Trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp 4.0, bên cạnh được tiếp cận với nhiều kênh thông tin đa dạng, thanh niên Việt Nam cũng dễ bị ảnh hưởng bởi các nguồn thông tin sai lệch, xuyên tạc về vấn đề chủ quyền biển, đảo. Điều này đặt ra yêu cầu cấp thiết phải đổi mới nội dung tuyên truyền biển, đảo phù hợp với xu hướng tiếp cận thông tin của thanh niên trong tình hình mới.
1. Đổi mới nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, xuất phát từ một số lý do chính sau:
Một là, xuất phát từ vị trí chiến lược của biển, đảo Việt Nam trong bối cảnh gia tăng các thách thức về chủ quyền biển, đảo.
Các vùng biển và đảo của Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chủ quyền lãnh thổ mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế, an ninh quốc phòng và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, tình hình tranh chấp chủ quyền biển, đảo trên Biển Đông ngày càng phức tạp, đòi hỏi Việt Nam phải không ngừng củng cố nhận thức, thái độ và hành vi của thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Các thế lực thù địch không ngừng lợi dụng truyền thông và công nghệ để xuyên tạc, gây hoang mang dư luận về vấn đề biển, đảo. Điều này khiến việc tuyên truyền cần đổi mới để kịp thời đáp ứng và phản bác những thông tin sai lệch.
Hai là, xuất phát từ quan điểm của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và cơ sở pháp lý về chủ quyền biển, đảo.
Cùng với những chủ trương được xác định trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, việc đổi mới nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên cần căn cứ Nghị quyết số 36-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”; Nghị quyết số 44-NQ/TW, ngày 24/11/2023 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về “Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”; Nghị quyết của Quốc hội về “Quy hoạch không gian biển quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”; các văn bản chỉ đạo và quy định liên quan của Đảng và Nhà nước...
Với quan điểm nhất quán “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền và các lợi ích hợp pháp, chính đáng của quốc gia trên biển, đồng thời chủ động, tích cực giải quyết, xử lý các tranh chấp, bất đồng trên Biển Đông bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, nhất là Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982; giữ gìn môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác để phát triển”(1), Đảng ta đã hoạch định đường lối chính trị về biển, đảo phù hợp với từng thời kỳ để các cơ quan nhà nước thể chế hóa thành chính sách, pháp luật về bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của Việt Nam trên biển, đảo, như “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”, “Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến 2030, tầm nhìn đến 2045”...
Hiến pháp Việt Nam (2013) và Luật Biển Việt Nam (2012) cùng các tài liệu lịch sử từ thời Nguyễn và các triều đại trước đó đã khẳng định, quy định, xác nhận Việt Nam thực thi chủ quyền liên tục, hòa bình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS 1982) là cơ sở pháp lý quốc tế quan trọng nhất mà Việt Nam sử dụng để khẳng định quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý và thềm lục địa. Đây là những căn cứ không thể thiếu trong xây dựng nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên.
Ba là, xuất phát từ vị trí, vai trò của thanh niên trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Thanh niên là lực lượng chủ chốt trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, có khả năng tiếp thu tri thức nhanh và đóng vai trò lan tỏa các giá trị tích cực. Tuy nhiên, một bộ phận thanh niên hiện nay chưa hiểu rõ hoặc chưa quan tâm đúng mức đến các vấn đề về chủ quyền biển, đảo, thậm chí dễ bị ảnh hưởng bởi các thông tin sai lệch. Vì vậy, việc đổi mới nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo là cần thiết để khơi dậy và củng cố lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc trong thanh niên, thúc đẩy ý thức bảo vệ chủ quyền đất nước; khắc phục tình trạng thờ ơ, thiếu hiểu biết, thiếu tinh thần trách nhiệm trong một bộ phận thanh niên hiện nay.
Bốn là, xuất phát từ vị trí, vai trò của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh là lực lượng chủ chốt trong việc tuyên truyền và giáo dục nâng cao nhận thức của thanh niên về chủ quyền biển, đảo. Thông qua các chương trình như hội nghị, tọa đàm, cuộc thi tìm hiểu về biển, đảo quê hương, Đoàn đã giúp thanh niên hiểu rõ hơn về ý nghĩa thiêng liêng của biển, đảo đối với sự nghiệp bảo vệ và phát triển đất nước. Các cấp bộ Đoàn đã tổ chức nhiều chương trình, hoạt động có ý nghĩa giáo dục lòng yêu nước, tình yêu biển, đảo như: “Chung sức bảo vệ chủ quyền Biển Đông”, “Đồng hành cùng ngư dân trẻ ra khơi”, “Ngày thanh niên vì biên cương Tổ quốc”, Ngày hội “Tuổi trẻ với biển, đảo quê hương”, “Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam”, Chiến dịch “Hãy làm sạch biển”, Hành trình “Tôi yêu Tổ quốc tôi”... Những hoạt động này không chỉ giáo dục tinh thần yêu nước mà còn thể hiện trách nhiệm của thanh niên trong việc bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Việc đổi mới nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên không chỉ giúp nâng cao hiệu quả công tác Đoàn mà còn tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của thanh niên.
Năm là, xuất phát từ một số ưu điểm và hạn chế trong nội dung tuyên truyền chủ quyền, biển đảo cho thanh niên hiện nay.
Các nội dung tuyên truyền đã giúp thanh niên hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của chủ quyền biển, đảo đối với sự phát triển kinh tế, quốc phòng và văn hóa của đất nước, góp phần khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương và ý thức bảo vệ Tổ quốc trong thế hệ trẻ. Thanh niên được trang bị kiến thức để nhận diện đúng các thông tin liên quan đến chủ quyền biển, đảo và được khuyến khích tham gia vào các hoạt động bảo vệ chủ quyền, bảo tồn văn hóa và tài nguyên biển, đảo. Các phương tiện truyền thông hiện đại (mạng xã hội, video, podcast) đã bước đầu được sử dụng giúp nội dung tuyên truyền dễ tiếp cận, hấp dẫn và gần gũi với thanh niên. Thông qua các hoạt động tuyên truyền như hội thảo, triển lãm, cuộc thi, trại hè về biển đảo, thanh niên được kết nối, giao lưu và xây dựng tinh thần đoàn kết, góp phần hình thành một thế hệ trẻ có trách nhiệm, đồng lòng trong bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bên cạnh đó, các nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo còn giúp thanh niên ý thức rõ về tiềm năng kinh tế biển, khuyến khích họ tham gia vào các ngành nghề liên quan như thủy sản, du lịch, hàng hải.
Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, các nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên vẫn còn nặng về lý thuyết, thiếu tính sáng tạo và sự hấp dẫn, khiến thông điệp không đến được với mọi đối tượng thanh niên. Việc số hóa các nội dung tuyên truyền thông qua ứng dụng công nghệ, mạng xã hội và lan tỏa các nội dung này chưa đủ sức mạnh mẽ để cạnh tranh với các nội dung phi chính thống từ những thế lực thù địch. Các chương trình vẫn còn thiếu cơ hội để các đối tượng thanh niên tham gia vào các hoạt động thực tiễn liên quan đến chủ quyền biển, đảo trên thực địa, từ đó giảm sức lan tỏa và ảnh hưởng của hoạt động tuyên truyền.
Sáu là, xuất phát từ yêu cầu đấu tranh phòng, chống thông tin xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch và phòng chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong một bộ phận cán bộ, đảng viên là thanh niên.
Các thế lực thù địch thường lợi dụng vấn đề biển, đảo để gây chia rẽ, làm suy yếu niềm tin của nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ, đối với Đảng và Nhà nước. Thông tin sai lệch, xuyên tạc có thể tác động tiêu cực đến nhận thức, thái độ và trách nhiệm, hành động của thanh niên đối với sự nghiệp bảo vệ chủ quyền đất nước.
Một bộ phận cán bộ, đảng viên là thanh niên hiện nay có dấu hiệu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, xa rời lý tưởng cách mạng và trách nhiệm với đất nước. Điều này đòi hỏi công tác tuyên truyền phải được thực hiện một cách hấp dẫn, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu, sở thích của thanh niên, từ đó góp phần phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; giúp thanh niên củng cố niềm tin, lòng yêu nước và ý chí quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Bảy là, xuất phát từ bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và sự phổ biến của trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn (big data) và công nghệ thực tế ảo mở ra những cách tiếp cận mới, hiệu quả hơn trong tuyên truyền nói chung và tuyên truyền chủ quyền biển, đảo nói riêng. Trong thời đại công nghệ thông tin, các phương thức tuyên truyền truyền thống đang gặp thách thức lớn khi tiếp cận giới trẻ. Thanh niên có xu hướng tìm kiếm các nội dung ngắn gọn, trực quan, sinh động và tương tác, đòi hỏi nội dung tuyên truyền cần được thiết kế sao cho gần gũi với đặc điểm này. Thông qua mạng xã hội, nền tảng số và các phương tiện truyền thông hiện đại, nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo phải được đổi mới theo hướng sinh động, hấp dẫn, và phù hợp với ngôn ngữ, tư duy của thanh niên để đạt hiệu quả cao.
2. Giải pháp đổi mới nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên.
Thứ nhất, về nâng cao nhận thức của chủ thể và đối tượng tuyên truyền.
Đối với chủ thể tuyên truyền: Nâng cao nhận thức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ Đoàn, qua đó định hướng nhận thức, tư tưởng, trau dồi tình cảm trong hệ thống tổ chức Đoàn; làm cho các các cấp bộ Đoàn không ngừng nâng cao nhận thức, giúp cho hoạt động tuyên truyền có nhiều đổi mới, sáng tạo và phù hợp với thanh niên. Mặt khác, thời gian qua, vấn đề nhận thức về vị trí, tầm quan trọng của biển, đảo còn chưa thống nhất, thậm chí sai lệch, bị lợi dụng, kích động thông qua internet, mạng xã hội; do đó, phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh về đổi mới nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên.
Đối với đối tượng tuyên truyền: Thanh niên phải là những người tiên phong, sáng tạo và có trách nhiệm trong việc thúc đẩy đổi mới nội dung tuyên truyền, vừa nâng cao nhận thức của bản thân, vừa góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Trong đó, thanh niên cần tìm hiểu thông tin chính xác về lịch sử, pháp lý và thực tế liên quan đến chủ quyền biển, đảo Việt Nam; chủ động sử dụng mạng xã hội (Facebook, TikTok, Instagram, YouTube,...) để sáng tạo, lan tỏa và truyền tải thông điệp một cách hấp dẫn và dễ tiếp cận; tích cực tham gia các chiến dịch tuyên truyền hoặc các cuộc thi liên quan đến biển, đảo do tổ chức Đoàn, Hội phát động; thể hiện ý thức trách nhiệm trong bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, tránh lan truyền thông tin sai lệch hoặc phản cảm; đối thoại, phản biện văn minh trên các nền tảng mạng xã hội; tham gia các diễn đàn, hội thảo, giao lưu với thanh niên nước ngoài để truyền bá văn hóa biển, đảo và giải thích sự thật lịch sử, pháp lý về chủ quyền Việt Nam.
Thứ hai, về đa dạng hóa nội dung tuyên truyền và phương thức truyền tải.
Xây dựng nội dung ngắn gọn, dễ hiểu, gắn với thực tiễn: Nội dung tuyên truyền về chủ quyền biển, đảo nên được cô đọng, dễ hiểu, lồng ghép vào các câu chuyện thực tiễn, minh họa bằng hình ảnh, infographic hoặc những ví dụ sinh động. Nên tập trung vào các chủ đề mà thanh niên quan tâm như bảo vệ môi trường biển, vai trò kinh tế của biển và các hoạt động thực tiễn bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Trung ương Đoàn có thể biên soạn tài liệu hướng dẫn chi tiết để hỗ trợ các cán bộ đoàn địa phương, đảm bảo các hoạt động tuyên truyền có sự nhất quán và hiệu quả.
Sử dụng ngôn ngữ và phong cách phù hợp với thanh niên: Các nội dung tuyên truyền chủ quyền biển, đảo có thể sử dụng phong cách gần gũi, vui nhộn, hoặc mang tính hài hước để gây hứng thú cho thanh niên. Các câu chuyện về người thật, việc thật từ những người đang làm việc và sinh sống tại các khu vực biển, đảo cũng sẽ tạo sự chân thực và truyền cảm hứng cho thanh niên.
Lồng ghép nội dung vào hoạt động ngoại khóa và học tập: Các cấp bộ Đoàn có thể phối hợp với các trường học để đưa nội dung về biển, đảo vào các hoạt động ngoại khóa và các môn học liên quan. Bên cạnh đó, các cuộc thi viết, thi kiến thức trực tuyến, thi sáng tác video hoặc tranh vẽ về chủ quyền biển, đảo không chỉ giúp nâng cao nhận thức mà còn tạo ra sân chơi sôi nổi, khuyến khích sự tham gia của thanh niên.
Thứ ba, về đổi mới và phát huy sức mạnh tổng hợp của các phương tiện tuyên truyền.
Đoàn TNCS Hồ Chí Minh thường xuyên phối hợp với các các ban ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí, các đơn vị hải quân, cảnh sát biển, cũng như các cơ sở giáo dục, đào tạo và nghiên cứu để tổ chức các sự kiện và chiến dịch truyền thông về chủ quyền biển, đảo cho thanh niên.
Phát huy vai trò của thanh niên ưu tú, có uy tín, có sức ảnh hưởng trong cộng đồng về đóng góp, xây dựng các nội dung tuyên truyền và tham gia hoạt động tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cho thanh niên.
Đẩy mạnh các chiến dịch truyền thông xã hội thông qua sử dụng các nền tảng mạng xã hội và ứng dụng Thanh niên Việt Nam của tổ chức Đoàn để đăng tải video ngắn, livestream các buổi hội thảo, tọa đàm về chủ quyền biển, đảo. Xây dựng các chiến dịch hashtag, thử thách đăng bài viết về biển, đảo để thu hút sự tham gia của đông đảo thanh niên. Bên cạnh đó, phối hợp với các công ty công nghệ xây dựng nội dung thông qua các ứng dụng hoặc trò chơi tương tác về chủ quyền biển, đảo.
Thứ tư, về đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị phục vụ đổi mới nội dung tuyên truyền.
Các cấp bộ Đoàn phối hợp với hệ thống các Bảo tàng cấp Trung ương và địa phương xây dựng các trung tâm tuyên truyền; bảo tàng hoặc khu tưởng niệm về chủ quyền biển, đảo với các khu vực chức năng: Phòng triển lãm (trưng bày bản đồ, tài liệu lịch sử, hiện vật về biển, đảo); Không gian số hóa (ứng dụng công nghệ VR/AR để tái hiện lịch sử và cảnh quan biển, đảo); Thư viện điện tử (cung cấp tài liệu, video, hình ảnh trực tuyến cho thanh niên tra cứu). Bên cạnh đó, cần cải tạo nhà văn hóa thanh niên ở các địa phương thành các điểm tuyên truyền chủ quyền biển, đảo, trong đó tích hợp thêm công nghệ trình chiếu hiện đại.
Trang bị bộ thiết bị cơ động như máy chiếu mini, loa di động, laptop, micro không dây và tài liệu trực quan để đội ngũ cán bộ Đoàn có thể tổ chức các buổi tuyên truyền linh hoạt về chủ quyền biển, đảo cho thanh niên. Đầu tư máy quay, phần mềm đồ họa để sản xuất video, infographic chất lượng cao để tuyên truyền trên mạng xã hội.
Phối hợp với Bộ Quốc phòng xây dựng các trạm thanh niên hoặc nhà văn hóa thanh niên tại các đảo tiền tiêu như Cô Tô, Bạch Long Vỹ, Lý Sơn, quần đảo Trường Sa... Phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông nâng cấp hệ thống kết nối Internet tốc độ cao để tổ chức các chương trình giao lưu trực tuyến giữa thanh niên đất liền và hải đảo.
Huy động nguồn tài trợ để đầu tư các thiết bị hiện đại như máy chiếu, máy tính bảng và tài liệu truyền thông. Huy động nguồn lực xã hội cho các chuyến “Hành trình vì biển, đảo quê hương”. Đầu tư tàu, phương tiện di chuyển an toàn, tiện nghi để tổ chức các chuyến thăm thực tế cho thanh niên.
Thứ năm, về tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, có chế độ chính sách hợp lý đối với đội ngũ cán bộ tuyên truyền của Đoàn.
Cán bộ Đoàn cần được trang bị kiến thức đầy đủ, chuyên sâu về chủ quyền biển, đảo cũng như kỹ năng truyền tải phù hợp với đặc điểm của thanh niên. Xây dựng các chương trình đào tạo chính thức với chứng chỉ công nhận, giúp cán bộ có cơ hội phát triển trong tuyên truyền về chủ quyền, biển đảo cho thanh niên. Thường xuyên tổ chức các chương trình tọa đàm, hội thảo, tập huấn với sự tham gia của chuyên gia về chủ quyền biển, đảo để cán bộ Đoàn có kiến thức vững vàng, cập nhật và chính xác về tình hình biển, đảo của Việt Nam. Đồng thời, tạo điều kiện để đội ngũ cán bộ Đoàn có sự linh hoạt trong phương pháp tuyên truyền, tạo không gian cho các ý tưởng sáng tạo để tiếp cận thanh niên một cách hiệu quả và sinh động hơn.
Áp dụng chế độ phụ cấp phù hợp với tính chất đặc thù của công tác tuyên truyền, nhất là ở các địa bàn khó khăn. Đảm bảo các nguồn kinh phí hỗ trợ cho việc tổ chức các hoạt động tuyên truyền, bao gồm thiết bị công nghệ, tài liệu, và công cụ làm việc hiện đại. Các cán bộ Đoàn hoàn thành tốt nhiệm vụ tuyên truyền chủ quyền biển, đảo cần được ưu tiên khi xét bổ nhiệm, khen thưởng. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ về nhà ở, bảo hiểm y tế và các chính sách phúc lợi khác cho cán bộ Đoàn làm việc lâu dài trong lĩnh vực tuyên truyền, đặc biệt ở vùng biển, đảo./.
ThS. NGUYỄN VĂN QUÝ - Viện Nghiên cứu Thanh niên
_____________________
(1) Văn phòng Trung ương Đảng: Văn kiện Hội nghị lần thứ tám Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, H, 2018, tr.104 -105.
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn