Sự kiện thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là một bước cụ thể hóa đường lối chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam trong việc xây dựng, củng cố và tổ chức cơ quan chuyên môn của Đảng bộ miền Nam. Hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ khi thành lập, xây dựng, phát triển và cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ đã trải qua các giai đoạn khác nhau.
Ngày 23/11/1961 Hội nghị Trung ương Cục miền Nam họp tại Mã Đà, căn cứ chiến khu Đ (nay là tỉnh Đồng Nai) đã quyết định thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam do đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục làm Trưởng ban. Năm 1962, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định chuyển trụ sở về Lò Gò - Bến Ra - Xa Mát, huyện Châu Thành (nay là huyện Tân Biên), tỉnh Tây Ninh để có điều kiện mở rộng căn cứ.
Trong kháng chiến, công tác tư tưởng, chính trị là mặt trận hàng đầu đi trước một bước, góp phần quyết định tạo nên phong trào cách mạng. Chấp hành chỉ đạo trực tiếp của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã chủ động sáng tạo, nghiên cứu tình hình, đề ra chủ trương, phương hướng công tác tuyên truyền, giáo dục tư tưởng trong và ngoài Đảng, công tác văn hóa, giáo dục quần chúng; biên soạn tài liệu hướng dẫn công tác tuyên truyền cho cấp dưới; chỉ đạo nghiệp vụ cho ngành tuyên huấn các cấp, đào tạo cán bộ cơ sở. Đặc biệt, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã tham mưu kịp thời, sát đúng về công tác chính trị tư tưởng trong từng giai đoạn cách mạng, nhất là những thời điểm bước ngoặt của cách mạng miền Nam: chống chiến tranh đặc biệt, chống chiến tranh cục bộ, chống chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh và cách mạng miền Nam sau khi ký kết Hiệp định Pa-ri...
Góp phần vào thắng lợi vĩ đại của dân tộc, đã có hàng trăm anh hùng liệt sĩ thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam anh dũng hy sinh; nhiều tập thể, cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, trong đó có 03 cơ quan gồm: Thông tấn xã Giải phóng, Nhà in Trần Phú và Điện ảnh Giải phóng thuộc Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam; nhiều đồng chí được trao tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, huân chương hạng nhất, nhì, ba,…
Với những thành tích đặc biệt trên, tháng 01/2015 Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã được Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ chống Mỹ cứu nước.
Sự kiện thành lập Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam là một bước cụ thể hóa đường lối chỉ đạo của Đảng Lao động Việt Nam, Trung ương Cục miền Nam trong việc xây dựng, củng cố và tổ chức cơ quan chuyên môn của Đảng bộ miền Nam. Hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam từ khi thành lập, xây dựng, phát triển và cho đến khi hoàn thành nhiệm vụ đã trải qua các giai đoạn khác nhau.
Giai đoạn chống chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” (1961 - 1965)
Trong tình thế cách mạng miền Nam mới thoát khỏi thời kỳ khó khăn, khủng hoảng, vấn đề tổ chức, phát triển lực lượng có ý nghĩa quyết định đối với cách mạng miền Nam. Do đó xây dựng hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn đã trở thành nhiệm vụ cấp thiết hơn bao giờ hết.
Kế thừa hệ thống tổ chức từ Ban Tuyên huấn Xứ uỷ trước đây, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã xây dựng và củng cố hệ thống tổ chức để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam. Ưu tiên trước nhất là bộ máy lãnh đạo - cơ quan chỉ đạo chiến lược. Điều này thể hiện rõ ngay từ khi thành lập, nhân sự tham gia bộ máy lãnh đạo Ban Tuyên huấn đã được Trung ương Cục miền Nam “bố trí các đồng chí cán bộ có kinh nghiệm, bản lĩnh, sành sõi trong công tác tư tưởng”, có tầm chiến lược như đồng chí Nguyễn Văn Linh - Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban; đồng chí Trần Bạch Đằng, Phó Trưởng ban Thường trực; Uỷ viên Ban gồm: đồng chí Trần Trọng Tân, Tân Đức, Tô Lâm. Ban lãnh đạo đã thống nhất phân công các đồng chí phụ trách. Cụ thể: đồng chí Nguyễn Văn Linh chỉ đạo chiến lược; đồng chí Trần Bạch Đằng phụ trách chung hoạt động của Ban và Văn phòng Ban, công tác Thi đua - Khen thưởng, Báo Nhân dân miền Nam; đồng chí Trần Trọng Tân phụ trách mảng Huấn học, Trường Đảng, Tạp chí Tiền Phong; đồng chí Tân Đức, Tô Lâm phụ trách Thông tấn xã Giải phóng, Đài Phát thanh Giải phóng, văn nghệ, giáo dục.
Sau khi phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách các bộ phận, Ban Tuyên huấn đã tập trung kiện toàn, củng cố và tập trung xây dựng các cơ quan chuyên môn của Ban. Tùy theo điều kiện về con người và phương tiện kỹ thuật hiện có, Ban Tuyên huấn đã thành lập các cơ quan thông tin tuyên truyền, văn hóa văn nghệ, các cơ quan thông tấn báo chí,… và Văn phòng Ban.
Đặc biệt trong thời gian này, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã củng cố và thành lập hai cơ quan thông tin tuyên truyền có ý nghĩa chính trị quan trọng của cuộc cách mạng miền Nam là Thông tấn xã Giải phóng (thành lập ngày 12/10/1960) và Đài Phát thanh Giải phóng (thành lập ngày 01/02/1962). Bắt đầu từ đây, toàn bộ hoạt động thông tin tuyên truyền của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân miền Nam và cả nước đều do hai cơ quan này đảm nhận. Qua làn sóng của Thông tấn xã Giải phóng và Đài Phát thanh Giải phóng, tiếng nói của chính nghĩa, của khát khao tự do và niềm tin chiến thắng đã vang xa đến toàn nhân loại tiến bộ.
Sau chiến thắng Ấp Bắc đầu năm 1963, vùng giải phóng ngày càng được mở rộng, đòi hỏi cần thiết phải tăng cường lực lượng cán bộ tuyên huấn cho địa phương. Hoạt động đào tạo cán bộ đã được Ban tuyên huấn tổ chức bài bản tại căn cứ Bắc Tây Ninh (Lò Gò, Tân Biên) và đã huy động cả hệ thống tổ chức tập trung thực hiện công tác này. Ban Tuyên huấn đã mở các lớp huấn luyện, thành lập các trường đào tạo cán bộ như: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam, Trường giáo dục Tháng Tám, Trường Tuyên huấn - Báo chí miền Nam, lớp Điện ảnh, lớp Hội họa, lớp Thông tấn báo chí. Đã có nhiều cán bộ tuyên truyền, lý luận, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục được đào tạo trong thời gian này, bổ sung kịp thời cho Ban Tuyên huấn và các địa phương đang thiếu cán bộ.
Đến cuối năm 1963, Ban Tuyên huấn đã xây dựng thành các tiểu ban chính, bộ máy tổ chức do lực lượng cán bộ được đào tạo từ cơ bản đến nâng cao đảm nhận như: Tuyên truyền, Tuyên truyền đối ngoại, Văn nghệ, Giáo dục, Huấn học, Thông tấn Báo chí (đầu năm 1964),… và một số cơ quan hỗ trợ khác như: nhà in Trần Phú, Nhà xuất bản Giải phóng, bệnh viện, đơn vị bảo vệ,..
Từ đầu năm 1964 đến đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ của Nhân dân miền Nam trên đà phát triển và thu được nhiều thắng lợi quan trọng. Chiến thắng An Lão, Chốp Chài, Long Mỹ, Đồng Xoài, Bình Giã,.. đã đánh dấu bước trưởng thành vượt bậc của các lực lượng vũ trang nhân dân: “Cả miền Nam, phong trào chống Mỹ dâng cao như vũ bão, đặc biệt là các đô thị, làm suy yếu nghiêm trọng bộ máy thống trị của đế quốc Mỹ và tay sai, nội bộ chúng mâu thuẫn, xâu xé hơn bao giờ hết”. Cùng với thắng lợi đó, hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn có bước phát triển mạnh về số lượng cán bộ, các tiểu ban, bộ máy tổ chức dần được hoàn thiện. Các tiểu ban đã thành lập trước đây tiếp tục được bổ sung thêm cán bộ, xây dựng căn cứ, phương tiện, máy móc để phục vụ hoạt động. Trong giai đoạn này, hoạt động tuyên huấn tập trung củng cố tư tưởng tiến công cách mạng, cổ vũ, động viên quân dân tiến lên đánh bại hoàn toàn Chiến lược Chiến tranh đặc biệt, sẵn sàng bước vào cuộc đấu tranh mới, gian nan khốc liệt hơn khi đế quốc Mỹ chuyển sang Chiến lược “Chiến tranh cục bộ”.
Giai đoạn chống chiến lược “Chiến tranh cục bộ” (1965 - 1968)
Từ đầu năm 1965, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Nhân dân ta ở vào một thời điểm có tính chất quyết định. Ngày 17/2/1965, tổng thống Mỹ L.B Johnson đã quyết định mở rộng cuộc chiến ở Việt Nam bằng cách tăng cường ném bom đánh phá miền Bắc và đưa lực lượng quân viễn chinh Mỹ vào miền Nam, đánh dấu sự chuyển chiến lược, tiến hành chiến tranh từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ. Từ đây cuộc đụng đầu lịch sử giữa dân tộc Việt Nam với đế quốc Mỹ xâm lược bước vào giai đoạn quyết liệt nhất.
Trước “những thử thách mới nghiêm trọng và hàng loạt các vấn đề nóng bỏng cần nhanh chóng giải đáp”, trong giai đoạn này mọi hoạt động đều phải nhằm mục đích động viên toàn Đảng, toàn quân, toàn dân nêu cao quyết tâm “dám đánh Mỹ”. Công tác chuẩn bị tư tưởng, tổ chức và lực lượng cho cuộc đụng đầu lịch sử này là một nhiệm vụ quan trọng của Ban Tuyên huấn.
Để đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ trong tình hình mới của công tác tuyên huấn, Ban Thường trực Trung ương Cục miền Nam đã ra quyết định về việc củng cố và mở rộng Ban Tuyên huấn, xác định rõ nhiệm vụ và bộ máy tổ chức Ban Tuyên huấn. Theo đó, Ban Tuyên huấn gồm Văn phòng và các tiểu ban sau: Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Giáo dục, Tiểu ban Văn nghệ, Các cơ quan thông tin tuyên truyền như Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, các tạp chí, Báo Giải phóng và một số cơ quan hỗ trợ khác.
Tháng 4/1965, Ban lãnh đạo Ban Tuyên huấn có sự thay đổi về nhân sự. Một số đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Ban Tuyên huấn được tăng cường cho Khu Sài Gòn - Gia Định (nơi đối đầu trực tiếp, trung tâm đầu não của bộ máy chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn) nhằm chỉ đạo xây dựng hệ thống tổ chức Ban Tuyên huấn các cấp và tổ chức các hoạt động với trọng tâm là đưa phong trào đô thị trở thành mũi tiến công đánh thẳng vào điểm yếu của Mỹ và chính quyền Sài Gòn bằng “đòn tiến công mãnh liệt về quân sự và chính trị ở thành thị, đánh vào chỗ dựa cơ bản của địch, cũng là những đòn quyết định đánh bại hoàn toàn chính sách xâm lược của đế quốc Mỹ”.
Từ đầu năm 1966, do tình hình chiến trường ngày càng quyết liệt, Mỹ sử dụng B52 đánh bom không hạn chế các vùng căn cứ của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn tạm dừng hoạt động của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam, các trường đào tạo, lớp huấn luyện, thực tập,… Ban Tuyên huấn thực hiện việc chuyển hướng công tác trong tình hình mới, cử cán bộ đi thực tế, huấn luyện, đào tạo cán bộ trực tiếp tại địa phương.
Tháng 10/1967, đồng chí Phạm Hùng được cử làm Bí thư Trung ương Cục miền Nam kiêm Trưởng Ban Tuyên huấn. Theo chỉ đạo của đồng chí Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn thành lập bộ phận Thường trực nhỏ bên cạnh Thường vụ Trung ương Cục miền Nam để triển khai nhanh chóng chỉ đạo của Thường vụ về công tác chính trị - tư tưởng và mặt trận đấu tranh trên làn sóng điện và báo chí (Tuyên huấn II) do đồng chí Tô Bửu Giám làm Trưởng bộ phận. Nhằm thống nhất trong công tác chỉ đạo các hoạt động thông tin trong toàn Đảng bộ, quân đội và nhân dân, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam điều động đồng chí Trần Văn Phác, Nguyễn Văn Tòng từ Cục Chính trị Quân uỷ Miền tham gia Ban Tuyên huấn.
Bộ máy lãnh đạo Ban Tuyên huấn giai đoạn này gồm có các đồng chí Thường trực Ban: đồng chí Võ Quang Trinh, Trần Trọng Tân, Tân Đức. Thường trực Ban Tuyên huấn do đồng chí Võ Quang Trinh phụ trách và nhận chỉ đạo trực tiếp từ đồng chí Trưởng Ban Tuyên huấn và Thường vụ Trung ương Cục miền Nam. Uỷ viên Ban Tuyên huấn gồm các đồng chí: Tô Bửu Giám, Huỳnh Minh Siêng (Lưu Hữu Phước), Lê Đức Tài, Trần Văn Phác. Cũng từ giai đoạn này, Ban lãnh đạo phụ trách trực tiếp là đồng chí Trưởng ban và Thường trực ban, không có Phó trưởng ban cho đến ngày giải phóng miền Nam.
Sau khi đập tan hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, cách mạng miền Nam có bước phát triển vượt bậc về thế và lực. Quân dân ta đã đánh bại một bước quan trọng Chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ. Tình hình đó, “cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Đây là thời cơ chiến lược lớn để tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa”. Đầu tháng 10/1967, Bộ Chính trị phổ biến chủ trương tổng công kích, tổng khởi nghĩa cho Trung ương Cục miền Nam. Ngày 25/10/1967 Trung ương Cục miền Nam ra Nghị quyết Quang Trung về tổng công kích, khởi nghĩa trên chiến trường Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ.
Tình thế khẩn trương, để chuẩn bị cho tổng tấn công Mậu Thân 1968, Ban Tuyên huấn quyết định tăng cường lực lượng và phương tiện cho các bộ phận Đài Phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Tiểu ban Huấn học. Sau khi được sắp xếp, củng cố và tăng cường về tổ chức theo hướng tinh gọn nhằm chuẩn bị lực lượng thực hiện nhiệm vụ quan trọng trong chiến dịch tổng tiến công. Ban Tuyên huấn gồm Văn phòng và các tiểu ban sau: Tuyên truyền, Huấn học, Giáo dục, Văn nghệ, Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng.
Trong chiến dịch Mậu thân năm 1968 với quyết tâm “quyết chiến quyết thắng” giặc Mỹ xâm lược, Ban Tuyên huấn đã thành lập đoàn cán bộ tiền phương (xuống đường). Đoàn cán bộ tiếp quản các cơ quan thông tin của chính quyền Sài Gòn. Đoàn Thông tấn xã do đồng chí Võ Nhân Lý - Giám đốc, Trưởng đoàn; Đoàn Phát thanh Giải phóng do đồng chí Huỳnh Minh Lý - Phó Giám đốc, Trưởng đoàn; Đoàn Thanh niên Ban do đồng chí Nguyễn Thanh Hải kể lại: “Trong đợt Mậu Thân biết đi vào chỗ nguy hiểm, anh em đều đăng kí đi hết. Nhưng nếu đi hết thì ai giữ căn cứ, lo hậu phương. Thế là lãnh đạo Ban phải phát động ngược lại “đi cũng vinh quang mà ở lại cũng vinh quang” đi ra phía trước, biết đi là có thể hi sinh, nam nữ đều đăng kí đi”.
Tham gia chiến dịch các đơn vị của Ban Tuyên huấn theo kế hoạch phân công đã bám sát địa bàn, cùng với các cánh quân tham gia các trận đánh vô cùng quyết liệt ở Sài Gòn, các địa bàn trọng điểm khác trên miền Nam. Lực lượng thông tin, tuyên truyền đã kịp thời đã đưa tin tức hình ảnh của cuộc tấn công, phản ánh sinh động cuộc chiến đấu ngoan cường của quân và dân ta trong tổng tiến công đợt 1, đợt 2, đợt 3 đến đồng bào cả nước và nhân dân trên toàn thế giới, góp phần vào thắng lợi chung. Diễn biến từng trận đánh, từng mặt trận, những gương chiến đấu anh dũng, sự xả thân vì độc lập, tự do của quân dân miền Nam trong các đợt tiến công đã được các chiến sĩ xung kích của Ban Tuyên huấn viết thành bản hùng ca của khí phách Việt Nam, tạo nên “dáng đứng Việt Nam”.
Trong giai đoạn chống chiến lược Chiến tranh cục bộ của Mỹ, hệ thống tổ chức của Ban Tuyên huấn đã có bước phát triển vượt bậc về quy mô tổ chức, các cơ quan chuyên môn và lực lượng cán bộ. Với hệ thống tổ chức và lực lượng nhân sự hùng hậu, Ban Tuyên huấn thực hiện tốt công tác chuẩn bị về con người và bộ máy sẵn sàng xung kích trên mặt trận chính trị - tư tưởng, thông tin tuyên truyền động viên toàn dân nêu cao quyết tâm đánh Mỹ và đánh thắng Mỹ trong chiến lược Chiến tranh cục bộ của chúng ở miền Nam.
Lãnh đạo Trung ương và Tây Ninh chụp ảnh lưu niệm tại Di tích Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam
Giai đoạn chống chiến lược “Việt Nam hóa chiến tranh” (1969 - 1972)
Cuộc Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968 đã giáng một đoàn mạnh mẽ vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ buộc chúng phải thay đổi Chiến lược Chiến tranh cục bộ bằng chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh. Triển khai chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh, Mỹ và chính quyền Sài Gòn tiếp tục thi hành quốc sách “bình định”, tiến hành cuộc phản công quyết liệt, tàn khốc bằng sức mạnh toàn diện từ giữa năm 1968 đến cuối năm 1969. Chủ yếu “là sức mạnh quân sự vào trận địa nông thôn, là cuộc chiến tranh giành dân, chiến tranh huỷ diệt trên quy mô lớn với những biện pháp cực kỳ dã man, gây cho ta những khó khăn tổn thất nặng nề”.
Trong tình thế khó khăn của cách mạng miền Nam, Ban Tuyên huấn xác định nhiệm vụ then chốt trong công tác chính trị, tư tưởng lúc này là phải động viên nâng cao tinh thần quyết chiến, quyết thắng của toàn đảng, toàn dân, vượt qua mọi gian khổ hy sinh, tiếp tục tấn công quân Mỹ và quân Sài Gòn trên cả ba vùng chiến lược. Phát động một cao trào chính trị, binh vận và du kích rộng lớn để bẻ gãy các kế hoạch bình định của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng ở vùng nông thôn đẩy mạnh phong trào đô thị. Đồng thời phối hợp chặt chẽ với mặt trận ngoại giao để vạch trần âm mưu kéo dài chiến tranh và thủ đoạn ngoại giao xảo quyệt của Mỹ.
Bám sát nhiệm vụ then chốt trong công tác chính trị tư tưởng, bộ máy tổ chức Ban Tuyên huấn đã có sự điều chỉnh lại cho phù hợp với tình thế mới của cách mạng miền Nam. Bộ máy được tổ chức theo hướng tăng cường các cơ quan Thông tấn xã, Đài phát thanh và bộ phận huấn học. Sau khi sắp xếp các cơ quan, bộ phận trực thuộc, tổng số cán bộ của Ban Tuyên huấn là 1.495 cán bộ. Bộ máy tổ chức của Ban Tuyên huấn trong giai đoạn này gồm Ban lãnh đạo và các cơ quan chuyên môn. Trong đó Ban lãnh đạo gồm các đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Trưởng ban. Thường trực ban: đồng chí Võ Quang Trinh, Tô Lâm, Tân Đức. Uỷ viên ban: đồng chí Cao Văn Sáu (được điều động từ Khu uỷ Khu VIII năm 1969), Lưu Hữu Phước, Trần Văn Phác, Nguyễn Văn Tòng, Trần Mão, Tô Bửu Giám, Sáu Chí, Thép Mới[1]. Các cơ quan chuyên môn gồm: Văn phòng, Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Văn nghệ, Tiểu ban Giáo dục, Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Báo chí, Tạp chí Tiền phong, tạp chí Thời sự nhân dân, Tạp chí Tuyên truyền, Nhà xuất bản Giải phóng, Đoàn văn công Giải phóng.
Giữa năm 1969 sau khi có chỉ đạo của Trung ương Cục miền Nam về bố trí nhân sự, sắp xếp tổ chức bộ máy tham gia chuẩn bị thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ban Tuyên huấn đã bố trí nhân sự tham gia Bộ thông tin – Văn hóa, Bộ giáo dục và Thanh niên và một số cơ quan khác của Chính phủ. Đồng thời xây dựng kế hoạch tuyên truyền phục vụ cho sự kiện chính trị quan trọng này.
Ngày 6/6/1969 Đại hội Đại biểu Quốc dân miền Nam đã bầu ra Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Đây là một “thắng lợi có ý nghĩa chính trị to lớn, cổ vũ nhân dân miền Nam đẩy mạnh kháng chiến”. Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhanh chóng đảm nhận nhiệm vụ của một chính quyền nhà nước hợp pháp ở miền Nam. Một số cán bộ chủ chốt được điều động tham gia Bộ Thông tin - Văn hóa, Bộ Giáo dục và Thanh niên Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam như đồng chí Lưu Hữu Phước, Bộ trưởng Bộ Thông tin - Văn hóa; giáo sư Lê Văn Chí, Thứ trưởng Bộ giáo dục và Thanh niên; đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Chánh Văn phòng Bộ Thông tin - Văn hóa; Nguyễn Hữu Dụng, Chánh Văn phòng Bộ Giáo dục và Thanh niên; đồng chí Dương Văn Diêu, Vụ trưởng Vụ Chuyên môn giáo dục Bộ giáo dục và Thanh niên, đồng chí Nguyễn Nam, phụ trách phòng xuất bản làm Cục Xuất bản Bộ Thông tin - Văn hóa. Đây là sự điều động tạm thời phục vụ nhiệm vụ chính trị khi có Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Các cơ quan thông tin, văn hóa, giáo dục của Chính phủ và các cán bộ được điều động tham gia chính quyền Nhà nước hợp pháp đều đặt dưới sự chỉ đạo của Ban Tuyên huấn trong mọi hoạt động.
Bước sang đầu năm 1970, tình hình chiến trường có nhiều thay đổi sau sự kiện Lonnol làm cuộc đảo chính lật đổ chính quyền Xihanuc, biến quốc gia trung lập Campuchia thành thuộc địa và căn cứ quân sự mới của Mỹ trên chiến trường Đông Dương và sự kiện Mỹ và chính quyền Sài Gòn huy động lực lượng hỗn hợp 10 vạn quân vượt biên giới tấn công sang lãnh thổ Campuchia. Đông Dương trở thành chiến trường chung, tại căn cứ của Ban Tuyên huấn đóng ở Campuchia, Ban Tuyên huấn đã tiến hành chấn chỉnh tổ chức và sửa đổi lề lối làm việc, nâng cao hiệu quả hoạt động trên các lĩnh vực chuyên môn. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị, các cuộc họp giao ban, báo cáo, nghị quyết tiến hành theo phương châm “tinh giản, gọn nhẹ”, thực hiện chế độ báo cáo thỉnh trị đều đặn và đảm bảo liên lạc thông suốt từ Ban Tuyên huấn xuống các Khu uỷ, Tỉnh uỷ.
Đầu năm 1971, Ban Tuyên huấn tham mưu Trung ương Cục miền Nam chỉ đạo công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, tổ chức với nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu là đánh bại kế hoạch bình định và chính sách Việt Nam hóa chiến tranh của Mỹ. Để thực hiện được nhiệm vụ trên, Ban Tuyên huấn đã “mở các lớp huấn luyện ngắn ngày để đào tạo cán bộ thay thế số cán bộ bị tổn thất khá nhiều trong những năm qua, nhất là cán bộ cơ sở, sử dụng và bố trí cán bộ cho đúng với nhiệm vụ chính trị đã đề ra, thực hiện quản lý cán bộ chặt chẽ; đảm bảo thực hiện chế độ chính sách cho cán bộ, nhất là đối với cán bộ cơ sở, cán bộ già đau yếu và cán bộ nữ”. Qua đó hệ thống tổ chức của Ban Tuyên giáo đã được chấn chỉnh, vững về chính trị, tư tưởng, tổ chức.
Sau chiến thắng đường 9 Nam Lào và Bắc Campuchia, đặc biệt là cuộc tiến công chiến lược Xuân Hè năm 1972, đã làm thay đổi cục diện trên chiến trường, hình thành thế “bố trí chiến lược mới”, mở ra một cục diện mới vô cùng thuận lợi cho cách mạng, Ban Tuyên huấn thực hiện công tác sắp xếp điều động cán bộ, tổ chức các cơ quan chuyên môn nhằm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đã được giao. Đồng thời nhanh chóng chuyển hướng tổ chức bộ máy phù hợp khi hoạt động tại căn cứ trên lãnh thổ Campuchia.
Tuy nhiên với bản chất hiếu chiến, Mỹ và chính quyền Nguyễn Văn Thiệu vẫn ngoan cố tiếp tục kéo dài chiến tranh. Cuộc tập kích chiến lược của Mỹ từ ngày 18 đến 30/12/1972 vào Hà Nội và Hải Phòng đã bị quân dân miền Bắc đánh bại. Đòn nắn gân quân sự của Mỹ không thành công đã làm tan giấc mộng đàm phán trên thế mạnh. Mỹ buộc phải trở lại bàn đàm phán tại Hội nghị Paris và đi đến giải pháp chính trị nhằm chấm dứt chiến tranh bằng một Hiệp định.
Giai đoạn chống Chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh là giai đoạn khốc liệt, gian khổ nhất của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong bối cảnh đó, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam củng cố lại bộ máy tổ chức phù hợp với yêu cầu và nhiệm vụ của tình hình mới. Khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập, Ban Tuyên huấn đã điều động cán bộ tham gia bộ máy chính quyền. Đây là thời kỳ chuyển đổi rất đặc biệt, Ban Tuyên huấn thực hiện hai chức năng Đảng và chính quyền. Mặc dù thực hiện cùng lúc hai chức năng vừa là cơ quan chuyên môn của Trung ương Cục miền Nam, vừa là cơ quan của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam nhưng Ban Tuyên huấn đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Giai đoạn sau Hiệp định Paris năm 1973 - 30/4/1975
Ngày 27/1/1973 Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được kí kết tại Paris. Tuy Hiệp định đã được ký kết nhưng Mỹ vẫn tiếp tục thực hiện chiến lược Việt Nam hóa chiến tranh ở miền Nam. Mỹ và chính quyền Sài Gòn liên tiếp vi phạm Hiệp định, tiếp tục đẩy mạnh cuộc chiến tranh bình định, giành dân, giành đất. Thời gian đầu, một số nơi do không đấu tranh kiên quyết nên đã để cho quân Sài Gòn lấn chiếm vùng giải phóng, thực hiện việc tràn ngập lãnh thổ, gây khó khăn cho phía cách mạng.
Trước tình hình đó, ngày 27/3/1973 Thường vụ Trung ương Cục miền Nam họp đã xác định các khâu công tác cấp bách trước mắt phải tiến hành đó là phải “làm tốt công tác nhận thức tư tưởng về Hiệp định Paris”. Yêu cầu bức xúc đặt ra đối với công tác tư tưởng lúc này là “phải làm cho toàn Đảng, toàn dân, toàn quân có nhận thức đúng về âm mưu, thủ đọan của Mỹ ngụy; đánh giá địch - ta và khả năng phát triển của tình hình; phải làm gì và làm như thế nào để đánh bại âm mưu và hành động tiếp tục chiến tranh của địch”.
Đầu năm 1973 Ban Tuyên huấn tổ chức đoàn cán bộ đi tiền trạm phục vụ việc chuyển căn cứ từ Campuchia về Việt Nam. Đến tháng 3/1973 việc di chuyển cơ quan từ Campuchia về lại căn cứ cũ đã hoàn thành. Tại Lò Gò, Bắc Tây Ninh, Ban Tuyên huấn đã nhanh chóng nắm bắt các điều kiện thuận lợi để hoàn thiện bộ máy hoạt động, chuẩn bị về con người và tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ mới của cách mạng miền Nam.
Sau khi ổn định công tác tổ chức, ổn định căn cứ tại vùng Bắc Tây Ninh, các hoạt động của Ban Tuyên huấn được tổ chức hết sức khẩn trương, sôi động, đáp ứng với bước phát triển mới của phong trào cách mạng miền Nam trong giai đoạn tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn. Ban Tuyên huấn đã ban hành “Đề cương công tác tuyên truyền năm 1973”. Đề cương xác định công tác tuyên truyền có một vị trí đặc biệt quan trọng nhằm đảm bảo phát huy thắng lợi có ý nghĩa to lớn về chính trị của cách mạng miền Nam sau khi kí Hiệp định. Trọng tâm của công tác tuyên huấn là tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng và nhanh chóng những nội dung cơ bản của Hiệp định trong toàn dân, nhất là đến mọi tầng lớp Nhân dân vùng tạm chiếm để quần chúng hiểu được những điều khoản cơ bản của Hiệp định, nhất là những điều khoản về tự do dân chủ. Đây là những vũ khí sắc bén để nhân dân tổ chức, vùng lên đấu tranh giành hòa bình độc lập, tự do, cơm áo và hòa hợp dân tộc.
Tháng 7/1973 Hội nghị Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, khóa III họp và ra Nghị quyết “Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và nhiệm vụ của cách mạng miền Nam Việt Nam trong giai đoạn mới” đã khẳng định con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực. Nghị quyết đặt ra nhiệm vụ cho công tác tư tưởng là “Tiếp tục bồi dưỡng tinh thần cách mạng tiến công, kiên trì cách mạng, nâng cao cảnh giác, chống mọi khuynh hướng hữu khuynh, hòa bình chủ nghĩa, tư tưởng nghỉ ngơi, không sẵn sàng chiến đấu”.
Quán triệt Nghị quyết Hội nghị của Trung ương Đảng và các Nghị quyết của Trung ương Cục miền Nam, Ban Tuyên huấn tổ chức cho các cấp uỷ, các đơn vị tiến hành khẩn trương công tác học tập Nghị quyết, trang bị nhận thức đúng đắn về tình hình và nhiệm vụ, thấu suốt tư tưởng tiến công cách mạng, đấu tranh chống tư tưởng lệch lạc,… Nhờ đó, đã tạo sự chuyển biến tích cực trong hành động của cán bộ, đảng viên, quân và Nhân dân miền Nam.
Tháng 11/1973, Thường vụ Trung ương Cục miền Nam đã họp và thống nhất phân công các đồng chí trong Thường vụ phụ trách từng khối công việc. Theo đó, đồng chí Phạm Hùng phụ trách chung của Trung ương Cục miền Nam, không phụ trách Ban Tuyên huấn. Đồng chí Nguyễn Văn Linh, phụ trách khối Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn. Thường trực Ban Tuyên huấn bên cạnh các đồng chí phụ trách từ thời kỳ trước đến cuối năm 1973 được bổ sung thêm đồng chí Trần Bạch Đằng (được điều động từ Sài Gòn - Gia Định về tham gia Thường trực Ban). Lãnh đạo Ban tuyên huấn trong giai đoạn này gồm có các đồng chí: Võ Quang Trinh, Trần Bạch Đằng, Cao Văn Sáu, Tân Đức, Tô Lâm, Lưu Hữu Phước, Trần Văn Phác, Nguyễn Văn Tòng, Kỳ Phương, Trần Mão, Nguyễn Văn Chí, Thép Mới. Hệ thống tổ chức của Ban Tuyên giáo gồm có Ban lãnh đạo, các cơ quan thông tin và các tiểu ban chuyên môn như: Tiểu ban Tuyên truyền, Tiểu ban Huấn học, Tiểu ban Giáo dục, Tiểu ban Văn nghệ, Đài phát thanh Giải phóng, Thông tấn xã Giải phóng, Điện ảnh Giải phóng, Hội họa Giải phóng, Trường Tuyên huấn, Trường Báo chí, Trường Văn nghệ, Nhà in Trần Phú.
Trong những tháng cuối năm 1973 đầu năm 1974 lực lượng cách mạng đã chủ động tiến công, đẩy lùi các cuộc hành quân lấn chiếm quân Sài Gòn, thu hồi và mở rộng vùng giải phóng. Tình hình chuyển biến nhanh chóng, tạo thời cơ thuận lợi để chuyển biến nhanh chóng, tạo thời cơ thuận lợi để tiến hành cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam.
Hội nghị Bộ Chính trị tháng 10/1974 và tháng 12/1974 đã quyết định giải phóng hoàn toàn miền Nam. Thực hiện quyết định của Bộ Chính trị, từ hậu phương miền Bắc đến tiền tuyến miền Nam đã chuẩn bị mọi mặt về tư tưởng, tổ chức cho tổng tiến công và nổi dậy. Ở miền Nam, toàn bộ cán bộ, chiến sĩ thuộc lĩnh vực tư tưởng, văn hóa, cán bộ, học viên các trường Đảng (cả học viên khóa VIII Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc miền Nam đã kết thúc khóa học sớm) để tham gia cuộc tấn công và nổi dậy.
Chiến thắng Phước Long, Tây Nguyên đã báo hiệu giờ phút trọng đại của dân tộc đã điểm. Sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn được tính từng ngày. Từ giờ phút này, trận quyết chiến chiến lược cuối cùng của quân và dân ta đã bắt đầu. Cách mạng miền Nam đang phát triển với nhịp độ khẩn trương chưa từng có “Một ngày bằng hai mươi năm”.
Trong không khí sôi động của thời khắc lịch sử, Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã nhanh chóng chuẩn bị lực lượng tham gia cùng với các cánh quân về giải phóng Sài Gòn, sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ công tác mới. Ngày 18/4/1975 Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam quyết định thành lập đoàn trọng điểm thuộc Ban Tuyên huấn chuẩn bị tiếp quản Sài Gòn sau khi giải phóng. Đây là “bộ khung” cán bộ lãnh đạo các bộ phận tham gia giải phóng Sài Gòn và tiếp quản các cơ quan văn hóa thông tin, giáo dục của chính quyền Sài Gòn.
Trưởng đoàn, phụ trách chung là đồng chí Võ Quang Trinh, Thường trực, Bí thư Đảng Ban Tuyên huấn.
Thành lập Đảng uỷ Đoàn Trọng Điểm do đồng chí Võ Quang Trinh, Bí thư. Đồng chí Bảy Nam, Phó Bí thư. Uỷ viên gồm các đồng chí : Hữu Hạnh, Ba Nhi, Tư Nhật, Nguyễn Nam, Hai Khuynh, Lê Quang Nghĩa.
Đài Phát thanh Giải phóng do các đồng chí Tám Đức, Trưởng đoàn; Thanh Nho, Phó đoàn; Ba Nhi, thành viên.
Báo Giải phóng do các đồng chí Tô Hân, Trưởng đoàn; Hai Khuynh, Phó đoàn; Đặng Tuất Việt, thành viên.
Vô tuyến truyền hình và điện ảnh do các đồng chí Mai Lộc, Trưởng đoàn; Lê Minh Hiền, Phó đoàn; đồng chí Điền, đồng chí Hữu Hạnh, thành viên.
Thông tin văn hóa do các đồng chí Bùi Kinh Lăng, Trưởng đoàn; Trịnh Mai Diêm, Phó đoàn; Nguyễn Nam, Thái Ly, Thành viên.
Thông tấn do các đồng chí Trần Thanh Xuân, Trưởng đoàn; Lê Quang Nghĩa, Phó đoàn; Hữu Thành, Phó đoàn.
Sáng ngày 30/4/1975, đồng loạt các cánh quân dũng mãnh tiến về Sài Gòn. Chính quyền Sài Gòn do tổng thống Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng. Lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Đoàn công tác trọng điểm, theo sự phân công từ trước đã tiếp quản các cơ quan thông tin truyền thông, văn hóa giáo dục của chính quyền Sài Gòn. Cán bộ Đài phát thanh giải phóng tiếp quản Đài phát thanh Sài Gòn. Tổ phóng viên, điện báo của Thông tấn xã Giải phóng tiếp quản Việt tấn xã. Tiểu ban Giáo dục tiếp quản đội ngũ giáo chức và cơ sở trường lớp, tiếp quản Bộ Giáo dục của chế độ cũ, nhanh chóng ổn định tình hình tư tưởng, tích cực chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới. Một bộ phận thuộc Văn phòng Ban Tuyên huấn tiếp quản trụ sở Bộ thông tin và chiêu hồi, Cục quốc gia Điện ảnh Sài Gòn. Các cán bộ không tham gia đoàn trọng điểm, theo sự phân công của Ban Tuyên huấn xuống hỗ trợ các địa phương nổi dậy giành chính quyền.
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng kết thúc 21 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Trong 14 năm (1961 - 1975) hình thành, xây dựng, phát triển và hoàn thiện hệ thống tổ chức, Ban Tuyên huấn đã cùng với quân dân cả nước góp phần làm nên chiến thắng chung của dân tộc.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước là một chiến công vĩ đại của dân tộc ta ở thế kỷ XX. Làm nên chiến thắng đó có nhiều yếu tố, trong đó có sức mạnh ý chí, tinh thần quyết tử, quyết thắng của cả dân tộc đã được Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam đã khơi dậy, tổ chức và phát huy trong quá trình hoạt động. Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ trong những giai đoạn khác nhau, công tác tuyên huấn giúp Đảng bộ miền Nam lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ trên lĩnh vực văn hóa - tư tưởng động viên toàn Đảng, toàn dân, cổ vũ mọi nguồn lực, tạo thành vũ thành vũ khí sắc bén, một sức mạnh to lớn làm nên những thành tựu vĩ đại, hoàn thành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.
Địa điểm Căn cứ Ban Tuyên huấn Trung ương Cục miền Nam (1962-1975) thuộc ấp Tân Nam, xã Tân Bình, huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là Di tích lịch sử cấp quốc gia tại Quyết định số 4245/QĐ-BVHTTDL ngày 29/12/2023.
Theo Cổng thông tin điện tử Đảng bộ tỉnh Tây Ninh - Bảo tàng Tây Ninh
Tác giả: NVĐ
Nguồn tin: dangcongsan.vn; tayninh.dcs.vn; baotang.tayninh.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn