngân sách nhà nước vượt 26,4% dự toán, tăng 13,8% so với năm 2021. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục trên 53,2 tỷ USD. Sản xuất công nghiệp tăng 7,69%. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8%(12).
Báo cáo triển vọng kinh tế năm 2023 của Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) đưa ra 2 kịch bản: Ở kịch bản 1, tăng trưởng kinh tế năm 2023 có thể đạt mức 6,47%; xuất khẩu tăng 7,21% và thặng dư thương mại đạt 5,64 tỷ USD; lạm phát sẽ ở mức 4,08%. Ở kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế năm 2023 sẽ tích cực hơn, lên mức 6,83%; xuất khẩu tăng 8,43% và thặng dư thương mại đạt 8,15 tỷ USD; lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 3,69%.
Một tín hiệu lạc quan nữa là mặc dù phải đối diện với những khó khăn, thách thức, nhưng Đảng, Nhà nước vẫn tiếp tục quan tâm phát triển các lĩnh vực văn hóa, xã hội. Việt Nam đã ứng phó, kiềm chế, kiểm soát được dịch bệnh, từng bước chuyển sang trạng thái “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”. Cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã được triển khai đồng bộ, góp phần tích cực tiếp tục bảo đảm an sinh xã hội và đời sống nhân dân trong “trạng thái bình thường mới”.
Quốc phòng - an ninh tiếp tục được củng cố, tăng cường; chủ quyền quốc gia, môi trường hòa bình, ổn định tiếp tục được giữ vững, tạo thuận lợi cho phát triển đất nước. Hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được mở rộng, triển khai đồng bộ, toàn diện, linh hoạt, hiệu quả. Vị thế, uy tín quốc tế của nước ta ngày càng được nâng cao, đóng góp tích cực, hiệu quả, trách nhiệm vào việc giữ vững hòa bình, hợp tác phát triển và tiến bộ trên thế giới.
Tiếp tục khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc - Một số giải pháp chủ yếu trong thời gian tới
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Luôn phải có các chính sách, biện pháp phù hợp để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”(13). Do vậy, để khơi dậy được khát vọng phát triển đất nước của các tầng lớp nhân dân trong thời gian tới, cần tiến hành đồng bộ một số giải pháp chủ yếu sau:
Một là, đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.
Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị, tư tưởng; tăng cường tuyên truyền, giáo dục để cán bộ, đảng viên, nhân dân nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; từ đó, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước. Đổi mới việc học tập lý luận chính trị, chú trọng giáo dục lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, định hướng tư tưởng cho cán bộ, đảng viên, nhân dân trước các vấn đề chính trị thời sự của đất nước. Cần tăng cường tuyên truyền, giác ngộ, truyền cảm hứng về khát vọng phát triển đất nước để lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân, với sự sinh động, phong phú, thiết thực và hiệu quả bằng các hình thức, phương pháp khác nhau. “Tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, niềm tự hào, ý chí tự cường, lòng nhân ái, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội và khát vọng phát triển đất nước của toàn dân tộc”(14). Trong đó, cần chú trọng “Tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa, nâng cao lòng yêu nước, tự hào dân tộc, nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”(15).
Đặc biệt, dưới góc độ kinh tế, khát vọng phát triển đất nước được thể hiện chủ yếu ở tinh thần quyết tâm vươn lên, không cam chịu đói nghèo, lạc hậu, chậm phát triển. Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước chính là khơi dậy ý thức lao động hăng say, sáng tạo, nỗ lực vươn lên làm giàu chính đáng, hợp pháp của mỗi người dân Việt Nam; nhất là sự cố gắng phấn đấu của thanh niên nước nhà trong học tập, lao động, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, lập nghiệp.
Hai là, chú trọng xây dựng cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam.
Đảng, Nhà nước cần chủ động tạo lập các yếu tố, điều kiện và môi trường xã hội thuận lợi để khơi dậy và hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước hùng cường ở mỗi con người Việt Nam; phải tập trung “xây dựng các cơ chế, chính sách phát huy tinh thần cống hiến vì đất nước của mọi người dân Việt Nam”(16).
Cần phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, coi trọng “ban hành đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật tạo nền tảng chính trị, pháp lý, tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân. Đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước, trong toàn bộ quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(17). Phát huy tính tích cực chính trị - xã hội, trí tuệ, quyền và trách nhiệm của nhân dân trong tham gia vào các công việc chung của đất nước. Thực hiện triệt để, thực chất phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”. Thực hiện tốt đại đoàn kết toàn dân tộc; tạo lập và phát huy sức mạnh đồng thuận của nhân dân ở trong nước và người Việt Nam ở nước ngoài để tạo động lực và nguồn lực mạnh mẽ cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Thực hiện những cải cách có tính đột phá về thể chế, cơ chế, chính sách, xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, toàn diện, minh bạch, gắn kết chặt chẽ với tầm nhìn chiến lược phát triển dài hạn. Bảo đảm kết hợp giữa quản lý, kiểm soát bằng các quyết định hành chính với quản trị hiện đại, phục vụ nhân dân, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước nhanh, bền vững; xây dựng, kiến tạo và thực thi hiệu quả cơ chế, chính sách chuyển đổi sang mô hình phát triển theo chiều sâu dựa trên cơ sở đổi mới sáng tạo và ứng dụng khoa học - công nghệ tiên tiến, nhằm thúc đẩy khởi nghiệp gắn với cơ cấu lại và nâng cao chất lượng doanh nghiệp nhà nước, cơ cấu lại đầu tư; nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt là hiệu quả sử dụng, quản lý đầu tư công.
Tập trung kiến tạo môi trường, thiết chế, chính sách thuận lợi, minh bạch, nhằm bảo đảm giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, ổn định an ninh chính trị và bảo vệ Tổ quốc. Trọng tâm là rà soát, điều chỉnh, bổ sung các chính sách an sinh xã hội, trợ giúp xã hội, ưu đãi xã hội, hệ thống hỗ trợ tích cực, như chính sách việc làm, chính sách tiền lương và thu nhập, từng bước tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản cho các đối tượng và vùng đặc thù, nhất là chính sách xóa nghèo bền vững; giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường.
Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng và sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị trong khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam nói chung, trong thực hiện khát vọng, mục tiêu, tầm nhìn phát triển đất nước nói riêng. Do vậy, phải chú trọng “xây dựng, chỉnh đốn Đảng toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ”(18); “giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”(19); phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các phong trào hành động cách mạng, phát triển kinh tế - xã hội, vươn lên làm giàu chính đáng. Đảng ta luôn nắm vững bản chất khoa học và cách mạng của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, bám sát thực tiễn để hoạch định đường lối đúng đắn, phù hợp với thực tiễn. Theo đó, cần tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tư tưởng bảo đảm tính khoa học, thiết thực, kịp thời, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cán bộ cấp chiến lược, người đứng đầu, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, dám nghĩ, dám làm, dám dấn thân, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung, có khát vọng đổi mới và phát triển.
Xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, bảo đảm đồng bộ cả lĩnh vực lập pháp, hành pháp và tư pháp, sự gắn kết giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương; nêu cao sứ mệnh phục vụ nhân dân; làm rõ nội dung mối quan hệ giữa “Nhà nước, thị trường và xã hội” trong quá trình phát triển. Tăng cường kiểm soát quyền lực, thực hiện nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Các cơ quan nhà nước cần ban hành hệ thống văn bản pháp luật, chính sách đồng bộ nhằm tạo điều kiện cho các tầng lớp nhân dân, người Việt Nam ở nước ngoài đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển chung của đất nước.
Tích cực đổi mới nội dung và phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm, thực chất, hiệu quả nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động nhân dân theo hướng thiết thực; hướng về cơ sở, chú ý những nhân tố mới, những cách làm sáng tạo. Nâng cao hiệu quả công tác tiếp xúc cử tri, giám sát, tiếp dân, đối thoại, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của nhân dân. Đấu tranh với các biểu hiện thờ ơ, vô cảm, cửa quyền, hách dịch, nhũng nhiễu đối với nhân dân, doanh nghiệp.
“Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc” là chủ trương đúng đắn, khoa học của Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng ta có đủ cơ sở lý luận và thực tiễn thuyết phục, vững chắc, sinh động để phản bác các luận điệu chống phá, xuyên tạc của các thế lực thù địch. Trong hành trình vĩ đại của dân tộc trên con đường tiến lên giàu mạnh, phồn vinh, hạnh phúc, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta cần đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi, đồng lòng, bền gan vững chí, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu, tầm nhìn phát triển mà Đại hội XIII của Đảng đã hoạch định, như di nguyện của Bác Hồ và ước vọng của toàn dân tộc.
TS KHÚC VĂN HƯỞNG, Trường Sĩ quan Chính trị
Theo tapchicongsan.org.vn
___________
(1) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 36
(2) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 15, tr. 131
(3) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 104
(4) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 60 - 61
(5) Hà Anh: “Tập trung cho hạ tầng, nhân lực và các yếu tố xã hội nâng cao năng lực cạnh tranh kinh tế”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 21-1-2021, https://dangcongsan.vn/kinh-te/tap-trung-cho-ha-tang-nhan-luc-va-cac-yeu-to-xa-hoi-nang-cao-nang-luc-canh-tranh-kinh-te-573300.html
(6) Xem: Nguyễn Phú Trọng: Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2023, tr. 116
(7) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 19
(8) “Phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khai mạc Hội nghị Trung ương 10 khóa XII”, Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 16-5-2019, https://dangcongsan.vn/tieu-diem/phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-khai-mac-hoi-nghi-trung-uong-10-khoa-xii-522524.html
(9) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 36
(10) Xem: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 218 – 220
(11) Xem: Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội năm 2021, Hà Nội, 2021
(12) Xem: Tổng cục Thống kê: Báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý IV và năm 2022, Hà Nội, 2022
(13) “Toàn văn phát biểu của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Chính phủ với địa phương”, Báo Điện tử Chính phủ, ngày 28-12-2020, https://baochinhphu.vn/toan-van-phat-bieu-cua-tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-nguyen-phu-trong-tai-hoi-nghi-chinh-phu-voi-dia-phuong-102285063.htm
(14), (15), (16), (17) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 47, 168, 47, 173
(18) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Sđd, t. I, tr. 180
(19) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 612
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: dangcongsan.org.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn