Nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ bản thân cho phụ nữ

Thứ tư - 22/11/2023 09:33

Bạo lực gia đình (BLGĐ) vẫn luôn là một vấn đề nhức nhối và đáng báo động trong xã hội. Trong khi đó, phụ nữ bị BLGĐ phần lớn là do thiếu kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, nhất là những phụ nữ có trình độ dân trí thấp, ở vùng sâu, vùng xa... Do đó, phụ nữ cần tăng cường hơn nữa việc trang bị những kiến thức cần thiết cũng như cách tự bảo vệ khi xảy ra hành vi bạo lực.

Nâng cao năng lực, kỹ năng bảo vệ bản thân cho phụ nữ

 Những quan điểm có hại khiến bất bình đẳng giới vẫn tồn tại

Từ thời phong kiến, bất bình đẳng giới, BLGĐ vốn đã tồn tại trong nhiều gia đình với tư tưởng trọng nam, khinh nữ. Người phụ nữ chỉ ở nhà lo chuyện bếp núc, sống phải nhìn “sắc mặt” của chồng nên họ dễ trở thành nạn nhân của BLGĐ; thậm chí có thể bị đem ra mua bán, trao đổi như một món hàng.

Trải qua bao nhiêu năm sau, khi xã hội đã phát triển hơn rất nhiều nhưng đáng buồn là vấn đề BLGĐ vẫn nhức nhối, nan giải. Hàng loạt các vụ bạo lực gia đình đau lòng vẫn xảy ra trong thời gian qua khiến dư luận bàng hoàng, bức xúc, mặc dù ở nước ta Luật Phòng, chống bạo lực gia đình đã có hiệu lực từ tháng 7/2008.

Chị Bàn Thị Hoa, dân tộc Dao, xã Ba Vì (huyện Ba Vì, Hà Nội) chia sẻ: Tôi thấy đa số các bà, các mẹ bị ảnh hưởng nặng tư tưởng phong kiến. Họ luôn quan niệm vợ chồng “đóng cửa bảo nhau”, rồi âm thầm, nhẫn nhịn chịu đựng khi bị bạo lực, dần dần trở thành nạn nhân của BLGĐ trong một xã hội hiện đại. Do vậy, BLGĐ, bất bình đẳng giới vẫn tồn tại.

Đúng thế, ở Việt Nam, vấn đề BLGĐ vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo Điều tra quốc gia về Bạo lực đối với phụ nữ (2019), cứ 3 phụ nữ thì có gần 2 phụ nữ (62,9%) từng chịu ít nhất một hình thức bạo lực thể xác, tình dục, tinh thần hay kinh tế, hay kiểm soát hành vi do chồng/bạn tình gây ra trong đời.

Trong xã hội Việt Nam, bạo lực thường bị giấu kín với 90,4% phụ nữ bị bạo lực không tìm kiếm sự giúp đỡ từ chính quyền và một nửa trong số họ không bao giờ kể với bất kỳ ai về việc họ bị bạo lực.

Điều này không chỉ ảnh hưởng đến bản thân người phụ nữ mà còn gây ra những hệ quả về kinh tế - xã hội. Bởi theo số liệu từ các cuộc điều tra xã hội học gần đây cho thấy, có 30% số hộ gia đình tham gia trả lời cho biết trong 12 tháng gia đình họ đã xảy ra ít nhất một hành vi được xác định là hành vi BLGĐ theo quy định của pháp luật. BLGĐ gây thiệt hại 1,78% GDP mỗi năm… 

Trong khi đó, ngày nay, trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ có việc làm ổn định, có thu nhập để tự nuôi sống bản thân, gia đình và có những vị trí cao trong xã hội nên họ ít bị lệ thuộc vào nam giới. Nhưng như thế không hẳn là không còn tình trạng BLGĐ. Hành vi BLGĐ không còn gói gọn trong việc đánh đập về thể chất mà còn bạo lực về tinh thần, bạo lực về kinh tế hay bạo lực về tình dục...

Bởi ngay trong xã hội hiện đại, nhiều người phụ nữ thành đạt trở thành lãnh đạo, chủ doanh nghiệp, hoặc làm công tác xã hội và đoàn thể, nhưng tại nhiều gia đình gặp phải sự phản kháng từ phía người chồng, với quan niệm truyền thống mang tính gia trưởng, người chồng phải làm chủ gia đình. Người vợ thành đạt như vậy sẽ làm cho người chồng tự ti, mặc cảm, không chấp nhận sự thành đạt của vợ và hệ quả là dần dần dẫn đến xung đột, mâu thuẫn, rạn nứt trong gia đình.

Có một điều đáng buồn khác đó là kết quả điều tra quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ do Tổng cục Thống kê thực hiện theo yêu cầu của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết, có 35,9% phụ nữ Việt Nam quan điểm ủng hộ việc nam giới là người ra quyết định và là chủ gia đình. Phụ nữ ở nông thôn, miền núi ủng hộ quan điểm này nhiều hơn so với phụ nữ ở thành thị. Nhóm phụ nữ không được đi học hoặc có trình độ học vấn thấp thường đồng tình với quan điểm có hại này.

Nâng cao vị thế và tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và xã hội

Thực tế đã chỉ ra phụ nữ bị BLGĐ phần lớn là do thiếu kiến thức về pháp luật, đặc biệt là kiến thức về Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới.

Trong khi đó, BLGĐ là một tệ nạn, hệ lụy của nó khủng khiếp và khó có thể lường trước. Thế nên, để phòng chống BLGĐ có hiệu quả thì không gì hơn việc có một công cụ pháp lý chi tiết và bao trùm nhất với nguyên tắc xuyên suốt là “lấy người BLGĐ là trung tâm” để có thể để ngăn chặn BLGĐ từ trong trứng nước.

Chính vì vậy, những năm qua, Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, địa phương đã quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện công tác phòng, chống BLGĐ, bình đẳng giới, giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình... bằng nhiều hình thức từ ban hành các văn bản pháp lý đến đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong các tầng lớp Nhân dân, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng sa, vùng dân tộc thiểu số...

Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022 được Quốc hội khóa XV thông qua tại Kỳ họp thứ 4 ngày 14/11/2022, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2023, gồm 6 chương, 56 điều, tăng 10 điều so với Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2007, trong đó có một số điểm mới như: Luật tiếp cận dựa trên quyền con người và lấy người bị BLGĐ làm trung tâm để sửa đổi, bổ sung các hành vi bạo lực gia đình; nhóm đối tượng được áp dụng tương tự…

Hay theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 9 Luật Phòng, chống BLGĐ năm 2022, người bị BLGĐ được cung cấp dịch vụ trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật. Tại Điều 7 Luật Trợ giúp pháp lý năm 2017 quy định nạn nhân BLGĐ có khó khăn về tài chính được trợ giúp pháp lý...

Hiện cả nươc đang triển khai thực hiện Tháng hành động vì Bình đẳng giới năm 2023 do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phát động có chủ đề “Đảm bảo an sinh xã hội, tăng quyền năng và tạo cơ hội cho phụ nữ và trẻ em gái nhằm thực hiện bình đẳng giới, xóa bỏ bạo lực trên cơ sở giới”, bắt đầu từ ngày 15/11 đến 15/12/2023.

Theo các chuyên gia về gia đình, việc phụ nữ chủ động trang bị kiến thức, kỹ năng, tích cực học hỏi, nỗ lực nâng cao trình độ công nghệ, trình độ ngoại ngữ... để thích ứng trước những đòi hỏi của việc làm chất lượng cao và sự dịch chuyển lao động trong kỷ nguyên công nghệ số chính là góp phần nâng cao vị thế và tiếng nói của phụ nữ trong gia đình và xã hội, làm giảm tình trạng BLGĐ hiện nay...

Đồng thời hãy biết lên tiếng để tìm sự trợ giúp của mọi người, của các cơ quan đoàn thể, chính quyền địa phương để được tư vấn bảo vệ. Các nạn nhân có thể gọi cho Tổng đài Quốc gia bảo vệ trẻ em 111 để được tư vấn và hỗ trợ khi cần thiết...

Nam Khánh

Tác giả: Tô Ngân

Nguồn tin: dangcongsan.vn

Tổng số điểm của bài viết là: 110 trong 22 đánh giá

Xếp hạng: 5 - 22 phiếu bầu
Click để đánh giá bài viết

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây