Cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư làm thay đổi bản chất nhiều mặt của nhân loại. Trong đó sự xuất hiện của truyền thông số đã và đang định hình lại cuộc sống của chúng ta. Việc tìm hiểu, đánh giá và triển khai ứng dụng truyền thông số hiện nay có ý nghĩa và giá trị thiết thực, cấp thiết.
NHẬN DIỆN VỀ TRUYỀN THÔNG SỐ
Nhân loại đã trải qua hai hình thức phổ biến trong quá trình sản xuất, trao đổi và nhận thông tin: tuyên truyền và truyền thông. Tuyên truyền là quá trình truyền đạt và đưa ra các thông tin, vấn đề của một chủ thể đến đối tượng người nghe. Đây là quá trình trao đổi và nhận thông tin truyền thống. Truyền thông là quá trình sản xuất, truyền đạt, giao tiếp và chia sẻ thông tin giữa các cá nhân, tổ chức hoặc công chúng thông qua các phương tiện và kênh giao tiếp. Đây là quá trình trao đổi và nhận thông tin hiện đại. Đến lượt mình, hình thức truyền thông lại cũng có hai giai đoạn phát triển: truyền thông thông thường (truyền thống) và truyền thông số. Truyền thông thông thường là thông tin chưa được mã hóa để trao đổi. Còn truyền thông số hay truyền thông kỹ thuật số (Digital Media) là nói đến quá trình sản xuất, truyền đạt, giao tiếp và chia sẻ thông tin được mã hóa trên phương tiện truyền thông và để các máy móc có thể sử dụng được. Thông qua các thiết bị bị điện tử chuyên dụng để hỗ trợ các nhà truyền thông, từ đó tạo, xem, phân phối hoặc sửa đổi, bảo quản các bản truyền thông khác nhau.
Như vậy, thực chất của truyền thông số là truyền thông trong môi trường kỹ thuật số, xây dựng và trao đổi sản phẩm truyền thông dựa trên nền tảng số và chuyển tải sản phẩm đó trên các thiết bị số. Ngày nay, môi trường số đã trở thành một phần không thể thiếu của mọi kênh truyền thông. Nhờ khả năng cho phép người dùng tự chọn cách thức tham gia trải nghiệm, cho phép những người tiếp thị kết nối các kênh truyền thông về một mối, thu thập phản hồi, lan truyền thông điệp và gây dựng mối quan hệ nhanh chóng, hiệu quả, truyền thông số đã trở thành phương tiện thiết yếu của mọi cơ quan, doanh nghiệp và cá nhân, điều mà các kênh truyền thông truyền thống không thực hiện được.
Sản phẩm truyền thông số cũng có nhiều ưu điểm vượt trội hơn so với sản phẩm truyền thông truyền thống. Một là, cho phép người dùng trải nghiệm liên tục, mọi lúc, mọi nơi và tiếp nhận nhiều thông tin cùng một lúc. Hai là, ngôn ngữ của sản phẩm truyền thông số là ngôn ngữ truyền thông đa phương tiện với nhiều hình thức trực quan, hấp dẫn như video, âm thanh, hình ảnh, đồ họa, hoạt hình... Ba là, có tiện ích và khả năng hướng đến chính xác đối tượng mục tiêu, đo lường được nhu cầu, thói quen và hành vi của người sử dụng. Chính vì những khả năng vượt trội so với truyền thông truyền thống nên hầu hết các doanh nghiệp, tổ chức chính trị, tổ chức xã hội... đều sử dụng truyền thông số nhằm truyền tải thông điệp, xây dựng mối quan hệ, hợp tác để phát triển.
Bản chất của Cách mạng công nghiệp lần thứ tư là cách mạng số, tức là được triển khai dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất. Và tất yếu, trong tiến trình chuyển đổi số, truyền thông cũng đã được số hóa, tức là đã hình thành và vận hành truyền thông số. Để thực hiện truyền thông số thiết thực, hiệu quả, cần phải tạo lập được các yếu tố sau:
Một là, chủ thể truyền thông số. Bao gồm những cá nhân, những nhóm người, những tập thể và cả những cơ quan nhà nước... trực tiếp tham gia truyền thông số. Trong bối cảnh chuyển đổi số đòi hỏi các chủ thể tham gia vào quá trình đó phải được số hóa. Chủ thể truyền thông số là sự tích hợp nhiều yếu tố: đổi mới về nhận thức, nhanh nhạy về cảm xúc, linh hoạt về sự sáng tạo, thành thạo về kỹ thuật số… Điểm khác biệt nổi trội của chủ thể thông tin số chính là cá thể hóa chủ thể, bởi đặc điểm cá nhân hóa thông tin trên truyền thông số. Với truyền thông số, mỗi cá nhân (chủ tài khoản) có thể trở thành những nhà báo công dân bằng cách tự đưa tin, hay trở thành những biên tập viên bằng cách chia sẻ với bạn bè về những xu hướng tin tức trên mạng xã hội. Hơn thế nữa, “chính người dùng, chứ không phải các cơ quan sản xuất tin tức, đang chi phối quá trình phân phối tin tức”(1), cho nên đòi hỏi chủ thể truyền thông số phải có tính độc lập, tính tự chủ và tính trách nhiệm rất cao. Như vậy, trong truyền thông số vai trò cá nhân được nâng lên rõ nét. Chính truyền thông số giúp thúc đẩy nhanh hơn quá trình này nhờ việc các cá nhân ý thức hơn về bản thân thông qua các tương tác với những người khác bằng phương tiện riêng, địa chỉ riêng, tên riêng của mình(2).
Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức hội nghị “Báo chí với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trong thời kỳ chuyển đổi số" ngày 27/10/2023
Hai là, môi trường truyền thông số. Nhờ môi trường số mà tăng tính tương tác cá nhân hóa cao độ trong tổ chức sáng tạo, trao đổi thông tin với các cá nhân, chủ thể khác bằng các “gói” nội dung mở, linh hoạt; tăng cơ hội, lịch trình, thời gian, không gian sáng tạo, trao đổi thông tin mở, tăng môi trường làm việc ảo; tạo chuỗi thông tin và gắn kết cao giữa người truyền thông tin với các chủ thể số khác
Môi trường số giúp cho hoạt động sáng tạo thông tin và truyền tải, nhận thông tin diễn ra mọi lúc, mọi nơi, giúp cho các chủ thể có thể cá nhân hóa và hoàn toàn chủ động quyết định nội dung, phương thức sáng tạo và trao đổi thông tin theo nhu cầu của bản thân và theo mục đích đã được thiết lập; giúp cho việc hình thành mô hình chuyển giao thông tin, kiến thức theo phương thức kết nối đối thoại giữa các chủ thể truyền thông số và làm gia tăng giá trị của thông tin, tri thức.
Do tầm quan trọng của môi trường số, nên cần phải tạo dựng và kích hoạt được những phẩm chất tích cực của chủ thể truyền thông số như: tạo sự độc lập tương đối khi sáng tạo thông tin, có được sự tự do tư tưởng, tự do trao đổi và chính điều này sẽ tạo thuận lợi cho những nhận thức mới ra đời. Đương nhiên, trong điều kiện môi trường số cũng phải có sự giám sát mà thông qua đó có thể củng cố niềm tin, giữ tính định hướng tư tưởng, tăng cường định hướng dư luận xã hội trước những vấn đề mới nảy sinh cho cả chủ thể sáng tạo, truyền thông tin lẫn đối tượng nhận thông tin một cách kịp thời.
Ba là, hệ sinh thái truyền thông số. Đây là hệ thống các yếu tố nhằm tạo điều kiện và hành lang pháp lý đảm bảo cho quá trình thực thi truyền thông số được triển khai như một quá trình công nghệ. Trên cơ sở đó, quá trình sáng tạo, sử dụng, truyền dẫn và trao đổi thông tin được diễn ra đồng thuận, đúng pháp luật và mang lại hiệu quả cao.
Đến nay chưa có nghiên cứu nào xác lập được các yếu tố chuẩn cho hệ sinh thái truyền thông số. Song, theo chúng tôi, hệ sinh thái truyền thông số ít nhất phải bao gồm các yếu tố: 1) Chính sách truyền thông số, nhằm hướng đến sự hỗ trợ tối đa của công nghệ, tạo lập cơ chế cung cấp cho những chủ thể tham gia truyền thông số những dữ liệu thông tin “mọi lúc, mọi nơi”, phù hợp với nhiều đối tượng sử dụng truyền thông số khác nhau và đảm bảo cho việc cá nhân hóa nội dung thông tin. 2) Quản trị truyền thông số, nhằm thúc đẩy các chủ thể chuyển hướng dần sang tự chủ trong tổ chức và hoạt động truyền thông số, chủ động tìm kiếm các dữ liệu thông tin đa dạng, mở rộng xã hội hóa quá trình truyền thông số, gỡ bỏ các rào cản để hướng vào quá trình cá nhân hóa thông tin trên cơ sở luật pháp và đạo đức, góp phần thiết thực vào phát triển xã hội thông tin. 3) Nền tảng truyền thông số (công nghệ số - kỹ thuật số), phải xác lập cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin là điều kiện tiên quyết để triển khai truyền thông số. Lộ trình xây dựng nền tảng truyền thông số cần dựa trên những thay đổi từng bước, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức dựa trên việc sử dụng phương thức phù hợp được “cộng hưởng” với đảm bảo nguồn lực và tổ chức thực hiện. 4) Gắn kết truyền thông số, nhằm làm cho hoạt động truyền thông số không chỉ giới hạn trong khuôn khổ lý thuyết, mà được ứng dụng, mở rộng, cụ thể hóa trong hoạt động thực tiễn; đồng thời phải được kết hợp với sự lãnh đạo, chỉ đạo và quản trị nhà nước để trở thành “hệ sinh thái truyền thông số”.
NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA ĐỐI VỚI TRUYỀN THÔNG SỐ Ở VIỆT NAM HIỆN NAY
Thứ nhất, về mức độ sẵn sàng cho truyền thông số.
Sự phát triển về Internet, thiết bị di động, mạng xã hội và công nghệ mới trong ngành truyền thông ở Việt Nam đã và đang thay đổi cách làm truyền thông truyền thống. Những công việc trong ngành truyền thông in ấn, truyền thông đơn ngôn ngữ đang giảm rõ rệt, lượng truy cập thông tin trực tuyến tăng lên nhanh chóng.
Với tỉ lệ người dùng internet chiếm 79,1% tổng dân số; tỷ lệ sử dụng mạng xã hội tương đương 71% tổng dân số; kết nối di động đang hoạt động đạt 164,0% tổng dân số(3), cho thấy, truyền thông số đang giữ vai trò quan trọng trong hoạt động kinh doanh, thương mại, quảng bá, thông tin của đa số các cá nhân, doanh nghiệp, tổ chức ở Việt Nam. Sự tham gia của mạng xã hội với vai trò thông tin phiên bản số đang cạnh tranh mạnh mẽ và lấn át truyền thông truyền thống. Trong khi đó, các yếu tố cần và đủ cho việc xác lập và vận hành của truyền thông số lại chưa đầy đủ, chưa hoàn thiện. Nói khác đi là dường như chúng ta chưa thực sự sẵn sàng để đáp ứng truyền thông số. Theo đó, “đa phần các doanh nghiệp Việt Nam còn lúng túng và chưa khai thác hết được sức mạnh của phương thức này. Do đó, công tác truyền thông số còn thiếu hiệu quả, manh mún, chưa đồng bộ và thiếu chiến lược dài hạn, dẫn đến việc dễ bị ảnh hưởng khi các nền tảng lớn như: Facebook, Google... thay đổi”(4). Bên cạnh đó “lao động trong lĩnh vực truyền thông số nói riêng và lao động Việt Nam nói chung còn hạn chế, yếu kém vè năng lực thực hành và ứng dụng công nghệ số vào quá trình hoạt động thực tiễn. Việt Nam cũng thuộc nhóm các quốc gia chưa sẵn sàng cho Cách mạng công nghiệp lần thứ tư...”(5).
Thứ hai, tính hai mặt của truyền thông số.
Bản chất môi trường truyền thông số là môi trường mở, cho phép người sử dụng được tự do cung cấp, tìm kiếm và sử dụng thông tin. Vì vậy, tùy thuộc vào động cơ, mục đích và nhận thức của cá nhân, tổ chức sử dụng mà thông tin đưa lên truyền thông số là tích cực hay tiêu cực, hoặc thậm chí đi ngược lại lợi ích chính đáng của cộng đồng, xã hội. Những năm gần đây đang có sự dịch chuyển thói quen tìm kiếm thông tin từ các website thông tin chính thống sang các website truyền thông xã hội, nhất là các trang thông tin điện tử tổng hợp. Thực tế cho thấy, truyền thông số đang có rất nhiều thông tin sai, độc hại với các cấp độ khác nhau, từ không phù hợp về chuẩn mực đạo đức, văn hóa, thuần phong mỹ tục cho đến thông tin có tính chất tội phạm tin học, lừa đảo; xuyên tạc chính trị, đe dọa an ninh quốc gia. Trong khi đó, số đông người sử dụng truyền thông số là giới trẻ, còn thiếu bản lĩnh và hạn chế về lý trí khi tiếp nhận thông tin. Đây là tính hai mặt, là “con dao hai lưỡi” của truyền thống số mà chúng ta phải chủ động hơn nữa trong nâng cao nhận thức, định hướng thông tin, định hướng chính sách và tiếp tục có các giải pháp quản lý hữu hiệu, phù hợp với tính chất thông tin truyền thông số.
Thứ ba, “thông tin ảo” phản ánh xã hội thật.
“Thông tin ảo” ở đây muốn hàm ý là thông tin được thực hiện trên môi trường số - ở đó toàn bộ quá trình sản xuất, trao đổi, chuyển giao và truyền tải thông tin diễn ra gián tiếp giữa các chủ thể (chưa biết mặt nhau, chưa gặp nhau, chưa từng làm việc với nhau) và được thực hiện qua không gian “ảo” - không gian mạng. Môi trường thông tin số trên mạng xã hội là sự hoạt động ồ ạt, nhanh chóng và đa chiều; tốc độ tán phát rất nhanh, thu hút rất nhiều người theo dõi, chia sẻ, bình luận; gây tác động rất lớn (cả tích cực và tiêu cực) đối với đời sống xã hội. Môi trường mạng là không gian “ảo”, nhưng những phát ngôn, bình luận, nhận định, mục đích chia sẻ - lan tỏa lại xuất phát từ những con người. Do vậy, truyền thông số bên cạnh tạo ra mức độ tự do hơn cho mỗi cá thể, song lại làm phức tạp hơn cho công tác quản lý.
Môi trường truyền thông số cho phép các chủ thể đều có quyền tiếp nhận thông tin và đưa thông tin. Vấn đề đặt ra là làm gì để mỗi chủ thể luôn có trách nhiệm với những phát ngôn của mình trên truyền thông số bảo đảm đúng sự thật, có cơ sở. Cả về trước mắt và lâu dài, bên cạnh các “chế tài” thì công tác tuyên truyền, giáo dục một cách bài bản, sâu rộng, phù hợp vẫn là phương thức hữu hiệu nhất.
Thứ tư, đào tạo, bồi dưỡng phục vụ cho việc cá nhân hóa thông tin, cá thể hóa chủ thể trong truyền thống số.
Như đã nêu ở trên, một trong những đặc điểm lớn nhất của thông tin và của các chủ thể truyền thông số chính là quá trình cá nhân hóa thông tin, cá thể hóa chủ thể. Đây cũng chính là điều khác biệt lớn nhất và là quá trình tất yếu làm xuất hiện truyền thông số và làm cho truyền thông số khác với truyền thông truyền thống. Song, ở nước ta cho đến thời điểm hiện tại, kể cả ở những cơ sở đào tạo chính quy về chuyên ngành truyền thông vẫn chưa xây dựng, thiết lập được một cách bài bản, khoa học, chính thức các chương đào tạo, bồi dưỡng về vấn đề này. Đây chính là một trong những vấn đề đang đặt ra rất cấp thiết cho quá trình thực hiện truyền thông số ở nước ta hiện nay.
Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Lê Quốc Minh đồng chủ trì Diễn đàn Tổng Biên tập 2023 với chủ đề “Truyền thông chính sách: Từ góc nhìn của các cơ quan báo chí”. (Ảnh: THÀNH ĐẠT/ Nhân dân)
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Một là, để có thể tạo lập và phát triển truyền thông số ở Việt Nam hiện nay một cách bài bản và đúng hướng, chúng ta cần có cách tiếp cận tổng thể về xây dựng và phát triển truyền thông số. Điều này có nghĩa là, chúng ta phải nhận thức rõ và thiết lập cơ sở pháp lý nhằm tạo điều kiện thuận lợi để giúp cho việc hình thành các yếu tố cấu thành truyền thông số. Đó chính là phải hình thành và vận hành đồng bộ cho các yếu tố: chủ thể truyền thông số, môi trường truyền thông số và hệ sinh thái truyền thông số.
Hai là, do tính mở của công nghệ số, tính hai mặt của thông tin truyền thông số và do nhu cầu tất yếu sử dụng dịch vụ và nội dung thông tin trên truyền thông số, Nhà nước cần quan tâm triển khai mạnh mẽ hơn nữa các chính sách liên quan truyền thông số, trong đó “các giải pháp quản lý phải hướng tới việc phát huy những mặt tích cực, đồng thời hạn chế những tác động tiêu cực của internet... Chính sách quản lý phải là sự kết hợp đồng bộ nhiều nhóm giải pháp, bao gồm cả giải pháp hành chính, giải pháp kỹ thuật và giải pháp tuyên truyền giáo dục...”(6); nâng cao năng lực bộ máy quản lý nhà nước về tổ chức, nguồn nhân lực, cơ sở vật chất và trang thiết bị kỹ thuật công nghệ cao, hiện đại để đảm bảo cho truyền thông số; có chính sách khuyến khích các chủ thể truyền thông số làm chủ bản thân, có ý thức, trách nhiệm và đạo đức trong việc sản xuất, sáng tạo, trao đổi và tiếp nhận thông tin trên nền tảng số, hướng tới một văn hóa truyền thông số lành mạnh, đóng góp ngày càng tích cực và hiệu quả vào sự phát triển của toàn xã hội, để từ đó dần dần hình thành được cách ứng xử văn minh số.
Ba là, trong đào tạo, bồi dưỡng báo chí, truyền thông hiện nay, cần phải xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng chuyên về mã ngành truyền thông số. Có như vậy, chúng ta mới đáp ứng được những yêu cầu do sự phát triển truyền thông số đang đặt ra, đồng thời không bị “lỗi nhịp” với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư./.
PGS. TS. NGÔ ĐÌNH XÂY
_______________________
(1) Tường Bách: Báo chí và mạng xã hội: Cuộc đua trên xa lộ thông tin, vneconomy.vn/bao-chi-va-mang-xa-hoi-cuoc-dua-tren-xa-lo-thong-tin.htm, 19/6/2021.
(2) PGS. TS. Đặng Thị Thu Hương: Truyền thông đại chúng và vấn đề cá nhân hóa - xã hội hóa nhân cách con người Việt Nam. lyluanchinhtrivatruyenthong.vn/truyen-thong-dai-chung-va-van-de-ca-nhan-hoa-xa-hoi-hoa-nhan-cach-con-nguoi-viet-nam-p24077.html, 4/1/2021.
(3) Internet Việt Nam 2023: Số liệu mới nhất và xu hướng phát triển, vnetwork.vn/news/internet-viet-nam-2023-so-lieu-moi-nhat-va-xu-huong-phat-trien/, 8/4/2024
(4) (5) Một số kết quả phát triển truyền thông số ở Việt Nam. Tạp chí Thông tin Báo cáo viên số 12/2022.
(6) Đỗ Quý Doãn: Báo chí điện tử và truyền thông xã hội, tapchicongsan.org.vn/tri-thuc-doanh-nhan/-/2018/33874/bao-chi-dien-tu-va-truyen-thong-xa-hoi.aspx, 18/6/2015.
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn