Di tích Căn cứ Biệt động thị xã Tây Ninh (Thành phố Tây Ninh)

Thứ năm - 23/01/2025 14:02

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, đội Biệt động thị xã Tây Ninh đã đóng quân ở nhiều nơi nhưng Giồng Cà là đội đứng chân lâu nhất (1970-1975), làm bàn đạp tiến công vào thị xã để diệt ác phá kiềm. Vì đây là khu rừng rậm rạp lại là vùng ven, đó là yếu tố thuận lợi cho việc che giấu lực lượng về lâu về dài, với những điều kiện đó Giồng Cà trở thành “Căn cứ Biệt động thị xã”.

Cổng khu di tích Căn cứ Biệt động Thị xã Tây Ninh
Cổng khu di tích Căn cứ Biệt động Thị xã Tây Ninh

Năm 1960, quán triệt Nghị quyết 15 của Trung ương, Thị ủy với các tổ chức cơ sở của mình đã khẩn trương phát động quần chúng xây dựng lực lượng thanh niên. Trên tinh thần đó, Thị ủy đã thành lập ra Ban quân sự đồng thời thành lập đội “Cảm Tử Quân” với 15 đội viên, đây chính là thế hệ thứ nhất, tiền thân của “Đội Biệt động Thị xã” sau này.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đội Biệt động Thị xã Tây Ninh luôn bám sát nhiêm vụ chính trị của Đảng trong từng giai đoạn, từ căn cứ đến vùng tranh chấp, từ vùng tạm chiếm đến Thị xã, đâu đâu cũng có cán bộ, chiến sĩ, Đội Biệt động ngày đêm bám trụ, bám địa bàn, diệt ác phá kiềm, phá ấp chiến lược, vận động nhân dân phá ấp chính trị, đánh vào các đồn bót, trụ sở trọng điểm của địch. 

Từ đó làm thất bại nhiều hoạt động do thám, gián điệp của địch đánh vào căn cứ, mở rộng vùng giải phóng, vùng tranh chấp, bảo vệ đồng bào, bảo vệ căn cứ.

Nhà Truyền thống khu di tích Căn cứ Biệt động Thị xã Tây Ninh

Năm 1961, nhằm nâng cao lực lượng chiến đấu trong tình hình mới, Thị ủy đã đổi tên “Đội Quyết tử” thành “Đội Vũ trang tuyên truyền” do đồng chí Hai Can làm đội trưởng.

Đội Vũ trang tuyên truyền sau khi được bổ sung lực lượng trang bị thêm vũ khí, Đội đã tổ chức nhiều trận tập kích bất ngờ, những trận đánh thọc sâu vào hàng ngũ của địch khiến chúng hoang mang lo sợ, rối loạn hàng ngũ. Tiêu biểu như trận đánh ngày 17/3/1973, đội vũ trang đã tập kích vào trung tâm chiêu hồi diệt 39 tên, bắt sống toàn bộ đội biệt kích đóng ở Quán Cơm, diệt tên Năm Túc, trưởng ấp Thái Vĩnh Đông, tên Ngộ trưởng ấp Bình Đông… các trận đánh trên đã làm nức lòng dân Thị xã, tạo tiền đề cho những trận đánh sau này.

Đầu năm 1968 thực hiện kế hoạch của Tỉnh ủy để tăng cường các hoạt động diệt ác, phá kiềm trong nội ô Thị xã và chuẩn bị cho cuộc tấn công lớn, Thị ủy quyết định thành lập “Tiểu đội Biệt động nữ Thị xã” trực thuộc C2/45. Đội do đồng chí Lê Thị Hai làm đội trưởng và đồng chí Huỳnh Thị Bình chính trị viên. Tiểu đội này hoạt động dưới sự chỉ huy trực tiếp của đồng chí Ba Liên – Thị đội trưởng. Đội có nhiệm vụ bám địa bàn, xây dựng cơ sở vũ trang, tuyên truyền diệt ác.

Hình ảnh đội IV anh hùng thời kháng chiến chống Mỹ, được lưu giữ cẩn thận

Đội nữ Biệt động từ khi thành lập đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng đã đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, nhiều lần đột nhập vào ấp chiến lược, tiêu diệt nhiều tên ác ôn. Đội còn phối hợp với Công an Tỉnh, Trinh sát của Sư đoàn 9 bám địa bàn… phối hợp với đặc công của Tỉnh đội do đồng chí Song Thao chỉ huy, đánh bót Bình Trung, tiêu diệt 8 tên thu một số súng và mìn…

Đội Biệt động Thị xã Tây Ninh ra đời vừa chiến đấu, vừa trưởng thành theo thời gian của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Dưới ánh sáng của Đảng trong vòng vây ấp ám của nhân dân, Đội Biệt động với chiến thuật “Đánh nở hoa trong lòng địch”, lối đánh kết hợp nhịp nhàng giữa trong và ngoài, cánh đánh táo bạo, dũng cảm, ở đâu có giặc ở đó có chiến sĩ đội Biệt động. Đội Biệt động Thị xã đã trở thành “Tấm lá chắn” ngăn chặn, đè bẹp bước chân quân thù.

Nhớ c2/45 Căn cứ Biệt động thị xã Tây Ninh

Tháng 2/1967 trong khi mở cuộc càn Gianxơn-city vào khu căn cứ Bắc Tây Ninh, Đội C2/45 được lệnh nghiên cứu kế hoạch đánh vào trung tâm cố vấn của Mỹ. Sau khi lên kế hoạt Đội Biệt động Thị xã cùng với hai lực lượng khác là lực lượng vũ trang Châu Thành và du kích xã Thanh Điền đã bất ngờ đánh thẳng vào trung tâm, trận đánh diễn ra chớp nhoáng, chúng không kịp trở tay chống trả. Trận này ta tiêu diệt 14 tên cố vấn Mỹ, thu được một số lượng lớn súng đạn các loại.

Từ ngày 5/5/1968 – 18/6/1968 (Đợt 2 Tổng tiến công và nổi dậy Mậu thân năm 1968). Đội Biệt động Thị xã đã lấy trung tâm Thị xã làm địa bàn hoạt động, chủ yếu để đánh địch ở hướng Bắc và Tây bắc. Đội đã tổ chức luồn sâu, diệt ác phá kiềm, nhiều trận gây tiếng vang lớn, những trận luồn sâu, diệt ác phá kiềm của Đội Biệt động Thị xã đã thực sự gây hoan mang, dao động trong hàng ngũ địch ở Thị xã Tây Ninh.

Trong năm 1969, diễn ra nhiều trận ác liệt: Tháng 8/1969 Đội nữ Biệt động dùng cối 82 và cối 60 đánh Dinh Tỉnh trưởng.

Hàng năm là nơi tổ chức Lễ giao nhận quân trên địa bàn Thành phố Tây Ninh

Tháng 9/1969 Đội Biệt động Thị xã trên đường đi đánh trung tâm huấn luyện Ngô Tùng Châu, gặp địch tuần tra tại ấp Phú Thái, ta diệt 4 tên, tiếp đó đánh Trung đội cơ động nghĩa quân Thái Hiệp Thạnh trên đường 22, dùng B40 bắn hư một xe jeep, diệt 3 tên, bị thương 1 tên.

Tháng 3/1970, Đội Biệt động Thị xã tập kết ở Bàu Bèo, kết hợp với đội đặc công của tỉnh dùng phương pháp bí mật để bố trí trận địa sát lòng địch, dùng 7 trái H12 đặt hẹn giờ. Trận này toàn bộ lữ đoàn dù bị tiêu diệt.

Tháng 1/1971, Đội Biệt động Thị xã kết hợp với bộ phận Đặc công của tỉnh tổ chức đánh tiêu diệt bót Bình Trung, 8 tên giặc đền tội, ta thu được 2 súng và 4 mìn định hướng.

Năm 1972, tại căn cứ Giồng Cà, Đội Biệt động đã tổ chức đánh, diệt 12 tên biệt kích Lôi Hổ, Thu  1AK, 1AR- 15, 2 máy PRC-25, 12 ba lô, 2 tên chết tại trận còn lại thoát thân về Tua Hai.

Hàng năm là nơi tổ chức Lễ giao nhận quân trên địa bàn Thành phố Tây Ninh

Tháng 2/1975, Đội Biệt động Thị xã đã dũng cảm, mưu trí đánh thiệt hại nặng 2 toán biệt kích dù 81, diệt tại chỗ 1 tên, bị thương 4 tên, mất tích 4 tên khi chúng càn vào căn cứ ta ở Giồng Cà, thu 2 súng AK và AR-15, 2 máy PRC-25 và nhiều đồ dùng quân sự.

Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, lực lượng Biệt động Thị xã ngoài việc làm trái độn ở khu vực Giếng Mạch, còn kết hợp với lực lựng khác tiến quân vào giải phóng Thị xã ngày 30/4/1975.

Căn cứ Đội Biệt động Thị xã Tây Ninh gắn liền với trang sử hào hùng của Biệt động Thị xã nói riêng và quân dân Tây Ninh nói chung, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước căn cứ C2/45 là căn cứ ý chí quyết thắng của lòng quả cảm, khí phách anh hùng. Căn cứ Biệt động Thị xã là đầu nối mũi nhọn tiền tiêu, lá chắn cho toàn khu căn cứ Cách mạng Thị xã đã thể hiện tinh thần đoàn kết, gắn bó quân dân “Quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”. Chiến sĩ C2/45, quyết một lòng theo Đảng theo cách mạng đến cùng, góp phần củng cố cả nước giải phóng quê hương thống nhất tổ quốc.

Căn cứ Biệt động Thị xã, C2/45 gắn liền với các trận đánh, tiêu diệt địch trong suốt hơn 20 năm chống Mỹ cứu nước là minh chứng lịch sử của nghệ thuật quân sự, là đề tài nghiên cứu sâu rộng trong truyền thống cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Căn cứ Biệt động thị xã Tây Ninh, tọa lạc tại ấp Giồng Cà, xã Bình Minh, thị xã Tây Ninh (nay là Thành phố Tây Ninh), tỉnh Tây Ninh. Được công nhận là Di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh, tại Quyết định số: 60/QĐ-UBND, ngày 23/2/2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh.

Theo Bảo tàng Tây Ninh

Một số hình ảnh tổ chức Lễ giao nhận quân trên địa bàn Thành phố Tây Ninh tại căn cứ:

Tác giả: NVĐ

Nguồn tin: baotang.tayninh.gov.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 295 trong 59 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 59 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây