Lợi ích tiêm chủng vắc xin uốn ván – bạch hầu giảm liều TD

Thứ sáu - 21/02/2025 15:55

(P3) - Thực hiện chỉ đạo cùa Trung tâm y tế Thành phố Tây Ninh về việc hướng dẫn triển khaichiến dịch tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván – bạch hầu giảm liều (TD). Theo đó, vắc xin uốn ván - bạch hầu giảm liều (TD) sẽ được phân bổ tới Trạm y tế Phường 3 để tiêm tất cả trẻ học lớp 2 trong trường học và trẻ em 7 tuổi không đi học tại cộng đồng được tiêm 01 mũi vắc xin TD, thời gian triển khai từ 24/02/2025 đến 28/02/2025.

Uốn ván, bạch hầu là hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm

Uốn ván là bệnh nhiễm độc cấp tính do ngoại độc tố của vi khuẩn uốn ván gây ra. Trực khuẩn uốn ván xâm nhập vào cơ thể thông qua vết thương, vết trầy xước, vết thương nhiễm bẩn, v.v. bệnh uốn ván có tỷ lệ tử vong cao do bệnh gây nên các cơn co cứng cơ toàn thân trong đó có cơ hô hấp dẫn đến ngừng thở.

Bạch hầu là bệnh nhiễm khuẩn, nhiễm độc cấp tính do vi khuẩn bạch hầu gây nên. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp hoặc qua tiếp xúc trực tiếp với các dịch tiết từ niêm mạc mũi họng của bệnh nhân hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi, đặc biệt trong khu vực dân cư đông đúc hoặc nơi có điều kiện vệ sinh không đảm bảo.

Uốn ván và Bạch hầu là hai bệnh được đánh giá là rất nguy hiểm bởi nguy cơ lây lan nhanh và gây biến chứng nặng nề. Để phòng bệnh uốn ván, bạch hầu cho trẻ 7 tuổi trên toàn quốc, ngày 13/6/2024 Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 10/2024/TT- BYT trong đó đưa lịch tiêm vắc xin Td cho trẻ em 7 tuổi vào Chương trình TCMR. Việc triển khai vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi trên phạm vi toàn quốc sẽ góp phần chủ động phòng bệnh uốn ván, bạch hầu ở trẻ em lứa tuổi học đường.

Vắc xin Td là vắc xin có thành phần uốn ván, bạch hầu giảm liều sử dụng để phòng bệnh bạch hầu và uốn ván. Hiện nay vắc xin đã được sản xuất trong nước và có thể sử dụng cho đối tượng người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên. Triển khai tiêm vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi có vai trò quan trọng giúp củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh bạch hầu, uốn ván và phù hợp với khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới.

Tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin uốn ván, bạch hầu

Vắc xin uốn ván, bạch hầu hay còn gọi là vắc xin Td. Vắc xin này kết hợp từ giải độc tố uốn ván và giải độc tố bạch hầu tinh chế và hấp phụ bằng Aluminium phosphate. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván có hiệu quả nhất. Để phòng bệnh, trẻ dưới 1 tuổi cần được tiêm đủ 3 liều vắc xin phòng bệnh và khi đủ 18 tháng sẽ tiêm thêm một mũi vắc xin DPT4 riêng để phòng bệnh uốn ván sơ sinh, phụ nữ có thai cần được tiêm đủ liều vắc xin phòng uốn ván.

Mặc dù hiệu quả bảo vệ của vắc xin cao (lên đến 97%), nhưng kháng thể trong cơ thể sẽ giảm dần theo thời gian. Đến 7 tuổi, sự miễn dịch đối với bạch hầu, uốn ván của cơ thể đã suy giảm khá nhiều từ lần được tiêm phòng trước đó, nếu không tiêm nhắc lại vẫn có khả năng mắc bệnh. Vì vậy, để tăng tỷ lệ miễn dịch phòng bệnh uốn ván, bạch hầu trong cộng đồng, chủ động phòng ngừa dịch bệnh, ngoài tiêm chủng vắc xin uốn ván, bạch hầu cho trẻ em, việc triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắc xin Td cho trẻ 7 tuổi tại các địa bàn nguy cơ là hết sức cần thiết, góp phần củng cố miễn dịch của trẻ để chủ động phòng bệnh uốn ván và bạch hầu.

Theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), các quốc gia thực hiện lịch tiêm 3 mũi vắc xin uốn ván bổ sung cho trẻ đã được tiêm 3 mũi cơ bản trước 1 tuổi, khi trẻ từ 12 – 23 tháng, 4 – 7 tuổi và 9 – 15 tuổi. Cũng theo WHO, để chủ động phòng bệnh bạch hầu hiệu quả, các quốc gia cần tiêm vắc xin có thành phần bạch hầu cho trẻ em với lịch tiêm chủng 6 mũi lần lượt là trước 1 tuổi tiêm 3 mũi, lúc 12 – 23 tháng tiêm mũi 4, lúc 4 – 7 tuổi tiêm mũi 5 và khi 9 – 15 tuổi tiêm mũi 6. Các nước nên triển khai vắc xin phối hợp uốn ván – bạch hầu giảm liều thay vì dùng vắc xin bạch hầu đơn giá sẽ giúp phòng hiệu quả hai bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Vắc xin Td phòng bệnh uốn ván, bạch hầu do Viện Vắc xin và Sinh phẩm y tế (IVAC) sản xuất, được cấp phép lưu hành từ năm 2012. Vắc xin Td có tính an toàn cao, tuy nhiên có thể gặp một số phản ứng thông thường sau tiêm. Các phản ứng này phần lớn thường nhẹ và tự khỏi. Trong chương trình tiêm chủng, có hơn một triệu liều vắc xin Td được sử dụng cho công tác phòng chống dịch song không ghi nhận phản ứng nghiêm trọng sau tiêm.

Liều tiêm vắc xin

Td Liều tiêm là 0,5ml.

Đối với trẻ 7 tuổi trở lên mà trước đó đã được tiêm phòng cơ bản, đủ liều phòng bạch hầu và uốn ván thì tiêm nhắc lại 1 liều vào lứa tuổi thứ 7. Sau 10 năm tiêm phòng lại 1 lần để củng cố miễn dịch.

Với trẻ từ 7 tuổi trở lên nhưng trước đó chưa được tiêm vắc-xin phòng uốn ván, bạch hầu, thì cần tiêm 3 mũi. Mũi thứ 2 phải cách mũi thứ nhất 1 tháng. Mũi 3 cách mũi 2 khoảng 6 tháng. Sau nó nếu cần thiết thì cũng 10 năm tiêm nhắc lại 1 lần.

Trường hợp nào không nên tiêm

Không tiêm nếu như trẻ có phản ứng mạnh ở liều tiêm trước với vắc xin có thành phần bạch hầu, uốn ván.

Không tiêm vắc-xin Td khi bị nhiễm trùng cấp tính.

Không tiêm vắc xin Td cho trẻ đã được tiêm vắc xin có chứa thành phần uốn ván hoặc bạch hầu trong thời gian 1 tháng trước khi triển khai tiêm bổ sung vắc xin Td.

Không tiêm đường bắp cho trẻ bị rối loạn chảy máu hoặc giảm tiểu cầu.

Để đảm bảo công tác An toàn tiêm chủng, Ngành Y tế Khuyến cáo:

Trước tiêm chủng:

Cha mẹ đưa trẻ đi tiêm vắc xin, cung cấp thông tin cho cán bộ y tế khám sàng lọc về tình trạng sức khỏe của trẻ, tiền sử tiêm chủng (mang theo sổ/phiếu tiêm chủng nếu có).

Thông báo phản ứng sau tiêm chủng của trẻ ở lần tiêm chủng trước để cán bộ y tế có chỉ định tiêm chủng phù hợp cho trẻ.

Cho trẻ ăn uống đầy đủ trước khi đi tiêm chủng.

Trong khi tiêm chủng:

Cho trẻ ngồi đúng tư thế theo hướng dẫn của cán bộ y tế.

Với những trẻ có tâm lý lo lắng, sợ tiêm chủng thì cần có thầy cô giáo hoặc cha mẹ tư vấn, động viên để trẻ an tâm khi được tiêm chủng.

Sau tiêm chủng:

Cho trẻ ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau tiêm để cán bộ y tế theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.

Tiếp tục theo dõi trẻ tại nhà ít nhất 24 giờ sau tiêm chủng. Nếu trẻ có các dấu hiệu bất thường như sốt cao (trên 39°C), co giật, phát ban, tím tái, khó thở, sưng đỏ lan rộng tại chỗ tiêm, hãy đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời.

__________

Xem thêm:

Một số lưu ý trước và sau khi tiêm vaccine phòng bệnh cho trẻ

Tác giả: Hồng Đoàn

Tổng số điểm của bài viết là: 115 trong 23 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 23 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây