Trong các bài viết, bài nói của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường nhấn mạnh chữ "thật". Người yêu cầu mọi việc đúng đắn phải được làm "thật sự". Trong những dòng Di chúc thiêng liêng, Người 5 lần dùng chữ "thật". Những chữ "thật" của Người có thông điệp sâu sắc về công tác xây dựng Đảng và trách nhiệm của Đảng với nhân dân.
Khi dân tộc chưa giành lại được độc lập, nhân dân chưa có tự do, đất nước còn bị chia cắt, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã kiên quyết bền bỉ tranh đấu đòi "độc lập thật sự" cho dân tộc, đòi "thống nhất thật sự" cho đất nước, đòi tự do, hạnh phúc cho nhân dân, đòi "hòa bình thật sự" cho thế giới. Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, khi xây dựng chính quyền nhân dân, Người đòi hỏi phải "thật sự kiện toàn chính quyền dân chủ nhân dân về các mặt công tác, tổ chức, cán bộ"(1).
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đi đến ngọn nguồn của vấn đề, cốt lõi của tinh thần, bản chất của sự việc. Người luôn đề cao chữ "thật". Trên lĩnh vực nào trong đời sống chính trị-xã hội của đất nước, Người cũng yêu cầu "thật", "thật sự" trong mỗi công việc. Điều này nói lên yêu cầu rất cao của Người về trách nhiệm và kết quả công việc, về phẩm chất, thái độ và tình cảm với mỗi việc, mỗi người.
Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, một cán bộ tốt là người chan hòa sống "thật" với nhân dân, thật sự cống hiến vì dân. Trong lãnh đạo xã hội, Đảng phải thật sự đoàn kết được toàn dân, "Không phải đoàn kết ngoài miệng, mà đoàn kết bằng việc làm, đoàn kết bằng tinh thần, đoàn kết thật sự"(2). Trong cách lãnh đạo thì "Từ Trung ương đến chi bộ xã đều phải làm đúng nguyên tắc lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách; đều phải chống cái tệ sùng bái cá nhân và quan liêu mệnh lệnh; đều phải thật thà tự phê bình và phê bình thẳng thắn; đều phải thật sự dân chủ"(3). "Lãnh đạo phải thật sự dân chủ nhưng đồng thời phải thật sự tập trung"(4). "Nội bộ phải thật đoàn kết… Phải thật sự gần gũi nhân dân, lắng nghe ý kiến và nguyện vọng của nhân dân, học hỏi kinh nghiệm của nhân dân"(5).
Người nhấn mạnh: "Muốn thật sự đoàn kết thì phải có dân chủ thật sự trong Đảng. Phải thường xuyên nghiêm chỉnh phê bình và thật thà tự phê bình để giúp nhau sửa chữa khuyết điểm, phát huy ưu điểm, để cùng nhau tiến bộ"(6). "Về lãnh đạo, cán bộ phải thật sự đoàn kết, nhất trí, phải đi sâu đi sát, phải lãnh đạo thiết thực và toàn diện"(7). "Cán bộ lãnh đạo phải thật sự cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư..."(8).
Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Tôn Đức Thắng và đồng chí Trường Chinh chụp ảnh lưu niệm với nhóm phóng viên thông tấn, báo chí phục vụ Đại hội lần thứ III của Đảng (năm 1960). Người ngồi giữa Bác Hồ và đồng chí Trường Chinh và nhà báo Huỳnh Thị Hường (phóng viên Việt Nam Thông tấn xã) và người đeo kính ngồi sau Bác Hồ là nhà báo Lê Bá Thuyên (Phó Giám đốc Việt Nam Thông tấn xã). Ảnh: Tư liệu TTXVN
Trong những dòng Di chúc thiêng liêng, mối quan tâm đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh là việc xây dựng Đảng - "Trước hết nói về Đảng…". Sau những trăn trở, dặn dò của Người tập trung vào việc xây dựng Đảng, giữ gìn đoàn kết và thực hành dân chủ trong Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: "Đảng ta là một Đảng cầm quyền. Mỗi đảng viên và cán bộ phải thật sự thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư. Phải giữ gìn Đảng ta thật trong sạch, phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đày tớ thật trung thành của nhân dân" (Di chúc). Chủ tịch Hồ Chí Minh dùng chữ "thật", "thật sự" tới 4 lần trong một đoạn ngắn (chỉ 57 từ) chuyển tải ý trọng yếu của Người về vai trò và trách nhiệm của Đảng, về phẩm chất của cán bộ, đảng viên.
Trong Di chúc viết năm 1968, Người nhấn mạnh: "Theo ý tôi, việc cần phải làm trước tiên là chỉnh đốn lại Đảng làm cho mỗi đảng viên, mỗi đoàn viên, mỗi chi bộ đều ra sức làm tròn nhiệm vụ Đảng giao phó cho mình, toàn tâm toàn ý phục vụ nhân dân".
Chữ "thật" thứ 5 trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: "Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân". Đây là yêu cầu của Người đối với Đảng trong thực hiện trách nhiệm với nhân dân sau khi đất nước đã hòa bình, thống nhất. Đảng tiếp tục vai trò lãnh đạo nhân dân hàn gắn vết thương chiến tranh, xây dựng, phát triển đất nước để nâng cao toàn diện đời sống của nhân dân, cả về vật chất (phát triển kinh tế), cả về tinh thần (phát triển văn hóa).
Trong Di chúc viết năm 1968, Người giải thích: "Công việc trên đây là rất to lớn, nặng nề, và phức tạp, mà cũng là rất vẻ vang. Đây là một cuộc chiến đấu chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng, để tạo ra những cái mới mẻ, tốt tươi. Để giành lấy thắng lợi trong cuộc chiến đấu khổng lồ này cần phải động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của nhân dân". Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh tầm quan trọng của mối liên hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân, huy động mọi nguồn lực của nhân dân, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Đọc lại Di chúc và các tác phẩm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng Đảng, chúng ta nhận thức rõ hơn về chữ "thật" Người hay dùng khi yêu cầu Đảng thật sự tiên phong, gương mẫu về đạo đức, trong sạch về đội ngũ, chống lại những biểu hiện suy thoái của một số cán bộ, đảng viên làm tổn hại đến uy tín của Đảng, làm mất lòng tin của nhân dân. Xây dựng, chỉnh đốn Đảng là điều căn cốt nhất để Đảng "là đạo đức, là văn minh", để Đảng cầm quyền thực sự trong sạch, vững mạnh.
Vận dụng những bài học sâu sắc trong tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay được Đảng ta xác định là nhiệm vụ thường xuyên, cấp bách và then chốt. Đảng ta xác định phải giữ vững và nâng cao năng lực, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng để đưa dân tộc vượt qua mọi biến động, khó khăn, đi đến mục tiêu mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân ta đã lựa chọn. Quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta đang đẩy mạnh thực hiện các Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, Kết luận số 21-KL/TW của Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, gắn với thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Văn kiện Đại hội XIII của Đảng xác định cụ thể: "Xây dựng đội ngũ cán bộ, trước hết là người đứng đầu có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, năng lực nổi bật, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung, có uy tín cao và thực sự tiên phong, gương mẫu, là hạt nhân đoàn kết".
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định tinh thần chỉ đạo quyết liệt trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Tại phiên bế mạc Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ngày nay, trong điều kiện mới, đứng trước yêu cầu của sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn mới, với quy mô, tầm vóc lớn lao, có nhiều khó khăn, thách thức mới, hơn bao giờ hết, chúng ta càng cần phát huy hơn nữa truyền thống và bản chất tốt đẹp của Đảng, chăm lo xây dựng Đảng ta thật sự vững vàng về chính trị, tư tưởng; thống nhất cao về ý chí, hành động; trong sạch về đạo đức, lối sống; chặt chẽ về tổ chức; gắn bó mật thiết với nhân dân, đủ sức lãnh đạo đưa đất nước ta vượt qua mọi khó khăn, ngày càng phát triển.
Càng đọc, càng suy ngẫm, càng nhận thức rõ hơn những điều Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn. Một đảng cầm quyền phải thật sự nêu cao tinh thần trách nhiệm phục vụ nhân dân, vì nhân dân, xứng đáng với sự tin yêu của nhân dân thì mới có thể hoạch định đường lối, lãnh đạo nhân dân, tạo động lực cho đất nước phát triển nhanh, bền vững và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng. Thực hiện thật tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh để làm cho Đảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là niềm tin yêu, chỗ dựa vững chắc của nhân dân. Làm được như vậy, thì dù công việc to lớn mấy, khó khăn mấy chúng ta cũng nhất định thắng lợi như tâm nguyện của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi lại cho toàn Đảng, toàn dân.
Ngô Vương Anh
_____________
(1) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tập 7, tr 391
(2) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 8, tr 78
(3) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 10, tr 431
(4) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 11, tr 591
(5) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 12, tr 438
(6) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 14, tr 186
(7) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 13, tr 107
(8) Hồ Chí Minh (2011) - Toàn tập - Sđd, tập 14, tr 40
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: nhandan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn