Bên bờ rạch Tây Ninh lộng gió, giữa những căn nhà cao tầng tráng lệ, sự tồn tại của căn nhà cổ lại nổi bật, thu hút mọi ánh nhìn của người đi đường. Ngôi nhà gần như giữ được kiến trúc nguyên bản. Trong nhà, nhiều vật dụng gia đình của chủ nhân có từ thời Pháp thuộc vẫn được giữ gìn cẩn thận. Nhà cổ Đốc phủ Sứ Nguyễn Văn Kiên tọa lạc 39 đường Phan Chu Trinh, khu phố 2, phường 1, thành phố Tây Ninh.
Căn nhà số 39 đường Phan Châu Trinh (TP Tây Ninh) được xây dựng năm 1894 và giữ được kiến trúc nguyên bản đến ngày nay, thu hút nhiều du khách tham quan. Năm 2017, công trình được xếp hạng Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh
“Báu vật” nhà cổ
Căn nhà có giá trị văn hoá, lịch sử nêu trên của ông Nguyễn Văn Kiên, sinh năm 1851, quê tỉnh Quảng Nam. Ông từng đi du học ở Pháp, sau đó trở về Việt Nam giữ một số chức vụ như Tri huyện ở Châu Đốc, Tri phủ ở huyện Trảng Bàng, Đốc phủ sứ Tây Ninh, Đốc phủ sứ Mỹ Tho. Trong thời gian giữ chức vụ Đốc phủ sứ Tây Ninh, ông cho xây dựng căn nhà này. Năm 1914, ông Kiên qua đời.
Di ảnh ông Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên
Hiện nay, các hạng mục gỗ trong nhà vẫn còn giữ nguyên những chạm khắc hoa văn tuyệt đẹp. Hệ thống bao lam và liễn được khắc hình long, lân, quy, phụng, dơi, chim công, mai, lan, cúc, trúc, sen, điểu, tùng, lộc, nho, sóc…
Gian thờ tự trong ngôi nhà cổ
Nổi bật trước cửa nhà là tác phẩm điêu khắc cuốn thư, hoa mai và lưỡng long. Phía dưới cuốn thư là hình bông hồng chạm nổi nhiều lớp. Hai bên cuốn thư khắc hình lưỡng long ẩn hiện giữa các cuộn mây. Hệ thống kèo nối các cột và rui mè gần mái cũng được chạm khắc nổi các ô hoa văn dây hoa lá trang trí cầu kỳ.
Các đồ dùng trong ngôi nhà vẫn giữ nét cổ xưa
Đặc biệt, đầu kèo tạo hình uốn lượn cong mềm mại, phần đầu áp với đầu cột trang trí ô hoa văn đề tài “tùng lộc” rất sắc sảo. Mỹ thuật nhà cổ còn được thể hiện ở các cặp liễn đối chữ Hán sơn son thếp vàng chạm khắc chìm nổi, hoa văn xung quanh.
Toàn cảnh ngôi nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên-di tích lịch sử-kiến trúc tỉnh Tây Ninh
Trong nhà có hai cặp liễn đối bố trí ở trước và giữa nhà. Năm 2019, trong lần đến tìm hiểu nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên, nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, Thạc sĩ Nguyễn Thị Nguyệt nhận xét: “Nhìn chung, các mảng mỹ thuật chạm khắc gỗ trang trí ở nội thất nhà cổ với hai phong cách trang trí chủ đạo: để mộc và sơn nhũ vàng, tạo nên một nét đẹp vừa lộng lẫy vừa trầm mặc, giản dị nhưng vẫn rất tinh tế, làm nổi bật những chi tiết chính trong tổng thể trang trí”.
Vách tường rêu phong-điểm nhấn của ngôi nhà cổ
Bên trong ngôi nhà bài trí theo phong cách thuần Việt. Gian giữa được bố trí làm nơi thờ tự với các bàn hương án, nhà thờ linh vị tổ tiên và di ảnh Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên. Phía trước bàn thờ Đốc phủ sứ là bộ bát bửu (8 loại binh khí thời xưa hay dùng trang trí); giữa nhà là giá trưng bày Bảng xếp hạng di tích nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên.
Nơi thờ tự trong nhà cổ
Trong nhà còn vài bộ bàn ghế gỗ xưa, hai bộ ván gỗ, một số đồ có từ thời Pháp như: điện thoại bàn, máy đánh chữ, máy hát đĩa, v.v…
Căn nhà phía sau có nhiều vật dụng bằng gốm cổ và giả cổ
Tiếp nối kiến trúc cổ
Phía sau căn nhà chính là các công trình phụ như nhà bếp, vựa lúa, nhà ở của người giúp việc. Những năm trước, các công trình phụ này xuống cấp, bị sụp đổ. Năm 2015, anh Nguyễn Anh Kiệt- hậu duệ đời thứ 5 của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên- xây dựng trên nền nhà sau một gian nhà mới.
Cuốn thư, hoa mai và lưỡng long trước cửa nhà cổ
Nhà sau được xây dựng với kiến trúc khá tương đồng với ngôi nhà cổ phía trước. Anh Kiệt cho biết, gian nhà sau được xây dựng với lối kiến trúc truyền thống, sử dụng nguyên vật liệu cũ. Nhà sau lát gạch tàu, hình lục lăng giống như gạch nền của nhà cổ phía trước. Toàn bộ tường nhà được xây bằng gạch cổ, không tô.
Bàn ghế xưa trong căn nhà cổ
Ông Nguyễn Quốc Việt- người có nhiều năm nghiên cứu văn hoá, kiến trúc của Tây Ninh cho biết: “Đây là số gạch được chủ nhà mua lại từ thành Săng-đá, một trụ sở quân sự ngày xưa ở Tây Ninh, nay là trụ sở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh.
Bộ bàn ghế xưa
Khi xuống cấp, chính quyền địa phương cho tháo dỡ, anh Kiệt mua lại số gạch thẻ này về xây dựng nhà sau. Việc xây dựng nhà sau với kiến trúc cổ cho thấy hậu duệ của ông Kiên nhận thức và ý thức được giá trị ngôi nhà cổ của ông Đốc phủ sứ để lại”.
Nhà sau được xây dựng với kiến trúc khá tương đồng với ngôi nhà cổ phía trước
Gian nhà sau, bao gồm một trệt và một gác lửng. Cầu thang lên gác được lát gạch tàu bản to rất mịn, tay vịn làm bằng gỗ, quét dầu bóng, rất đẹp. Mái nhà xây theo kiểu dáng gác mái xưa, kết hợp giữa gỗ và bê tông. Tầng trệt được ngăn ra vài căn buồng nhỏ, có hành lang giữa đi vào.
Nhà chữ Đinh cổ thường không có gác nhưng nơi này lại có một tầng lửng khá rộng, thoáng mát. Từng chi tiết như lan can, cầu thang, vách đều chạm trổ rất cầu kỳ.
Tầng lầu là một không gian lớn, rộng rãi, trưng bày những kỷ vật của gia đình. Một chiếc tủ thờ, bàn ghế gỗ cổ xưa khảm xà cừ óng ánh. Vài ô cửa sổ đón thêm gió nắng được làm theo kiểu xưa với chấn song sắt dọc, cửa lá sách ngang.
Cửa chính ra vào đươc làm bằng gỗ, hiện còn chắc chắn. Ngoài 4 cánh cửa ở gian chính còn có 8 cánh cửa phụ chia đều 2 bên khiến ngôi nhà khi mở toang có không gian rộng thoáng. Phía trước hiên là khoảng sân rộng, với nhiều cây cảnh. Từ cột, kèo, vách, sàn cho đến bàn thờ đều được làm bằng các loại gỗ quý
Trong nhà mới được bài trí nhiều cổ vật, do anh Kiệt sưu tầm, mua lại. Trên các cột, tường có đôi liễn đối hoành phi cẩn xà cừ, đèn chùm châu Âu, đồng hồ gỗ quả lắc. Giữa nhà có bộ bàn ghế gỗ xưa. Trên các kệ trưng bày còn có nhiều vật dụng bằng gốm cổ và giả cổ như các loại bình, chén, dĩa gốm, lu sành, đất nung, v.v… Ông Nguyễn Quốc Việt nhận xét: “Tất cả vật dụng và kiến trúc của ngôi nhà mới khá hài hoà, phù hợp với không gian chuyển tiếp giữa xưa và nay”.
Các hoa văn chim chóc, rồng phượng, lá cành trên cánh cửa, cột nhà, lan can... được chạm trổ công phu và còn nguyên bản
Hiện nay, ở Tây Ninh, những công trình kiến trúc cổ còn lại không nhiều. Ngôi nhà cổ Đốc phủ sứ lưu giữ nhiều giá trị về lịch sử, mỹ thuật, kiến trúc, tín ngưỡng, phong tục tập quán của người miền Trung vào sinh cơ lập nghiệp ở Tây Ninh. Nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên là một trong những nhà cổ tiêu biểu của Đông Nam bộ, cần được quan tâm, bảo tồn.
Ngôi nhà của Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên được xây dựng từ năm 1894, theo kiểu chữ đinh, chiều dài 20m, chiều rộng 12m. Nền nhà cao hơn 1m so với sân vườn, bó vỉa bằng đá xanh. Tường nhà xây tường gạch dày 40cm kết dính bằng hồ vôi ô dước, mái lợp ngói vảy cá.
Nhiều đồ đạc trong nhà vẫn còn nguyên vẹn, giữ cách bài trí như thuở ban đầu
Căn nhà có 32 cột gỗ. Hai hàng cột giữa nhà cao khoảng 8m, đường kính khoảng 2m. Toàn bộ cột, kèo, vách, sàn cho đến bàn thờ được làm hoàn toàn bằng các loại gỗ quý. Nền nhà được lót bằng gạch tàu hình lục lăng. Gian nhà trước (gian chính) dùng để tiếp đón khách.
Bức tranh thủy mặc cổ xưa
Ở chính diện ngôi nhà là một cửa cái và tám cửa phụ chia đều cho hai bên. Tất cả các cửa đều được làm từ gỗ, thiết kế theo dạng cửa xếp. Gian giữa nhà có các phòng nhỏ hai bên. Nếp nhà dọc phía sau được sử dụng để phục vụ sinh hoạt, nấu nướng, nghỉ ngơi. Ngoài ra, ngôi nhà còn có sân nắng phía sau để lấy ánh sáng và gió tự nhiên.
Chiếc đèn cổ tuổi đời cả trăm năm ở bàn thờ ông Đốc phủ sứ
Nhà cổ Đốc phủ sứ Nguyễn Văn Kiên đã được UBND tỉnh Tây Ninh xếp hạng là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp tỉnh tại Quyết định số 213/QĐ-UBND ngày 03/02/2017.
Theo Bảo tàng Tây Ninh; Cục Thông tin đối ngoại - Bộ Thông tin và Truyền thông
Tác giả: NVĐ
Nguồn tin: baotang.tayninh.gov.vn; vietnam.vn; nguoiduatin.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn