Vai trò của công tác lý luận trong xây dựng nhân tố chính trị tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

Thứ ba - 06/08/2024 08:12

Trong suốt quá trình xây dựng, chiến đấu và trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam, công tác lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng, là yếu tố then chốt trong xây dựng nhân tố chính trị tinh thần, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu của Quân đội, góp phần xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức đạo đức và cán bộ, bảo đảm cho Quân đội tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Vai trò của công tác lý luận trong xây dựng nhân tố chính trị tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay

Vai trò của công tác lý luận trong xây dựng nhân tố chính trị tinh thần của Quân đội nhân dân Việt Nam hiện nay được biểu hiện trên một số vấn đề cơ bản sau: 

Một là, công tác lý luận trực tiếp góp phần nâng cao nhận thức cho cán bộ, chiến sĩ về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. 

Trong Quân đội nhân dân Việt Nam, công tác lý luận là một bộ phận hợp thành của Công tác đảng, công tác chính trị, có nhiệm vụ giáo dục, quán triệt chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cho cán bộ, chiến sĩ. C.Mác đã từng nói: “Vũ khí của sự phê phán cố nhiên không thể thay thế được sự phê phán của vũ khí, lực lượng vật chất chỉ có thể bị đánh đổ bằng lực lượng vật chất; nhưng lý luận cũng sẽ trở thành lực lượng vật chất, một khi nó thâm nhập vào quần chúng”[1]. Do vậy, thông qua các hình thức hoạt động phong phú, sinh động, hấp dẫn, công tác lý luận trực tiếp trang bị cho cán bộ, chiến sĩ trong Quân đội những hiểu biết cơ bản về chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; bản chất cách mạng, khoa học và sự vận dụng sáng tạo của Đảng ta trong thực tiễn lãnh đạo cách mạng Việt Nam. Từ đó, nâng cao nhận thức, xây dựng và củng cố niềm tin, làm cho chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh giữ vai trò chủ đạo trong đời sống tinh thần của cán bộ, chiến sĩ. Đồng thời, góp phần quan trọng trong tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, chiến sĩ về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhất là chủ trương phát triển kinh tế - xã hội; kết hợp hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; kinh tế với quốc phòng, an ninh và đối ngoại; xây dựng nền quốc phòng toàn dân với xây dựng nền an ninh nhân dân; giữa độc lập dân tộc với hội nhập quốc tế; các vấn đề về an ninh truyền thống, an ninh phi truyền thống; chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; xây dựng Quân đội nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, lấy xây dựng vững mạnh về chính trị làm cơ sở; xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc trong tình hình mới; chính sách thu hút và trọng dụng nhân tài, chính sách hậu phương Quân đội; Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước… Thông qua đó, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ đối với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội, nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu. 

Hai là, công tác lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, xây dựng và củng cố niềm tin, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân của cán bộ, chiến sĩ. 

Công tác lý luận luôn là một trong những hoạt động có vai trò quan trọng hàng đầu trong sự nghiệp cách mạng của Đảng và trong xây dựng Quân đội “tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại. Theo đó, giáo dục, bồi dưỡng tinh thần yêu nước, xây dựng và củng cố niềm tin, mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, lòng trung thành vô hạn với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân của cán bộ, chiến sĩ, công tác lý luận có vai trò đặc biệt quan trọng. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, giáo dục chính trị cốt là phải giáo dục lòng yêu nước cho cán bộ, chiến sĩ; Người chỉ rõ: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”[2]. Vì vậy, thực hiện chức năng giáo dục chính trị tư tưởng, công tác lý luận giáo dục cho bộ đội hiểu rõ về tình yêu quê hương, đất nước và con người; hướng về nhân dân, lấy nhân dân làm gốc; phải có trách nhiệm bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ quốc gia; ý thức sâu sắc về độc lập dân tộc, lòng tự hào về truyền thống lịch sử vẻ vang của dân tộc, của Đảng, của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng; tự hào về nền văn hóa Việt Nam với những giá trị tinh thần bền vững, sức mạnh trường tồn của dân tộc. 

Mặt khác, thông qua giáo dục “lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa,… nuôi dưỡng ước mơ, hoài bão, khát vọng vươn lên; nêu cao tinh thần trách nhiệm đối với đất nước, với xã hội”[3]. Làm cho cán bộ, chiến sĩ luôn kiên định với mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, lấy mục tiêu cách mạng của Đảng, của dân tộc làm lý tưởng và mục tiêu phấn đấu, coi đó là biểu hiện tập trung của lòng trung thành với Đảng, của đức hiếu với dân; kiên quyết đấu tranh phòng, chống có hiệu quả những biểu hiện phai nhạt, xa rời mục tiêu, lý tưởng chiến đấu, mơ hồ về chính trị; đồng thời, góp phần xây dựng, hoàn thiện và phát triển nhân cách người quân nhân cách mạng, phẩm chất cao đẹp “Bộ đội Cụ Hồ” cho cán bộ, chiến sĩ. 

Ba là, công tác lý luận có vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, làm cơ sở để nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Quân đội. 

Xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là nhân tố quyết định sự trưởng thành và chiến thắng của Quân đội ta. Đánh giá cao vai trò của nhân tố chính trị tinh thần trong quân đội, V.I.Lênin khẳng định: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường”[4]; Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”[5] và “phải tăng cường công tác chính trị, luôn luôn nâng cao trình độ chính trị và giác ngộ giai cấp của bộ đội ta”[6]. Thực chất xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị là giữ vững và tăng cường bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc, đảm bảo cho Quân đội luôn là lực lượng chính trị, lực lượng chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng. Hiện nay, xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị đứng trước thời cơ và thách thức mới, đặt ra yêu cầu ngày càng cao. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng, sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh”[7]. Công tác lý luận trực tiếp góp phần xây dựng nền tảng tư tưởng của Đảng, bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc trong Quân đội, xây dựng hệ thống tổ chức đảng, tổ chức chỉ huy, tổ chức quần chúng, các cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”. Xây dựng, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng chính trị cho cán bộ, chiến sĩ. Nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị định hướng tư tưởng cho bộ đội, công tác bảo vệ bảo vệ an ninh, dân vận và chính sách; phát huy hiệu lực, hiệu quả hoạt động công tác đảng, công tác chính trị trong các nhiệm vụ. 

Quán triệt quan điểm của Đảng về “kết hợp chặt chẽ nghiên cứu lý luận với tổng kết thực tiễn”[8]. Thông qua nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn, tạo cơ sở vững chắc để đề ra biện pháp phù hợp đối với xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nhất là bổ sung và phát triển lý luận bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam tinh nhuệ về chính trị trong điều kiện mới. Đồng thời, “Chủ động nghiên cứu, nắm bắt dự báo đúng tình hình, không để bị động, bất ngờ”[9]; từ đó, tham mưu với Đảng, Nhà nước hoạch định chủ trương, đường lối, đối sách, chiến lược bảo vệ Tổ quốc “từ sớm, từ xa”, xử lý kịp thời, hiệu quả các tình huống, không để bị động, bất ngờ; ngăn chặn, đẩy lùi, hóa giải các nguy cơ bất lợi cả ở bên trong và bên ngoài, bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, biên giới, biển đảo, tạo môi trường hòa bình, ổn định để xây dựng và phát triển đất nước. 

Bốn là, công tác lý luận trực tiếp góp phần xây dựng, củng cố hệ thống cấp ủy, tổ chức đảng các cấp và Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh, mẫu mực, tiêu biểu về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. 

Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Đảng cần phải giáo dục và yêu cầu đảng viên ra sức học tập lý luận, mở rộng tự phê bình và phê bình, đấu tranh với những tư tưởng “phi vô sản”. Đảng phải chống cái thói xem nhẹ học tập lý luận. Vì không học lý luận thì chí khí kém kiên quyết, không trông xa thấy rộng, trong lúc đấu tranh dễ lạc phương hướng, kết quả là “mù chính trị”, thậm chí hủ hóa, xa rời cách mạng”[10]. Thông qua học tập, nghiên cứu lý luận sẽ góp phần trang bị cho cán bộ, đảng viên tinh thần, cách thức và phương pháp xử lý công việc; cán bộ, đảng viên có lý luận soi đường sẽ hành động đúng, trở thành những cán bộ, đảng viên tốt, sẽ hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; đội ngũ cấp ủy viên, cán bộ chủ trì lãnh đạo, chỉ huy các cấp tự giác, nêu gương tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, lối sống xã hội chủ nghĩa; hình ảnh, phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” tiếp tục được giữ vững và làm sâu sắc hơn trong lòng nhân dân. 

Cùng với đó, công tác lý luận góp phần quan trọng vào việc xác định đúng chủ trương, biện pháp lãnh đạo của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp trong Đảng bộ Quân đội; quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm đường lối chính trị, quân sự của Đảng; giữ vững và chấp hành nghiêm nguyên tắc Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với Quân đội. Xây dựng, củng cố các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh về tổ chức, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu; chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình, nội bộ đoàn thống nhất. Mặt khác, thông qua nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn về cán bộ và công tác cán bộ, góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội đủ về số lượng, có cơ cấu hợp lý, chất lượng cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính tinh nhuệ, hiện đại. 

Năm là, công tác lý luận giữ vai trò đặc biệt quan trọng trong bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, “phi chính trị hóa” Quân đội. 

Ngày nay, bước sang thời kỳ mới, toàn Đảng, toàn quân tiếp tục thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới vì mục tiêu dân giầu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Nhưng sự nghiệp đó đang diễn ra trong điều kiện cuộc đấu tranh giữa ta và địch trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận hết sức gay go và quyết liệt. Các thế lực thù địch, phản động tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam; phủ nhận những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước. Đẩy mạnh hoạt động xuyên tạc lịch sử; lợi dụng các sự kiện chính trị quan trọng liên quan đến các vấn đề tranh chấp chủ quyền trên biển Đông, ô nhiễm môi trường, hay những vấn đề liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta, tung tin thất thiệt trên các trang mạng xã hội gây hoang mang trong dư luận, tạo nên sự hiểu nhầm của người dân, sự hoài nghi vào cấp ủy, chính quyền các cấp... Trong hoạt động chống phá Quân đội, các thế lực thù địch, phản động đặc biệt coi trọng thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” Quân đội. Chúng tăng cường xuyên tạc đường lối, chủ trương của Đảng, chia rẽ Đảng với Quân đội, hạ thấp vai trò công tác đảng, công tác chính trị; đồng thời, tấn công vào đạo đức, lối sống của cán bộ, chiến sĩ, từ đó tác động làm suy yếu chính trị cách mạng của Quân đội, nhất là việc truyền bá dần lối sống thực dụng, chạy theo đồng tiền, chạy theo những thị hiếu thấp hèn, thờ ơ trước các vấn đề chính trị - xã hội... Do vậy, công tác lý luận lại càng giữ vai trò đặc biệt quan trọng. 

Công tác lý luận giữ vai trò tiên phong trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội, giữ vững trận địa tư tưởng của Đảng trong toàn quân. Đấu tranh tư tưởng, lý luận, trước hết nhằm khẳng định và bảo vệ chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, truyền thống tốt đẹp của dân tộc. Đa dạng hóa các hình thức đấu tranh trên cơ sở giữ vững quan điểm và nguyên tắc; mềm dẻo, linh hoạt, nhân văn trong phương pháp, công khai, minh bạch, dân chủ, góp phần tạo dư luận xã hội lành mạnh, đồng thuận. Mặt khác, công tác lý luận chủ động phê phán, bác bỏ các quan điểm sai trái, thù địch. Tuyên truyền, giáo dục nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng cho cán bộ, chiến sĩ, làm cho cán bộ, chiến sĩ hiểu rõ âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, “phi chính trị hóa” Quân đội; đối tượng, đối tác của cách mạng Việt Nam; đối tượng tác chiến của Quân đội; từ đó tạo khả năng “miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ trước các thông tin xấu độc, cũng như tăng cường sức “đề kháng” để chủ động tiến công, kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng với hoạt động chống phá của các thế lực thù địch. 

Sáu là, công tác lý luận góp phần quan trọng trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tham nhũng và tiêu cực. 

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đánh giá: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, ngại khó, ngại khổ, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”… Công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí ở một số địa phương, bộ, ngành chưa có chuyển biến rõ rệt; công tác phòng ngừa tham nhũng ở một số nơi còn hình thức”[11]. Trong Quân đội, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” tuy chưa có biểu hiện rõ nét, phạm vi không rộng, tính chất chưa nghiêm trọng, song nó đang hiện hữu và ảnh hưởng trực tiếp đến việc giữ vững bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc; mục tiêu, lý tưởng chiến đấu của Quân đội. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI đã chỉ rõ: “Chủ động đấu tranh phòng, chống những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ”[12]. Vì vậy, cùng với đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối đổi mới của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước làm cho cán bộ, chiễn sĩ thấm nhuần chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, hiểu rõ cơ sở lý luận, thực tiễn của đường lối đổi mới; khơi dậy ý chí tự cường, tự tôn dân tộc. Cần phát huy tốt vai trò của công tác lý luận trong ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; tham nhũng và tiêu cực. 

Công tác lý luận trực tiếp góp phần định hướng tư tưởng, hướng dẫn hành động, nâng cao khả năng “đề kháng” của bộ đội trước những tác động tiêu cực của kinh tế thị trường, toàn cầu hóa, âm mưu, thủ đoạn “phi chính trị hóa” Quân đội của các thế lực thù địch. Phát huy vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng; hiệu lực quản lý, điều hành của chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy; vai trò tham mưu, hướng dẫn của cơ quan chính trị các cấp trong phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Bên cạnh đó, công tác lý luận góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả tự phê bình và phê bình; xây dựng đội ngũ cán bộ Quân đội vững mạnh, có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, Tổ quốc và nhân dân; có phẩm chất đạo đức trong sáng, lối sống trong sạch, lành mạnh. Phát huy nhân tố tích cực, đẩy lùi tiêu cực, lạc hậu; đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, quan liêu, tham nhũng và các biểu hiện tiêu cực.

Thượng tướng, PGS.TS Nguyễn Văn Thành
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng Lý luận Trung ương

______________
[1] C.Mác và Ph.Ăngghen, Toàn tập, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 1995, tr.580.

[2] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 3, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.259.

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.143.

[4] V.I. Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.147.

[5] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.217.

[6] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.29.

[7] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.160.

[8] Bộ Chính trị, Nghị quyết số 37-NQ/TW, ngày 09/10/2014 của Bộ Chính trị “Về công tác lý luận và định hướng nghiên cứu đến năm 2030”, Hà Nội.

[9] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.98.

[10] Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 8, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2011, tr.280.

[11] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia - Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.92.

[12] Tổng cục Chính trị, Tài liệu nghiên cứu, học tập, quán triệt Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ Quân lần thứ XI,  nhiệm kỳ 2020 - 2025 (Dùng cho cán bộ, đảng viên trong Đảng bộ Quân đội)”, Hà Nội, 2021, tr.51.

Tác giả: Tuấn Ngọc

Nguồn tin: hdll.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 130 trong 26 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 26 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây