Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới

Thứ ba - 17/12/2024 09:06

Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ rõ: “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam, đó là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu” (1). Để thực hiện được mục tiêu này, yêu cầu phải đổi mới mạnh mẽ phương thức lãnh đạo, năng lực cầm quyền của Đảng trong mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ.

Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới

1. Nhận thức về Đảng cầm quyền và năng lực cầm quyền của Đảng 

“Đảng cầm quyền” là khái niệm dùng trong khoa học chính trị, chỉ một đảng chính trị đại diện cho một giai cấp đang nắm giữ và lãnh đạo chính quyền để điều hành, quản lý đất nước nhằm thực hiện lợi ích của giai cấp mình. Đối với Đảng Cộng sản Việt Nam, khái niệm “Đảng cầm quyền” là để chỉ vai trò của Đảng khi đã giành được chính quyền; cũng có nghĩa là Đảng lãnh đạo khi đã có chính quyền; Đảng lãnh đạo xã hội thông qua chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội.

Trong Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Đảng ta là một đảng cầm quyền”. Trong Điều lệ Đảng được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng thông qua đã khẳng định: “Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền”. Đại hội XII của Đảng đề ra yêu cầu: “Tiếp tục tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận về đảng cầm quyền, xác định rõ mục đích cầm quyền, phương thức cầm quyền, nội dung cầm quyền, điều kiện cầm quyền; vấn đề phát huy dân chủ trong điều kiện một đảng duy nhất cầm quyền; các nguy cơ cần phải phòng ngừa đối với một đảng cầm quyền”(2)  Đại hội XIII của Đảng nhấn mạnh: “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy của Đảng và hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, đồng bộ với đổi mới kinh tế, văn hóa, xã hội, con người…, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng”(3). Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: “ Thực hiện nghiêm phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, tuyệt đối không để xẩy ra bao biện, làm thay hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng” (4).  

Năng lực cầm quyền của Đảng là năng lực giữ chính quyền nhà nước, sử dụng quyền lực nhà nước hợp lý để đề ra được chủ trương, đường lối, mục tiêu phát triển đúng đắn, lãnh đạo nhà nước và nhân dân thực hiện được mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển của Đảng. Nói cách khác, năng lực cầm quyền của Đảng, chính là năng lực lãnh đạo nhà nước và xã hội nhằm xây dựng, phát triển đất nước theo con đường, mục tiêu mà Đảng đã xác định, được thực hiện thông qua đội ngũ cán bộ, đảng viên nắm giữ các vị trí lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, gắn kết với Nhân dân, phát huy sức mạnh và huy động, quy tụ được sự ủng hộ và góp sức của đông đảo quần chúng Nhân dân.

Năng lực cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam là những điều kiện cần và đủ để nâng cao khả năng thực hiện hiệu quả sự cầm quyền của Đảng, bao gồm: nâng cao khả năng nắm, giữ chính quyền; nâng cao khả năng phát huy vai trò của vị thế cầm quyền của Đảng; nâng cao khả năng sử dụng quyền tác động đối với hoạt động của Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội - nghề nghiệp, các tổ chức xã hội và Nhân dân theo chủ trương, quan điểm của Đảng nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh chính trị, đường lối, nghị quyết của Đảng trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Những điều kiện cần và đủ để Đảng Cộng sản Việt Nam có khả năng nâng cao năng lực cầm quyền bao gồm: phẩm chất chính trị, đạo đức; năng lực hoạch định đường lối, năng lực lãnh đạo; phong cách, lề lối làm việc; ý thức tổ chức, kỷ luật của đội ngũ cán bộ các cấp của Đảng, nhất là cán bộ cấp chiến lược; thái độ quan hệ với Nhân dân của Đảng, các tổ chức đảng và của cán bộ, đảng viên; hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng từ Trung ương đến cơ sở được tổ chức khoa học, có sức chiến đấu cao. Đây là những yếu tố cần thiết bảo đảm cho Đảng nắm, giữ chính quyền, phát huy vai trò, vị thế cầm quyền của Đảng trong xã hội; sử dụng hiệu quả quyền tác động đối với toàn bộ xã hội, nhằm thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, đường lối mà Đảng đã đề ra.

Nội dung năng lực cầm quyền của Đảng bao gồm:

- Năng lực xây dựng các định hướng, tầm nhìn: Cương lĩnh chính trị, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, các chiến lược quan trọng trong các ngành, lĩnh vực quan trọng một cách dài hạn, bài bản, khoa học và có tính khả thi cao.

- Năng lực lãnh đạo Nhà nước thể chế hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương của Đảng thành chính sách, pháp luật để làm cơ sở pháp lý tổ chức thực hiện trong toàn xã hội.

- Năng lực lãnh đạo sử dụng quyền lực của Nhà nước và phát huy vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, đường lối, chủ trương đã đề ra. Đây là vấn đề có tính quyết định, là thước đo thực tiễn năng lực cầm quyền của Đảng.

- Năng lực lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục và quản lý cán bộ, đảng viên, nhằm bảo đảm năng lực, đạo đức cách mạng, đạo đức công vụ và phong cách của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong hệ thống chính trị có đủ năng lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công.

- Năng lực tiến hành công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết thực tiễn một cách thường xuyên, liên tục và thực chất để không ngừng bổ sung, phát triển, hoàn thiện Cương lĩnh, đường lối lãnh đạo của Đảng.

- Năng lực quy tụ, gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát huy được sức mạnh của mọi tầng lớp Nhân dân ở trong và ngoài nước, huy động được sự ủng hộ, chung sức của quần chúng Nhân dân trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng, phải nâng cao năng lực giữ vững vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với chính quyền nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước thực hiện Cương lĩnh, mục tiêu, tầm nhìn, định hướng phát triển mà Đảng đã xác định.

 2. Những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong mối quan hệ mật thiết giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ

Một là, nâng cao năng lực cầm quyền đối với Nhà nước trong thực hiện Cương lĩnh chính trị, mục tiêu, tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển bền vững đất nước.

Nâng cao năng lực ra quyết định, xác định đúng đắn mục tiêu, tầm nhìn chiến lược, định hướng phát triển bền vững đất nước thể hiện trong Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương, giữ vững vai trò lãnh đạo chính quyền Nhà nước và năng lực lãnh đạo Nhà nước trong việc thực hiện Cương lĩnh chính trị, đường lối, chủ trương mà Đảng đã đề ra. Để nâng cao năng lực cầm quyền, trước hết, Đảng phải nâng cao năng lực trí tuệ, bản lĩnh chính trị và tầm nhìn chiến lược trong hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng. Chủ trương, đường lối đúng đắn là phải phản ánh được quy luật vận động của thực tiễn chính trị đất nước, thể hiện được nguyện vọng, lợi ích chính đáng của nhân dân. Để thực hiện được điều đó phải quy tụ, thu hút được sự đóng góp trí tuệ của toàn thể nhân dân Việt Nam cả ở trong và ngoài nước, của các cơ quan nghiên cứu khoa học, đội ngũ các nhà khoa học lý luận và hoạt động thực tiễn, phát huy vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc và các thành viên của Mặt trận. Trong lãnh đạo Nhà nước phải thật sự dân chủ, khoa học, không bao biện, lấn sân làm thay Nhà nước; đồng thời, kiên quyết chống tình trạng lạm quyền, làm thay Nhà nước hoặc buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước. Thực hành dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ cương, kỷ luật trong Đảng và trong toàn xã hội. Kiên quyết xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm kỷ luật Đảng, vi phạm kỷ luật phát ngôn.

Hai là, nâng cao năng lực lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị về thể chế hóa, cụ thể hóa Cương lĩnh, đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng và nâng cao năng lực tổ chức thực hiện thắng lợi đường lối, chủ trương của Đảng trong thực tiễn.

Đảng phải thông qua Nhà nước, lãnh đạo Nhà nước để tổ chức lực lượng, xác lập bộ máy, cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện, đưa đường lối, chủ trương của Đảng vào cuộc sống. Đảng Cộng sản Việt Nam là đảng cầm quyền, song Đảng không trực tiếp thực hiện các quyền lực của cơ quan Nhà nước, mà là Đảng lãnh đạo các cơ quan nhà nước, các tổ chức trong hệ thống chính trị thể chế hóa, cụ thể hóa đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng, biến các chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng thành các chính sách, pháp luật, chiến lược, chương trình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và nâng cao đời sông của nhân dân. Đây là vấn đề rất quan trọng, thể hiện rõ vai trò, năng lực cầm quyền của Đảng. Đảng cầm quyền, lãnh đạo đất nước và xã hội chủ yếu thông qua vai trò của chính quyền nhà nước. Chính quyền nhà nước vững mạnh thì Đảng càng vững mạnh.

Ba là, nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.

Đảng lãnh đạo, cầm quyền để xây dựng nước Việt Nam “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vì hạnh phúc của Nhân dân. Việc nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng đòi hỏi Đảng phải lãnh đạo bảo vệ sự nghiêm minh của pháp luật, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm soát quyền lực, phòng, chống các nguy cơ đe dọa vai trò cầm quyền của Đảng. Để nâng cao năng lực kiểm tra, giám sát các cơ quan nhà nước trong việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối cần phát huy được vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên. Đồng thời, phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tham gia giám sát, phản biện xã hội các khâu trong tổ chức thực hiện, đưa chủ trương, đường lối của Đảng vào cuộc sống.

Kiểm soát quyền lãnh đạo của Đảng và quyền lực nhà nước là nguyên tắc cực kỳ quan trọng trong tổ chức quyền lực Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Khoản 3, Điều 2 Hiến pháp năm 2013 khẳng định: “Quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”. Do đó, cần hoàn thiện cơ chế kiểm soát quyền lực trong các tổ chức Đảng, các cơ quan nhà nước và các tổ chức của hệ thống chính trị, thể chế hóa vai trò của Nhân dân trong kiểm tra, giám sát các tổ chức Đảng, cơ quan Nhà nước, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Bốn là, tiếp tục đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội; tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân. 

Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước và xã hội phù hợp với tình hình mới theo định hướng tạo lập điều kiện và môi trường thuận lợi hơn để các thiết chế của bộ máy nhà nước năng động, sáng tạo, làm đúng, làm đủ nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm soát quyền lực nhà nước để kịp thời phòng, chống sự thao túng quyền lực của những người đứng đầu các cơ quan nhà nước, các tổ chức đảng. Tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội nhằm phát huy mạnh mẽ hơn nữa quyền làm chủ của Nhân dân; dân chủ phải thực sự trở thành động lực của sự phát triển xã hội trong kỷ nguyên mới.

Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân thực sự là một Nhà nước dân chủ, pháp quyền, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về Nhân dân. Tiếp tục nâng cao nhận thức, thực hiện đúng đắn nguyên tắc phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp để sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy nhà nước nhằm xây dựng một bộ máy nhà nước tinh gọn, mạnh, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh việc phân cấp, phân quyền, ủy quyền giữa chính quyền Trung ương và chính quyền các cấp ở địa phương theo Hiến pháp năm 2013 và các nghị quyết của Đảng. Xây dựng một Quốc hội mạnh và thực quyền về lập pháp, giám sát tối cao và quyết định các vấn đề trọng đại của đất nước; một chính phủ năng động, sáng tạo, quản lý nhà nước có hiệu lực, hiệu quả; một nền tư pháp vì công lý, vì quyền con người, quyền công dân.

Năm là, phát huy mạnh mẽ vai trò của Nhà nước, chính quyền các cấp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và Nhân dân tham gia nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. 

Đảng tăng cường vai trò lãnh đạo, phát huy đầy đủ hiệu lực quản lý của các cơ quan nhà nước; Cương lĩnh, đường lối đổi mới của Đảng cần được cụ thể hóa, thể chế hóa thành chính sách, pháp luật của Nhà nước. Chỉ khi bằng sức mạnh của Hiến pháp, pháp luật, chính sách của Nhà nước, đường lối phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa mới đi vào cuộc sống. Từ đó, các năng lực sản xuất trong xã hội mới được khơi dậy, phát huy để thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Những thành quả phát triển kinh tế - xã hội mới trở thành nền tảng vững chắc cho hệ thống chính trị. Nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng là để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của Đảng mà thực chất là phục vụ lợi ích của Nhân dân. Vì thế, đổi mới phương thức, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng để nhằm mục tiêu hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và chủ động, tích cực hội nhập quốc tế. Quan điểm dựa vào dân để xây dựng Đảng được thể hiện trước hết ở việc xây dựng đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước vì lợi ích của các tầng lớp nhân dân. Do vậy, việc phát huy vai trò của Nhân dân trong tham gia góp ý, đặc biệt là phản biện chính sách là cực kỳ quan trọng. Đây cũng là nét đặc biệt của thể chế chính trị có một đảng duy nhất cầm quyền. Đại diện Nhân dân không chỉ là Quốc hội, hội đồng nhân dân các cấp mà còn thông qua Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, phải đổi mới căn bản không chỉ phương thức lãnh đạo của Đảng đối với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội mà còn phải đổi mới căn bản tổ chức và hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội.

Khi có đường lối đúng của Đảng và pháp luật Nhà nước được ban hành thì Nhân dân phải tham gia tích cực, có hiệu quả công tác giám sát việc thực thi. Điều này đòi hỏi phương thức cầm quyền của Đảng phải đổi mới mạnh mẽ hơn nữa trong hoàn thiện hệ thống thể chế để Nhân dân tham gia thuận lợi, khả thi, hiệu lực và hiệu quả trong giám sát thực thi quyền lực mà chính Nhân dân trao cho Nhà nước. Đó là đòi hỏi của đổi mới phương thức cầm quyền, nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng và yêu cầu thể chế hóa cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ” trong thời kỳ mới một cách có hiệu lực, hiệu quả.

Sáu là, tiếp tục hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, phát huy quyền làm chủ thực sự của Nhân dân

Để làm chủ trở thành mục tiêu và động lực của sự phát triển xã hội, đòi hỏi Đảng và Nhà nước phải thật sự dân chủ trong tổ chức và hoạt động của mình và đặc biệt phải tiếp tục tạo lập môi trường và điều kiện để Nhân dân thực sự làm chủ trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong mọi hoạt động, Đảng và Nhà nước phải luôn phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của Nhân dân; tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội. “Đặc biệt, các cơ quan nhà nước cần phải đề cao vai trò chủ thể, vị trí trung tâm của Nhân dân trong chiến lược phát triển đất nước” (5).  Đảng và Nhà nước phải thực sự tạo điều kiện và môi trường để Nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình bằng các chủ trương, chính sách, pháp luật cởi mở, thân thiện, dễ dàng trong việc thực hiện các quyền dân chủ cơ bản của công dân. Trong đó, cần xây dựng Luật Giám sát của Nhân dân. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội nâng cao nhận thức, thực hiện mạnh mẽ, thực chất chức năng giám sát và phản biện xã hội, coi đó là phương tiện của những tổ chức đại diện Nhân dân kiểm soát trước và sau đối với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đảng và Nhà nước thực sự coi đó là phương thức khắc phục những khiếm khuyết trong hoạt động của hệ thống chính trị nhất nguyên, bảo đảm tính hiệu quả, thiết thực trong việc phát huy dân chủ, đi đôi với giữ vững kỷ cương, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa để Nhân dân thực sự là chủ nhân của đất nước. Lợi ích, sức mạnh của đất nước đồng nhất với lợi ích, sức mạnh của Nhân dân. Sức mạnh, vai trò của Đảng, Nhà nước là bảo vệ và phục vụ Nhân dân.

Bảy là, tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của Đảng, của hệ thống chính trị tinh gọn, mạnh hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. 

Hệ thống tổ chức bộ máy của Đảng cần phải không ngừng được hoàn thiện cho phù hợp với hoàn cảnh và nhiệm vụ của Đảng trong thời kỳ mới. Sắp xếp tổ chức, bộ máy, biên chế cơ quan Đảng; điều chỉnh, bổ sung và quy định cụ thể, hợp lý hơn chức năng, nhiệm vụ, phương thức hoạt động của mỗi tổ chức; tăng cường tính chủ động, sáng tạo, tự chịu trách nhiệm của mỗi cấp. Tổ chức, bộ máy của Nhà nước và các tổ chức khác trong hệ thống chính trị được đổi mới, kiện toàn là nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị để thực hiện thắng lợi đường lối đổi mới của Đảng. Xây dựng cơ chế, quy chế phối hợp trên cơ sở phân định rành mạch chức năng, nhiệm vụ giữa Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội. Trên cơ sở đó có sự phân công, ràng buộc trách nhiệm cụ thể, giám sát lẫn nhau giữa cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, tạo sự vận hành đồng bộ, thông suốt của hệ thống chính trị, mở rộng và phát huy dân chủ trong xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Do đó, việc đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả là đòi hỏi bức thiết của tình hình thực tiễn hiện nay; được cán bộ, đảng viên và nhân dân mong chờ, đón nhận với sự ủng hộ mạnh mẽ trong toàn xã hội. Đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh: Đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, là cuộc cách mạng về tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, phải thực hiện với quyết tâm cao nhất, hành động quyết liệt của cả hệ thống chính trị. Các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành, trước hết là cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu cần gương mẫu, chủ động trong thực hiện nhiệm vụ được giao; xác định những nội dung công việc ưu tiên và phối hợp nhịp nhàng trong triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện phải bám sát các nguyên tắc của Đảng, Cương lĩnh chính trị, điều lệ Đảng, Hiến pháp, pháp luật và thực tiễn đặt ra” (6).

Tám là, xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, phong cách và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ 

Cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược cần phải bảo đảm đủ tiêu chuẩn, có bản lĩnh chính trị vững vàng, gương mẫu về đạo đức cách mạng, đạo đức và văn hóa công vụ, có lối sống trong sạch, giản dị, tiêu biểu về trí tuệ, có năng lực chỉ đạo thực tiễn, có uy tín trong Đảng và trong Nhân dân, thật sự “trọng dân, gần dân, tin dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân, nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Có được đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín thì năng lực lãnh đạo, cầm quyền và sức chiến đấu của Đảng được nâng cao, việc tổ chức thực hiện, đưa đường lối của Đảng vào cuộc sống sẽ có hiệu quả thiết thực, bảo đảm cho đất nước phát triển nhanh và bền vững.

Lựa chọn được những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, uy tín tốt là vấn đề hết sức quan trọng trong việc nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng. Kiên quyết không để lọt những cán bộ chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, lợi ích nhóm, thiếu tôn trọng dân, xa dân, quan liêu, hách dịch, độc đoán, gia trưởng vào các vị trí lãnh đạo trong các cơ quan Đảng, Nhà nước. Kiên quyết xử lý nghiêm minh những cán bộ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, giữ nghiêm kỷ luật, kỷ cương của Đảng. Đồng thời, quan tâm bồi dưỡng, cất nhắc đề bạt và bảo vệ những cán bộ dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, và dám hành động vì lợi ích chung. Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu: “Đổi mới mạnh mẽ công tác tuyển dụng, đào tạo, đề bạt, bổ nhiệm, luân chuyển, điều động, đánh giá cán bộ theo hướng thực chất, vì việc tìm người, trên cơ sở sản phẩm cụ thể đo điếm được, không có vùng cấm, không có ngoại lệ trong đánh giá cán bộ. Có cơ chế hữu hiệu để sàng lọc, đưa ra khỏi vị trí công tác đối với những người không đủ phẩm chất, năng lực, uy tín và sử dụng đối với người có năng lực nổi trội” (7).

Thước đo năng lực cầm quyền của Đảng là ở chỗ: kinh tế của đất nước phát triển bền vững; chính trị ổn định, đời sống nhân dân ngày càng được nâng cao, ấm no, hạnh phúc; văn hóa, xã hội, con người ngày càng văn minh, tiến bộ; quốc phòng, an ninh vững mạnh, đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu, thực chất. Đạo đức, lối sống trong sạch của đội ngũ cán bộ, đảng viên sẽ là những tấm gương cho nhân dân noi theo, đồng thời cũng có sức cảm hóa, lôi cuốn, thu hút quần chúng đi theo Đảng; Đảng sẽ tiếp tục được Nhân dân suy tôn là lực lượng duy nhất cầm quyền; Đảng sẽ cuốn hút, quy tụ được hết thảy Nhân dân đi theo Đảng, thực hiện thắng lợi Cương lĩnh, chủ trương, đường lối của Đảng, Đảng sẽ hoàn thành sứ mệnh vẻ vang của Đảng cầm quyền. Năng lực, phong cách làm việc khoa học, sâu sát thực tiễn của cán bộ, đảng viên góp phần quan trọng nâng cao năng lực cầm quyền của Đảng trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam phát triển giàu mạnh, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc, vững bước đi lên xã hội chủ nghĩa.

 

 TS. Nguyễn Văn Hùng - Hội đồng Lý luận Trung ương

____________________

 (1,4) Xem chuyên đề về kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam của Tổng Bí thư Tô Lâm, tại Học viện CTQGHCM, ngày 31/10/2024.

 (2) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII. Văn phòng Trung ương Đảng, H., 2016, tr.217.

  (3) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H., 2021, tr.185.

  (5) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, NXB Chính trị quốc gia sự thật, H., 2021, tr.173.

  (6, 7) Xem bài phát biếu của Tổng Bí thư Tô Lâm, ngày 19/11/2024, tại phiên họp thứ nhất, Ban Chỉ đạo Tổng kết Nghị quyết số 18 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả”

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: hdll.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 185 trong 37 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 37 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây