Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội hiện nay cần phải quán triệt và vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề này. Đây là nội dung, biện pháp quan trọng, khâu đột phá căn bản để xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội có đủ phẩm chất, năng lực, trình độ, phương pháp, tác phong công tác ngang tầm nhiệm vụ.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ
Khẳng định vai trò to lớn của đội ngũ cán bộ đối với sự nghiệp cách mạng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể. Có vốn mới làm ra lãi. Bất cứ chính sách, công tác gì nếu có cán bộ tốt thì thành công, tức là có lãi. Không có cán bộ tốt thì hỏng việc, tức là lỗ vốn”(1). Chính vì lẽ đó, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, để có tiền vốn của Đoàn thể, Người yêu cầu:
Thứ nhất, phải nhận thức đúng vai trò của đội ngũ cán bộ.
Đội ngũ cán bộ là nhân tố có vai trò quan trọng, quyết định trong việc tổ chức lực lượng quần chúng nhân dân thành sức mạnh để thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Phải hiểu rõ: “Muôn việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng”; “phải hiểu cán bộ”, “phải cất nhắc cán bộ một cách cho đúng”; phải “khiến cho cán bộ có gan phụ trách, có gan làm việc”(2).
Thứ hai, phải tổ chức tốt việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng (ĐTBD) cán bộ chịu sự tác động của một hệ các nhân tố, gồm hai mặt cơ bản là huấn luyện và học tập, có quan hệ mật thiết, tác động lẫn nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ, “việc huấn luyện và học tập không phải là một việc đơn giản”. Vì vậy, Người nhắc nhở muốn làm tốt phải huấn và luyện. Huấn là dạy dỗ, luyện là rèn giũa để tạo ra đội ngũ cán bộ đáp ứng với yêu cầu thực tiễn. Người viết: “Huấn luyện cán bộ là cốt để cung cấp cán bộ cho các ngành công tác: Đoàn thể, Mặt trận, chính quyền, Quân đội. Các ngành công tác như là người tiêu thụ hàng. Ban huấn luyện như là người làm ra hàng. Làm ra hàng phải đúng với nhu cầu của người tiêu thụ. Nếu người ta cần nhiều xe mà mình làm ra nhiều bình tích thì hàng ế”(3).
Thứ ba, phải xác định đúng mục đích, nội dung và có phương pháp đào tạo, bồi dưỡng phù hợp, hiệu quả.
Nội dung ĐTBD phải thiết thực và phải lấy ĐTBD về chủ nghĩa Mác - Lênin làm gốc. Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Học lý luận không phải để nói mép, nhưng biết lý luận mà không thực hành là lý luận suông. Học là để áp dụng vào việc làm. Làm mà không có lý luận thì không khác gì đi mò trong đêm tối, vừa chậm chạp vừa hay vấp váp. Có lý luận thì mới hiểu được mọi việc trong xã hội, trong phong trào để chủ trương cho đúng, làm cho đúng”(4).
Thực trạng công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội hiện nay
Thời gian qua, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng luôn tập trung lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát đối với công tác ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị. Đặc biệt, từ khi thực hiện Nghị quyết số 51-NQ/TW ngày 20/7/2005 của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”, vị trí, vai trò của cán bộ chính trị đã được đề cao. Thực tiễn luôn khẳng định và ghi nhận đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội là lực lượng nòng cốt trong tiến hành các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị; có vai trò quan trọng đối với việc giữ vững phương hướng chính trị của Đảng trong Quân đội, bảo đảm cho Quân đội luôn giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng, với Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Theo đó, cấp ủy các cấp thường xuyên chú trọng công tác ĐTBD; đảm bảo đội ngũ này luôn có số lượng phù hợp, chất lượng cao. Công tác đào tạo cán bộ chính trị được đổi mới theo hướng “chuẩn hóa, hiện đại hóa”, nội dung, chương trình, hình thức ĐTBD từng bước được đổi mới, chú trọng vào nâng cao bản lĩnh chính trị, năng lực toàn diện, trước hết là năng lực tiến hành công tác đảng, công tác chính trị, nâng cao phẩm chất, đạo đức, lối sống, tác phong công tác và lề lối làm việc của cán bộ chính trị đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra.
Bên cạnh những ưu điểm, công tác ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội còn bộc lộ một số hạn chế, đó là: chưa kết hợp chặt chẽ giữa lý luận với thực tiễn; nội dung, chương trình ĐTBD chậm được đổi mới, bổ sung và cập nhậtcòn trùng lặp nên chưa đáp ứng được yêu cầu nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn tiến hành công tác đảng, công tác chính trị cho đội ngũ cán bộ chính trị. Một số cán bộ chính trị chưa thực sự tự giác, tích cực tham gia ĐTBD hoặc có tham gia nhưng chưa thực sự xuất phát từ mục đích tự thân. Chất lượng đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý đào tạo còn có mặt hạn chế. Chế độ, chính sách còn hạn hẹp với điều kiện thực tiễn xã hội và chưa đáp ứng yêu cầu đổi mới, nâng cao chất lượng ĐTBD. Ngoài ra, điều kiện cơ sở vật chất - kỹ thuật trong nhiều cơ sở ĐTBD chưa được trang bị đầy đủ.
Trong thời gian tới, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng toàn diện đội ngũ cán bộ quân đội nói chung, cán bộ chính trị nói riêng đặt ra yêu cầu cấp thiết đối với công tác ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ thời kỳ mới.
Một số giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chính trị trong Quân đội
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp, thường xuyên nâng cao nhận thức, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị.
Các cấp ủy đảng, cán bộ chủ trì, cơ quan chính trị các cấp cần đề cao trách nhiệm thường xuyên quan tâm, lãnh đạo công tác xây dựng đội ngũ cán bộ chính trị. Nghiên cứu, quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chỉ thị, nghị quyết của cấp trên về cán bộ và công tác cán bộ để xác định chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo công tác quy hoạch, ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị. Coi trọng công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục làm cho các tổ chức, các lực lượng có nhận thức đúng đắn, đầy đủ về vị trí, vai trò, chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn, các mối quan hệ công tác của đội ngũ cán bộ chính trị, từ đó thấu triệt ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị, góp phần nâng cao hiệu lực và vai trò to lớn của hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, thực sự là “linh hồn, mạch sống” trong các đơn vị.
Hai là, vận dụng linh hoạt các hình thức, biện pháp đào tạo, bồi dưỡng của các nhà trường trong và ngoài Quân đội.
Vận dụng linh hoạt các hình thức ĐTBD tại các học viện, nhà trường với bồi dưỡng, tập huấn cán bộ tại các quân khu và sự tự học tập, tu dưỡng, rèn luyện của mỗi người, thông qua các hình thức ĐTBD tại các nhà trường, có hình thức đào tạo cơ bản và bồi dưỡng ngắn hạn, kết hợp giữa hoàn thiện học vấn với bồi dưỡng chức danh cho đội ngũ cán bộ chính trị. Tập trung, chú trọng hình thức đào tạo cơ bản, hệ thống, hạn chế sử dụng các hình thức đào tạo ngắn hạn. Để nâng cao chất lượng ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị, trước hết cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình, nội dung đào tạo; lấy chức trách, nhiệm vụ, yêu cầu phẩm chất năng lực làm căn cứ, chú trọng các nội dung kiến thức hệ thống, bài bản, căn cơ gắn lý luận với thực tiễn sát với từng đối tượng.
Ba là, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tuyển chọn, bố trí, sử dụng và thực hiện tốt chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ chính trị trong Quân đội.
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch để ĐTBD, bố trí và sử dụng đúng cán bộ chính trị trong Quân đội. Phải lấy hiệu quả công việc làm thước đo chất lượng cán bộ. Trong đó, đặc biệt coi trọng khâu đánh giá cán bộ. Bố trí, sử dụng cán bộ chính trị các cấp phải căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ, công tác đặt ra. Kết hợp chặt chẽ việc quy hoạch ĐTBD, bố trí, sử dụng những cán bộ chính trị đủ tiêu chuẩn với việc kiên quyết đưa ra khỏi cương vị lãnh đạo, quản lý những cán bộ chính trị thiếu và yếu về phẩm chất, năng lực ở những nơi trì trệ, yếu kém, mất đoàn kết kéo dài. Lãnh đạo, chỉ huy các cấp, các ngành phải thực sự sâu sát, nắm vững tâm tư, nguyện vọng, nhu cầu của đội ngũ cán bộ chính trị; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, khai thác tốt mọi thuận lợi, tiềm năng sẵn có ở các cơ quan, đơn vị, động viên mọi người thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí.
Bốn là, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng đối với công tác ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các nhà trường quân đội.
Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác ĐTBD cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực và xử lý nghiêm sai phạm trong công tác cán bộ. Các cơ quan chức năng làm tốt việc tham mưu đề xuất với cấp ủy, cán bộ chủ trì các chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo, tiến hành công tác ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị trong Quân đội. Các tổ chức quần chúng thực hiện tốt vai trò tham gia nhận xét, góp ý với cấp ủy đảng; thực hiện chức năng giám sát, góp ý về việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống và nêu gương của cán bộ chính trị, là cơ sở cho nhận xét, đánh giá, đề bạt cán bộ đưa vào nguồn đào tạo.
Quan tâm đầu tư, nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên ở các học viện, nhà trường, trong đó Học viện Chính trị và Trường Sĩ quan Chính trị phải thực sự là những trung tâm hàng đầu về đào tạo cán bộ chính trị trong Quân đội. Chú trọng xây dựng đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; phát triển phẩm chất, năng lực toàn diện cho đội ngũ cán bộ, giảng viên, các chuyên gia đầu ngành khoa học xã hội và nhân văn quân sự để đáp ứng yêu cầu ĐTBD theo nhu cầu các chức danh cho đội ngũ cán bộ chính trị các cấp trong Quân đội.
Việc quán triệt, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác ĐTBD cán bộ là cơ sở quan trọng giúp cho Đảng ta, Quân ủy Trung ương xác định nội dung, phương pháp, hình thức ĐTBD đội ngũ cán bộ chính trị phù hợp, hiệu quả, là lực lượng nòng cốt trong tiến hành công tác đảng, công tác chính trị đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại trong thời kỳ mới.
ThS Hà Xuân Nam - Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng
______________
(1), (3), (4) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.356, tr.359, tr.357.
(2) Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.10.
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: tcnn.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn