Việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là lời khẳng định đanh thép, đập tan các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các đối tượng, các tổ chức phản động, thù địch ở trong và ngoài nước đang cố tình phủ nhận thành quả của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người.
Ngày 11/10 vừa qua, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Mỹ), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã bầu 14 quốc gia làm thành viên Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023 – 2025, trong đó có Việt Nam. Việt Nam nhận được 145/189 phiếu tán thành, chiếm gần 80% và thuộc nhóm nhận được sự ủng hộ cao nhất. Sự kiện này đã ghi thêm một dấu ấn, một thắng lợi mới trên lĩnh vực ngoại giao, đồng thời cũng khẳng định được uy tín và vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, các đối tượng phản động, thù địch đã lợi dụng sự kiện này để liên tục xuyên tạc, phản đối, tìm mọi cách hạ thấp uy tín của Việt Nam cả trước, trong và sau khi diễn ra sự kiện này. Đây là thủ đoạn cần được nhận diện và đấu tranh phản bác mạnh mẽ.
Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là kết quả hoàn toàn khách quan
Thời gian qua, vào trước thời điểm bỏ phiếu, các tổ chức phản động như Việt Tân và một số tổ chức nhân quyền, liên minh các nhóm nhân quyền phi chính phủ thuộc châu Âu, Canada, Hoa Kỳ đã liên tục chống phá qua nhiều kênh thông tin, bằng nhiều cách thức tiếp cận khác nhau. Ngày 3/10/2022, đại diện của tổ chức khủng bố Việt Tân (Hoàng Tứ Duy) đã lên tiếng trong buổi họp báo do UN Watch tổ chức, phản đối mạnh mẽ việc Việt Nam tham gia là thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc, cho rằng Việt Nam không xứng đáng với vai trò này. Ngày 4/10/2022, 8 tổ chức nhân quyền đã đề nghị Liên hợp quốc không cho Việt Nam vào Hội đồng nhân quyền. Ngày 8/10/2022, một liên minh các nhóm nhân quyền phi chính phủ từ châu Âu, Hoa Kỳ, Canada đồng thanh kêu gọi các quốc gia là thành viên Liên hợp quốc bác tư cách ứng cử vào Hội đồng nhân quyền của Việt Nam. Không chỉ vậy, nhiều trang cá nhân của các đối tượng chống đối, phản động cũng đồng loạt lên tiếng với thái độ “chế giễu”, xuyên tạc, bôi nhọ về vị thế của Việt Nam, cho rằng việc Việt Nam tham gia vào Hội đồng nhân quyền là vô lý, cho rằng Việt Nam đã vi phạm nghiêm trọng về nhân quyền, do đó không xứng đáng để tham gia vào Hội đồng nhân quyền của Liên hợp quốc.
Với các luận điệu này, trước hết cần khẳng định việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc là kết quả hoàn toàn khách quan, công tâm, phản ánh tính tất yếu của quá trình vận động, kiến tạo và nỗ lực đóng góp của Việt Nam vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc. Việt Nam trúng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc với số phiếu đồng thuận cao, sự đánh giá tích cực của báo chí nước ngoài cũng như sự ủng hộ, ghi nhận và kỳ vọng của cộng đồng quốc tế với những đóng góp quan trọng của Việt Nam vào thúc đẩy quyền con người trên thế giới.
Có thể thấy, với vai trò là thành viên Hội đồng bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021 và trở thành thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025, Việt Nam ngày càng củng cố thêm uy tín và vị thế của mình trên trường quốc tế, cho thấy sự nỗ lực, sáng tạo trong tư duy chiến lược cũng như tính hiệu quả của đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta những năm gần đây. Điều này cũng lan toả và truyền tải thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh con người, đất nước Việt Nam yêu chuộng hoà bình, đề cao các giá trị nhân văn và nhân đạo, đồng thời giúp truyền tải chính xác, đúng đắn hơn về chủ trương, chính sách và thành tựu trong đảm bảo quyền con người ở nước ta.
Quan điểm của Đảng và Nhà nước ta luôn nhất quán xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Việc bảo vệ quyền con người luôn được lồng ghép, cụ thể hoá trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời cũng được thể chế hoá trong Hiến pháp và pháp luật. Theo đó các quyền con người, quyền công dân về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật.
Dư luận trong nước và quốc tế ủng hộ Việt Nam trong vai trò mới
Thực tế thời gian qua cho thấy, Việt Nam hoàn toàn xứng đáng và có thể làm tốt bất cứ vai trò quốc tế quan trọng nào. Việt Nam đã từng trúng cử và đã hoàn thành tốt vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2014-2016. Việt Nam đã hai lần trúng cử là Uỷ viên không thường trực chính thức của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiệm kỳ 2020 – 2021). Kể từ khi chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc vào tháng 9/1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hoà bình, phát triển và bảo đảm quyền con người. Hiện nay, Việt Nam là điều phối viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại Hội đồng Nhân quyền. Việt Nam cũng đã hoàn thành Báo cáo quốc gia theo cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát (UPR) chu kỳ 2 của Hội đồng nhân quyền và đang tiến hành những khuyến nghị cho UPR chu kỳ 3. Việc Việt Nam quan tâm đến các công ước quốc tế về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người cũng đã tạo ấn tượng sâu đậm tới cộng đồng quốc tế về nỗ lực đóng góp nâng cao đảm bảo quyền con người ở Việt Nam hiện nay.
Không chỉ dư luận nhân dân trong nước ủng hộ, tự hào mà các cơ quan báo chí nước ngoài cũng đưa tin bài, thể hiện sự ủng hộ Việt Nam trong vai trò thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc. Báo Washington Times ngày 21/9/2022 đã đăng bài viết trong đó ủng hộ Việt Nam ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 – 2025. Bài viết cho thấy Việt Nam tiếp tục được đánh giá cao tại Liên hợp quốc với việc cử cán bộ tham gia Phái bộ gìn giữ hoà bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi, là thành viên tích cực trong các cuộc đàm phán nhằm đạt được các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc. Hơn nữa, cuộc chiến chống đại dịch COVID – 19 của Việt Nam cũng ghi nhận nhiều kết quả. Việt Nam đã hỗ trợ hiệu quả cho một số quốc gia về điều kiện, cơ sở vật chất để phòng chống dịch. Bài viết tổng kết rằng, kể từ khi chính thức trở thành thành viên Liên hợp quốc vào tháng 9/1977, Việt Nam đã đóng góp hiệu quả vào hoạt động của Liên hợp quốc trong xây dựng hòa bình, phát triển và đảm bảo quyền con người.
Theo bà Caitlin Wiesen, Nguyên trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, một trong những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người là công cuộc xóa đói giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Không phải ngẫu nhiên Việt Nam được Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tín cử là đại diện cho Khối tham gia ứng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025.
Có thể thấy rằng, việc Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 có ý nghĩa rất quan trọng, là lời khẳng định đanh thép, đập tan các luận điệu xuyên tạc, chống phá của các đối tượng, các tổ chức phản động, thù địch ở trong và ngoài nước đang cố tình phủ nhận thành quả của Việt Nam trong việc thúc đẩy quyền con người.
Sự kiện này một lần nữa khẳng định cho ý chí, quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước ta về coi trọng và phát huy hiệu quả nhân tố con người trong phát triển đất nước, đồng thời khẳng định tính đúng đắn trong đường lối đối ngoại của Đảng ta trong tình hình mới. Với sự đồng thuận và phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước, cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam chắc chắn sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng nhân quyền, chung tay với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hoà bình, đảm bảo quyền con người trong xã hội.
ThS. Bùi Thị Liên-Học viện An ninh Nhân dân
Tác giả: Lam Lê (Tổng hợp)
Nguồn tin: dangcongsan.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn