Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh hiện nay

Thứ năm - 04/04/2024 15:13

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa đất nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muốn đánh giặc, phải có quân đội”[1]. Nhận thức tính tất yếu đó, ngày 22/12/1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân - Đội quân chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng và là tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam được thành lập theo chỉ thị của Người. Ngay từ ngày đầu thành lập và xuyên suốt trong quá trình giáo dục, rèn luyện Quân đội, Người xác định: “xây dựng Quân đội nhân dân hùng mạnh, làm hậu thuẫn mạnh mẽ cho cuộc đấu tranh củng cố hoà bình, thực hiện thống nhất, độc lập, dân chủ trong cả nước”[2].

Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh hiện nay

Từ xác định đó, thông qua thực tiễn lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng Quân đội, Người đã để lại những quan điểm vô cùng quý báu, là nền tảng, “kim chỉ nam” để Đảng ta xác định đường lối, chủ trương lãnh đạo xây dựng Quân đội qua các thời kỳ cách mạng. Đây cũng là một trong những cơ sở lý luận quan trọng để Đảng ta vận dụng sáng tạo trong xác định đường lối, chủ trương lãnh đạo xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới.

1. Tính tất yếu vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh

Trung thành, vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin về xây dựng Quân đội cách mạng vào điều kiện cụ thể cách mạng Việt Nam và kế thừa truyền thống “thực túc, binh cường”, bài học kinh nghiệm xây dựng Quân đội đã được các bậc tiền nhân đúc kết “Quân cốt tinh, không cốt đông”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhận thức rõ sức mạnh của Quân đội cách mạng là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố: Con người, tổ chức, vũ khí, trang bị, nghệ thuật tác chiến..., trong đó, chính trị - tinh thần là yếu tố có ý nghĩa quyết định. Vì vậy, Người đã khẳng định: “Chúng ta phải ra sức xây dựng quân đội ta thành một quân đội nhân dân hùng mạnh, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại, để giữ gìn hòa bình, bảo vệ Tổ quốc”[3]. 

Hoạt động của Quân đội mang tính đặc thù, phải đầu tư chi phí cao, mức độ tiêu hao vật chất lớn, tạo ra áp lực lớn đối với nền kinh tế quốc dân. Vì vậy, trong điều kiện cụ thể, xây dựng chiến lược phát triển của mình, các quốc gia luôn phải cân đối về số lượng, chi phí đầu tư cho hoạt động quốc phòng nói chung, xây dựng Quân đội nói riêng vừa phù hợp với khả năng đáp ứng của nền kinh tế, vừa phải đảm bảo sức mạnh để bảo vệ đất nước. Qua gần 40 năm đổi mới, nền kinh tế Việt Nam có những bước phát triển quan trọng “thế và lực, sức mạnh tổng hợp quốc gia, uy tín quốc tế, niềm tin của nhân dân ngày càng được nâng cao, tạo ra những tiền đề quan trọng để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”[4]. Tuy nhiên, bên cạnh đó “Nền kinh tế phát triển chưa bền vững, còn nhiều hạn chế, yếu kém, đứng trước nhiều khó khăn, thách thức mới do tác động của đại dịch Covid-19 và khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra”[5]. Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới, phải xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. 

Thế giới đang đứng trước những biến động to lớn, diễn biến rất nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo; cạnh tranh chiến lược nước lớn gây nhiều biến động đối với môi trường an ninh quốc tế; tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, chủ quyền biển, đảo diễn ra căng thẳng trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Các nước điều chỉnh chiến lược và phương thức phát triển nhằm thích ứng với tình hình mới. Tăng ngân sách quốc phòng, chạy đua vũ trang ngày càng quyết liệt và trở thành xu thế phổ biến; một số nước đẩy mạnh hiện đại hóa quân đội, tăng cường năng lực quân sự với những thế hệ vũ khí mới. Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, xuất hiện nhiều hình thái chiến tranh và phương thức tác chiến mới rất hiện đại, công nghệ cao, các thách thức an ninh phi truyền thống ngày càng phức tạp, khó lường. Do đó, xây dựng Quân đội theo hướng tinh, gọn, mạnh là xu thế chung trên thế giới, trong đó có nước ta. Đây là yêu cầu tất yếu đáp ứng sự nghiệp cách mạng trong giai đoạn hiện nay.

2. Nội dung vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh 

Dưới sự lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng chiến đấu vì độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; làm nòng cốt cho toàn dân trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. 

Xuất phát từ chức năng, nhiệm vụ của Quân đội cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định Quân đội phải được xây dựng tinh nhuệ, trước hết là tinh nhuệ về chính trị, có tính kỷ luật cao, chất lượng con người và vũ khí được nâng cao, đáp ứng yêu cầu hoạt động tác chiến trong mọi tình huống. 

Để giành được ưu thế trên chiến trường, mỗi quân nhân phải được huấn luyện toàn diện, thành thạo về chuyên môn, “phải dạy cho họ sử dụng thành thạo các loại vũ khí”[6]. Do đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Quân đội thi đua nhau bắn súng cho giỏi, ném lựu đạn cho xa, cho trúng và diệt cho nhiều địch, cướp cho nhiều súng”[7]. Đặc thù hoạt của động quân sự đòi hỏi sự phối hợp, gắn kết chặt chẽ giữa các lực lượng với thiết bị, vũ khí có độ chính xác cao trong điều kiện khó khăn, thậm chí chứa đựng tổn thất hy sinh tính mạng, theo đó, đòi hỏi “Kỷ luật phải được thi hành từ trên đến dưới”[8] nhằm đảm bảo sự thống nhất trong mọi hoạt động và đảm bảo “Quân đội ta phải được trang bị đầy đủ,… để tiến bộ mãi về mặt kỹ thuật”[9]. 

Đánh giá vai trò của các yếu tố tạo thành sức mạnh chiến đấu của Quân đội cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định chính trị là yếu tố cơ bản nhất; trong đó, mục tiêu, lý tưởng của Đảng cũng chính là mục tiêu chiến đấu của Quân đội. Vì vậy, Quân đội không chỉ trung thành, mà còn phải thực sự tinh nhuệ về chính trị, phải có bản lĩnh chính trị vững vàng trong mọi hoàn cảnh và “trình độ chính trị, tư tưởng của quân đội phù hợp với yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng nói chung và nhiệm vụ xây dựng quân đội nói riêng”[10], góp phần đấu tranh và giành thắng lợi trên mặt trận chính trị - tư tưởng; có sức "đề kháng" cao trước mọi sự tấn công, thâm nhập của các tư tưởng phi vô sản. 

Trên cơ sở lý luận và thực tiễn quá trình chỉ đạo, tổ chức xây dựng và rèn luyện Quân đội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam luôn quan tâm chú trọng tới xây dựng Quân đội vững mạnh toàn diện, đáp ứng yêu cầu sự phát triển của cách mạng. Đến Đại hội XIII, Đảng ta xác định: Xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại[11]. Cụ thể hóa quan điểm đó, theo tinh thần Nghị quyết 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương chỉ ra: “Tinh” là tinh nhuệ, là nói về chất lượng con người, tổ chức và vũ khí, trang bị, trước hết là tinh nhuệ về chính trị, trình độ tác chiến - nội dung cốt lõi, căn bản nhất của xây dựng Quân đội. 

Với chức năng cơ bản là chiến đấu, với hoạt động đặc thù của Quân đội là huấn luyện về mọi mặt, chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu để đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Những hoạt động đó gắn với mức độ tiêu hao nhiều và đòi hỏi phải đầu tư, chi tiêu lớn. Điều đó tất yếu sẽ tạo ra áp lực và gánh nặng đối với nền kinh tế quốc gia; vì vậy, Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định phải xây dựng Quân đội có số lượng và phải được biên chế phù hợp gắn với thực tiễn tình hình nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn cụ thể. 

Trong điều kiện đất nước bị ảnh hưởng nặng nề của chế độ thực dân phong kiến, nền kinh tế nghèo nàn, lạc hậu, do đó, quá trình xây dựng, giáo dục, rèn luyện Quân đội, Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu: “Tổ chức cần phải chặt chẽ, thống nhất”[12], trong đó, chú trọng “Thực hành chấn chỉnh biên chế, để bớt sự đóng góp cho dân”[13]. Đồng thời, việc sắp xếp các lực lượng phải gắn với hiệu quả cao, “Tổ chức phải gọn gàng. Nhiệm vụ của mỗi bộ phận, mỗi người phải quy định rõ ràng. Các cấp và các cán bộ lãnh đạo phải giúp đỡ và đôn đốc thường xuyên, phải kiểm tra chặt chẽ”[14]. 

Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn quan tâm và chú trọng phát triển số lượng hợp lý gắn với nâng cao chất lượng toàn diện trong xây dựng Quân đội. Trong kháng chiến chống Pháp, Quân đội ta từ đội quân nhỏ bé, vũ khí, trang bị thô sơ đã phát triển thành một tổ chức vũ trang; cơ cấu tổ chức của lực lượng vũ trang ba thứ quân bao gồm: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ. Trong kháng chiến chống Mỹ, Quân đội ta từng bước phát triển thành một Quân đội chính quy, vững mạnh, có đủ các Quân đoàn bộ binh mạnh và các quân chủng, binh chủng. Thực tiễn sau năm 1975, biên chế của Quân đội từ 11 Quân khu và 2 Bộ tư lệnh thành phố đã rút gọn lại thành 8 Quân khu[15]. Để định hướng biên chế, tổ chức các lực lượng, đơn vị trong Quân đội, tại Đại hội VI của Đảng đã tiếp tục chỉ rõ: “Xây dựng quân đội nhân dân chính quy, ngày càng hiện đại, có chất lượng tổng hợp ngày càng cao, có tổ chức cân đối, gọn và mạnh, có kỷ luật chặt chẽ, có trình độ sẵn sàng chiến đấu và sức chiến đấu cao”[16]. Sau khi kết thúc chiến tranh biên giới, để phù hợp với điều kiện đất nước, Đảng đã chủ trương lãnh đạo thực hiện giải thể một số Quân đoàn trong quân khu, đặc khu Quảng Ninh; một số Sư đoàn đủ quân trở thành Sư đoàn khung thường trực. Năm 2008, tổ chức lại Quân khu Thủ đô thành Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội. Từ năm 2016 đến tháng 6 năm 2022, Quân đội đã điều chỉnh 1.286 tổ chức, giải thể các trường nghề và 61 trường quân sự cấp tỉnh; tăng cường lực lượng bảo vệ biên giới, biển, đảo và lực lượng, đơn vị làm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu. Các cơ sở sản xuất, sửa chữa, công nghiệp quốc phòng, đoàn kinh tế - quốc phòng được điều chỉnh hợp lý, giảm bớt các tổ chức trung gian, từng bước khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ. Các đơn vị dự bị động viên, phương tiện kỹ thuật được tổ chức, sắp xếp đủ 100% số đầu mối đơn vị theo quy định[17]. Thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TƯ, ngày 17/01/2022, Bộ Chính trị về Tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, năm 2023 Quân đội đã giải thể, sáp nhập, điều chuyển, thành lập mới trên 1400 tổ chức; sắp xếp, kiện toàn đủ 100% đầu mối đơn vị dự bị động viên theo đúng kế hoạch đề ra[18]. 

Tiếp đó, để định hướng việc xây dựng, tổ chức, biên chế Quân đội trong thời kỳ tiếp tục đẩy mạnh hội nhập quốc tế, Đại hội XIII, Đảng ta đã xác định: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội, công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030, xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại[19]. Cụ thể định hướng này, Nghị quyết 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương chỉ ra: “Gọn” tức là cơ cấu tổ chức biên chế, bộ máy của Quân đội phải bảo đảm cân đối, đồng bộ, hợp lý, khoa học giữa các thành phần, lực lượng, không để cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, hiệu quả hoạt động thấp. 

Với mục tiêu giành độc lập dân tộc, chiến thắng kẻ thù xâm lược, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu phải xây dựng Quân đội sẵn sàng chiến đấu cao, có năng lực tác chiến và khả năng ngăn chặn răn đe và tiêu diệt kẻ thù, Người yêu cầu: “Để làm trọn nhiệm vụ vẻ vang ấy, quân đội ta phải là một quân đội nhân dân, một quân đội cách mạng tiến lên chính quy và hiện đại”[20]. Sức mạnh đó là sự tổng hợp của nhiều yếu tố, mà trước hết Quân đội phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đây là nguyên tắc bất di bất dịch, nếu xa rời nguyên tắc này, sẽ làm cho Quân đội suy yếu, mất phương hướng, mục tiêu chiến đấu, thậm chí “vô dụng lại có hại” cho cách mạng, đi ngược lại lợi ích của nhân dân. 

Quân đội mạnh được thể hiện thông qua “chất liệu” của người lính và sức mạnh của các tổ chức trong Quân đội, trong đó yếu tố chính trị, tinh thần giữ vị trí quyết định. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong những công việc gian khổ, hiểm nguy, người đứng đầu là “đội trưởng và chính trị phái viên phải tỏ tinh thần và năng lực lãnh đạo của mình. Khó khăn nguy hiểm chừng nào thì hai người ấy phải xung phong trước chừng ấy để dìu dắt bộ đội”[21]. Vì vậy, Người xác định phải chú trọng và thực hiện tốt hoạt động giáo dục, tuyên truyền để cán bộ, chiến sĩ xác định tốt mục tiêu, lý tưởng, có quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ, bởi lẽ, “Chỉ có quân đội cách mạng của nhân dân, vì Tổ quốc, vì đồng bào, vì hòa bình mà chiến đấu, thì mới có tinh thần dũng cảm và chí khí vô địch”[22]. 

Quân đội mạnh được thể hiện thông qua vũ khí trang bị và nghệ thuật quân sự. Với đặc thù hoạt động trong lĩnh vực quân sự, vũ khí trang bị là công cụ lao động - Một yếu tố quan trọng góp phần nâng cao hiệu suất tác chiến của Quân đội. Do đó, để nâng cao sức mạnh của Quân đội, Hồ Chí Minh xác định: “Cần phải tăng cường và cải thiện dần dần việc trang bị cho bộ đội”[23]. Trong đó, nghệ thuật kết hợp biện chứng giữa con người và vũ khí, chính trị và kỹ thuật, khoa học quân sự và phương tiện chiến tranh “Đó là việc cốt yếu cho việc dùng binh quân đội”[24]. Theo Người, “phép dùng binh thắng lợi, phải biết tuỳ cơ ứng biến”[25], thực hiện tốt sẽ góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội và “Đó là cách yên nước nhà và toàn quân đội”[26]. 

Vận dụng sáng tạo tư tưởng Hồ Chí Minh, Đảng ta luôn xác định phải tăng cường sức mạnh để Quân đội hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng. Căn cứ vào điều kiện cụ thể của đất nước, Đại hội XIII, Đảng ta chỉ rõ mục tiêu: Đến năm 2025, cơ bản xây dựng Quân đội, Công an tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu năm 2030 xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ[27], trong đó, tập trung “Xây dựng cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên trong Quân đội và Công an tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, kiên định với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, bảo đảm chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong mọi tình huống”[28]. Tiếp đó, theo tinh thần Nghị quyết 230-NQ/QUTW ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương xác định: “Mạnh” là sức mạnh tổng hợp, trước hết và quan trọng là sức mạnh chiến đấu của Quân đội hội tụ từ nhiều yếu tố như: Tổ chức, con người, vũ khí trang bị và nghệ thuật quân sự tạo thành sức mạnh tổng hợp vượt trội nhằm đánh thắng mọi kẻ thù trong mọi hình thái chiến tranh. 

Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh là ba nội dung khác nhau, nhưng quan hệ mật thiết với nhau, đảm bảo cho Quân đội có đủ sức mạnh thực hiện chủ trương bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa” theo kế sách “chủ động giữ nước từ khi nước chưa nguy”, ngăn ngừa nguy cơ chiến tranh, xung đột, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, tạo tiền đề để đất nước phát triển ổn định, bền vững, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội. 

3. Một số giải pháp cơ bản vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh hiện nay 

Một là, quán triệt nâng cao nhận thức đúng đắn về vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh hiện nay. 

Đây là nội dung bao trùm, chỉ đạo xuyên suốt, bảo đảm thống nhất nhận thức làm cơ sở vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, bảo đảm cho Quân đội có chất lượng tổng hợp, sức chiến đấu ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Để làm tốt vấn đề này, cần tiếp tục  quán triệt sâu sắc nội dung, giá trị tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng Quân đội; Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo; Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo,... trọng tâm của xây dựng Quân đội từ năm 2021-2025 là điều chỉnh tổ chức, xây dựng lực lượng cơ bản “tinh, gọn, mạnh”, tạo tiền đề vững chắc để phấn đấu xây dựng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại vào năm 2030. 

Trong đó, quán triệt quan điểm chỉ đạo quá trình thực hiện phải chặt chẽ, kiên quyết, kiên trì, có lộ trình, bước đi thích hợp, không chủ quan, nóng vội; phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị, kết hợp chặt chẽ công tác tư tưởng với công tác chính sách. Kịp thời phát hiện, giải quyết các vấn đề phát sinh, không làm ảnh hưởng đến những mặt công tác khác. Sau điều chỉnh, sáp nhập, toàn quân phải giữ vững được sự ổn định; sức mạnh chiến đấu phải mạnh lên, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ. Để thực hiện mục tiêu này, đòi hỏi sự nỗ lực lớn, quyết tâm cao của toàn Đảng, toàn dân, mà trực tiếp là toàn thể các lực lượng trong quân đội. Quán triệt tinh thần đó, các cơ quan, đơn vị cần rất thận trọng nghiên cứu, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện chặt chẽ, khoa học, bảo đảm quân đội có đủ khả năng làm nòng cốt cùng toàn dân hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. 

Hai là, giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội. 

Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc xuyên suốt quá trình xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội. Trong đó, cần quán triệt quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[29] và đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 51-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng, thực hiện chế độ một người chỉ huy gắn với thực hiện chế độ chính ủy, chính trị viên trong Quân đội nhân dân Việt Nam”. Thường xuyên chăm lo xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, tính tiền phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong toàn quân. Kiên quyết đấu tranh chống mọi biểu hiện tiêu cực, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; gắn xây dựng cấp ủy với xây dựng đội ngũ cán bộ chủ trì, xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh với xây dựng đơn vị vững mạnh toàn diện “mẫu mực, tiêu biểu”. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, ngăn ngừa kịp thời mọi biểu hiện sai phạm, tham nhũng, lãng phí, xa rời mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong nội bộ. Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh “Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới”. 

Ba là, thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức, biên chế, trang bị của từng cơ quan, đơn vị, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. 

Đây là vấn đề quan trọng để phát huy sức mạnh của Quân đội. Bởi lẽ, tổ chức, biên chế, trang bị là những nhân tố quan trọng cấu thành chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. Quán triệt và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “thực hiện biên chế, chỉnh đốn tổ chức, sửa đổi lề lối làm việc”[30], từng cấp cần chủ động làm tốt việc rà soát, điều chỉnh, kiện toàn tổ chức, biên chế, bảo đảm trang bị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, vũ khí, trang bị kỹ thuật hiện có và nghệ thuật quân sự Việt Nam trong điều kiện mới. Quá trình rà soát, điều chỉnh cần bảo đảm khách quan, toàn diện, trên cơ sở yêu cầu, nhiệm vụ của từng loại hình cơ quan, đơn vị và lực lượng. 

Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021 - 2030 và những năm tiếp theo, phải gắn với tăng cường hiệu quả, sức mạnh của Quân đội, “phải làm sao cho những mệnh lệnh ở trên xuống được nhanh chóng và thi hành chu đáo”[31]. Trong đó, đối với khối cơ quan cấp chiến dịch, chiến lược, tập trung rà soát, điều chỉnh tổ chức, biên chế theo hướng giảm đầu mối trung gian; bổ sung chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, khắc phục sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ để tăng cường quân số cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, đóng quân trên các địa bàn chiến lược, biên giới, biển, đảo. Đối với khối đơn vị chiến đấu, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị để điều chỉnh tổ chức, theo hướng tăng cường sức mạnh tác chiến, khả năng cơ động cao, sẵn sàng xử lý các tình huống; coi trọng xây dựng lực lượng đặc thù, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến trong tình hình mới. Đối với khối nhà trường, cơ sở sửa chữa, sản xuất,… sắp xếp lại các nhà máy sản xuất, cơ sở sửa chữa quốc phòng và điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ, tổ chức, biên chế các nhà trường Quân đội, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới. Qua đó, tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về tổ chức, trang bị của Quân đội có cơ cấu hợp lý, số lượng phù hợp, chất lượng ngày càng cao, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. 

Bốn là, xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa vũ khí, trang bị kỹ thuật. 

Đây là vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh. Quán triệt và vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đảm bảo “chế tạo vũ khí cho nhiều, cho mau, cho tốt”[32] đáp ứng yêu cầu hoạt động tác chiến của quân đội. Theo đó, trong giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục xây dựng, phát triển công nghiệp quốc phòng theo hướng tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia, đạt trình độ khoa học và công nghệ tiên tiến, ưu tiên hướng tới những công nghệ hiện đại, có hiệu quả cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho lực lượng vũ trang nhân dân. 

Cùng với đó, cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển công nghiệp quốc phòng phù hợp với điều kiện mới. Cụ thể, cần tập trung xây dựng và phát triển công nghiệp quốc phòng với quy mô, tổ chức, cơ chế quản lý phù hợp. Kiện toàn tổ chức ngành kỹ thuật theo hướng “tinh, gọn, mạnh, thống nhất”, phù hợp với tính năng công nghệ của vũ khí, trang bị kỹ thuật và nhiệm vụ của từng cấp; bảo đảm công tác quản lý, chỉ huy, chỉ đạo thông suốt, không chồng chéo. Chủ động hợp tác trong phát triển công nghiệp quốc phòng, kết hợp với mua sắm vũ khí, khí tài mới, hiện đại và gắn với chuyển giao công nghệ, nhất là các công nghệ mới, hiện đại. 

Năm là, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung đổi mới công tác huấn luyện đào tạo. 

Đây là một trong những khâu then chốt, đột phá, có ý nghĩa quyết định, bảo đảm cho Quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ trong điều kiện mới. Với vai trò con người là chủ thể quyết định thành công của sự nghiệp xây dựng Quân đội. Do đó, quán triệt và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng nguồn nhân lực “tinh tường những kỹ thuật và phải tập cách dùng kỹ thuật cho thực khéo để có thể thành quân đội giỏi nhất thế giới”[33], cần chú trọng phát triển số lượng nguồn nhân lực chất lượng cao tương ứng với quá trình hiện đại hóa về vũ khí, trang bị kỹ thuật trong Quân đội. Việc chuẩn bị nguồn nhân lực phải đảm bảo phù hợp nguồn kế cận và nguồn kế tiếp, nhất là nguồn cán bộ cao cấp, chuyên gia đầu ngành, bảo đảm tính vững chắc và có nguồn dự trữ phù hợp theo yêu cầu biên chế, trước hết ưu tiên cho những đơn vị trọng điểm. 

Đồng thời, thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo ở các nhà trường Quân đội, thực hiện xây dựng nhà trường, viện nghiên cứu tinh, gọn, mạnh, hiện đại; gắn đào tạo ở nhà trường với đào tạo, bồi dưỡng cán bộ ở đơn vị. Trong đó, việc tổ chức huấn luyện kết hợp “học tập kỹ thuật, chiến thuật quân sự để xây dựng lực lượng quân đội mạnh”[34], thực hiện đẩy mạnh đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập sát yêu cầu, nhiệm vụ, địa hình, địa bàn, môi trường tác chiến, qua đó, nâng cao chất lượng đầu ra ở các học viện, nhà trường, đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội trong thời kỳ mới. 

Tóm lại, Quân đội nhân dân Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, giáo dục và rèn luyện. Tư tưởng của Người là một trong những cơ sở lý luận quan trọng định hướng hoạt động xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội. Sau gần 40 năm thực hiện đổi mới, vị thế của đất nước trên trường quốc tế được nâng cao, bên cạnh đó, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo đã và đang đặt ra những thời cơ và thách thức mới đối với việc xây dựng Quân đội. Do đó, cần tiếp tục nghiên cứu, vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh, gọn, mạnh làm cơ sở nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh, trình độ sẵn sàng chiến đấu của quân đội, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Đại tá, PGS.TS Thư ký khoa học, Hội đồng Lý luận Trung ương.
Đại tá, TS Chủ nhiệm Bộ môn, Khoa Mác - Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Học viện Kỹ thuật Quân sự.

____________
1. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987.
3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021.
4. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập II, Nxb. Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021.
5. Nghị quyết số 05-NQ/TW, ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
6. Nghị quyết số 08-NQ/TW, ngày 26/01/2022 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh phát triển công nghiệp quốc phòng đến năm 2030 và những năm tiếp theo.
7. Nghị quyết số 230-NQ/QUTW, ngày 02/4/2022 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo thực hiện tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo.
8. Phan Văn Giang, “Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tạp chí Cộng sản online, ngày 29/06/2022.
9. Phan Văn Giang, “Quán triệt nghị quyết của Quân ủy Trung ương, toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 02/2024.
10. Vũ Cương Quyết, “Xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân online, ngày 22/07/2021.
11. Vũ Văn Sỹ, “Tổ chức lực lượng quân đội thực sự tinh, gọn, mạnh”, Báo Phòng không - Không quân online, ngày 31/5/2021.

[1] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.5.
[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.98.
[3] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.585.
[4] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.107.
[5] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.107-108.
[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 2, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.581.
[7] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr. 92.
[8] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.485.
[9] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.265.
[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 10, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.549.
[11] ĐCSVN, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.48.
[12] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.455.
[13] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.164.
[14] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.132.
[15] Theo Phan Văn Giang, “Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tạp chí Cộng sản online, ngày 29-06-2022.
[16] ĐCSVN, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Sự thật, Hà Nội, 1987, tr.39.
[17] Xem Phan Văn Giang, “Xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”, Tạp chí Cộng sản online, ngày 29-06-2022.
[18] Xem Phan Văn Giang, “Quán triệt nghị quyết của Quân ủy Trung ương, toàn quân hoàn thành tốt nhiệm vụ quân sự, quốc phòng năm 2024”, Tạp chí Quốc phòng toàn dân số 02/2024.
[19] ĐCSVN, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.49.
[20] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 11, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.588.
[21] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.528.
[22] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.320.
[23] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.30.
[24] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.588.
[25] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.559.
[26] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.586.
[27] ĐCSVN, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.158.
[28] ĐCSVN, Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2021, tr.158.
[29] Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb. CTQGST, Hà Nội, 2011, tập 7, tr.217.
[30] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.131.
[31] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 5, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.261.
[32] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 6, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.170.
[33] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.253.
[34] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 9, Nxb CTQGST, Hà Nội, 2011, tr.59.

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: hdll.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 229 trong 46 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 46 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây