Theo Báo cáo bệnh lao toàn cầu năm 2023 của Tổ chức Y tế Thế giới, Việt Nam là nước có gánh nặng bệnh Lao cao. Năm 2018, từ vị trí 16/30 nước có gánh nặng bệnh lao cao và 15/30 nước có gánh nặng bệnh lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới, Việt Nam đã chuyển lên xếp thứ 11 trong 30 nước có số người bệnh Lao cao nhất trên toàn cầu, đồng thời đứng thứ 11 trong số 30 nước có gánh nặng bệnh Lao kháng đa thuốc cao nhất thế giới.
VIỆT NAM NẰM TRONG NHỮNG QUỐC GIA CÓ GÁNH NẶNG BỆNH LAO CAO CỦA THẾ GIỚI
Dịch tễ bệnh Lao tại Việt Nam vẫn còn rất nặng nề, tốc độ giảm quá chậm và kinh phí đầu tư cho công tác chống Lao rất thấp, chúng ta đang phải đối mặt nguy cơ bệnh Lao bùng phát trong cộng đồng.
So với miền Bắc và miền Trung thì dịch tễ Lao tại miền Nam còn nặng nề hơn rất nhiều. Tại một số Tỉnh khu vực Tây Nam Bộ như An Giang và Cần Thơ, số ca lao phát hiện và tỷ lệ mắc lao trên dân số năm 2023 lần lượt là 5.467 (270/100.000 dân) và 2.713 (218/100.000 dân), và trong một số khu vực, nhóm nguy cơ cao có tỷ lệ mắc bệnh lao rất cao, khoảng 400-500/100.000 dân.
Số bệnh nhân Lao được phát hiện hàng năm tại Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 60% số bệnh nhân Lao ước tính (năm 2023 phát hiện 106.086 bệnh nhân Lao các thể). Như vậy, sẽ có >40% bệnh nhân Lao nằm trong cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị
Trong 2 năm diễn ra dịch COVID-19, công tác phòng chống lao tại Việt Nam chịu ảnh hưởng nghiêm trọng. Số bệnh nhân lao phát hiện năm 2021 giảm 22% so với năm 2020 và giảm 24,5% so với năm 2019, đưa Việt Nam trở thành là một trong những quốc gia có mức độ giảm phát hiện bệnh lao cao nhất toàn cầu do ảnh hưởng của đại dịch.
Năm 2023, ước tính số liệu Việt Nam năm 2022 có thêm 172.000 người mắc Lao và khoảng 13.000 người tử vong do Lao, cao hơn số người tử vong vì tai nạn giao thông. Lao đa kháng thuốc ước tính khoảng 9.200 ca, chiếm 4,5% trong nhóm bệnh nhân lao mới và 15% trong nhóm đã từng điều trị. Lao đồng nhiễm HIV ước tính khoảng 4.300 ca, chiếm 2,5% trong số bệnh nhân lao phát hiện.
TĂNG CƯỜNG VAI TRÒ CỦA HỆ THỐNG Y TẾ CƠ SỞ
Hiện tại, Chương trình Chống lao quốc gia (CTCLQG) đang triển khai nhiều sáng kiến tiếp cận kỹ thuật mới, mang tính chiến lược, bao gồm hoạt động phát hiện chủ động, phát hiện tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế. Trong quá trình triển khai, chúng tôi nhận thấy hoạt động này chỉ có thể đạt được hiệu quả tối ưu khi có sự tham gia tích cực và phối hợp chặt chẽ của hệ thống y tế tuyến cơ sở. Điều này rất phù hợp Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 25/10/2023 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới
Trên cơ sở đó, Bộ Y tế đã chỉ đạo Bệnh viện Phổi Trung ương xây dựng tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh Lao, Lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh” nhằm chuẩn hoá và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao. Cuốn tài liệu đã được các chuyên gia và đội ngũ cán bộ giàu kinh nghiệm của Bệnh viện Phổi Trung ương/Chương trình chống lao Quốc gia biên soạn và hoàn thành trong năm 2023.
Sau khi được Bộ Y tế phê duyệt, CTCLQG sẽ sớm phổ biến triển khai các nội dung của cuốn tài liệu này trên phạm vi toàn quốc. Đây cũng là cơ sở để các tỉnh, thành phố trên toàn quốc huy động sự vào cuộc của chính quyền địa phương, các ban/ngành đoàn thể tích cực tham gia các hoạt động tăng cường phát hiện bệnh nhân lao và hỗ trợ người bệnh cho tới khi được điều trị thành công, hướng tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.
CẦN SỰ QUAN TÂM, CHUNG TAY CỦA TOÀN XÃ HỘI
Ngay sau những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 vừa qua, trong năm 2022 - 2023, Chương trình Chống lao Quốc gia đã triển khai đồng bộ các can thiệp phòng chống lao nhằm tăng tối đa số bệnh nhân lao được phát hiện, tăng cường chẩn đoán và thu nhận vào điều trị để cắt đứt nguồn lây trong cộng đồng, giúp phục hồi hoạt động phát hiện bệnh lao sau ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Việc tăng cường, mở rộng triển khai phát hiện chủ động trong cộng đồng, phát hiện tích cực ở cơ sở y tế, áp dụng chiến lược X-quang và xét nghiệm Xpert để chẩn đoán, đặc biệt là triển khai các hoạt động gắn liền với hệ thống y tế cơ sở đã tăng cường chất lượng chẩn đoán, điều trị và duy trì bền vững công tác dự phòng lao.
Để khắc phục những khó khăn về tài chính, Chương trình Chống lao cũng đã chuyển thành công thanh toán thuốc lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, cũng như vận động sự hỗ trợ của Bộ Y tế để áp dụng các chính sách hỗ trợ thanh toán các dịch vụ khác về khám chữa bệnh lao qua nguồn quỹ Bảo hiểm y tế một cách thuận tiện và hiệu quả, giúp người bệnh lao có thể dễ dàng tiếp cận các phương án điều trị, ngăn chặn nguồn lây.
Theo Bệnh viện Phổi Trung ương, bệnh viện đã xây dựng “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn, các bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám chữa bệnh” theo chỉ đạo của Bộ Y tế, nhằm chuẩn hoá và đồng bộ hoạt động phát hiện chủ động và tích cực bệnh lao, lao tiềm ẩn và các bệnh hô hấp trên toàn quốc, phát huy tối đa vai trò của hệ thống y tế nói chung và y tế cơ sở nói riêng trong công tác phòng, chống lao.
Hiện nay trên cả nước đã có 51/63 tỉnh, thành phố đã thành lập Bệnh viện Phổi, Bệnh viện lao và bệnh phổi giúp mở rộng công tác chống lao, phát hiện ca bệnh.
Được biết, trong giai đoạn tới, Bộ Y tế - Chương trình Chống lao Quốc gia sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường vai trò, phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở trong đó có cán bộ làm công tác chống lao. Cùng với đó là các hoạt động phát hiện tích cực, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng đồng và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Chương trình Chống lao Quốc gia và các tỉnh, thành phố sẽ tham mưu, vận dụng có hiệu quả các văn bản, hướng dẫn về tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, khám chữa bệnh, mua sắm thuốc lao sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm y tế, áp dụng công nghệ thông tin trong triển khai bệnh án điện tử... Đồng thời, tăng cường công tác huy động nguồn lực bền vững trong nước và quốc tế, triển khai hiệu quả Kế hoạch Chiến lược phòng chống lao nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.
Trong giai đoạn tới, Bộ Y tế - CTCLQG sẽ tiếp tục triển khai các chiến lược, chính sách phù hợp nhằm tăng cường vai trò, phát huy năng lực của hệ thống y tế tuyến cơ sở trong đó có cán bộ làm công tác chống lao.
CTCLQG sẽ triển khai các hoạt động phát hiện tích cực, phát hiện chủ động bệnh lao tại cộng động và các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh theo nội dung của cuốn tài liệu “Hướng dẫn triển khai hoạt động phát hiện chủ động, tích cực bệnh Lao, Lao tiềm ẩn và một số bệnh hô hấp tại cộng đồng và cơ sở y tế - Tăng cường vai trò của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh”.
CTCLQG và các tỉnh/TP sẽ tham mưu, vận dụng có hiệu quả các văn bản/ hướng dẫn về tăng cường vai trò của hệ thống y tế cơ sở, khám chữa bệnh, mua sắm thuốc lao hàng 1 sử dụng nguồn Quỹ Bảo hiểm Y tế, áp dụng Công nghệ Thông tin trong triển khai bệnh án điện tử. Đồng thời, tăng cường công tác huy động nguồn lực bền vững trong nước và quốc tế, triển khai hiệu quả Kế hoạch Chiến lược phòng chống lao nhằm đạt được mục tiêu chấm dứt bệnh lao tại Việt Nam vào năm 2035.
NHẬT MINH
Xem thêm:
Ngày thế giới phòng chống lao 24/3, tại ĐÂY.
Tác giả: Phương Thảo
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn