Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Chiều 4/7, tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, trả lời câu hỏi về phản ứng của Việt Nam đối với Báo cáo tình hình tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ, trong đó Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng nêu rõ mặc dù đã ghi nhận một số tiến bộ của Việt Nam trong bảo vệ và thúc đẩy tự do tôn giáo, tín ngưỡng, song Báo cáo thường niên về tự do tôn giáo quốc tế năm 2023 của Bộ Ngoại giao Mỹ vẫn đưa ra những nhận định thiếu khách quan dựa trên những thông tin chưa được kiểm chứng và không chính xác về tình hình thực tế tại Việt Nam.
Theo bà Phạm Thu Hằng, Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Mỹ về các vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở và tôn trọng lẫn nhau về những vấn đề còn khác biệt, qua đó đóng góp vào việc thúc đẩy quan hệ Đối tác Chiến lược toàn diện Việt Nam - Mỹ.
Trước tiên, cần khẳng định rằng tại Việt Nam, không có ai bị phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo tín ngưỡng và các hoạt động của các tổ chức tôn giáo được bảo đảm theo đúng các quy định của pháp luật. Là một quốc gia đa dân tộc, đa tôn giáo với đời sống tín ngưỡng, tôn giáo phong phú, Nhà nước Việt Nam luôn thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, quyền theo hoặc không theo tôn giáo của người dân, bảo đảm sự bình đằng, không phân biệt đối xử vì lý do tôn giáo, tín ngưỡng, bảo hộ hoạt động của các tổ chức tôn giáo bằng pháp luật. Các quyền này được ghi nhận trong Hiến pháp 2013, Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016 và các văn bản quy phạm pháp luật liên quan và được bảo đảm, tôn trọng trên thực tế.
Tự do tôn giáo ở Việt Nam - sự thật không thể phủ nhận
Các thành tựu về đảm bảo quyền con người tại Việt Nam được quốc tế đánh giá tích cực. Tại phiên đối thoại về Báo cáo quốc gia của Việt Nam theo Cơ chế Rà soát định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ IV của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc (LHQ) tại Geneva, Thụy Sĩ, tháng 5 vừa qua, nhiều nước đã ghi nhận và đánh giá cao chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người, trong đó có tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng. Các nước hoan nghênh các thành tựu của Việt Nam về phát triển kinh tế, bảo đảm công bằng xã hội, đẩy mạnh giáo dục nâng cao nhận thức về quyền con người, thúc đẩy quyền phụ nữ, quyền của nhóm đồng tính, song tính và chuyển giới, quyền của người dân tộc thiểu số.
Trong cuộc làm việc với lãnh đạo Việt Nam năm ngoái, Giáo hoàng Francis và Thủ tướng Tòa thánh, Hồng y Pietro Parolin đã bày tỏ ấn tượng trước sự phát triển tích cực, đa dạng, phong phú của đời sống tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam, trong đó có Công giáo; nhất trí cho rằng Giáo hội Công giáo Việt Nam cần tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa đường hướng “đồng hành cùng dân tộc”, “giáo dân tốt là công dân tốt”, đồng thời giáo dân và chức sắc Công giáo tại Việt Nam cần tiếp tục đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển của đất nước và Giáo hội.
Trong bài viết “Nhân quyền ở Việt Nam: Sự thật hơn lời nói”, tác giả Moisés Pérez Mok, Trưởng Cơ quan thường trú của Hãng thông tấn Mỹ Latinh Prensa Latina tại Hà Nội, khẳng định những tiến bộ không thể phủ nhận mà Việt Nam đạt được nhờ thực hiện nhất quán chính sách thúc đẩy và bảo vệ quyền con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng, cho tất cả người. Theo nhà báo Moisés Pérez Mokt, quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, cũng như quyền tiếp cận thông tin tại Việt Nam được đảm bảo. Sau 26 năm kết nối Internet, Việt Nam đã có hệ thống công nghệ viễn thông hiện đại với độ phổ cập cao. Tính đến tháng 9/2023, Việt Nam có 78 triệu người sử dụng Internet, tăng 21% so với số thuê bao năm 2019. Số thuê bao băng rộng di động là 86,6 triệu thuê bao, tăng 38%. Hiện có khoảng 72.000 hội hoạt động ở Việt Nam thường xuyên, tích cực tham gia đóng góp vào xử lý các vấn đề kinh tế, xã hội quan trọng của đất nước.
Nhà báo kỳ cựu của Prensa Latina nêu rõ Việt Nam tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo, cũng như quyền được lập hội, vốn là các quyền được thiết lập kể từ khi thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1945 và được nêu rõ trong Hiến pháp 2013. Cả nước Việt Nam có tới 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo khác nhau hoạt động, với 26,7 triệu tín đồ, gần 60.000 chức sắc và 30.000 nơi thờ tự, cũng như một số lượng lớn các ấn phẩm tôn giáo.
Còn trong bài viết “Việt Nam: Thể chế xã hội chủ nghĩa tôn trọng quyền con người” trên báo "Độc lập" của Nga, tác giả Grigory Trofimchuk - chuyên gia phân tích chính trị quốc tế, người đã có nhiều năm nghiên cứu về Việt Nam, nhấn mạnh một trong những khía cạnh khó khăn nhất của vấn đề nhân quyền là tôn giáo. Tại Việt Nam, một nhà nước xã hội chủ nghĩa, đời sống tôn giáo của người dân hoàn toàn cởi mở. Hiện 95% dân số Việt Nam có đời sống tín ngưỡng tôn giáo, thậm chí còn cao hơn ở Nga. Ngoài ra, ở Việt Nam hiện có 43 tổ chức tôn giáo thuộc 16 tôn giáo, với trên 26,5 triệu tín đồ, chiếm 27% dân số cả nước, hơn 54.000 chức sắc, trên 135.000 chức việc và gần 30.000 cơ sở thờ tự. Nhiều loại hình tín ngưỡng, di tích, đồ thờ cúng được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa LHQ (UNESCO) công nhận là Di sản Thế giới. Tác giả nhấn mạnh điều này có vẻ xa lạ đối với một nhà nước chủ nghĩa xã hội, nhưng đó là sự thật tại Việt Nam.
Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo ở Việt Nam
Chuyên gia Trofimchuk đánh giá cao sự đa dạng về loại hình và nội dung của các phương tiện truyền thông tại Việt Nam, với 1 hãng thông tấn quốc gia và 72 cơ quan hoạt động phát thanh, truyền hình với 79 kênh phát thanh và 198 kênh truyền hình. Điều này chứng minh cho quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, thông tin của Việt Nam. Tác giả cũng đề cập tới quyền sống, quyền được tôn trọng nhân phẩm và sự toàn vẹn về thể chất trong những nỗ lực đảm bảo quyền con người ở Việt Nam.
Còn một thực tế không thể phủ nhận là Việt Nam đã luôn chủ động, tích cực và có nhiều đóng góp trong lĩnh vực thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trong khu vực và trên thế giới. Minh chứng rõ nét nhất cho điều đó là mức độ tín nhiệm với tỷ lệ phiếu đồng thuận rất cao khi Việt Nam ứng cử tham gia thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2023 - 2025 và đã có nhiều sáng kiến về bảo đảm quyền con người, quyền lợi của các nước đang phát triển, quyền của các nhóm yếu thế... được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Việt Nam khẳng định nguyên tắc đối thoại, hợp tác, tôn trọng khác biệt; đồng thời nhấn mạnh không có một mô hình chung cho tất cả các nước, mỗi nước tùy theo đặc thù, điều kiện của mình sẽ có con đường phát triển riêng. Thiết nghĩ, đã đến lúc các cơ quan chức năng Mỹ nên chấm dứt những nhận định không khách quan mang tính định kiến và không chính xác về tình hình nhân quyền và tự do tín ngưỡng thực tế tại Việt Nam. Thay vào đó, trao đổi với Việt Nam về những vấn đề mà hai bên cùng quan tâm trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn và tôn trọng lẫn nhau để đóng góp và thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước.
TTXVN
Tác giả: Tuấn Ngọc
Nguồn tin: tuyengiao.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn