Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát về đối tượng phục vụ của văn nghệ: “Chúng ta phải phục vụ đại đa số nhân dân, cần phải nói dứt khoát như thế, không thể nói nghệ thuật vị nghệ thuật”.
Trong quá trình lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc rồi xây dựng và bảo vệ đất nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn trân trọng tài năng đặc biệt, hiếm có của văn nghệ sĩ, chân tình khuyến nghị văn nghệ sĩ gắn bó tài năng của mình với sứ mệnh nghề nghiệp cao cả trước xã hội và thời cuộc.
Năm 1942, trong nhà tù hà khắc của Tưởng Giới Thạch, lãnh tụ cách mạng Việt Nam đã phát biểu có tính chất tuyên ngôn về sứ mệnh trọng đại của văn nghệ cách mạng và nhiệm vụ của người nghệ sĩ yêu nước. Người viết:
Thơ xưa yêu cảnh thiên nhiên đẹp
Mây gió trăng hoa tuyết núi sông
Nay ở trong thơ nên có thép
Nhà thơ cũng phải biết xung phong.
(Cảm tưởng đọc “Thiên gia thi” - Nhật kí trong tù(1))
Qua bài thơ, có thể nhận ra hàm ý sâu xa của một nhà cách mạng trong khi chỉ ra sự “thiên ái” của thơ xưa chỉ chú trọng miêu tả cái đẹp của thiên nhiên, vũ trụ khách quan mà Người thấy rằng như thế là chưa đủ, Người khơi dậy khát vọng gắn bó với cuộc sống con người và cuộc đấu tranh trong xã hội cho những mục đích cao đẹp của dân tộc và đất nước. Văn nghệ sĩ không thể chỉ cảm thán trước cái đẹp của thiên nhiên, mà cần nêu cao tinh thần tiên phong của người chiến sĩ dấn thân vào trường tranh đấu sinh tử cho cái đẹp, cái tốt nơi xã hội và con người.
Sau này, khi đất nước giành được độc lập, Người phát triển ý kiến trên, chỉ ra rằng “văn hóa cần vào sâu trong tâm lí quốc dân”, “phải soi đường cho quốc dân đi”, “lãnh đạo quốc dân thực hiện độc lập, tự cường và tự chủ”.(2)
Chủ tịch Hồ Chí Minh khái quát về đối tượng phục vụ của văn nghệ: “Chúng ta phải phục vụ đại đa số nhân dân, cần phải nói dứt khoát như thế, không thể nói nghệ thuật vị nghệ thuật.”(3)
Đó là vấn đề có tính chất then chốt của nguyên lí mĩ học mác-xít mà Hồ Chủ tịch quán triệt, trước hết là về lý tưởng chính trị - nghệ thuật, về đối tượng phục vụ và vai trò, vị trí của văn nghệ sĩ yêu nước, cách mạng.
Tiếp đó, về phương diện nghề nghiệp, Người cho rằng văn nghệ sĩ cần luôn luôn tâm huyết xây dựng những tác phẩm xứng đáng với sự nghiệp đại nghĩa của dân tộc, đó là những tác phẩm tốt, hay và đẹp, có thể ví như những hòn ngọc quý, để đời. Những tác phẩm có giá trị đó cần đáp ứng đầy đủ hai tiêu chuẩn đồng bộ, hữu cơ cả về tư tưởng cao đẹp, cả về nghệ thuật nhuần nhuyễn, không thể xem nhẹ mặt nào; trong đó qua sự miêu tả bằng ngôn ngữ và chất liệu, thủ pháp nghệ thuật… phải đạt mức độ chân thực cao, hùng hồn, hay, hấp dẫn và bổ ích với công chúng tiếp nhận đông đảo.
Là một vị lãnh tụ cách mạng hết lòng vì dân, vì nước, đồng thời cũng là một nghệ sĩ, nhà báo, nhà tuyên truyền, người cầm bút làm thơ, viết văn, vẽ tranh, hoạt động nhiếp ảnh, sân khấu…, tác giả Hồ Chí Minh am hiểu sâu sắc tâm lí học sáng tạo và lao động nghệ thuật đặc thù của văn nghệ sĩ, ưu thế cũng như giới hạn của từng loại hình nghệ thuật với các ngôn ngữ thể hiện khác nhau… Người đã có những gợi ý rất quý báu về nghề nghiệp để các văn nghệ sĩ và công chúng nghệ thuật tham khảo bổ ích.
Hồ Chí Minh cho rằng những căn bệnh hay gặp trong sáng tạo nghệ thuật cần tránh, như là điều tối kị, đó là sự công thức, nhàm chán vô bổ, lười biếng rập khuôn, lập dị khó hiểu đến mức không ai hiểu được, xa rời cốt cách dân tộc…
Để trở thành một nhà nghệ sĩ lớn, người sáng tạo nghệ thuật không thể không quan tâm tu dưỡng đạo đức, trau dồi và nâng cao trình độ nghề nghiệp, không ngừng đáp ứng đòi hỏi của công chúng, tôn trọng sự thưởng ngoạn nghệ thuật của công chúng. Có vậy công chúng mới tôn trọng lại nhân cách và tác phẩm của anh ta.
Có mấy sự việc dưới đây mà tôi nguyên là cán bộ nghiên cứu của Viện Văn học (1967-2006) cùng các đồng nghiệp ở cơ quan này luôn truyền bảo nhau nhớ mãi, xem đó là những bài học vỡ lòng cho nghề cầm bút.
Chuyện thứ nhất
Đầu năm 1960, Viện Văn học theo sự chỉ đạo của đồng chí Trường Chinh và đồng chí Tố Hữu, đã phối hợp tổ chức dịch xong tập bản thảo viết tay Ngục trung nhật kí, nguyên tác chữ Hán của lãnh tụ Hồ Chí Minh sáng tác những năm 1942-1943. Bản thảo dịch đầu tiên có tên là Nhật kí trong tù, được Viện Văn học trân trọng gửi lên Văn phòng Phủ Chủ tịch với đề nghị được Bác Hồ xem duyệt và cho ý kiến.
Thư kí Vũ Kỳ trình bản dịch thơ Bác được đánh máy khi lên làm việc với Bác. Bác đã yêu cầu đồng chí Vũ Kỳ thử đọc bản dịch mấy bài trong tập xem sao. Nghe xong 3 bài, Bác ra hiệu ngừng lại và nói: “Chú trả lại ngay cho nơi gửi.” Rồi Bác nói tiếp: “Thơ các chú dịch hay hơn thơ Bác”(4).
Qua đây, nên chăng hiểu đây là sự phê bình, đánh giá thân tình mà dí dỏm, hóm hỉnh rằng: dịch văn học là một công việc khó, phải công phu, thận trọng và tài năng mới có thể đạt tới các tiêu chí “tín, đạt, nhã”, như yêu cầu rất cao của công việc khó khăn này. Nghĩa là ở đây bản dịch do Viện Văn học chủ trì vẫn còn những chữ chưa ổn, chưa có sức thuyết phục tác giả nguyên bản, chưa sát, chưa trung thành với nguyên tác, khiến cho tác giả không nhận ra mình qua bản dịch thơ mình - một người viết trọng sự giản dị, hàm súc, có phong cách riêng. Dù người dịch thiện chí, sáng tạo thêm thắt vào nguyên tác chỗ này chỗ nọ để tác phẩm “đèm đẹp” hơn, và cho rằng như thế mới là hay, tôn vinh tác phẩm lên, nhưng đã vô tình làm mất đi tính chân thật tự nhiên gắn với tác giả từ gốc, từ hồn cốt, thì có nên chăng? Theo thiển ý của tôi, Bác Hồ dè chừng với cách làm này và đề nghị nên làm lại thì hơn.
Chuyện thứ hai
Cuối tháng 9 năm 1960, Viện Văn học triệu tập hội nghị bàn về cải tiến chữ quốc ngữ, tại Hà Nội. Được biết Chủ tịch Hồ Chí Minh từ lâu quan tâm đến vấn đề này, Ban tổ chức hội nghị đã gửi đến Văn phòng Phủ Chủ tịch bản dự thảo báo cáo chính sẽ trình bày trước hội nghị để Bác Hồ được biết những vấn đề giới nghiên cứu khoa học ngữ văn đang quan tâm.
Giữa lúc hội nghị đang họp, Ban tổ chức vinh dự được Bác Hồ cho gặp để nghe Bác phát biểu một số ý kiến liên quan đến các khía cạnh thuộc nội dung hội nghị.
a) Về vần quốc ngữ: Bác Hồ cho rằng cần nghiên cứu cẩn thận, làm chắc chắn để sửa đổi những chỗ còn bất hợp lí hoặc thêm vần trong việc viết chữ quốc ngữ, sao cho như thế “sẽ tiện hơn, mà lại viết gọn, ít tốn giấy”.
b) Về cách viết tiếng Việt: Khi sử dụng chữ quốc ngữ, theo Bác Hồ, để dễ phân biệt nghĩa của từ và đỡ tốn giấy, có thể nghiên cứu tiến hành dần dần việc viết liền những từ có nhiều âm tiết. Còn trong khoa học tự nhiên, đối với những công thức hóa học đã phổ cập với quốc tế, thì ta phải viết liền như quốc tế đã làm.
c) Về hội nghị: Theo Bác cần bàn những vấn đề thiết thực, nhằm tới những mục đích rõ ràng, nhưng không nên nóng vội, phải có hiệu quả, cải tiến nhưng phải làm thận trọng, dần dần, đừng gây xáo trộn, để người ta làm quen dần với cái mới, không sợ cái mới quá.
d) Về ngôn ngữ tiếng Việt: Bác Hồ cho rằng phải tôn trọng và quý báu, tận tâm, tận lực cho sự phát triển tiếng của dân tộc mình, tránh tự ti hoặc hẹp hòi thái quá. Chỉ nên vay mượn tiếng nước ngoài khi thật cần thiết, chống lạm dụng và lười biếng. Phải luôn quan tâm làm mới cách diễn đạt của tiếng Việt, phát triển nó là chính, vay mượn chỉ là phụ.
Những ý kiến ngắn gọn nói trên của Bác Hồ đã được ghi lại cẩn thận, nhưng Bác không đồng ý công bố các ý kiến của mình trong khi hội nghị đang diễn ra, để đảm bảo tính dân chủ trong tranh luận, trao đổi học thuật khi vấn đề còn đang bàn bạc, tranh cãi, chưa ngã ngũ. Bác khiêm tốn chỉ xem ý kiến riêng của mình là bình đẳng với các ý kiến khác.
Mãi sau ngày Bác mất (2/9/1969) những ý kiến nói trên của Bác mới công bố lần đầu trên tạp chí chuyên ngành ngôn ngữ học.(5)
Chuyện thứ ba
Cuối tháng 10 năm 1962, một hôm cơ quan Viện Văn học nhận được một bì thư từ Phủ Chủ tịch gửi xuống. Mở ra trong bì thư chỉ có một bài báo do Hồ Chủ tịch cắt ra từ một tờ báo nước ngoài mới xuất bản mà Người vừa đọc. Người lấy bút mực đỏ khuyên vào một câu trong bài báo đó (nguyên văn in bằng chữ Trung Quốc). Câu đó tác giả bài báo trích dẫn câu nói nổi tiếng của cổ nhân: “Lương công bất thị nhàn dĩ phác”, dịch ra tiếng Việt là “Người thợ khéo không đưa cho người dùng những sản phẩm vụng về”(6).
Biết việc này, lãnh đạo và toàn thể cán bộ Viện Văn học vô cùng xúc động, trân trọng tìm hiểu qua đó những ý tứ sâu xa mà Người muốn gửi gắm tới những người nghiên cứu - phê bình văn học nói riêng cũng như toàn giới văn học nghệ thuật nói chung.
Phải chăng, Người muốn thân tình nhắc nhở những người hoạt động văn học nghệ thuật ở tất cả các lĩnh vực của nghề nghiệp, phải có được một bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp cần thiết, biết tôn trọng công chúng và người đọc, để tâm huyết và dụng công làm ra những sản phẩm thuộc văn hóa tinh thần tinh xảo ở trình độ tay nghề bậc cao, hoàn mĩ, cho thấy sự thành thục về tài năng và tay nghề của mình khi trao gửi tác phẩm cho công chúng. Chỉ có như vậy, hoạt động của người nghệ sĩ mới có ích, thân thiện với mọi người, mang lại hiệu quả xã hội cao, không phụ sự chờ đợi của công chúng. Qua đó, uy tín, “thương hiệu” của người sản xuất được khẳng định, gây được lòng tin, sự mến mộ của công chúng, thiết lập sự tri âm tri kỉ lâu bền giữa đôi bên.
Chúng tôi cũng nghiêm khắc tự liên hệ về những hành xử của mình, nhận ra những thiếu sót, bất cập bởi có lúc, có nơi, dựa vào những lí do thuộc về chủ quan là chính nhưng biện bạch gọi là “bất khả kháng” cho phép mình dung túng sự thiếu tâm huyết, cẩu thả, làm lấy được hoặc tự bằng lòng với trình độ còn thấp về tay nghề của mình cùng với những nguyên nhân khác, đưa ra những bài viết, công trình nghiên cứu vội vàng, giá trị khoa học chưa cao, chưa đạt với chuẩn mong muốn, phụ lòng chờ đợi của công chúng và đồng nghiệp, gây thất vọng nơi họ, làm hỏng thị hiếu khoa học - nghệ thuật của công chúng.
Qua các ý kiến trên, theo Hồ Chí Minh, tác phẩm nghệ thuật muốn tiềm tàng những giá trị sâu sắc phải “gắn với cuộc sống, đi sát cuộc sống, trở về với cuộc sinh hoạt thực tại của con người”. Nghệ sĩ “không thể tùy ý tưởng tượng ra thế nào cũng được, đến nỗi không ai hiểu gì” khi tiếp cận tác phẩm, “rồi quần chúng phê bình lại bảo người ta dốt”. Người yêu cầu cao về sự phong phú, đa dạng, muôn hình muôn vẻ của nghệ thuật, tránh sự đơn điệu nghèo nàn, suy tôn duy nhất một kiểu tư duy, một kiểu bút pháp, một loại phong cách. “Cần làm cho món ăn tinh thần được phong phú, không nên bắt mọi người chỉ được ăn một món thôi. Cũng như vào vườn hoa, cần cho mọi người thấy nhiều hoa đẹp.”(7)
Sau hết, Chủ tịch Hồ Chí Minh kì vọng khi sáng tạo, văn nghệ sĩ cần vượt qua những cái nhất thời, không vụ vào những điều hiện hữu trước mắt, cần quan tâm đến cấu trúc tổng thể và sự hoàn thiện để tác phẩm có được sự trường tồn, phổ cập, bền vững, để đời, không chỉ cho hôm nay mà còn cho mai sau, không chỉ cho đồng bào dân tộc mình mà còn để cho công chúng rộng rãi toàn thế giới được biết nữa. Nghệ thuật chân chính sẽ có sức lan tỏa rộng rãi trong nhiều trường không - thời gian khác nhau, chịu được sự thử thách của công chúng qua nhiều thời đại.
Học tập và quán triệt tư tưởng văn hóa - văn nghệ Hồ Chí Minh, Đảng Cộng sản Việt Nam qua các nghị quyết, chỉ thị đã khẳng định văn hóa - nghệ thuật góp phần quan trọng bồi đắp nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu và động lực của sự phát triển bền vững đất nước. Phải kiên quyết chống bệnh sơ lược, chủ nghĩa hình thức, chủ nghĩa tự nhiên, bệnh lai căng mất gốc, bắt chước mù quáng nước ngoài một cách nô lệ; tự giam mình trong khuôn sáo cũ; bệnh cẩu thả, thiếu trách nhiệm, không đáp ứng sự thụ hưởng các giá trị cao đẹp của văn hóa văn nghệ dân tộc và thế giới.
Đảng chủ trương chăm lo ba thứ quân của lực lượng văn nghệ, trong đó đội ngũ văn nghệ sĩ chuyên nghiệp là quân chủ lực, gánh vác những trọng trách không thay thế được để xây dựng nền văn hóa - văn nghệ dân tộc phong phú, tiên tiến, khoa học và nhân văn, đảm bảo chất lượng cao. Văn nghệ sĩ là “kĩ sư tâm hồn”, là “thư kí và lương tâm của thời đại”; những người ưu tú trong số đó được xếp vào hàng “nguyên khí quốc gia”.
Tác phẩm văn hóa, văn nghệ hay và đẹp có tác dụng giáo dục tư tưởng sâu sắc, nâng cao trình độ và năng lực thẩm mĩ của nhân dân, tác động và truyền cảm mạnh mẽ giúp con người hoàn thiện nhân cách, xứng đáng với bản chất đích thực của nó.(8)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong những phát biểu gần đây tại Hội nghị văn hóa toàn quốc, ngày 24/11/2021, tại Lễ kỉ niệm 75 năm thành lập Hội văn nghệ Việt Nam (nay là Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam) đặc biệt nhấn mạnh sự gắn bó mật thiết, đồng hành của văn nghệ sĩ với đất nước, với nhân dân, dấy lên khát vọng lớn lao trong sáng tạo nghệ thuật, nhập cuộc với cao trào của công cuộc chấn hưng đất nước với niềm tự hào về sự lớn mạnh của Việt Nam trong thời cuộc quốc tế hiện nay.
Vui mừng về những thành quả đã đạt được trong 75 năm qua, những văn nghệ sĩ Việt Nam cần biết “tự soi, tự sửa” để khắc phục những mặt còn chưa được bằng người, bền chí vươn lên, tự đổi mới mình, để có trình độ, tầm nhìn, cách nghĩ và những tìm tòi về phương thức hoạt động, sáng tạo có hiệu quả hơn nữa, phù hợp và đáp ứng với thực tiễn phát triển của nước Việt Nam đang trên đà hiện đại hóa, sánh vai cùng bạn bè quốc tế(9).
Chúng ta quyết tâm đoàn kết xây dựng đội ngũ văn nghệ sĩ lớn mạnh, không để cho sự tầm thường dễ dãi ám ảnh mình mà không tự biết. Phải thăng hoa, công phu sáng tạo những tác phẩm đỉnh cao, rung động trái tim và khối óc hàng triệu công chúng. Đó là những tác phẩm chiếu sáng cuộc sống, soi đường cho quốc dân đi, chứ không chỉ là nơi cuộc sống hiện hình. Tác phẩm như vậy cũng nhằm bồi dưỡng, nâng cao con người, chứ không phải chỉ là nơi nghệ sĩ khuôn mình giãi bày những tâm trạng cá nhân riêng tư, tầm thường hóa, nếu không phải là hạ thấp con người(10).
Vinh dự và trách nhiệm của văn nghệ sĩ ngày nay là rất vẻ vang, nhưng cũng vô cùng nặng nề. Hướng tới những tác phẩm đỉnh cao ở đó có sự kết hợp tinh hoa của tư tưởng và sự điêu luyện nghệ thuật, tính chân thực của hiện thực và lịch sử; tính dân tộc như là căn cước của giống nòi; tính nhân dân như là gốc rễ cội nguồn; tính quốc tế để phổ cập và hội nhập vào văn minh nhân loại - đó vừa là tâm nguyện vừa là thời cơ và thách thức đang đón đợi chúng ta vượt lên và thành công.
NGUYỄN NGỌC THIỆN (vannghequandoi.com.vn)
____________________
(1) (2) (3) (7) Hồ Chí Minh: Về công tác văn hóa, văn nghệ, Nxb. Sự thật, H, 1971.
(4) Trần Đắc Thọ: Những điều ta chưa biết về "Ngục trung nhật kí" cũng như quá trình dịch thơ "Ngục trung nhật kí" của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, in trong: Hoàng Quảng Uyên: Nhật kí trong tù - số phận và lịch sử, (khảo cứu, tái bản lần 1 có sửa chữa), Nxb. Thanh niên, H, 2007, tr.203.
(5) Hồ Chí Minh: Một số ý kiến về chữ quốc ngữ và tiếng Việt, Tạp chí Ngôn ngữ, số 3/1970, in lại trong: Hồ Chí Minh: Văn hóa, nghệ thuật cũng là một mặt trận, Nxb. Văn học, H, 1981, tr.371-374.
(6) Đặng Thai Mai: Quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác nghiên cứu văn học, Tạp chí Văn học, số tháng 10/1969.
(8) Nhiều tác giả: Về sự lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật trong sự nghiệp đổi mới, Nxb. Chính trị quốc gia, H, 2021.
(9) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa, ngày 24/11/2021.
(10) Phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ Kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam, ngày 25/7//2023.
Tác giả: NVĐ
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn