Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo

Thứ ba - 21/11/2023 15:46

Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc là chính sách nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta.

Phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo

Việt Nam là quốc gia có nhiều tôn giáo và các loại hình tín ngưỡng, đa dạng về tổ chức, khác nhau về số lượng, có nguồn gốc phát sinh, du nhập, phát triển và ảnh hưởng khác nhau trong đời sống chính trị, văn hoá, xã hội. Kể từ khi nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời (tháng 8/1945) đến nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn xác định công tác tôn giáo, dân tộc là vấn đề chiến lược, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Tôn trọng quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, thực hiện chính sách đại đoàn kết dân tộc là chính sách nhất quán xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta. Mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật, các hành vi lợi dụng tôn giáo vào mục đích chính trị gây mất an ninh, trật tự và chủ quyền quốc gia đều bị nghiêm trị. Điều đó được thể hiện sinh động trong các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.

Ngay sau khi thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà; ngày 03/9/1945 tại phiên họp Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm đến vấn đề tôn giáo, người nói “Tôi đề nghị Chính phủ tuyên bố tín ngưỡng tự do và lương - giáo đoàn kết”. Ngày 14/6/1955, người đã ký Sắc lệnh số 234/SL xác định “Việc tự do tín ngưỡng, tự do thờ cúng là quyền lợi của nhân dân. Chính phủ luôn tôn trọng và giúp đỡ nhân dân thực hiện. Chính quyền không can thiệp vào nội bộ các tôn giáo. Các tổ chức tôn giáo phải tuân theo pháp luật của Nhà nước như mọi tổ chức khác của nhân dân. Việc bảo vệ tự do tín ngưỡng bắt buộc phải trừng trị những kẻ đội lốt tôn giáo gây rối loạn”.

Với Chủ tịch Hồ Chí Minh, xuất phát từ sự tôn trọng, tin tưởng vào sức mạnh to lớn của bản thân con người, Người cho rằng sự nghiệp giải phóng con người, giải phóng dân tộc phải dựa vào chính tiềm nǎng, sức mạnh to lớn của con người, của dân tộc. Đoàn kết tôn giáo là đoàn kết giữa đồng bào có tín ngưỡng, tôn giáo với đồng bào không có tín ngưỡng tôn giáo; đoàn kết giữa đồng bào theo các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau; và đoàn kết giữa các đồngbào trong nội bộ mỗi tôn giáo vào khối đại đoàn kết dân tộc, dưới sự lãnh đạo của Đảng nhằm thực hiện thắc lợi các mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ cách mạng. Mục tiêu của đoàn kết tôn giáo là hướng tới đại đoàn kết dân tộc. Tư tưởng này của người đã được Đảng, Nhà nước ta vận dụng không khéo, xuyên suốt trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, được cụ thể bằng hành động thực tiễn và trong các văn bản của Đảng, Nhà nước.

Trong những năm qua, Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác tôn giáo, như: Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 16/10/1990; Nghị quyết số 25- NQ/TW ngày 12/3/2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng; Quốc hội khoá XI đã ban hành Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo (số 21/2004/ PL- UBTVQH 11) quy định về các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo. Chính phủ ban hành nghị định số 22/2005/ NĐ- CP ngày 01/3/2005 Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo; Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 1940/ CT- TTg ngày 31/12/2008 “về nhà, đất liên quan đến tôn giáo” và nhiều văn bản hướng dẫn của Nhà nước và các bộ, ban, ngành liên quan, tiếp tục khẳng định rõ “Công dân có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo theo hoặc không theo một tôn giáo nào”...

Điều 24, Hiến pháp 2013 đã khẳng định: “Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đặc trước pháp luật. Nhà nước tôn trọng và bảo hộ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Không ai được xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo hoặc lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để vi phạm pháp luật”. Hiến định về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, chính sách của Nhà nước ta đối với tín ngưỡng, tôn giáo đã tiến kịp với nhận thức và chính sách chung về tôn giáo của thế giới. Bên cạnh đó, Luật tín ngưỡng, tôn giáo được Quốc hội khóa XIV thông qua ngày 18/11/2016 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018 đã cụ thể hóa quy định tại Điều 24 Hiến pháp năm 2013, thể hiện quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo là quyền của tất cả mọi người và quyền này không bị giới hạn bởi quốc tịch, giới tính, độ tuổi.

Các văn kiện Đại hội Đảng đều khẳng định và thống nhất, “Đồng bào các tôn giáo là bộ phận quan trọng của khối đại đoàn kết dân tộc. Thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, theo hoặc không theo tôn giáo của công dân, quyền sinh hoạt tôn giáo bình thường theo pháp luật. Đoàn kết đồng bào theo các tôn giáo khác nhau, đồng bào theo tôn giáo và đồng bào không theo tôn giáo. Phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Động viên, giúp đỡ đồng bào theo đạo và các chức sắc tôn giáo sống “tốt đời, đẹp đạo”. Các tổ chức tôn giáo hợp pháp hoạt động theo pháp luật và được pháp luật bảo hộ...”.

Như vậy, quan điểm tôn trọng và đảm bảo quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo chính là điểm nhấn trọng tâm, làm nền tảng cho công tác đoàn kết tôn giáo của cả người theo đạo và không theo đạo, người theo các đạo khác nhau của Đảng và Nhà nước. Từ việc xác lập quyền tự do tín ngưỡng của công dân, Đảng và Nhà nước còn tôn trọng và ghi nhận những hoạt động tín ngưỡng lành mạnh và cơ sở thờ cúng của các tôn giáo: Mọi người đều phải tôn trọng việc thờ cúng và nơi thờ cúng của các tôn giáo. Tín ngưỡng truyền thống có tính phổ quát và có ảnh hưởng lớn trong đời sống tinh thần của người Việt Nam là thờ cũng tổ tiên...

Theo đó, chúng ta lấy mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, độc lập, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” làm điểm tương đồng; tôn trọng những điểm khác nhau không trái với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam... tạo sinh lực mới của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”. Vì vậy, không chỉ “chủ động phòng ngừa” với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mà còn “kiên quyết đấu tranh” với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để chia rẽ, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc. Không chỉ phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với những hành vi lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo mà còn đối với cả “những hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo trái quy định của pháp luật”. Điều này rất phù hợp và cấp thiết trong tình hình hiện nay, khi mà các tôn giáo và các hiện tượng tôn giáo mới phát triển.

Đảng và Nhà nước ta cũng chủ trương, cần  phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của các tôn giáo. Việc này một mặt tận dụng, phát huy được những giá trị văn hóa, đạo đức, nhân văn... đã kết tin ở các tôn giáo qua hàng ngàn năm lịch sử vào đời sống, mặt khác, qua đó cũng làm cho đồng bào và chức sắc tôn giáo thấy được sự tôn trọng và đề cao của Đảng đối với những giá trị văn hóa, đạo đức của các tôn giáo nói riêng và đối với các tôn giáo nói chung; góp phần thu hút đồng bào và chức sắc tôn giáo vào trong khối đại đoàn kết dân tộc. Quan tâm và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo sinh hoạt theo hiến chương, điều lệ của tổ chức tôn giáo đã được Nhà nước công nhận, theo quy định của pháp luật, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước”.

Nhờ có chính sách tôn trọng tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước ta và việc chấp hành Hiến pháp, pháp luật Nhà nước của những người có đạo và không có đạo, của các tổ chức tôn giáo, nên hoạt động của các tôn giáo trong những năm qua cơ bản tuân thủ đúng pháp luật; phần lớn chức sắc, tín đồ của các tôn giáo tin tưởng và thực hiện đúng chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín ngưỡng, tôn giáo.

Ngoài ra Đảng, Nhà nước ta còn tổ chức triển khai nhiều chương trình, mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng tại các vùng đồng bào các tôn giáo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào có đạo. Các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam đều có các hoạt động giao lưu quốc tế trên tinh thần hoà bình, hữu nghị với các giáo hội, các tổ chức tôn giáo đồng đạo trên thế giới, nhiều tổ chức tôn giáo ở trong nước đã mời tổ chức tôn giáo nước ngoài đến thăm và làm việc tại Việt Nam; đồng thời xin phép tổ chức thuyết pháp, giảng đạo tại một số cơ sở tôn giáo; thông qua những hoạt động này các tôn giáo ở Việt Nam đã tăng cường trao đổi thông tin để các tổ chức tôn giáo nước ngoài đến Việt Nam hiểu rõ hơn về tình hình tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam.

Những kết quả trong thực hiện nhất quán chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước là thực tiễn sinh động khẳng định đường lối đổi mới đất nước của Đảng ngày càng đi vào thực tiễn cuộc sống; khẳng định sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng cùng phấn đấu cho sự nghiệp xây dựng đất nước Việt Nam.

Trong thời gian tới, để thực hiện tốt chính sách tôn giáo ở nước ta, cần chú trọng một số nội dung như sau:

Một là, tập trung nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn xã hội về vấn đề tôn giáo. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các quan điểm, chủ trương, chính sách về tôn giáo trong cán bộ, đảng viên, nhân dân, nhất là trong chức sắc, chức việc, nhà tu hành và các tín đồ tôn giáo.

Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, nâng cao nhận thức, thống nhất quan điểm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể đối với công tác tôn giáo, tránh chồng chéo. Kiện toàn, đổi mới nội dung, phương thức làm việc của ban chỉ đạo công tác tôn giáo ở các địa phương.

Hai là, tăng cường công tác vận động quần chúng, xây dựng lực lượng chính trị ở cơ sở. Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đổi mới nội dung, phương thức công tác vận động tín đồ các tôn giáo.

Ba là, thực hiện tốt hơn công tác quản lý Nhà nước về tôn giáo; đẩy mạnh công tác tham mưu, từng bước hoàn thiện cơ chế, chính sách đối với công tác tôn giáo, tích cực tham gia xây dựng các văn bản pháp luật về tôn giáo, đồng thời bổ sung kịp thời những chính sách đối với tôn giáo ở những vùng, miền khác nhau. Xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm pháp luật và mọi hoạt động lợi dụng tín ngưỡng, tôn giáo để kích động, chia rẽ tôn giáo, dân tộc, gây rối, xâm phạm an ninh quốc gia; góp phần đảm bảo an ninh chính trị ở địa phương.

Bốn là, tăng cường công tác kiểm tra thực hiện chủ trương, chính sách, văn bản của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ đối với công tác tôn giáo hiện nay. Xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, nhất là đối với vùng đồng bào dân tộc, vùng đông tôn giáo.

Năm là, cần chủ động và tăng cường hơn công tác đối ngoại tôn giáo và đấu tranh chống lợi dụng tôn giáo trong tình hình hiện nay. Tích cực triển khai công tác đấu tranh ngăn chặn chống đối trong các tôn giáo. Thực hiện tốt công tác tranh thủ, động viên và với những phần tử lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo đi ngược lại tôn chỉ, mục đích và đường hướng hành đạo của các tổ chức tôn giáo.

Trên cơ sở tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của nhân dân, chúng ta kiên quyết đấu tranh với các thế lực thù địch lợi dụng tôn giáo chống phá cách mạng, tôn trọng và phát huy những giá trị tốt đẹp của các tôn giáo, bồi đắp và làm phong phú thêm kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam để xây dựng chủ nghĩa xã hội, lấy đó làm nền tảng quan trọng để quy tụ đồng bào các tôn giáo vào cùng chung mục đích của dân tộc là xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, đây cũng là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Phát huy khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo luôn gắn liền với yêu cầu mở rộng dân chủ và giữ vững kỷ cương trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó các cơ quan nhà nước, các cấp chính quyền từ Trung đến địa phương phải chăm lo và bảo đảm quyền dân chủ của nhân dân, tín đồ, chức sắc các tôn giáo theo pháp luật; phát hiện, ngăn chặn và xử lý nghiêm những biểu hiện lợi dụng tự do tín ngưỡng, tôn giáo, cũng như những biểu hiện lợi dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, kích động nhân dân, tín đồ, chức sắc tôn giáo gây rối trật tự ảnh hưởng đến sự ổn định xã hội chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết tôn giáo, tăng cường và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Nam Hải

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: tuyengiao.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 130 trong 26 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 26 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây