Xây dựng ‘Thế trận lòng dân’ trên không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Thứ năm - 13/02/2025 09:12

Xây dựng “thế trận lòng dân” là chủ trương lớn của Đảng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư đang diễn ra mạnh mẽ, sự phát triển bùng nổ của mạng internet, các mạng xã hội, không gian mạng là môi trường chiến lược,“vùng lãnh thổ đặc biệt” của Tổ quốc.

Xây dựng ‘Thế trận lòng dân’ trên không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng hiện nay

Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, chủ quyền quốc gia trên không gian mạng cũng vì thế đang đặt ra nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi phải phát huy sức mạnh tổng hợp, xây dựng “thế trận lòng dân trên không gian mạng” vững chắc là nội dung cấp bách hiện nay.

1. Thế trận lòng dân trên không gian mạng và vị trí, vai trò trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư tác động sâu sắc mọi mặt của đời sống xã hội, tạo ra nhảy vọt của công nghệ, thông tin, hình thành nên kỷ nguyên số, môi trường không gian mạng. Trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng, không gian mạng đã trở thành môi trường tác chiến thứ tư, bên cạnh môi trường tác chiến trên bộ, trên không, trên biển. Các cuộc tấn công mạng có chiều hướng ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô ảnh hưởng, gây ra những hậu quả, thiệt hại nặng nề cho chủ thể bị tấn công. Không gian mạng cũng là môi trường chính bị các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị, phản động lợi dụng, một bộ phận “cư dân mạng” thiếu trách nhiệm công dân hoạt động làm phân dã nhân tâm, niềm tin, lòng yêu nước, tinh thần tự tôn, tự hào dân tộc, ý chí, khát vọng độc lập tự do, tinh thần đoàn kết, đồng thuận xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Khi xem xét, nghiên cứu về “thế trận lòng dân” trên không gian mạng, có thể thấy một số vấn đề mang tính lý luận sau đây:

Thứ nhất, về nội hàm, Theo Điều 2 - Luật An ninh mạng, “không gian mạng là mạng lưới kết nối của cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính, hệ thống thông tin, hệ thống xử lý và điều khiển thông tin, cơ sở dữ liệu; là nơi con người thực hiện các hành vi xã hội không bị giới hạn bởi không gian và thời gian”[1]. Trên cơ sở không gian mạng, các nền tảng internet, mạng xã hội được hình thành, phát triển. Khi đề cập đến “thế trận lòng dân”, Sách trắng Quốc phòng Việt Nam khẳng định: “Thế trận lòng dân” biểu hiện ở lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, nhân dân và chế độ XHCN; lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc, sự đồng thuận, tin tưởng tuyệt đối của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước; vững tin vào thắng lợi của sự nghiệp đổi mới và chế độ XHCN ở Việt Nam, vào khả năng và sức mạnh tổng hợp của đất nước, sức mạnh vô địch của nhân dân và của khối đại đoàn kết toàn dân tộc”[2]. Như vậy, “thế trận lòng dân” là lòng yêu nước, tinh thần đoàn kết, ý chí chiến đấu, phấn đấu của toàn dân tộc được quy tụ, tập hợp, khơi dậy, phát huy, tạo cơ sở vững chắc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân..

Từ cách tiếp cận mang tính cơ sở nêu trên, có thể hiểu, thế trận lòng dân trên không gian mạng là trạng thái, sức mạnh tinh thần của nhân dân, của dân tộc thể hiện lòng yêu nước, khát vọng độc lập tự do, phát triển đất nước, ý chí, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận của nhân dân trên môi trường không gian mạng trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xây dựng thế trận lòng dân trên không gian mạng là tổng thể các hoạt động của các chủ thể trong việc quy tụ, khơi dậy, phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của nhân dân, của dân tộc thể hiện qua lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, phát triển đất nước, ý chí, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, sự đồng thuận của nhân dân trên môi trường không gian mạng, tạo cơ sở chuyển hóa thành hành động thực tiễn thực hiện thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Thứ hai, về nội dung, xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng, theo chúng tôi bao gồm: (1). Xây dựng, tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước dân tộc Việt Nam, ý chí tự cường, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước của nhân dân. (2). Xây dựng, củng cố niền tin, mối quan hệ gắn bó máu thịt của Nhân dân với Đảng, Nhà nước. (3). Xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết dân tộc, phát huy sức mạnh thời đại, xây dựng, thực hiện “giữ vững bên trong là chính”, “trong ấm, ngoài êm”, bảo đảm thắng lợi bền vững trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. (4). Xây dựng niềm tin, ý thức, trách nhiệm, sự tham gia của nhân dân với vai trò là chủ thể trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh trên không gian mạng. (5). Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, hệ thống chính trị trong việc quy tụ, huy động, phát huy vai trò của cán bộ, đảng viên, nhân dân, hình thành thế trận lòng dân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên không gian mạng.

Thứ ba, về phương châm, nguyên tắc, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống” trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng. Khơi dậy, quy tụ, phát huy sức mạnh “lòng dân”, coi trọng việc phòng ngừa, ngặn chặn, vô hiệu hóa từ xa, từ sớm nguy cơ, yếu tố hoạt động tác động, gây chia rẽ, phân tâm, làm rối loạn lòng dân, phá hoại nền tảng tư tưởng của Đảng, khối đại đoàn kết toàn dân tộc, quan hệ gắn bó máu thịt giữa Nhân dân với Đảng và Nhà nước.

Thứ tư, về vai trò, thực hiện Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Đảng về Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới, xây dựng, phát huy “thế trận lòng dân” trên không gian mạng có vị trí, vai trò rất quan trọng quan trọng, thể hiện: Góp phần củng cố và tăng cường niềm tin khoa học vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; giữ vững sự đoàn kết, thống nhất, sự đồng thuận xã hội và niềm tin của nhân dân với Đảng, ngăn chặn đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ; đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn và hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên không gian mạng; góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị thật sự trong sạch, vững mạnh, phát huy sức mạnh toàn dân tộc, đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, bảo vệ vững chắc Tổ quốc, giữ vững môi trường hoà bình ổn định, phát triển nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Xây dựng “thế trận lòng dân” là chủ trương lớn của Đảng trong chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Đây là sự kết tinh, kế thừa, phát huy truyền thống dân tộc, phát triển sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của nhân dân, tư tưởng “lấy dân làm gốc” và kinh nghiệm, bài học lịch sử quý báu của cha ông được bồi đắp, tổng kết từ thực tiễn lịch sử dụng nước, giữ nước, đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. “Thế trận lòng dân” là sức mạnh nội sinh, tạo “thành trì” bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.

2. Xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng Đảng - một số vấn đề đặt ra hiện nay

Trong những năm vừa qua, nhất là từ khi khực hiện Nghị quyết Đại hội XIII, Nghị quyết 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 của Đảng về “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới”, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần củng cố niềm tin nhân dân vào vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước, chế độ XHCN và con đường đi lên CNXH ở nước ta, đảm bảo an ninh chính trị, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng có thể thấy một số vấn đề đặt ra sau đây:

Một là, mặc dù quan điểm về “thế trận lòng dân” chính thức được Đảng ta đề cập từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, song cho đến nay việc nghiên cứu, luận giải một cách thấu đáo, hệ thống để xác lập về mặt nhận thức, luận cứ khoa học xác đáng về “thế trận lòng dân” trên không gian mạng, xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng làm cơ sở cho việc hoạch địch chủ trương, chính sách cũng như định hướng cho hoạt động thực tiễn còn chưa đầy đủ, thống nhất, mặc dù đã có một số tiếp cận bước đầu, ở những góc độ khác nhau.

Hai là, việc tuyên truyền, giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy chủ nghĩa yêu nước dân tộc Việt Nam, ý chí tự cường, tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc, khát vọng phát triển đất nước của nhân dân trên không gian mạng chưa được chú trọng. Sự phối hợp của các cơ quan chức năng thiếu chặt chẽ, các hình thức tuyên truyền, giáo dục chưa có sự đa dạng, linh hoạt. Chưa thật sự tạo mạng lưới, hệ thống chặt chẽ nhằm nâng cao nhật thức chính trị, tạo thành “sức đề kháng”, “miễn nhiễm” trước quan điểm sai trái, thù đích cũng như kỹ năng nhận diện thông tin xấu, độc, thật, giả trên không gian mạng vốn hỗn loạn, đa chiều lẫn lộn.

Ba là, sự thiếu nhất quán về nhận thức, sự phân tâm, phân tán về tư tưởng trong một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân và cộng đồng “cư dân mạng”. Thực tế một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực…là nguyên nhân làm giảm sút niềm tin của Nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ. Các thế lực thù địch đẩy mạnh hoạt động chống phá, phủ nhận, xuyên tạc nền tảng tư tưởng của Đảng, phá hoại niềm tin của nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Những vụ việc tiêu cực, hạn chế, thiếu sót bị lợi dụng xuyên tạc, thổi phòng, phát tán rộng rãi, thường xuyên đã và đang gây phân tâm, lo lắng trong một bộ phận tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên, giới trẻ. Điều đáng ngại là thông tin xấu độc, sai trái, thù địch trên không gian mạng hằng ngày, hàng giờ tiêm nhiễm, phân rã niềm tin, phân hóa, phai nhạt lý tưởng, thúc đẩy sự hoài nghi, “sám hối”, “trở cờ”, quay đầu với học thuyết Mác - Lênin, mục tiêu, con đường đi lên CNXH, vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, chạy theo những học thuyết, trào lưu, trường phái, xu hướng...sa vào đề cao cái tôi cá nhân, văn hóa, lối sống vị kỷ, vật chất, hưởng thụ.

Bốn là, ý thức, trách nhiệm, sự tham gia của nhân dân, cán bộ, đảng viên với vai trò là chủ thể trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái thù địch, “thấy đúng phải bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh” trên không gian mạng phát huy chưa cao. Còn có tình trạng một bộ phận cán bộ, đảng viên, nhân dân khi tham gia không gian mạng có thái độ bàng quan, thờ ơ, né tránh, thấy đúng không bảo vệ, thấy sai không lên tiếng, chưa phát huy hết ý thức, trách nhiệm. Thông tin chính thống, báo chí bị mạng xã hội lấn át, các cơ quan báo chí đội ngũ chuyên trách về vấn đề này ít, chưa được đào tạo chuyên sâu về lý luận chính trị, khó khăn trong việc đấu tranh, phản bác, bài thiếu sắc bén, thuyết phục, chưa chú trọng thực hiện bảo vệ nền tảng tư tưởng trên môi trường mạng xã hội theo yêu cầu đặt ra.

Năm là, thiếu cơ chế, gắn kết, phối hợp lực lượng, lực lượng chuyên trách trong tổ chức, xây dựng, phát huy “thế trận lòng dân” trên không gian mạng trong đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Sự lúng túng của các lực lượng trong xử lý các tình huống của cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng, bảo vệ đảng, nhà nước, nhân dân và chế độ trên môi trường mạng xã hội ở Việt Nam hiện nay. Công tác phòng ngừa chưa thật sự chủ động. Việc ngăn chặn các tài khoản, website, blog có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước chưa hiệu quả. Công tác phát hiện hoạt động sử dụng không gian mạng tuyên truyền chống Nhà nước còn bất cập; việc thu tin, chính xác về đối phương còn hạn chế.

Sáu là, sự phát triển quá nhanh của khoa học công nghệ nhất là internet, mạng xã hội trong khi việc ứng dụng khoa học công nghệ trong cuộc đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn nhiều bất cập. Sự phát triển nhanh chóng, bùng nổ các mạng xã hội của các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới như các mạng xã hội[3]: Facebook, Twitter, Instagram, YouTube, TikTok... trong khi khoa học, công nghệ, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ ở nước ta trong việc rà quét, phát hiện, ngăn chặn, xử lý thông tin xấu độc, sai trái, thù địch, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng còn hạn chế. Một bộ phận “cư dân mạng” thiếu nhận thức, kỹ năng và trách nhiệm về an ninh mạng, chưa biết cách bảo vệ thông tin cá nhân và tổ chức trên mạng, thiếu kỹ năng nhận diện, đấu tranh phản bác thông tin sai trái, thù địch, tiêu cực trên mạng xã hội; thiếu nguồn lực và cơ sở vật chất cho công tác an ninh mạng.

3. Một số giải pháp xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng bảo vệ nền tảng tư tưởng hiện nay

Dự báo trong thời gian tới, công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh chống quan điểm sai trái, thù địch còn nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, sự phát triển cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ Tư, sự bùng nổ thông tin, mạng xã hội toàn cầu, những vấn đề nảy sinh từ mặt trái của nền kinh tế thị trường; các thế lực thù địch, phản động ngày càng đẩy mạnh hoạt động chống phá với phương thức, thủ đoạn mới tinh vi hơn... Thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về: “Xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân”[4], xây dựng “thế trận lòng dân trên không gian mạng bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch cần chú trọng vào một số nội dung, giải pháp sau đây:

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của nhà nước và vai trò làm chủ của nhân dân trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp, cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của “thế trận lòng dân” trên không gian mạng trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị, trách nhiệm nêu gương, người đứng đầu trong việc tổ chức, hoạt động, huy động nhân dân với vai trò là “cộng đồng mạng”, “cư dân mạng” tạo thành “thế trận” thông tin trên không gian mạng để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.

Hai là, đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho các cán bộ, đảng viên, nhân dân trong việc giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, khơi dậy lòng yêu nước, lịch sử truyền thống, lòng tự tôn, tự hào dân tộc, thành tựu của công cuộc đổi mới, niềm tin của nhân dân vào con đường đi lên CNXH, tạo cơ sở xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc trên không gian mạng. Khi dân hiểu, tin yêu, ủng hộ, đồng thuận, sẽ nghe theo, làm theo. Qua đó nâng cao nhận thức, hình thành “sức đề kháng”, “miễn nhiễm” đối với quan điểm sai trái, thù địch, nâng cao ý thức, tình cảm, thái độ, hành động trong việc bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác quan điểm sai trái, thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội xã hội chủ nghĩa.

Ba là, tăng cường công tác phối hợp, hiệp đồng giữa các lực lượng trong xây dựng “thế trận lòng dân” trên không gian mạng. Đa dạng hóa hình thức, nội dung bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên không gian mạng. Tạo thành hệ thống, mạng lưới truyền thông, thông tin tích cực, chủ động vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn phá hoại, kịp thời đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng. Áp dụng các nền tảng mạng xã hội; đổi mới nội dung, phương thức, hình thức đấu tranh phản bác trên mạng xã hội, phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực, đảm bảo tính định hướng dư luận, sắc bén, thuyết phục trong đấu tranh, phản bác. Thực hiện tốt phương châm “chủ động, nhạy bén, kịp thời, hiệu quả”, tăng cường thông tin, điển hình tiên tiến “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực để đẩy lùi tiêu cực”, đấu tranh phản bác với cái xấu, độc, quan điểm sai trái, thù địch.

Bốn là, phát huy vai trò của cơ quan báo chí, truyền thông trên không gian mạng. Xây dựng lực lượng, đội ngũ nhà báo, phóng chuyên sâu, chuyên nghiệp. Đổi mới nội dung và hình thức tuyên truyền, tăng cường số lượng, chất lượng các chương trình, chuyên mục, tuyến bài viết bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, nâng cao tính đấu tranh, phản bác, tính chiến đấu trên cơ sở lý luận, thực tiễn, luận cứ sắc xảo, có giá trị định hướng tư tưởng, nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin của nhân dân. Hệ thống báo chí tăng cường ứng dụng các nền tảng mạng xã hội, có trọng tâm, trọng điểm, kết hợp tốt giữa “xây” và “chống”, chủ động thông tin tích cực trên không gian mạng, lan toả giá trị cuộc sống, lẽ phải, lên án cái xấu, cái ác, cái sai, “thấy đúng thì bảo vệ, thấy sai phải đấu tranh”.

Năm là, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ chủ quyền quốc gia, môi trường thông tin lành mạnh trên không gian mạng. Hoàn thiện, nâng cao năng lực bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng của lực lượng chuyên trách; hiện đại hoá phương tiện, cơ sở vật chất, khoa học, công nghệ, nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước trên không gian mạng. Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng. Đưa luật An ninh mạng thật sự là công cụ hữu hiệu, điều chỉnh hành vi trên không gian mạng. Tuyên truyền, phổ biến nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân chấp hành pháp luật, ý thức bảo vệ không gian mạng; tích cực đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, xuyên tạc, chống phá của các thế lực thù địch, sẽ góp phần xây dựng môi trường thông lành mạnh, phục vụ yêu cầu phát triển đất nước.

Nguyễn Trung Hiếu - Học viên khoá D7, ngành Xây dựng Đảng và Chính quyền Nhà nước, Học viện Chính trị Công an Nhân Dân

_____________
[1] Quốc hội khóa XIV: Luật An ninh mạng, Điều 2, ngày 12/6/2018.

[2] Bộ Quốc phòng (2019), Quốc phòng Việt Nam 2019 (Sách trắng Quốc phòng Việt Nam), Nxb Chính trị quốc gia sự thật, H. 2019, tr.49.

[3] Theo Dữ liệu quảng cáo từ Meta cho thấy, Facebook có 66,20 triệu người dùng; YouTube có 63,00 triệu người dùng; Instagram có 10,35 triệu người dùng; LinkedIn có 4,20 triệu người; Twitter có có 4,10 triệu người dùng.

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, t1, Nxb chính trị quốc gia sự thật, 2021, tr.157.

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: vietnamhoinhap.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 220 trong 44 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 44 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây