Thời gian tới, công tác lý luận cần gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, cần đánh giá lại hệ thống tổ chức liên quan đến công tác lý luận, đội ngũ những người làm công tác lý luận.
Chiều 28/11, tại Hà Nội, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức buổi làm việc với Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan về công tác phối hợp trong hoạt động tham mưu, định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị.
Tham dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa.
Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nêu rõ, Đảng ta đã nhiều lần khẳng định: Công tác tư tưởng, lý luận là một bộ phận cấu thành đặc biệt quan trọng trong toàn bộ hoạt động của Đảng; là lĩnh vực trọng yếu để xây dựng, bồi đắp nền tảng chính trị của chế độ, tuyên truyền, giáo dục, động viên và tổ chức nhân dân thực hiện các nhiệm vụ cách mạng, khẳng định và nâng cao vai trò tiên phong của Đảng về chính trị, lí luận, trí tuệ, văn hoá và đạo đức; thể hiện vai trò đi trước, mở đường trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh: “Đẩy mạnh tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, hoàn thiện hệ thống lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam. Gắn kết tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận với định hướng chính sách. Thực hiện nghiêm Quy định dân chủ trong nghiên cứu lý luận chính trị, tạo môi trường dân chủ, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của các tổ chức và cá nhân. Chú trọng cập nhật kết quả tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận; sớm kết luận những vấn đề lý luận đã chín, đã rõ để phát triển, hoàn thiện đường lối, chủ trương xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”; “Tăng cường giáo dục truyền thống cách mạng vẻ vang của Đảng; tuyên truyền sâu rộng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, hành động trong Đảng và nhân dân; không ngừng nâng cao trình độ lý luận chính trị cho cán bộ, đảng viên”.
Trong tác phẩm “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: phải luôn luôn kiên định và vững vàng trên nền tảng tư tưởng lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin. Tính khoa học và cách mạng triệt để của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh là những giá trị bền vững, đã và đang được những người cách mạng theo đuổi và thực hiện. Nó sẽ còn tiếp tục phát triển và có sức sống trong thực tiễn cách mạng cũng như trong thực tiễn phát triển của khoa học. Chúng ta cần tiếp thu, bổ sung một cách có chọn lọc trên tinh thần phê phán và sáng tạo những thành tựu mới nhất về tư tưởng và khoa học để chủ nghĩa, học thuyết của chúng ta luôn luôn tươi mới, luôn luôn được tiếp thêm sinh lực mới, mang hơi thở của thời đại, không rơi vào xơ cứng, trì trệ, lạc hậu so với cuộc sống”.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa cho biết, những năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng Lý luận Trung ương và các cơ quan liên quan đã duy trì sự phối hợp trong hoạt động tham mưu, định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị và đạt được những kết quả quan trọng, góp phần nâng cao chất lượng công tác lý luận chính trị của Đảng. Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế cần phải tập trung tháo gỡ.
Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, những năm tới, sự nghiệp cách mạng Việt Nam có cả thuận lợi đan xen khó khăn, thách thức, tác động mạnh, nhiều chiều đến công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Do đó, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng nói chung, công tác tư tưởng, lý luận của Đảng nói riêng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các cơ quan, các vụ, đơn vị đã thảo luận về dự thảo Quy chế phối hợp, cho ý kiến về dự thảo Kế hoạch tổ chức tổng kết 10 năm Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 9/10/2014 của Bộ Chính trị về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030 qua đó, tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác lý luận.
Phát biểu kết luận tại buổi làm việc, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng đề nghị, trong quá trình tổng kết 10 năm Nghị quyết 37 cần gắn với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Đồng thời, cần đánh giá lại hệ thống tổ chức liên quan đến công tác lý luận, đội ngũ những người làm công tác lý luận.
Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng, cần mở rộng các cơ sở nghiên cứu trong hệ thống chính trị gắn với đào tạo mới, xây dựng đội ngũ các chuyên gia về lĩnh vực lý luận, chính trị trong cả nước, không phải chỉ có Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Hội đồng lý luận Trung ương, Viện Hàn Lâm Khoa học xã hội Việt Nam, 2 Đại học quốc gia mà có cả những trường đại học về khoa học xã hội nhân văn, khoa học xã hội, các viện, trường của quân đội, công an… cùng với đó là cơ chế cho việc tuyển dụng, tổ chức để phát triển lực lượng đội ngũ làm công tác lý luận trong thời gian tới.
Về cơ chế phối hợp giữa các cơ quan Trung ương trong hoạt động định hướng, quản lý, nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng, cập nhật kiến thức lý luận chính trị trong Đảng và hệ thống chính trị, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhất trí với các nội dung của dự thảo, đồng thời nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị từ Trung ương đến địa phương trong đó, sự phối hợp cần phải thực hiện lâu dài, có sơ kết, tổng kết.
Cẩm Linh
Tác giả: Lam Lê (Tổng hợp)
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn