Thành tựu công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ từ phong trào Bình dân học vụ

Thứ năm - 16/01/2025 06:45

Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, Người đã chỉ ra ba loại “giặc” phải đối mặt là giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt, và trong 3 loại giặc trên thì giặc nào cũng nguy hiểm, đòi hỏi dân tộc ta cũng phải chiến thắng.

Bác Hồ thăm một lớp Bình dân học vụ trong kháng chiến. Ảnh tư liệu
Bác Hồ thăm một lớp Bình dân học vụ trong kháng chiến. Ảnh tư liệu

1. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng một dân tộc dốt là một dân tộc yếu, Người đã chỉ ra ba loại “giặc” phải đối mặt là giặc đói, giặc ngoại xâm và giặc dốt, và trong 3 loại giặc trên thì giặc nào cũng nguy hiểm, đòi hỏi dân tộc ta cũng phải chiến thắng.

Ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), thay mặt Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc Tuyên ngôn Độc lập trước đồng bào cả nước và nhân dân trên thế giới, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vào thời điểm đó, nạn đói năm 1945 do bọn phát xít Nhật gây ra đã làm cho hơn 2 triệu người dân Việt Nam chết đói (chiếm khoảng 10% dân số cả nước Việt Nam) để lại cho chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ một gánh nặng thiếu thốn lương thực như một thách thức hết sức nguy hiểm. Cùng với trên 95% dân số đất nước chưa biết đọc, biết viết do hậu quả của chính sách ngu dân về giáo dục và đầu độc về văn hóa của thực dân Pháp để lại (hệ thống giáo dục Việt Nam thời kỳ thực dân Pháp đô hộ rất thiếu thốn, đến năm 1930, tổng số học sinh, sinh viên tất cả các trường từ tiểu học đến đại học chỉ chiếm 1,8% dân số Việt Nam). Đói ăn và đói chữ là tình trạng khốn khổ của dân nghèo, mà họ lại là lực lượng trung kiên của cách mạng.

Trước tình hình đó, Trung ương Đảng chủ trương phải nhanh chóng mang ánh sáng văn hóa đến cho dân, trước hết là làm cho họ thoát khỏi nạn mù chữ để họ nhanh chóng giác ngộ lý tưởng cách mạng, nhanh chóng nắm và quán triệt được chủ trương, đường lối của Đảng. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ngày 03/9/1945, các thành viên Chính phủ đã thống nhất với 6 nhiệm vụ cấp bách mà Hội đồng Chính phủ phải quán triệt:

Một là, Phát động tăng gia sản xuất, mở các cuộc lạc quyên để chống nạn đói. 

- Hai là, Mở phong trào chống nạn mù chữ. 

- Ba là, Tổ chức càng sớm càng tốt cuộc tổng tuyển cử với chế độ phổ thông đầu phiếu, thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân. 

- Bốn là, Mở phong trào giáo dục cần, kiệm, liêm, chính, bài trừ các tệ nạn do chế độ thực dân để lại. 

- Năm là, Xóa bỏ các thứ thuế vô lý, trước mắt là thuế thân, thuế chợ, thuế đò; tuyệt đối cấm hút thuộc phiện. 

- Sáu là, Tuyên bố tự do tín ngưỡng và lương giáo đoàn kết”. 

Trong sáu nhiệm vụ đề xuất, thì chiến dịch diệt “giặc dốt” đóng vai trò quan trọng thứ hai sau diệt “giặc đói” với mục đích xóa được nạn thất học, mù chữ sẽ giúp cho dân trí được nâng cao, từ đó sẽ tạo tiền đề, mở lối cho những tư tưởng cách mạng thấm nhuần vào quần chúng, tôn thêm nền móng vững chắc để chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vượt qua những thử thách sống còn.

Bác Hồ thăm một lớp Bình dân học vụ. Ảnh TTXVN

Triển khai phục vụ chiến dịch xoá mù chữ, ngày 08/9/1945 Chính phủ lâm thời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phát động phong trào “Bình dân học vụ”, là phong trào xóa nạn mù chữ trong toàn dân, nhằm giải quyết “giặc dốt”, một trong các vấn đề cấp bách nhất của nước Việt Nam lúc bấy giờ. Bộ trưởng Bộ Nội vụ Võ Nguyên Giáp đã ký quyết định thành lập Nha Bình dân học vụ (gọi tắt là ngành Bình dân học vụ) và cử Ông Nguyễn Công Mỹ làm Tổng Giám đốc. Ngay sau khi thành lập, phong trào “Bình dân học vụ” nhanh chóng lan rộng khắp cả nước, thu hút sự tham gia của mọi lứa tuổi, mọi tầng lớp nhân dân. Các lớp học bình dân được mở khắp nơi, trong nhà dân, các đình, chùa, miếu mạo và chỉ cần vài chiếc ghế băng, ghế tựa đặt quanh bàn, quanh phản, ghép từ cánh cửa, tấm ván mộc đã trở thành lớp học xóa mù chữ cho mọi người. Ngày 04/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi Chống nạn thất học gửi tới toàn dân, Người viết “...Muốn giữ vững nền độc lập, muốn làm cho dân mạnh nước giàu, mọi người Việt Nam phải hiểu biết quyền lợi của mình, bổn phận của mình, phải có kiến thức, mới có thể tham gia vào công cuộc xây dựng nước nhà và trước hết phải biết đọc, biết viết chữ quốc ngữ. Những người đã biết chữ hãy dạy cho những người chưa biết chữ, hãy góp sức vào bình dân học vụ…Những người chưa biết chữ hãy gắng sức mà học cho biết đi.”[1] 

Hưởng ứng phong trào “Bình dân học vụ”, chỉ sau khi lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa truyền đi, trong cả nước đã có hơn 10.000 người tình nguyện tham gia dạy các lớp xóa mù chữ mà không nhận thù lao. Đội ngũ này bao gồm giáo viên đã từng dạy các lớp truyền bá quốc ngữ trước đó và những thanh niên, học sinh, nhân viên, công chức đang làm việc trong các cơ quan, nhà máy, những hướng đạo sinh,  góp phần không nhỏ vào việc khơi dậy ý chí, ngọn lửa mong muốn được đi học của mọi người dân, tạo sự lan tỏa mạnh mẽ phong trào học tập trong Nhân dân.

Khẳng định rằng, phong trào “Bình dân học vụ” đã trở thành một phần của phong trào Thi đua kháng chiến kiến quốc, góp phần quan trọng vào công cuộc diệt giặc dốt. Phong trào phát triển theo đ­ường lối quần chúng đ­ược đông đảo quần chúng tham gia, dựa vào sức dân là chính để có thêm các điều kiện tổ chức lớp học. Trong khoảng thời gian hơn một năm Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tuyên bố độc lập, phong trào “Bình dân học vụ” được triển khai mạnh mẽ trong cả nước, giúp cho hơn 2,5 triệu người thoát nạn mù chữ và đến năm 1952, chiến dịch xóa nạn mù chữ cơ bản được hoàn thành.

Với dân chài lưới, lớp học được tổ chức ngay trên thuyền bè. Để tạo điều kiện cho người dân, chính quyền còn mở các lớp học ở xưởng thợ, đồn điền cho công nhân, lớp tại chợ cho người buôn bán, lớp ở trại giam cho tù nhân, an dưỡng đường cho thương binh…

2. Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, sau một ngày thành lập Nha Bình dân học vụ, để xác định cách tổ chức và hoạt động cho phong trào, Nha Bình dân học vụ liên tiếp tổ chức các lớp huấn luyện ở Hà Nội và các vùng miền, địa phương trong cả nước. Từ khi được phát động năm 1945 đã làm cho gần 14 triệu đồng bào thoát nạn mù chữ và đang đẩy mạnh việc phát triển lớp dự bị bình dân để củng cố việc đọc thông viết thạo cho những ngư­ời vừa mới thoát nạn mù chữ và phổ biến cho họ một ít kiến thức phổ thông. Các thầy giáo, cô giáo tham gia dạy xóa mù chữ thuộc đủ các giới, lứa tuổi, không nhận lương, chủ yếu theo phương châm người biết chữ tham gia dạy, người chưa biết chữ thì học, người biết ít vừa dạy cho người chưa biết vừa học những người biết nhiều hơn. Mọi người dân đều nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ của mình đối với việc học, Nhà nước có chính miễn học phí cho người đi học. Để bắt buộc mọi người tham gia học tập, nhiều địa phương đều có những biện pháp mạnh nhằm cưỡng bức mọi người tham gia học tập xóa mù chữ, như: Những ai không chịu đi học đều bị chế giễu, khắp đường của các thôn hay cổng vào chợ đều có trạm kiểm tra bằng cách dựng cổng chào với hình thức đẹp, trên có bảng chữ đề sẵn, đến nơi ai đọc được thì đi qua cổng chính, ai không đọc được thì phải quay về hoặc luồn qua một nách tre thấp, hẹp bên cổng lớn. Lớp học, trường học được tạo dựng rất đơn sơ, nhiều lớp học dùng phấn hay gạch để viết xuống đất thay cho bút và giấy… Không chỉ xóa nạn mù chữ mà ngành Bình dân học vụ lúc bấy giờ còn mở thêm các lớp bổ túc văn hóa để nâng cao trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân lao động nhằm phát triển hệ thống giáo dục nước nhà, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.  

 Tuy nhiên, Trung ương Đảng cũng nhận định, phong trào “Bình dân học vụ” còn một số khuyết điểm, như: Chư­a nhận rõ sự quan trọng của công tác bổ túc văn hóa là cơ sở của nền giáo dục nhân dân, có tác dụng lớn trong việc tạo điều kiện cho nhân dân nhất là công nông thực sự làm chủ Nhà n­ướcViệc tổ chức còn lộn xộn phức tạp, chư­a có một hệ thống duy nhất; Ch­ương trình tài liệu chưa kết hợp việc dạy bình dân học vụ  với việc học chính trị và thời sự của nhân dânCách dạy còn nhiều cái cũ của truyền bá quốc ngữ, nhất là trong việc soạn bài. Hoạt động của bình dân học vụ còn yếu ở chỗ nhiều nơi nhất là ở các vùng tôn giáo, tạm bị chiếm. Nhiều nơi không tổ chức bình dân học vụ. Trong vùng bị tạm chiếm ít lợi dụng các hình thức dạy chữ để giáo dục chính trị cho nhân dân, nhằm giác ngộ nhân dân, đẩy tiến kháng chiến.; Việc tiếp tục dạy cho những người thoát nạn mù chữ còn ít ỏi. Có nơi nhân dân thoát nạn mù chữ một thời gian lại mù chữ trở lại; Sự lãnh đạo của Đảng về giáo dục nói chung và về giáo dục bình dân nói riêng chư­a đ­ược chặt chẽ. Cán bộ giáo dục còn non nớt, ch­ưa thấm nhuần đư­ờng lối chính sách và tác phong của Đảng. 

Kỳ thi thanh toán nạn mù chữ ở xã Đồng Liên, tỉnh Thái Nguyên, sau năm 1954.

Để đẩy mạnh công tác giáo dục bổ túc văn hoá, với mục đích nâng cao trình độ văn hoá và chính trị của nhân dân lao động (tr­ước hết là công nông binh) để họ phục vụ kháng chiến, phát triển sản xuất đắc lực hơn và thực sự làm chủ Nhà n­ước, năm 1952 Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa II ban hành Nghị quyết số 30-NQ/TW về việc đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa, trong đó Ban Bí thư xác định nhiệm vụ của ngành Bình dân học vụ giai đoạn này là giáo dục bổ túc cho nhân dân (trong đó có cả việc phát triển lớp dự bị) đồng thời vẫn tiếp tục mở lớp chống mù chữ và bổ túc văn hóa cho các đối tượng đã biết chữ để nâng cao trình độ văn hoá và chính trị của nhân dân lao động. Nền giáo dục bổ túc văn hóa dựa trên ba phương châm:

Thứ nhất, Lý luận và thực tiễn thống nhất. Học kết hợp với hành, học để mà dùng. Muốn thế phải căn cứ vào những thực tế trong n­ước, những nhu cầu cụ thể của nhân dân và của chính sách hiện nay mà giảng dạy.

Thứ hai, Tranh thủ thời gian phục vụ kháng chiến. Nhằm mục đích thiết thực phục vụ nhân dân, phục vụ kháng chiến. Lựa chọn sắp xếp dạy cho nhân dân những điều cần thiết cho kháng chiến, sản xuất và nắm chính quyền, để họ có thể học trong một thời gian ngắn. Đồng thời chuẩn bị cho họ có thể học lên cao hơn.

Thứ ba, Dựa vào lực lư­ợng nhân dân; Giáo dục bổ túc là của nhân dân, là do nhân dân xây dựng. Dùng những ph­ương pháp và hình thức tổ chức linh động, mềm dẻo, thích hợp với điều kiện cụ thể và nhu cầu thiết thực từng thời kỳ từng địa phương, từng lớp ng­ười.

Nhiệm vụ trước mắt của công tác giáo dục bổ túc văn hóa tập trung vào:

- Một là, Phổ biến ch­ương trình và biên soạn tài liệu giáo khoa.

- Hai là, Thống nhất việc tổ chức và ch­ương trình các lớp bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc.

- Ba là, Hướng dẫn về nghiệp vụ cho cán bộ và giáo viên ở các trường và các lớp.

Căn cứ vào nhu cầu về khả năng hiện nay của đất nước thì việc xây dựng và phát triển cấp I của nền giáo dục bổ túc là chính[2]. Bởi vậy, cán bộ tham gia Bình dân học vụ phải học tập nhiệm vụ mới nêu trên để nắm vững đư­ờng lối, chính sách giáo dục bổ túc và phải thấy vinh dự đư­ợc chấp hành nhiệm vụ đó, c­ương quyết vư­ợt mọi khó khăn và hăng hái phụ trách. Cán bộ và nhân dân phải coi việc giáo dục bổ túc là một nhiệm vụ thiết thân của mình. Các ban Tuyên huấn các cấp có trách nhiệm, nhiệm vụ phải giúp đỡ cấp uỷ Đảng lãnh đạo chặt chẽ thực hiện việc giáo dục bổ túc cho cán bộ và nhân dân nhất là các Trường phổ thông lao động[3] và cử cán bộ phụ trách giảng chính trị ở các trường đó. Bộ Giáo dục có nhiệm vụ cung cấp ch­ương trình và tài liệu giáo khoa; hướng dẫn về sư­ phạm cho những giáo viên do các cơ quan đoàn thể cử dạy ở những lớp bổ túc văn hóa ngoài giờ làm việc và thực hiện kiểm tra, theo dõi về ph­ương diện chuyên môn. Các cơ quan, đoàn thể chịu trách nhiệm tổ chức các lớp học, cử ng­ười dạy ở các lớp học, bảo đảm việc học tập văn hóa và kiểm tra đôn đốc việc học tập cho cán bộ và nhân viên trong cơ quan.

Tiếp đến, ngày 07/3/1958 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 72-CT/TW về tăng cường lãnh đạo công tác bình dân học vụ để hoàn thành việc thanh toán nạn mù chữ vào cuối năm 1958. Nhiều cấp bộ đảng đã nghiêm chỉnh chấp hành Chỉ thị, nhờ đó phong trào bình dân học vụ phát triển được rộng rãi, bước đầu gây được cơ sở vững chắc trong nhân dân, có nhiều xã, khu phố, thị xã, đã hoàn thành nhiệm vụ trước thời hạn. Song Ban Bí thư Trung ương Đảng đánh giá, phong trào bình dân học vụ vẫn chưa đều;  ở một số địa phương, phong trào còn yếu so với yêu cầu, việc lãnh đạo công tác thanh toán nạn mù chữ chưa được kết hợp đúng mức với việc lãnh công tác sản xuất vụ mùa. Việc thanh toán nạn mù chữ cho những đối tượng chủ yếu nhiều nơi chưa chú ý đúng mức, thậm chí hiện nay còn có một số cán bộ xã, xóm, đảng viên chưa đi học. Do đó, phong trào tuy có phát triển rộng rãi, nhưng kết quả mãn khóa sơ cấp còn ít. Tình trạng đó nếu không bổ cứu thì sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành kế hoạch. Vì vậy, các cấp ủy đảng cần phải có kế hoạch bổ cứu kịp thời để bảo đảm hoàn thành đúng kế hoạch thanh toán nạn mù chữ.

Lớp bình dân học vụ đặc biệt của bộ đội khi đi hành quân trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp. Ba lô của mỗi người đều được dán bảng chữ cái và các cụm từ dễ học, khi hành quân, người đi sau nhìn ba lô người trước để học chữ.

Để quyết tâm đảm bảo hoàn hành kế hoạch thanh toán nạn mù chữ, ngày 03/10/1958, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 107-CT/TW, trong đó Ban Bí thư yêu cầu:

Thứ nhất, các cấp ủy Đảng phải tăng cường lãnh đạo tốt đợt thi đua diệt dặc dốt cuối cùng từ ngày 08/9/1958 đến ngày 19/12/1958. Trước hết cần phải chú trọng lãnh đạo tốt tư tưởng của cán bộ giáo viên bình dân học vụ và các ngành, các giới, làm cho mọi người quyết tâm cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ đã đề ra. Về tổ chức, cần phải củng cố và phát triển mặt trận diệt dốt thật rộng rãi, đồng thời kết hợp chặt chẽ và thường xuyên việc lãnh đạo công tác thanh toán nạn mù chữ với công tác sản xuất vụ mùa, chuẩn bị làm chiêm là công tác trọng yếu nhất và các công tác khác để giữ vững phong trào. Ngoài ra việc lãnh đạo phải cụ thể, cần phải nắm chắc tình hình, phân ra các loại vùng, phân loại những người còn mù chữ theo các trình độ và có kế hoạch giải quyết cho sát; tránh hô hào chung và khoán trắng cho ngành chuyên môn.

Thứ hai, Trong việc thanh toán nạn mù chữ, phải đặc biệt chú trọng thanh toán cho đối tượng chủ yếu bao gồm cán bộ xã, xóm, đảng viên, thanh niên trong Đoàn và ngoài Đoàn. Phải giao trách nhiệm cho các chi bộ, tổ đảng có kế hoạch xóa nạn mù chữ cho những nơi đó. Song song với việc thanh toán nạn mù chữ, cần phải chú trọng mở các lớp bổ túc văn hóa, để cho những người đã thoát nạn mù chữ không mù chữ trở lại và để dần dần nâng cao trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân. 

Một lớp bình dân học vụ tại Cái Bè, Tiền Giang năm 1951. Nha Bình dân học vụ thành lập được nửa tháng thì thực dân Pháp quay lại xâm chiếm miền Nam. Dù Nha cử một số cán bộ vào gây dựng cơ sở, vì hoàn cảnh khó khăn, phong trào học chữ ở miền Nam không duy trì mạnh mẽ như ở miền Bắc và Trung.

Năm 1965, trong bối cảnh nhân dân cả nước ta đang trong tình trạng trực tiếp chiến đấu chống Mỹ xâm lược bảo vệ miền Bắc, giải phóng miền Nam thống nhất nước nhà. Để giành thắng lợi quyết định trong sự nghiệp cách mạng của cả nước, miền Bắc chúng ta phải cố gắng vượt bậc trong việc đẩy mạnh công cuộc xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội và tăng cường quốc phòng. Trong việc đẩy mạnh toàn bộ sự nghiệp cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc theo yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, Trung ương Đảng xác định công tác bổ túc văn hóa phải được đặt ra cấp thiết hơn và phải bước vào một thời kỳ phát triển mới. Thời gian từ năm 1958 đến 1965, công tác bổ túc văn hóa, được coi là một công tác rất quan trọng để thúc đẩy cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa trong hoàn cảnh một nước có nền kinh tế lạc hậu tiến thẳng lên chủ nghĩa xã hội không qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Những cán bộ giáo dục làm công tác bổ túc văn hóa đã phát huy truyền thống tự lực cánh sinh, dựa vào quần chúng để khắc phục mọi khó khăn, phát huy thắng lợi của phong trào bình dân học vụ trước đây, và cũng là do quần chúng nhân dân ta có trình độ giác ngộ chính trị và ý thức làm chủ ngày càng được nâng cao nên đã hăng hái học tập. Phong trào bổ túc văn hóa từng bước phát triển khá đồng đều và vững chắc hơn; việc kết hợp công tác bổ túc văn hóa với công tác trung tâm của địa phương, nhất là công tác sản xuất có chuyển biến. Song ở một vài nơi, nhất là miền núi phong trào còn trì trệ, có lúc bị sút kém nặng, nạn mù chữ còn trầm trọng (ở vùng cao, vùng đạo thiên chúa), nhiều người học xong đã quay lại mù chữ, hình thức tổ chức, quy chế trường, lớp xóa mù chữ, bổ túc văn hóa chưa được nghiên cứu cho phù hợp với điều kiện lao động, công tác, sinh hoạt của quần chúng có nguy cơ dễ tan vỡ…

Bởi vậy, ngày 18/5/1965, Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 97-CT/TW về việc đẩy mạnh công tác bổ túc văn hóa, trong đó nhấn mạnh: bổ túc văn hóa có một vai trò trọng yếu; không những trước kia, hiện nay mà còn lâu dài hơn nữa. Đảng ta, vẫn đặt công tác bổ túc văn hóa lên vị trí hàng đầu trong công tác giáo dục. Công tác bổ túc văn hóa lúc này cần được đặc biệt coi trọng và lãnh đạo chặt chẽ, nhằm đạt được mục đích là nâng cao trình độ văn hóa của cán bộ và nhân dân lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giáo dục chính trị và khoa học kỹ thuật, đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ trên quy mô lớn, góp phần đẩy mạnh sản xuất, tăng cường quốc phòng, để đưa công tác bổ túc văn hóa chuyển biến và phát triển kịp thời với yêu cầu của tình hình và nhiệm vụ mới, các cấp, các ngành, các đoàn thể cần nhận rõ ý nghĩa quan trọng của công tác bổ túc văn hóa, để có sự chuyển biến mạnh mẽ trong tư tưởng và nhận thức, trong nội dung công tác, trong lãnh đạo phong trào, trong cơ cấu tổ chức và trong biện pháp thực hiện.

Một lớp Bình dân học vụ. (Ảnh: baotanglichsu.vn)

3. Như vậy, từ sau Cách mạng Tháng 8/1945, mặc dù đất nước còn nghèo và có chiến tranh liên tiếp, sự nghiệp giáo dục, đào tạo nước ta đã đạt những thành tựu quan trọng, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo đội ngũ lao động có trình độ học vấn tiểu học, trung học và đội ngũ cán bộ đông đảo phục vụ các nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và an ninh quốc phòng. Công cuộc chống mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học được triển khai trong cả nước và có tiến bộ, đã có 16 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 tỉnh miền núi, 57% số huyện, 76% số xã được công nhận đạt tiêu chuẩn quốc gia về xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, tỷ lệ học sinh lưu ban, bỏ học đã giảm nhiều. Đã xuất hiện một số nhân tố mới, ở nhiều nơi hình thành phong trào học tập sôi nổi của cán bộ và nhân dân, nhất là thanh niên. Các loại hình trường lớp, từ phổ thông đến đại học, đa dạng hơn, tạo nên cơ hội học tập cho nhân dân. Phát huy truyền thống hiếu học của dân tộc, các gia đình, các đoàn thể nhân dân, các tổ chức xã hội đã chǎm lo giáo dục nhiều hơn trước, đóng góp rất nhiều công, của xây dựng trường lớp và chǎm lo sự nghiệp giáo dục, nhu cầu học tập của dân không ngừng tǎng lên[4].

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII ngành Giáo dục đã cùng với các ngành, các cấp tích cực triển khai công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học. Đến nay, cả nước đã đạt chuẩn quốc gia về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học và đang củng cố, phát huy các kết quả này, tiếp tục phát triển mạnh giáo dục thường xuyên. Bước vào thế kỷ XXI, chất lượng nguồn nhân lực giữ vai trò quyết định trong việc phát huy nội lực, phát triển đất nước, hợp tác và cạnh tranh trong hội nhập khu vực và quốc tế, điều đó đòi hỏi phải tiếp tục nâng cao học vấn của những người lao động. Vì vậy, việc thực hiện phổ cập giáo dục trung học cơ sở trong giai đoạn 2001-2010 với mục tiêu là nâng cao mặt bằng dân trí một cách toàn diện, làm cho hầu hết công dân đến 18 tuổi đều tốt nghiệp trung học cơ sở, kết hợp phân luồng sau cấp học này, tạo cơ sở cho việc tiếp tục đổi mới cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của đất nước trong những thập kỷ đầu của thế kỷ XXI, phát huy cao độ tính độc lập, năng động, sáng tạo và bản lĩnh chính trị của thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc được xác định là có ý nghĩa chiến lược quan trọng nhằm góp phần phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Để hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở vào năm 2010 như Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng (Nghị quyết Trung ương 2) khoá VIII về định hướng chiến lược phát triển giáo dục - đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nhiệm vụ đến năm 2000, ngày 28/12/2000 Bộ Chính trị khóa VIII ban hành Chỉ thị số 61-CT/TW về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, trong đó yêu cầu “Nhanh chóng xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trung học cơ sở gắn với việc đổi mới nội dung chương trình, phương pháp giáo dục theo hướng cập nhật những thành tựu mới nhất của khoa học - công nghệ, với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong thời kỳ mở cửa, hội nhập, toàn cầu hoá, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Củng cố và phát huy kết quả của công tác xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học; tiếp tục công việc này ở những nơi còn chưa đạt chuẩn. Có kế hoạch cụ thể củng cố và nâng cao năng lực và chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, đặc biệt là đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy nhằm đảm bảo đủ về số lượng và chuẩn hoá về trình độ của đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục để thực hiện tốt nội dung chương trình phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ, chính sách đãi ngộ thoả đáng đối với giáo viên nói chung và giáo viên tham gia công tác phổ cập trung học cơ sở nói riêng. 

Lớp bình dân học vụ của đồng bào dân tộc tại Tây Nguyên trong kháng chiến chống Pháp. Các lớp thường được tổ chức ban ngày, khoảng 12-20 học viên, chủ yếu là trẻ em.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 61-CT/TW về phổ cập giáo dục trung học cơ sở, cả hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương tổ chức quán triệt và triển khai nghiêm túc, rộng khắp với nhiều hình thức phong phú, đa dạng, tạo được sự chuyển biến nhận thức về vai trò, trách nhiệm lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân trong việc phổ cập giáo dục trung học cơ sở. Năm 2010, cả nước đã hoàn thành phổ cập giáo dục trung học cơ sở; công tác xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học tiếp tục thu được những kết quả quan trọng; cơ sở vật chất được củng cố và phát triển; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những tiến bộ nhất định[5]. Tuy nhiên, một số cấp ủy đảng và chính quyền nhận thức chưa đầy đủ về vị trí và tầm quan trọng của công tác phổ cập giáo dục và xóa mù chữ cho người lớn; chất lượng phổ cập giáo dục trung học cơ sở ở nhiều nơi còn hạn chế, chưa thật vững chắc, nhiều xã ở vùng sâu, vùng xa chưa đạt chuẩn, tỷ lệ lưu ban và bỏ học còn lớn. Số người lớn mù chữ và tái mù chữ còn nhiều ở đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa[6]. Chủ trương phân luồng sau trung học cơ sở chưa được thực hiện nghiêm túc, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề rất thấp.

Để khắc phục những hạn chế, khuyết điểm và phát huy kết quả đã đạt được trong công tác phổ cập giáo dục, ngày 05/12/2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 10-CT/TW về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn. Trong đó, xác định rõ quan điểm: “Phổ cập giáo dục là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, nhằm tạo nền tảng dân trí vững chắc để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, góp phần thực hiện thành công một trong ba khâu đột phá trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội giai đoạn 2011-2020. Chăm lo giáo dục cho toàn dân, xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của các cấp, các ngành, các đoàn thể, của mọi gia đình và toàn xã hội. Kiên trì thực hiện chủ trương phân luồng học sinh sau trung học cơ sở tạo chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh hợp lý cơ cấu và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu xã hội. Với mục tiêu và giải pháp cụ thể nhằm nâng cao trình độ dân trí một cách toàn diện, mở rộng giáo dục mầm non, hoàn thành mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và trung học cơ sở với chất lượng và hiệu quả ngày càng cao, tiến tới phổ cập giáo dục trung học ở những nơi có điều kiện; cơ bản xóa mù chữ và ngăn chặn tái mù chữ ở người lớn; đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở đi đôi với phát triển mạnh và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp và giáo dục phổ thông gắn với dạy nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của đất nước.

Một lớp bình dân học vụ ở Hà Nội năm 1945. Nhiều chị em đi làm đồng về muộn, đành nhịn đói vào lớp với mong muốn học để biết viết tên mình.

Năm 2024, sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị số 10-CT/TW, ngày 05/12/2011, Chỉ thị số 11-CT/TW, ngày 13/4/2007 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013 của Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ tám về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho người lớn đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Giáo dục mầm non có những bước phát triển, tạo niềm tin trong nhân dân. 63/63 tỉnh, thành phố hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi. Mạng lưới trường, lớp mầm non phát triển đến các địa bàn dân cư, thôn bản, tạo điều kiện cho phần lớn trẻ em trong độ tuổi được đi học. Chất lượng chăm sóc, giáo dục trẻ không ngừng được cải thiện (tỷ lệ huy động trẻ em mẫu giáo 5 tuổi của cả nước đạt 99,75%; tỷ lệ trẻ em được học 2 buổi/ngày đạt 99,9% và hoàn thành chương trình giáo dục mầm non là 99,7%; 99,6% trẻ em mầm non người dân tộc thiểu số đến trường được tăng cường tiếng Việt). Phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở được duy trì, củng cố, chất lượng ngày càng nâng cao, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới bước đầu có kết quả. Nhiều tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; một số tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 và mức độ 3; tỷ lệ học sinh đi học đúng độ tuổi đều tăng so với giai đoạn giai đoạn 2011-2019; giảm tỷ lệ nhập học quá tuổi ở các cấp học; cơ bản khắc phục học sinh bỏ học, lưu ban các cấp học. Công tác xóa mù chữ cho người lớn có chuyển biến tích cực, tăng tỷ lệ người biết chữ của cả nước, chú trọng quan tâm đến các đối tượng người mới biết chữ tiếp tục học tập. Số lượt người tham gia cập nhật kiến thức, kỹ năng, chuyển giao công nghệ, phổ cập ngoại ngữ, tin học ứng dụng, giáo dục kỹ năng sống, học nghề ngắn hạn tại các thiết chế văn hóa, giáo dục ngoài nhà trường tăng hằng năm, góp phần tạo điều kiện cho người trong độ tuổi lao động có thể tự tạo việc làm hoặc chuyển đổi nghề nghiệp, từng bước thích ứng với những thay đổi của xã hội.

Đánh giá một cách toàn diện, trong suốt quá trình cách mạng của Đảng, thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngay từ buổi đầu độc lập, với tầm nhìn chiến lược “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; kế thừa bài học còn nguyên giá trị của phong trào Bình dân học vụ, trong đó công tác giáo dục, đào tạo, công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ có vai trò đặc biệt quan trọng đối với những kỳ tích phát triển của dân tộc Việt Nam. Dưới sự lãnh của Đảng, phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị đã triển khai các phong trào, cuộc vận động học tập sâu rộng trong cả nước, vừa giúp người dân biết chữ, có hiểu biết vừa gắn với mục tiêu chính trị nâng cao dân trí, chất lượng nguồn nhân lực, yếu tố cơ bản của sự phát triển nhanh và bền vững. Trong đó, các mục tiêu học tập cụ thể luôn cần gắn với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội; giáo dục phải đi vào cộng đồng, quần chúng lao động, đưa văn hóa học tập đến với mỗi gia đình, mỗi dòng họ; tạo cơ hội tiếp cận đi học công bằng cho mọi người thông qua những trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, những lớp học thuận tiện, gần gũi với người dân được tổ chức ngay tại làng, xã (tương tự lớp bình dân học vụ xưa); nền tảng vững chắc cho sự nghiệp giáo dục phát triển ngày hôm nay, tiền đề thúc đẩy sự phát triển bền vững và ổn định xã hội, xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư gắn với chương trình chuyển đổi số quốc gia.

TS. Lê Thị Mai Hoa, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục, Ban Tuyên giáo Trung ương

______________ 

1. Hồ Chí Minh, Về vấn đề giáo dục, Nhà xuất bản Giáo dục, Hà Nội, 1990.

2. Phạm Tất Dong, Khuyến học, Nhà xuất bản Dân trí, Hà Nội, 2012.

3. Phạm Tất Dong (chủ biên), Giáo dục Việt Nam 1945-2010, Tập 1, Nhà xuất bàn Giáo dục Việt Nam, Hà Nội, 2010.

4. Ban Khoa giáo Trung ương, Một số văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam về công tác khoa giáo, giáo dục-đào tạo, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2006.

5. GS.TS. Phạm Tất Dong, Đổi mới tư duy giáo dục xây dựng xã hội học tập (Một số vấn đề lý luận và thực tiễn), Nhà xuất bản Dân trí.

6. GS.TS Phạm Tất Dong, Học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập, xu thế phát triển tất yếu, Nhà xuất bản Dân trí.

7. GS.TS. Nguyễn Thị Doan, Xây dựng xã hội học tập trong bối cảnh chuyển đổi số ở Việt Nam, Nhà xuất bản Dân trí.

8. Lê Thị Mai Hoa “Nhìn lại 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW về khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập” Tạp chí Tuyên giáo, số 3, 2017.

9. Lê Thị Mai Hoa “Xây dựng mô hình công dân học tập trong xã hội học tập, đề xuất mô hình công dân học tập ở Việt Nam” Tạp chí Tuyên giáo, số 1, 2018.

10. TS. Lê Thị Mai Hoa, “Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về tự học và học tập suốt đời”, Hội đồng lý luận Trung ương, 2021.

11. TS. Lê Thị Mai Hoa, “Chủ tịch Hồ Chí Minh - tấm gương về tự học và học tập suốt đời-vận dụng vào công tác của nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục”, Hội thảo Khoa Học Con đường tự học của Chủ tịch Hồ Chí Minh Bài học và liên hệ bản thân, Hội Khuyến học Việt Nam, Hà Nội, 2021.


[1] Xem nguyên văn lời kêu gọi Hồ Chí Minh, Toàn tập, Tập IV, Nhà xuất bản Sự Thật, Hà Nội, 1984, trang 28.

[2] cấp I có 3 lớp (lớp dự bị bổ túc, lớp 1 và lớp 2); cấp II có 3 lớp ( lớp 3, lớp 4, lớp 5). Thời gian học cả toàn bộ ch­ương trình giáo dục bổ túc tối đa là 2 năm.

[3] Trường phổ thông lao động mở cho những học viên là cán bộ (trư­ớc hết là cán bộ công nông binh và chiến sỹ thi đua có thể tạm thời thoát ly công tác hay nghề nghiệp).

[4] Xem thêm Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII ngày 24/12/1996 về định hướng chiến lược phát triển giáo dục-đào tạo trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và nhiệm vụ đến năm 2000.

[5] Cuối năm 2000, sau khi tất cả các tỉnh, thành phố công bố đạt chuẩn xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, cả nước còn 18 huyện (chiếm 2,6% số huyện), 235 xã chưa đạt chuẩn (chiếm 2,2% số xã).

[6] Số người từ 15 tuổi trở lên biết chữ vẫn có sự chênh lệch đáng kể giữa nam và nữ, giữa nông thôn và thành thị (ở độ tuổi trên 50 tuổi, tỷ lệ người biết chữ giữa nam và nữ chênh lệch 4,1% (nam 96,1%, nữ 92%); người từ 15 tuổi trở lên biết chữ ở thành thị là 97,3%, ở nông thôn chiếm 92,5% (chênh lệch 4,8%). Sự chênh lệch về số người biết chữ giữa các vùng miền là khá lớn (Vùng đồng bằng sông Hồng có tỷ lệ người biết chữ cao nhất (97,5%), thấp nhất là vùng miền núi phía Bắc (88,1%). Các địa phương có tỷ lệ người biết chữ cao là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng có tỷ lệ người biết chữ xấp xỉ 98%, thấp nhất là tỉnh Lai Châu tỷ lệ biết chữ là 54,9%). Số người trong độ tuổi lao động mù chữ còn nhiều và tập trung ở những vùng khó khăn (năm 2009 vẫn còn gần 4 triệu người trong độ tuổi lao động mù chữ, tập trung nhiều ở Tây Nguyên, Đồng bằng sông Cửu Long và miền núi phía Bắc. Riêng số người ở Tây Nguyên chưa hoàn thành chương trình tiểu học chiếm 25,7%, Đồng bằng sông Cửu Long là 32,8% dân số của cả vùng. Đáng chú ý là đến năm 2010 số người 15- 35 tuổi chưa biết chữ vẫn còn 592.551 người. Số người trên 36 tuổi cho đến hết tuổi lao động chưa biết chữ là 1.606.073 người.

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: hdll.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 180 trong 36 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 36 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây