Hiện nay, mạng xã hội Facebook đang được sử dụng khá phổ biến trên thế giới. Theo thống kê, Việt Nam hiện có hơn 66 triệu người sử dụng, chiếm hơn 65% dân số(1). Tuy nhiên, bên cạnh những tác dụng tích cực, Facebook cũng tác động tiêu cực đến xã hội bởi đăng tải nội dung thiếu kiểm chứng, là công cụ để các thế lực thù địch triệt lợi dụng để xuyên tạc, chống phá Đảng và Nhà nước ta trên không gian mạng...
Mạng xã hội (social network) là một hệ thống, nền tảng trực tuyến kết nối tạo ra cơ hội giao tiếp cho mọi người trên khắp thế giới, không chỉ chia sẻ thông tin, mà còn là môi trường để xây dựng mối quan hệ, quảng bá thương hiệu và tìm kiếm thông tin... Các mạng xã hội thường cho phép người dùng tạo hồ sơ cá nhân, chia sẻ nội dung, bình luận và tương tác với người khác thông qua các tính năng, như lượt thích, chia sẻ và nhắn tin. Mạng xã hội là phương tiện phổ biến và có sức ảnh hưởng, tác động lớn bậc nhất trong các phương tiện truyền thông xã hội (social media). Các mạng xã hội phổ biến trên thế giới hiện nay, gồm: Facebook, MySpace, Google+, LinkedIn…, với hàng tỷ người dùng trên khắp thế giới.
Mạng xã hội Facebook ra đời năm 2004 và bắt đầu phát triển tại Việt Nam vào năm 2006. Mạng xã hội Facebook nhận được sự cho phép, tạo điều kiện của Nhà nước Việt Nam, bảo đảm thực hiện các quyền hiến định của công dân về tự do ngôn luận và thông tin. Thực tiễn sự phát triển của Facebook ở Việt Nam gần 20 năm qua cho thấy, đây là công cụ phổ biến của đông đảo người dùng trong việc trao đổi thông tin, liên lạc, kết nối bạn bè, học tập, chia sẻ cảm xúc, giải trí, thương mại online, xây dựng các nhóm cộng đồng, bày tỏ quan điểm…
Bên cạnh mặt tích cực, mạng xã hội Facebook gây nên không ít tác hại với người dùng, điển hình là gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe, tâm lý; giảm khả năng giao tiếp thực tế, suy giảm tương tác giữa các thành viên trong xã hội; làm suy giảm khả năng tư duy độc lập và sáng tạo; sao nhãng, lãng phí thời gian; nguy cơ bị lôi kéo vào tệ nạn xã hội, vi phạm pháp luật…
Người dùng mạng xã hội Facebook có thành phần hết sức đa dạng, giống như một “xã hội” đầy đủ trên mạng. Một bộ phận không nhỏ người dùng mạng xã hội Facebook ở Việt Nam coi Facebook là công cụ chính để tiếp cận thông tin, ít đọc các thông tin chính thống trực tiếp, mà đọc một cách thụ động qua các chia sẻ trên Facebook, khiến bị lệ thuộc và ít nhiều bị tác động bởi các vấn đề tiêu cực, một chiều, từ đó có góc nhìn chưa đúng về nhiều vấn đề của đời sống xã hội, thậm chí vi phạm các quy định của pháp luật một cách vô tình hoặc cố ý… Không ít người dùng Facebook, đặc biệt là giới trẻ, bị cuốn vào các xu hướng trên mạng, như thích thể hiện bản thân, tung tin đồn câu view, câu like, đăng ảnh nhạy cảm, chia sẻ thông tin đồn thổi, thiếu kiểm chứng. Một bộ phận không nhỏ người dùng Facebook chủ động theo dõi và tìm kiếm các thông tin trái chiều, sau đó tập hợp và cố tình phát tán vì những mục đích cá nhân khác nhau, có ảnh hưởng tiêu cực tới xã hội, vi phạm các quy định của pháp luật, “phớt lờ” việc thực hiện văn hóa ứng xử lành mạnh, văn minh khi tham gia các phương tiện truyền thông xã hội.
Các tài khoản Facebook chống phá Đảng, Nhà nước dùng nhiều biện pháp kỹ thuật, thường ẩn danh hoặc mạo danh, không rõ địa chỉ, nguồn gốc, được thiết lập ở cả trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, cố tình che giấu thông tin chủ tài khoản nhằm trốn tránh hoạt động quản lý, giám sát của các cơ quan chức năng Việt Nam. Các tài khoản Facebook này thường xuyên đăng tải các nội dung sai sự thật, hoạt động theo nhóm, cấu kết, phụ họa, “tung hứng” cho nhau, thường để chế độ “mở”, cho phép theo dõi kết bạn, lôi kéo người tham gia nhằm mục đích khuếch trương thanh thế, lực lượng. Nhiều đối tượng “mua tương tác” để tài khoản nổi bật trên Facebook, thu hút sự chú ý của cộng đồng mạng. Đa số các tài khoản đều đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ Facebook về số tài khoản ngân hàng, gửi, nhận tiền liên quan đến các nội dung về kinh doanh, thương mại hoặc quảng cáo kiếm tiền, lợi dụng việc chống phá để lôi kéo, “câu view” nhằm trục lợi về cả kinh tế.
Nội dung đăng tải của các đối tượng chống phá thường là những thông tin có chủ đề nhạy cảm, dễ suy diễn, một chiều, khoét sâu vào các tiêu cực xã hội, mang tính chất quy chụp, cài đặt những quan điểm trái với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Các đối tượng chống phá triệt để lợi dụng những tài liệu thuộc danh mục bí mật nhà nước bị lộ, lọt, nhất là về công tác cán bộ; thông tin về đời sống riêng tư cá nhân của các đồng chí lãnh đạo…, đan cài thật - giả, kích thích sự nghi hoặc, suy diễn, đồng thời đánh giá sai, hạ thấp về công tác bảo mật của ta, vu khống nội bộ ta có “bè phái, đấu đá, mất đoàn kết”, quy kết về bản chất của chế độ ta.
Các đối tượng sử dụng phương thức hoạt động vừa công khai, vừa bí mật. Thông tin có thể đăng tải công khai, phát tán diện rộng; việc nhận diện các tài khoản, đối tượng này không phức tạp, nhưng công tác đấu tranh ngăn chặn trên thực tế gặp nhiều khó khăn vì khó yêu cầu Facebook hợp tác ngay, ngăn chặn kịp thời. Ngoài ra, các đối tượng chống phá còn lập các hội, nhóm kín, ngụy trang với các tên gọi khác nhau trên Facebook, sử dụng quy định về lập nhóm riêng tư mà nhà cung cấp dịch vụ Facebook cho phép để trao đổi và nhận thông tin qua các nhóm, nhắn tin riêng, phát triển lực lượng, đào tạo kỹ năng, thậm chí tập dượt “vũ trang ảo”…
Các đối tượng trên còn trà trộn vào các nhóm, các diễn đàn có đông người dùng tham gia để tuyên truyền thông tin độc hại; khai thác lỗ hổng bảo mật của các website, cổng thông tin điện tử để chèn thêm đường dẫn đăng thông tin giả mạo, xấu, độc; tạo lập các tài khoản giả mạo các cơ quan nhà nước, các đồng chí lãnh đạo, cá nhân có ảnh hưởng để tuyên truyền thông tin xuyên tạc; lợi dụng các vấn đề xã hội phức tạp, là “điểm nóng” như khiếu kiện đất đai, những vụ án dư luận quan tâm đang được các cơ quan chức năng điều tra, chưa có kết luận, còn khoảng trống thông tin để đưa ra nội dung có tính chất suy diễn; lợi dụng các vấn đề dân tộc, tôn giáo, nhân quyền… để kích động các hoạt động tụ tập, biểu tình đông người tự phát, chống đối chính quyền, gây mất an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; sử dụng các thông tin công khai của các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tổ chức cán bộ về dấu hiệu sai phạm của cán bộ hoặc công tác cán bộ… để từ đó đưa ra các đồn đoán về công tác xử lý cán bộ, bổ nhiệm, sắp xếp cán bộ, gây hoang mang trong xã hội, tạo hoài nghi của nhiều người với công tác của các cơ quan có thẩm quyền.
Đặc biệt, các đối tượng tập trung tấn công vào những vấn đề nguyên tắc then chốt, luận điểm cơ bản nhất thuộc nền tảng tư tưởng của Đảng ta, xuyên tạc những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, phủ nhận những giá trị của chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta, đả phá lý luận về đường lối đổi mới của Đảng ta, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng… Các đối tượng cộm cán chống phá nhận được sự “hà hơi tiếp sức” bằng nhiều nguồn lực bởi các tổ chức phản động, khủng bố, tổ chức phi chính phủ và chính phủ một số nước phương Tây.
Hiện nay, Facebook tiếp tục là ứng dụng mạng xã hội được nhiều người sử dụng ở Việt Nam. Do đó, các thế lực thù địch tiếp tục triệt để lợi dụng các phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội Facebook, để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Thời gian tới, các thế lực thù địch sẽ tiếp tục tập trung chống phá trên không gian mạng nói chung, trên mạng xã hội Facebook nói riêng với quy mô, tần suất và cường độ thông tin ngày càng tăng, thủ đoạn ngày càng tinh vi, thực hiện “mưa dầm thấm lâu” dạng “tâm lý chiến” hết sức thâm độc. Kết hợp tấn công thông tin bên trong và bên ngoài, “nội công ngoại kích”. Các đối tượng phản động lưu vong, số đối tượng chống đối bên ngoài, nhất là những phần tử cộm cán trong chế độ cũ, luôn câu kết chặt với những phần tử cơ hội, bất mãn chính trị trong nước để chống phá. Tập trung tấn công vào giới trẻ, lợi dụng tâm lý lứa tuổi, nhận thức chính trị còn hạn chế để tiêm nhiễm tư tưởng, nhất là cổ xúy cho những tư tưởng, văn hóa, lối sống phương Tây không phù hợp, dẫn dụ những người trẻ dễ bị kích động ký tên tham gia vào các hoạt động phản kháng, chống đối… Các thế lực thù địch bên ngoài tăng cường hậu thuẫn các “hội”, “nhóm” núp danh “xã hội dân sự”, nuôi dưỡng và phát triển các nhóm trong nước để trao đổi, cung cấp thông tin qua internet, mạng xã hội, định hướng viết bài, tổ chức hoạt động chống phá, ý đồ phát triển lớn mạnh thành các “tổ chức chính trị đối lập”. Các đối tượng chống đối tiếp tục mượn con bài dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, “công đoàn tự do”… để chống phá, đẩy mạnh tuyên truyền xuyên tạc trên nhiều phương tiện truyền thông xã hội, nhất là mạng xã hội Facebook. Trong khi đó, việc phối hợp, hợp tác với các nhà cung cấp dịch vụ truyền thông xã hội xuyên biên giới, trong đó có Facebook, dù có nhiều chuyển biến tích cực, song vẫn gặp nhiều khó khăn trong kiểm soát, bóc gỡ nội dung, do còn nhiều khác biệt về lợi ích, quan điểm chính trị.
Để đấu tranh hiệu quả với thông tin xấu, độc trên các phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có mạng xã hội Facebook, cần thực hiện đồng bộ một số nhiệm vụ, nội dung sau:
Tiếp tục quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22-10-2018, của Bộ Chính trị, “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”. Tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Trong đó, cần chú trọng giữa “xây” và “chống”, “xây” là cơ bản, “chống” phải quyết liệt, hiệu quả; nâng cao khả năng tự phòng, chống của cán bộ, đảng viên và nhân dân trước âm mưu, thủ đoạn và hoạt động của các thế lực thù địch, đối tượng phản động, cơ hội chính trị. Nâng cao hơn nữa nhận thức, vai trò, trách nhiệm tiền phong, gương mẫu trong khai thác, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội, trong đó có mạng xã hội Facebook, của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị.
Khai thác, phát huy lợi thế chủ động về thông tin của hệ thống báo chí để hạn chế những “khoảng trống thông tin” mà các đối tượng thù địch có thể lợi dụng nhằm tuyên truyền xuyên tạc, bóp méo tình hình chính trị, kinh tế, xã hội của đất nước. Đẩy mạnh tuyên truyền rộng rãi về những thành tựu đột phá, kết quả đạt được có ý nghĩa lịch sử của công cuộc đổi mới đất nước về cả lý luận và thực tiễn trong gần 40 năm qua. Thực hiện tốt hơn nữa chế độ thông tin cho các cơ quan báo chí một cách công khai, kịp thời, giúp thông tin trên hệ thống báo chí của ta chính xác, kịp thời, chặt chẽ và không có sơ hở để các đối tượng thù địch tạo cớ suy diễn, công kích. Chú trọng thông tin tích cực, các mô hình hay, điển hình tiên tiến, theo phương châm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm, độ tuổi người sử dụng.
Giữ vững vai trò nòng cốt, chủ lực của hệ thống cơ quan báo chí của Đảng, Nhà nước, các tổ chức chính trị - xã hội. Các cơ quan báo chí, truyền thông cần tăng cường xây dựng chiến lược, kế hoạch tuyên truyền đấu tranh chủ động, vừa thường xuyên, vừa có trọng tâm, trọng điểm tập trung vào những tuyến bài đầu tư công phu, có chất lượng tốt, nhân các vấn đề, sự kiện chính trị lớn của Đảng, của đất nước; kết hợp chặt chẽ và có sự phối hợp giữa các loại hình báo chí, chú trọng các tác phẩm truyền thông đa phương tiện. Kết hợp thông tin phản bác của các cơ quan báo chí chính thống với các kênh truyền thông khác, theo phương thức lấy thông tin chủ đạo từ các cơ quan báo chí làm thông tin nguồn để lan tỏa trên không gian mạng từ tận dụng tính năng siêu kết nối xã hội của các phương tiện truyền thông mới, truyền thông xã hội; tích hợp tính năng chia sẻ thông tin của các báo, tạp chí điện tử đến một số ứng dụng truyền thông xã hội lớn, trong đó có Facebook; mở các kênh truyền thông xã hội riêng như “cánh tay” nối dài của các báo, tạp chí, nếu phù hợp.
Thực hiện việc định danh, đăng ký sử dụng tài khoản trên Facebook đối với tất cả chủ tài khoản mạng xã hội là cá nhân hay tổ chức, giúp người dùng nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và trách nhiệm đối với cộng đồng. Việc định danh tài khoản còn góp phần phân loại, cô lập, hạn chế và phát hiện các đối tượng dùng tài khoản “ảo”, “nặc danh” để xuyên tạc, kích động, gây rối, chống phá Đảng và Nhà nước ta, mặt khác, hạn chế được tội phạm công nghệ cao lợi dụng mạng xã hội để thực hiện hành vi lừa đảo, phạm tội trên không gian mạng. Đẩy mạnh công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội theo hình thức chuyên đề một cách ngắn gọn, dễ hiểu. Lồng ghép nội dung giáo dục về kỹ năng quản lý, sử dụng các phương tiện truyền thông xã hội vào chương trình giáo dục tại các nhà trường, cơ sở giáo dục cho thế hệ trẻ.
Đầu tư kinh phí nghiên cứu và thực hiện các giải pháp về công nghệ - kỹ thuật, nhất là thiết lập và sử dụng hệ thống lắng nghe và phân tích truyền thông xã hội (social listening), để tự động dò quét, theo dõi, tổng hợp, phân tích các dòng thông tin chủ lưu hằng ngày trên các phương tiện truyền thông xã hội. Việc nắm bắt, bao quát những diễn biến chính trên không gian mạng là rất cần thiết để các cơ quan chức năng của ta có thể chủ động, kịp thời xử lý khi có tình huống, nhất là với những diễn biến, khủng hoảng nghiêm trọng. Cần tận dụng triệt để các công nghệ thông tin - truyền thông hiện đại để gia tăng tần suất, cường độ truyền thông, như công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI), rô-bốt… để tự động sản xuất các tin, bài, bình luận tích cực theo mẫu liên tục phủ lên không gian mạng. Có chiến lược xây dựng nền tảng các ứng dụng phương tiện truyền thông xã hội trọng điểm mang thương hiệu của Việt Nam, có chất lượng, sức cạnh tranh, tính hấp dẫn, tính giáo dục và phù hợp với văn hóa dân tộc, từ đó góp phần gia tăng năng lực tự chủ thông tin quốc gia, từng bước giảm dần sự lệ thuộc vào các tập đoàn truyền thông lớn của nước ngoài.
Xây dựng, ban hành các quy định về quản lý đối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng các phương tiện truyền thông xã hội xuyên quốc gia, trong đó có Facebook, yêu cầu có trách nhiệm xã hội trong hoạt động kinh doanh, quảng cáo trên nền tảng kỹ thuât số lành mạnh, tuân thủ nghiêm pháp luật của Việt Nam; có chế tài mạnh mẽ, quyết liệt, kiên quyết xử lý những vi phạm. Các cơ quan chức năng quản lý, ngăn chặn dòng tiền các tài khoản thanh toán từ trong nước cho các hoạt động vi phạm pháp luật của Facebook. Sử dụng hiệu quả các biện pháp pháp luật (kết hợp với các biện pháp ngoại giao, kinh tế) tác động tới các nhà cung cấp dịch vụ, nhất là các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Facebook nhằm ngăn chặn hoạt động lợi dụng không gian mạng lập các kênh thông tin điện tử cá nhân trên mạng internet và các tài khoản phương tiện truyền thông xã hội để tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, sai trái, thù địch trái pháp luật, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Tiếp tục hoàn thiện các quy định pháp luật về xử lý các tài khoản, chủ tài khoản Facebook có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình quản lý, sử dụng trên không gian mạng...
TS Hoàng Quốc Cảnh - Nguyễn Hương Hạnh - Đỗ Thị Mỹ Dung
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
__________________
(1) Xem: Việt Nam vào top 20 nước đông người dùng Facebook nhất, Vietnamplus, ngày 3-6 2023, https://www.vietnamplus.vn/infographics-viet-nam-vao-top-20-nuoc-dong-nguoi-dung-facebook-nhat-post866216.vnp
Theo https://tapchicongsan.org.vn/web/guest/nghien-cu/-/2018/972002/vach-tran-phuong-thuc%2C-thu-doan-loi-dung-mang-xa-hoi-facebook-de-xuyen-tac%2C-chong-pha-dang-va-nha-nuoc-viet-nam.aspx
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: vietnamhoinhap.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn