Quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hành dân chủ XHCN ở Việt Nam

Thứ năm - 20/02/2025 10:22

Để phát triển kinh tế, con người, xã hội nhanh, mạnh, bền vững trong thời đại ngày nay thì không thể không có dân chủ và dân chủ hóa ngày càng sâu, rộng, nhanh, mạnh. Dân chủ và dân chủ hóa XHCN là điều kiện, tiền đề, động lực tất yếu của sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN.

Quan hệ giữa phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và thực hành dân chủ XHCN ở Việt Nam

1. Ảnh hưởng, tác động của phát triển kinh tế thị trường đến dân chủ và dân chủ hóa. 

Việt Nam chưa có truyền thống về kinh tế thị trường, mặc dầu từ lâu đã có nền kinh tế hàng hóa nhỏ. Thực dân Pháp và đế quốc Mỹ đã mang kinh tế thị trường đến, nhưng kém phát triển và bị méo mó do điều kiện lịch sử thời bấy giờ. Trước đổi mới, do chủ trương xóa bỏ kinh tế hàng hóa, xây dựng nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, vì “kinh tế hàng hóa hàng ngày, hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”, nên kinh tế hàng hóa luôn bị hạn chế, thậm chí bị thủ tiêu, kinh tế thị trường càng không thể phát triển, dù trình độ và tính chất của các lực lượng sản xuất đòi hỏi phải phát triển kinh tế hàng hóa và kinh tế thị trường.

Từ 1986 Việt Nam thực hiện “đổi mới”. Thực chất của đổi mới là phát triển kinh tế hàng hóa và ngay sau đó là xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Song song với việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, chủ trương mở cửa, hội nhập quốc tế tạo thêm thế và lực mới thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, và quá trình chuyển đổi mô hình và phương thức phát triển kinh tế - xã hội. Gần bốn mươi năm chuyển đổi mô hình từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang kinh tế thị trường định hướng XHCN, đất nước phát triển vượt bậc, giành được những thắng lợi rất quan trọng, toàn diện, có ý nghĩa lịch sử to lớn. Không chỉ thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế - xã hội, đổi mới còn đưa nền kinh tế quốc gia bước vào giai đoạn phát triển nhanh, toàn diện, chưa từng thấy, cả về tốc độ tăng trưởng lẫn quy mô nền kinh tế, thay đổi cả về mô hình lẫn phương thức phát triển, cả về định hướng mục tiêu lẫn động lực tăng trưởng và phát triển.

Lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN bắt đầu được phác thảo những nét cơ bản vào thập niên 1990s, dù khi đó trong các văn kiện của Đảng mới chỉ nói đến phát triển nền kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường mà thôi. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX năm 2001 mới khẳng định việc xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng XHCN[1]. Kể từ đó lý luận về kinh tế thị trường định hướng XHCN được hình thành, và ngày càng phát triển, hoàn thiện dần. Chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nhân loại, nó vừa được triển khai trong thực tiễn trên phạm vi cả nước, vừa được tổng kết lý luận ở quy mô quốc gia và quốc tế. Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII (năm 2021) lý luận đó đã được tổng kết thành mô hình lý luận[2].

Kinh tế thị trường theo mô hình lý luận đó nằm trong mối quan hệ qua lại chặt chẽ với mô hình CNXH và con đường đi lên CNXH ở Việt Nam. Đổi mới gần 40 năm, nhưng phát triển kinh tế thị trường thì mới gần hai mươi nhăm năm và đã có rất nhiều thành tựu to lớn. Kinh tế thị trường định hướng XHCN đã đảm bảo cho nền kinh tế Việt Nam có tốc độ tăng trưởng khá cao, vượt qua nhiều thách thức, nhất là trong những điều kiện khó khăn chưa từng có do tác động bên ngoài (thiên tai, dịch bệnh, môi trường quốc tế không thuận lợi do mấy đợt khủng hoảng kinh tế, v.v.). Nó đã giúp kinh tế vĩ mô ổn định khá vững chắc, môi trường đầu tư kinh doanh thay đổi rất căn bản theo chiểu hướng mở rộng tự do, dân chủ, đời sống của nhân dân được cải thiện một cách căn bản, xã hội có nhiều chuyển biến rất tích cực, phát triển nhanh chóng không ngừng.

Thứ nhất, nền kinh tế và xã hội thoát khỏi khủng hoảng, xóa bỏ hết được các hệ lụy trực tiếp của 3 cuộc chiến tranh kéo dài hơn 30 năm và ách đô hộ thực dân hơn 80 năm. Nền kinh tế độc lập, tự chủ, phát triển ổn định và nhanh, mạnh, quy mô kinh tế gia tăng vượt bậc, cơ cấu chuyển dịch theo hướng hiện đại.

Thứ hai, đã hình thành được hệ thống chủ thể kinh tế kinh doanh đa dạng, năng động của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với những đặc trưng riêng có. Các loại hình chủ thể kinh tế từ nhà nước, tư nhân, tư bản, hộ gia đình, hợp tác xã, cá nhân, liên doanh, tập đoàn,… tạo thành một mạng lưới chủ thể kinh doanh đa dạng nhất trong lịch sử dân tộc, vừa có tính định hướng tương lai, vừa mang sắc thái dân tộc.

Thứ ba là đã xây dựng và đang tiếp tục phát triển hệ thống các loại thị trường, hình thành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Các thị trường đã có những bước phát triển rất mạnh mẽ, góp phần tạo nên nền kinh tế thị trường định hướng XHCN năng động, hiệu quả, phục vụ nhân dân. Thị trường đã trở thành phương thức hoạt động chủ đạo, chính thức, nội trội, cơ bản, nền tảng của nền kinh tế Việt Nam hiện nay.

Thứ tư, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN với quan hệ phân phối bảo đảm công bằng và tạo động lực cho phát triển, nhanh, mạnh và bền vững. Phân phối thực sự đã được đa dạng hóa về hình thức và cả nội dung. Các hình thức và nội dung phân phối mới đã giúp cho quá trình xóa đói giảm nghèo diễn ra nhanh hơn, hiệu quả hơn, tích cực hơn, đảm bảo sự công bằng hơn. Việc đảm bảo phân phối công bằng và xóa đói giảm nghèo tốt lại tạo thêm động lực cho sự phát triển.

Thứ năm, nền kinh tế thị trường định hướng XHCN ở Việt Nam ngày càng tham gia sâu vào nền kinh tế thế giới và khẳng định được vị trí trong chuỗi giá trị toàn cầu. Độ mở của nền kinh tế (tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu/tổng thu nhập nội địa) theo sự phát triển của kinh tế thị trường đã ngày càng thêm lớn dần hơn, trên đà phát triển nhanh, mạnh, vững chắc, đang trở thành một trong những con “rồng”, “hổ” thế hệ mới ở châu Á và thế giới ở đầu thế kỷ XXI, như nhiều chuyên gia trong và ngoài nước nhận định[3]. Những thành tựu phát triển kinh tế định hướng XHCN góp phần đặc biệt quan trọng để đất nước ta “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới… Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay[4].

Xét từ góc độ dân chủ và dân chủ hóa, việc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN về thực chất, trước hết là quá trình dân chủ hóa đời sống kinh tế. Dân chủ hóa đời sống kinh tế giải phóng các rào cản cho mọi người dân được tự do hoạt động kinh tế, sản xuất, kinh doanh. Trong nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, người dân không được quyền tự do kinh doanh. Toàn bộ hoạt động kinh tế và kinh doanh thuộc về nhà nước. Một số cơ sơ sản xuất và buôn bán nhỏ được phép tồn tại thì bị kiểm soát rất chặt chẽ do thể chế, cơ chế và tư tưởng lo sợ sản xuất, buôn bán nhỏ “hàng ngày hàng giờ đẻ ra chủ nghĩa tư bản”. Ngăn sông, cấm chợ, cấm kinh doanh là đặc trưng nổi bật của thời kỳ bao cấp. Trong hoàn cảnh đó người dân mất quyền tự do sản xuất kinh doanh cá nhân.

Dân chủ trong kinh tế là người dân có quyền và được tự do hoạt động kinh doanh trong thực tế. Nhưng, họ không có quyền, họ bị ngăn cấm, cản trở tiêu thụ sản phẩm hàng hóa do họ sản xuất “dư thừa”[5] so với nhu cầu tiêu dùng của họ. Tự do và dân chủ trong lĩnh vực kinh tế, trong sản xuất và kinh doanh của người dân tự nhiên đã bị tước đoạt. Nhân dân là lực lượng lao động của xã hội, nhân tố chính yếu trong các lực lượng sản xuất ở mọi thời đại. Lực lượng sản xuất do vậy bị kìm hãm và ngăn cản do đó năng suất lao động thấp dần và nền kinh tế sẽ dần bị suy thoái.

Đổi mới bắt đầu với chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Đặc biệt, từ năm 1991 Luật Doanh nghiệp tư nhân quy định: “Công dân Việt Nam đủ 18 tuổi có quyền thành lập doanh nghiệp tư nhân theo quy định của Luật này. Doanh nghiệp tư nhân là đơn vị kinh doanh có mức vốn không thấp hơn vốn pháp định, do một cá nhân làm chủ và tự chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động của doanh nghiệp. Nhà nước công nhận sự tồn tại lâu dài và phát triển của doanh nghiệp tư nhân, thừa nhận sự bình đẳng trước pháp luật của doanh nghiệp tư nhân với các doanh nghiệp khác và tính sinh lợi hợp pháp của việc kinh doanh. Trong khuôn khổ pháp luật, chủ doanh nghiệp tư nhân có quyền tự do kinh doanh và chủ động trong mọi hoạt động kinh doanh”[6].

Với chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần được luật hóa, kinh tế tư nhân bắt đầu bùng lên nhanh chóng. Năm 1996 chủ trương phát triển kinh tế hàng hóa vận hành theo cơ chế thị trường: “Xây dựng nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận hành theo cơ chế thị trường, đi đôi với tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa…Vận dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý nền kinh tế thị trường là để sử dụng mặt tích cực của nó phục vụ mục đích xây dựng chủ nghĩa xã hội chứ không đi theo con đường tư bản chủ nghĩa”[7], đã được chính thức thông qua và sau đó được luật hóa thành Luật Doanh nghiệp (luật số 13/1999/QH10, ngày 12 tháng 6 năm 1999)[8] trên cơ sở Luật Doanh nghiệp tư nhân năm 1991. Năm 2001 Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ IX chính thức đưa ra đường lối phát triển kinh tế thị trường: “Đảng và Nhà nước ta chủ trương thực hiện nhất quán và lâu dài chính sách phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần vận động theo cơ chế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa; đó chính là nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”[9].

Việc phát triển kinh tế thị trường tất yếu phải đa dạng hóa chế độ và hình thức sở hữu, bởi đó là thuộc tính của kinh tế thị trường. Đa dạng hóa các chế độ và hình thức sở hữu cùng với việc tự do thành lập doanh nghiệp tư nhân đã làm xuất hiện ngày càng nhiều các chủ thể kinh tế thuộc các hình thức khác nhau, hoạt động song song với các chủ thể kinh tế nhà nước. Tự do thành lập doanh nghiệp và tự do hoạt động sản xuất, kinh doanh là biểu hiện tập trung và rõ nét nhất của dân chủ trong kinh tế ở giai đoạn hình thành nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vừa qua.

Trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện tồn tại hai chế độ sở hữu là chế độ sở hữu tư nhân và sở hữu nhà nước, có nhiều hình thức sở hữu và nhiều thành phần kinh tế: kinh tế nhà nước, kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác, kinh tế tư nhân, kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài. Sở hữu nhà nước được thực hiện qua kinh tế nhà nước với các hình thức khác nhau như: doanh nghiệp nhà nước, công ty liên doanh, công ty cổ phần có vốn nhà nước, hợp tác xã, các loại sở hữu nhà nước (ruộng đất, tài nguyên, vốn ngân sách, nhân lực). Sở hữu tư nhân cũng gồm nhiều hình thức như: doanh nghiệp tư nhân, kinh tế hộ gia đình, doanh nghiệp cổ phần, tổ hợp tác, kinh doanh cá thể, v.v. Tính chất đa dạng về sở hữu và thành phần kinh tế thể hiện trình độ phát triển các lực lượng sản xuất rất không đồng đều, mức độ xã hội hóa rất khác nhau. Thực hiện đa dạng hóa các hình thức sở hữu và các thành phần kinh tế là phù hợp với trình độ phát triển đó của các lực lượng sản xuất để lực lượng sản xuất được giải phóng. Các chủ thể kinh tế được tự do phát triển, quyền dân chủ trong hoạt động sản xuất và kinh doanh được thực hiện thực tế.

Xét về phương diện thực hiện dân chủ, hoặc dân chủ hóa kinh tế, thì tự do sản xuất, kinh doanh chính là thực hiện quyền con người về kinh tế một cách sát, đúng, trúng nhất. Mọi người dân, mọi tập thể trong xã hội đều có quyền trở thành chủ thể kinh tế, có quyền thành lập doanh nghiệp và tự do hoạt động sản xuất, kinh doanh. Thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN là đảm bảo pháp lý, hành chính, thực tiễn cho việc dân chủ hóa trong lĩnh vực kinh tế.

Nhưng, kinh tế thị trường phát triển, tự nó, đưa đến phân hóa xã hội. Giai đoạn đầu của sự phát triển kinh tế thị trường, như thực tiễn trên thế giới chứng tỏ, gắn với tự do, dân chủ, bình đẳng trong xã hội. “Tự do, bình đẳng, bác ái” đã là khẩu hiệu của cách mạng tư sản châu Âu để phát triển kinh tế thị trường lúc bấy giờ. Khi kinh tế thị trường đã đạt tới giai đoạn độc quyền, tự do, dân chủ, bình đẳng, bác ái chỉ còn giới hạn trong tầng lớp tư sản, là chủ thể của nền kinh tế đó mà thôi. Dân chủ hóa là yêu cầu bắt buộc, là tiền đề để xây dựng kinh tế thị trường. Nhưng kinh tế thị trường khi phát triển đến mức độ nhất định lại dẫn đến độc quyền, làm cho dân chủ hóa bị hạn chế, bị cản trở. Khi đó xã hội buộc phải sử dụng các thiết chế khác để bảo đảm dân chủ. Đây là điểm rất quan trọng, mang ý nghĩa phương pháp luận, cần được chú ý khi xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Định hướng XHCN cần phải có chức năng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp để duy trì, tăng cường được tự do, dân chủ trong xã hội khi nền kinh tế thị trường phát triển đến một mức độ nhất định.

2. Ảnh hưởng, tác động của dân chủ và thực hành dân chủ trong xã hội đến phát triển kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay. 

Việt Nam không chỉ không có truyền thống về kinh tế thị trường mà cũng không có cả truyền thống dân chủ xã hội như ở phương Tây. Phương thức sản xuất châu Á, không trải qua dân chủ chủ nô, chế độ phong kiến kéo dài xen lẫn những thời kỳ mất nước, dưới ách đô hộ của ngoại bang, của chủ nghĩa thực dân, kinh tế thị trường không phát triển, nên dân chủ hóa xã hội luôn là khao khát của dân tộc. Mặc dầu trong các lãng xã, thôn bản những yếu tố của hình thức dân chủ cộng đồng mà các nhà nghiên cứu vẫn thường gọi là “dân chủ làng xã” vẫn luôn tồn tại dưới những mức độ nhất định. Nhưng nó không thể phát triển thành dân chủ xã hội rộng rãi như ở Tây Âu để trở thành nền dân chủ tư sản. Xã hội Việt Nam trong lịch sử thiếu cả cơ sở kinh tế lẫn cơ sở chính trị, xã hội, tư tưởng cho việc dân chủ hóa. Ở giai đoạn đầu của chế độ phong kiến độc lập, tự chủ, các triều đại đã xem trọng dân, lấy dân là gốc. Tư tưởng đó có trong một số nhà tư tưởng, một số vua, quan[10]. Nhưng, tư tưởng dân là gốc đã không thể phát triển thành tư tưởng dân là chủ xã hội.  

Mặt khác, các thiết chế xã hội được thiết lập đều nhằm củng cố chế độ quân chủ là đối lập, là rào cản đối với dân chủ và dân chủ hóa xã hội. Phương thức sản xuất châu Á và chế độ phong kiến quân chủ kéo dài hàng ngàn năm, mà cơ sở kinh tế của nó là nền nông nghiệp tiểu nông, cũng là “rào cản bền vững” đối với dân chủ và dân chủ hóa xã hội. Nhìn từ các góc độ khác nhau: từ kinh tế, các thể chế và thiết chế xã hội, đến nguồn lực con người ở Việt Nam trong lịch sử, đều không là điều kiện và tiền đề cho chế độ dân chủ xuất hiện, hoặc du nhập và phát triển. Do điều kiện chiến tranh kéo dài suốt hơn 30 năm chống các đế quốc lớn, sau đó lại bị bao vây cấm vận 20 năm, nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, thể chế quan liêu bao cấp kéo dài, cũng là những nhân tố góp phần làm cho nền dân chủ chưa có được điều kiện và địa bàn đầy đủ để phát triển.

Hồ Chủ tịch và Đảng Cộng sản Việt Nam, từ khi cách mạng tháng Tám thành công đến nay rất nhất quán với quan điểm thực hành dân chủ nhân dân và về sau là dân chủ XHCN. Dân chủ XHCN là một trong những mục tiêu, định hướng, khát vọng, nội dung, phương thức, động lực, thước đo tiến bộ xã hội. Đường lối, cương lĩnh, sách lược, chiến lược của Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi thành lập đến nay cũng thể hiện điều đó. Những kỳ Đại hội và các văn kiện Đảng trong hai thập niên nay càng nhấn mạnh điều đó.

Kinh tế thị trường đòi hỏi tự do, dân chủ trong kinh tế một cách trực tiếp mới hình thành và phát triển được. Không có tự do sản xuất, kinh doanh, không có quyền làm chủ các tư liệu sản xuất, không có sở hữu đa thành phần thì không thể có kinh tế thị trường. Nhưng kinh tế thị trường cũng có mặt trái ngược với dân chủ khi nó chuyển từ thị trường tự do cạnh tranh sang thị trường độc quyền. Lịch sử phát triển của kinh tế thị trường và của dân chủ hóa trong lịch sử nhân loại cho thấy đây là hai hiện tượng xã hội độc lập nhau, có quan hệ qua lại với nhau. Nhưng chúng không hoàn toàn thuận chiều hoặc ngược chiều vận động với nhau. Dân chủ, dưới hình thái tư tưởng hay dưới hình thái chế độ chính trị, hoặc dưới hình thái thể chế, thiết chế trong các xã hội, thì cũng không phải lúc nào, ở đâu, cũng thúc đẩy kinh tế thị trường. Ngược lại, kinh tế thị trường hình thành và phát triển không phải lúc nào, ở đâu cũng thúc đẩy dân chủ.

Kinh tế thị trường TBCN giai đoạn tự do cạnh tranh và giai đoạn độc quyền và cả giai đoạn hiện nay đã cho thấy điều phân tích này. Các nhà kinh điển của chủ nghĩa Mác – Lê nin và nhiều học giả trên thế giới đã phê phán tính chất hạn hẹp của dân chủ tư sản, phê phán nền kinh tế thị trường TBCN hiện đại đưa đến sự phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn không chỉ giữa các giai tầng mà còn giữa các quốc gia, khu vực. Sự phân hóa đó càng làm xã hội mất dân chủ, bó hẹp dân chủ. Giai đoạn hiện nay trong các xã hội TBCN ở phương Tây có vẻ như kinh tế thị trường phát triển cao thì có dân chủ rộng mở hơn. Nhưng xem xét kỹ thì không phải hoàn toàn như vậy. Sự phát triển của nền kinh tế thị trường TBCN hiện nay do nhiều nguyên nhân khác nhau. Trước hết do sự phát triển của cách mạng khoa học – kỹ thuật, sau nữa là của cách mạng khoa học – công nghệ, của hai cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư, do phong trào đấu tranh của các lực lượng tiến bộ trên phạm vi toàn thế giới trong đó có hệ thống XHCN trước đây và phong trào công nhân trong các nước TBCN phát triển.

Dân chủ là nhân tố có tính độc lập tương đối lớn với nền kinh tế thị trường. Tất nhiên, dân chủ phụ thuộc vào trình độ phát triển kinh tế, phát triển lực lượng sản xuất. Nhưng, điều đó không có nghĩa là sự phát triển kinh tế thị trường luôn tỷ lệ thuận với sự mở rộng và phát triển dân chủ. Dân chủ là một loại quan hệ xã hội, nên về nguyên tắc nó bị cơ sở hạ tầng chi phối. Nhưng dân chủ có phạm vi bao trùm lớn hơn kinh tế. Dân chủ trong kinh tế chỉ là một phần, một lĩnh vực của đời sống xã hội. Dân chủ trong kinh tế có vai trò hết sức to lớn đối với dân chủ trong các lĩnh vực khác, như dân chủ trong chính trị, trong tư tưởng, trong giáo dục, trong văn hóa, trong lĩnh vực xã hội, v.v. Dân chủ trong mỗi lĩnh vực đó lại phụ thuộc nhiều yếu tố khác như truyền thống văn hóa, trình độ phát triển con người, chất lượng dân cư, mức độ đô thị hóa, sự phát triển của các công nghệ thông thông tin và truyền thông, thể chế chính trị, bối cảnh quốc tế, v.v.

Kinh tế thị trường có thể tác động đến dân chủ theo cả hai hướng thúc đẩy dân chủ hóa hoặc thu hẹp, cản trở dân chủ hóa, có thể theo phương thức trực tiếp, có thể theo phương thức gián tiếp, tức là thông qua các yếu tố khác. Ngược lại dân chủ cũng có thể trực tiếp bắt đầu từ lĩnh vực kinh tế rồi mở rộng qua các lĩnh vực khác tùy thuộc và các điều kiện, hoàn cảnh cụ thể. Nhưng cũng có thể bắt nguồn từ các lĩnh vực khác như trong chính trị hoặc văn hóa rồi mới thâm nhập vào kinh tế. Khi dân chủ xã hội được mở rộng và phát triển thì nó lại thúc đẩy và tạo điều kiện, cơ hội thuận lợi cho sự phát triển kinh tế thị trường.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN và dân chủ XHCN chưa có tiền lệ trong lịch sử. Do điều kiện đặc thù Việt Nam đi vào thời kỳ quá độ lên CNXH với trình độ phát triển các lực lượng sản xuất vẫn thấp kém, tụt hậu so với các quốc gia đã công nghiệp hóa ở trình độ cao của lực lượng sản xuất. Tính chất đặc thù nổi bật nhất của nền kinh tế thị trường Việt Nam hiện nay chính là tính định hướng XHCN. Dân chủ XHCN là một công cụ, phương tiện, phương thức để hạn chế những mặt trái của kinh tế thị trường, hạn chế chính tác động cản trở của kinh tế thị trường đối với dân chủ hóa. Tính định hướng XHCN của kinh tế thị trường định hướng XHCN bao chứa nội hàm, nội dung dân chủ hóa như một trong những cấu phần không thể thiếu. Nếu chỉ phát triển kinh tế thị trường mà không thực hiện dân chủ và dân chủ hóa xã hội thì tất yếu sẽ quá độ lên CNTB như lịch sử các nước trên thế giới mấy trăm năm qua đã chỉ ra. Dân chủ hóa trong nội dung định hướng XHCN đối với phát triển kinh tế thị trường làm giảm nhẹ, ngăn chặn những “thương đau”, “mất mát”, “tai họa” mà sự phát triển kinh tế thị trường tự nó luôn mang lại cho xã hội cả hiện tại và tương lai.

Dân chủ, dù tính chất và mức độ khác nhau trong các giai đoạn lịch sử khác nhau, nhưng đều là biểu hiện tiến bộ xã hội. Bởi thế nó là nhân tố tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế và các lĩnh vực xã hội khác nhau, thúc đẩy phát triển con người. Thể chế dân chủ là động lực có thể thúc đẩy trực tiếp sự phát triển con người với tính cách là một cấu thành của các lực lượng sản xuất. Nó tạo cho con người vị thế làm chủ, được tự do và có các điều kiện đảm bảo vị thế người chủ, do đó nó góp phần giải phóng các năng lực của con người, tức cũng là giải phóng năng lực của các lực lượng sản xuất. Khi thúc đẩy các lực lượng sản xuất phát triển sẽ thúc đẩy các quan hệ sản xuất phát triển tương xứng với các lực lượng sản xuất đó, có nghĩa là làm thay đổi tồn tại xã hội và cơ sở hạ tầng. Từ đó lại thúc đẩy kiến trúc thượng tầng biến đổi. Bằng cách đó dân chủ không chỉ thúc đẩy kinh tế thị trường phát triển mà còn thúc đẩy các lực lượng sản xuất của nền kinh tế thị trường và toàn bộ đời sống xã hội trên đó biến đổi, phát triển. Dân chủ tư sản đã vậy, dân chủ XHCN tiến bộ hơn dân chủ tư sản thì vai trò đó càng lớn hơn, sâu rộng hơn, tích cực hơn.

Ở phương diện xã hội, khi thể chế dân chủ được xác lập và việc dân chủ hóa được thực hiện thì nó tạo chuyển biến sâu sắc, mạnh mẽ, rộng lớn đến tất cả các lĩnh vực xã hội, như luật pháp, tư duy, lối sống, đạo đức, tập quán, giáo dục, khoa học và công nghệ, các quan hệ xã hội nói chung, các thiết chế, các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, làm cho chúng chuyển động, linh hoạt, thay đổi dễ và nhanh hơn, không bị cứng nhắc, cố định, bảo thủ, trì trệ. Nhờ đó xã hội sẽ cởi mở, năng động, tích cực và sôi động, sống động hơn, thúc đẩy sự phát triển của con người và các chủ thể xã hội khác. Kinh tế thị trường có thuộc tính cố hữu là gắn liền với sự năng động, linh hoạt, đòi hỏi thể chế mở, đối lập với tính khép kín, cô lập, tách biệt. Điều đó tương đồng với dân chủ và dân chủ hóa. Do vậy dân chủ và dân chủ hóa là không cản trở mà là thích hợp cho kinh tế thị trường phát triển. Dân chủ XHCN, do vậy, đương nhiên về nguyên tắc, luôn là động lực, là điều kiện cho sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Thiếu dân chủ thực sự, hoặc dân chủ hóa bị ngăn trở, bị hạn chế trong các nước thuộc hệ thống XHCN trước đây là một trong nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng của hệ thống đó. Mở rộng dân chủ, dân chủ hóa hoặc thực hành dân chủ rộng rãi sẽ là động lực tích cực cho sự phát triển quốc gia, con người và xã hội.

Dân chủ và dân chủ hóa là động lực, môi trường, điều kiện, tiền đề của sự phát triển kinh tế thị trường, phát triển con người và xã hội. Chính sự phát triển của con người và xã hội đến lượt nó lại thúc đẩy sự phát triển của kinh tế thị trường. Nếu không thực sự dân chủ hóa, thực hành dân chủ, mở rộng dân chủ thì xã hội sẽ trở nên “khép kín”, mất tính linh hoạt, năng động, sẽ không phát triển và không thúc đẩy kinh tế phát triển, sẽ sa vào ngưng trệ, khủng hoảng. Việt Nam đang phát triển kinh tế thị trường và đang dân chủ hóa XHCN, và xem đó là những mục tiêu rất căn bản và quan trọng trong thời kỳ quá độ hiện nay. Nhưng do đi vào kinh tế thị trường từ nền sản xuất nhỏ, với trình độ phát triển các lực lượng sản xuất rất khác nhau giữa các vùng, miền, ngành, nghề, những hệ lụy thời kỳ tích lũy nguyên thủy của kinh tế thị trường dù có định hướng XHCN, trong điều kiện khác xưa, vẫn thể hiện ở những dạng thức và mức độ khác nhau. Để hạn chế tối đa những hệ lụy, những mặt trái của kinh tế thị trường giai đoạn tích lũy nguyên thủy, đòi hỏi phải dân chủ hóa XHCN thực sự sâu, rộng và mạnh mẽ. Đó sẽ là phương tiện, động lực, phương cách để nền kinh tế thị trường có thể đảm bảo và có nhiều hơn định hướng XHCN, bởi bản thân kinh tế thị trường không thể có định hướng XHCN.

Kinh tế thị trường định hướng XHCN mà Việt Nam hiện đang xây dựng, hoàn thiện và phát triển trong bối cảnh các lực lượng sản xuất kém phát triển lại kèm thêm những yếu kém trong quản lý, tổ chức đời sống xã hội nên đã tích tụ những hệ lụy khó lường, khó khắc phục. Đó là những mặt trái, tiêu cực, như tham nhũng, lãng phí, cộng thêm những hệ lụy của cơ chế quan liêu, bao cấp, hành chính, mệnh lệnh, thói quen, cách nghĩ, lối sống của con người Việt Nam chưa trải qua chế độ dân chủ đầy đủ, v.v. Chính những cái đó đang là rào cản, là trở ngại cho việc định hướng XHCN cả về phương diện kinh tế lẫn phương diện xã hội và con người.

Để hạn chế, phá bỏ những rào cản, trở ngại đó, không thể bằng con đường nào khác ngoài dân chủ hóa XHCN thực sự một cách nhanh chóng, sâu rộng. Trong bối cảnh cách mạng khoa học – công nghệ gắn liền với cách mạng công nghiệp lần thứ ba và lần thứ tư hiện nay các điều kiện, tiền đề, phương tiện, và kỹ thuật, công nghệ phục vụ cho dân chủ hóa đều đã sẵn sàng. Vấn đề là các chủ thể xã hội cần biết khai thác, sử dụng chúng đúng mục đích và đúng phương thức, có hiệu quả thực sự.

Dân chủ luôn bao hàm trong nó tính minh bạch, tính công khai, tự do, giải trình và trách nhiệm. Càng là dân chủ hóa XHCN thì các nội dung đó càng phải được nhận thức, quán triệt và thực hiện đầy đủ, đồng thời, đồng bộ trong hiện thực. Trong thực tế hiện nay, có nhiều nơi, nhiều lúc, nhiều vụ việc, dân chủ hóa mà các nội dung đó không được triển khai đầy đủ, thường xuyên, liên tục mà rất hạn hẹp và hạn chế[11]. Do vậy, dân chủ và dân chủ hóa có thừa trong lý luận, trong sách vở, mà trong thực tế đã không được đảm bảo.

Nhiệm vụ rất quan trọng hiện nay của sự nghiệp đổi mới là dân chủ hóa XHCN thực sự trong thực tế để nó là động lực cho sự phát triển kinh tế thị trường, phát triển con người và xã hội.

Nói tóm lại, kinh tế thị trường định hướng XHCN và dân chủ, dân chủ hóa XHCN là hai hiện tượng xã hội, hai quá trình xã hội song song tồn tại, phát triển. Chúng có quan hệ qua lại với nhau, nhưng không theo kiểu quyết định luận, cũng không có quan hệ theo mô hình tuyến tính thuận hay nghịch với nhau. Chúng tác động lẫn nhau với tính cách là hai quá trình, hai hiện tượng độc lập cùng tồn tại và tương tác lẫn nhau. Để hình thành kinh tế thị trường thì phải có nhiều hình thức sở hữu, có dân chủ, tự do hoạt động sản xuất, kinh doanh, tự do buôn bán, lưu chuyển hàng hóa. Dân chủ là điều kiện, tiền đề của sự hình thành kinh tế thị trường lúc đó. Nhưng đến một giai đoạn phát triển nhất định, kinh tế thị trường chuyển giai đoạn sang độc quyền thì nó lại hạn chế dân chủ và dân chủ hóa chỉ trong một tầng lớp xã hội, thậm chí chuyển sang chế độ độc tài.

Để phát triển kinh tế, con người, xã hội nhanh, mạnh, bền vững trong thời đại ngày nay thì không thể không có dân chủ và dân chủ hóa ngày càng sâu, rộng, nhanh, mạnh. Dân chủ và dân chủ hóa XHCN là điều kiện, tiền đề, động lực tất yếu của sự phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN. Cùng với việc đẩy nhanh phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN, thì dân chủ hóa XHCN thực sự trong thực tế, là một nhiệm vụ đặc biệt có ý nghĩa, để hạn chế những hệ lụy tiêu cực của kinh tế thị trường, hạn chế những sai lầm chủ quan.

Dân chủ hóa XHCN thực sự trong thực tế tạo động lực mới cho sự phát triển của kinh tế thị trường định hướng XHCN, thúc đẩy sự phát triển con người và xã hội. Việc tạo ra những bước phát triển mới cho con người và xã hội tạo điều kiện và tiền đề cho sự phát triển các lực lượng sản xuất của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN vững chắc hơn, hiệu quả hơn. Sự cộng hưởng của hai hiện tượng, hai quá trình cơ bản này của xã hội Việt Nam hiện tại đã có điều kiện, tiền để, phương tiện thực hiện cả về kinh tế, xã hội, chính trị, tư tưởng, khoa học và công nghệ, thể chế và bối cảnh quốc tế. Nhiệm vụ phát triển kinh tế thị trường định hướng XHCN từ nay đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045 không thể tách rời nhiệm vụ dân chủ hóa XHCN./.

PGS.TSKH.Lương Đình Hải - Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam; Ths. Lê Thị Trang -Tạp chí Cộng sản

____________

[1] Xem: Đảng Cộng sản Việt Nam (2001), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX. Nxb. chính trị quốc gia Sự thật, H., tr. 48;  hoặc tại: http://123.30.190.43/tiengviet/tulieuvankien/vankiendang/details. asp?topic=191& subtopic=8&leadertopic=226&id=BT25110530192  Ngày 12/7/2003. Cập nhật lúc 14h 49'

[2] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII. Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, H., Tập I, tr. 128-132; hoặc tại https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-xiii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-xii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-xiii-cua-3734, Thứ Ba, 23/3/2021 15:44'(GMT+7)

[3] Xem Minh Thư (2024): Việt Nam sẽ sớm vươn lên trở thành con rồng mới của châu Á, tại địa chỉ website https://baophunuthudo.vn/phu-nu-va-hoi-nhap/viet-nam-se-som-vuon-len-tro-thanh-con-rong-moi-cua-chau-a-128224.html, 13/2/2024 09:13; Tiến Dũng (2024): Thủ tướng New Zealand: "Việt Nam đã trở thành một con rồng với sự phát triển vượt bậc", tại website https://vneconomy.vn/thu-tuong-new-zealand-viet-nam-da-tro-thanh-mot-con-rong-voi-su-phat-trien-vuot-bac.htm, 11/03/2024, 17:22;  Hoàng Nguyễn (2024): Thoát khỏi thu nhập trung bình thấp sau 30 năm, đâu là con đường phát triển lý tưởng để Việt Nam trở thành nước thu nhập cao vào năm 2045? Tại https://cafef.vn/thoat-khoi-thu-nhap-trung-binh-thap-sau-30-nam-dau-la-con-duong-phat-trien-ly-tuong-de-viet-nam-tro-thanh-nuoc-thu-nhap-cao-vao-nam-2045-188240222150707882.chn, 22-02-2024 - 16:51; Nguyễn Huyền (2023): Việt Nam là nền kinh tế mạnh và có tiềm năng trở thành “con hổ mới” của châu Á, tại địa chỉ https://thitruongtaichinhtiente.vn/viet-nam-la-nen-kinh-te-manh-va-co-tiem-nang-tro-thanh-con-ho-moi-cua-chau-a-51812.html,  20/10/2023 - 09:35; v.v.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam (2021), đã dẫn, tr. 103-104.

[5] Dư thừa ở đây theo nghĩa là dư thừa tương đối, tạm thời tại một thời điểm xác định, hoặc do nhu cầu phải bán bớt loại sản phẩm này để mua loại sản phẩm khác cho tiêu dung của chính họ. Thí dụ, một hộ nông dân giết thịt một con lợn hoặc bò. Họ chỉ có thể chế biến, bảo quản để dùng trong 1-2 tuần với số lượng thịt hạn chế, số còn lại họ có nhu cầu đưa ra thị trường bán để lấy tiền mua sắm các sản phẩm khác như quần áo, sách vở, gạo, thực phẩm khác, v.v.

[6] Luật Doanh nghiệp tư nhân được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt nam khoá VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 21 tháng 12 năm 1990, ban hành ngày 02 tháng 01 năm 1991, tại địa chỉ: https://www.moj.gov.vn/vbpq/lists/vn%20bn%20php%20lut/view_detail.aspx?itemid=1818 (cơ sở dữ liệu văn bản quy phạm pháp luật Bộ Tư pháp- Doanh nghiệp tư nhân), truy cập ngày 16/07/2024, 20:25; hoặc tại địa chỉ: https://vanban.chinhphu.vn/default.aspx?pageid=27160&docid=1446 (cổng Thông tin điện tử Chính phủ, văn bản.chinhphu.vn, Luật số 48/LCT/HĐNN8 của Quốc hội: Luật Doanh nghiệp tư nhân, truy cập ngày 16/07/2024, 20:40.

[7] Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng, tại địa chỉ http://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-viii/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-vii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-viii-cua-dang-1549, 15/8/2018, 14:05

[8] Xem tại địa chỉ: https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Doanh-nghiep/Luat-Doanh-nghiep-1999-13-1999-QH10-45375.aspx

[9] Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, ngày 19-22/4/2001, tại địa chỉ: https://tulieuvankien.dangcongsan.vn/ban-chap-hanh-trung-uong-dang/dai-hoi-dang/lan-thu-ix/bao-cao-chinh-tri-cua-ban-chap-hanh-trung-uong-dang-khoa-viii-tai-dai-hoi-dai-bieu-toan-quoc-lan-thu-ix-cua-dang-1545, Thứ Năm, 24/9/2015 16:10'(GMT+7)

[10] Triều đại nhà Trần với “Hội nghị Diên hồng”, Triều đại nhà Lê với Nguyễn Trãi, v.v.

[11] Thí dụ, những nơi công cộng, thực thi công quyền, con người công chúng, nhưng lại cấm quay phim, chụp ảnh. Điều này trong thực chất đã hạn chế dân chủ, không còn công khai, minh bạch, v.v. Kê khai tài sản của cán bộ, công chức, nhưng lại không công khai cũng là hạn chế dân chủ bới tính công khai, minh bạch, giải trình không được đảm bảo. Trong khi đó ở một số nước dân chủ tư sản thấp hơn dân chủ vô sản lại thực hiện được các công khai đó.

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: hdll.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 175 trong 35 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 35 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây